Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Tượng đài dũng cảm của tiểu đội nữ dân quân Huế
16:11 | 05/11/2013

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có biết bao tấm gương anh dũng quả cảm của phụ nữ Việt Nam, 11 cô gái Sông Hương là một tập thể kiên cường chiến đấu, lập nên chiến công vang dội trong Chiến dịch Mậu Thân 1968. Các bà được Bác Hồ khen ngợi và được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân…

Tượng đài dũng cảm của tiểu đội nữ dân quân Huế

Danh tiếng 11 cô gái Sông Hương được nhân dân cả nước và bạn bè năm châu ái mộ. 45 năm đã trôi qua, dẫu các bà người còn, người mất nhưng mãi được nhân dân thành phố Huế tôn vinh là tượng đài của lòng dũng cảm, ý chí kiên cường của đất Cố Đô.

11 cô gái Sông Hương là tiểu đội dân quân mang tên “Thiên Thủy” của xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Chiến dịch Mậu Thân 1968, tiểu đội của các bà được cấp trên giao nhiệm vụ dẫn đường đưa bộ đội vào tiến công các mục tiêu của địch ở bờ Nam thành phố Huế. Để hoàn thành nhiệm vụ, các bà đã đi trinh sát, điều tra nắm tình hình cả tháng trời, thuộc lòng đường đi lối về dẫn đến các mục tiêu.

Đêm 30 Tết, tiểu đội 11 cô gái Sông Hương chia làm 3 tổ, dẫn ba cánh quân tiến vào thành phố Huế. Tiếng súng tiến công của quân và dân thành phố nổ vang trời. Mỹ, ngụy bị bất ngờ không kịp trở tay. Ít giờ sau, Quân Giải phóng đã làm chủ thành phố. Cờ Giải phóng tung bay trên đỉnh Phu Văn Lâu, nóc Dinh Tỉnh trưởng và khắp các nẻo đường. Địch phản công dữ dội với lực lượng lớn gồm xe tăng, thiết giáp từ Phú Bài về, trên bầu trời máy bay quần đảo ầm ầm. Vừa làm nhiệm vụ dẫn đường, vừa tải thương, các bà vừa trực tiếp cầm súng đánh giặc.

Không chiến hào, các bà dàn trận trên phố phường, lợi dụng nhà dân để đánh địch. 5 giờ 30 ngày 12/2/1968, 10 chiếc xe tăng cùng một tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ hung hãn tiến vào thành phố. Các bà chia làm 3 tổ chốt chặn địch tại Xuân Phú, chợ Cống và làm mục tiêu nghi binh. Tiểu đội nữ dân quân Thiên Thủy cùng Quân Giải phóng chiến đấu dũng cảm suốt 25 ngày đêm giữa lòng thành phố Huế, đánh bật, tiêu diệt nhiều tên Mỹ, ngụy và xe tăng địch.

Trong trận chiến đấu không cân sức ấy, ngay ngày đầu bà Hoàng Thị Sáu, Đỗ Thị Hoa đã anh dũng hi sinh. Sau đó, thêm 2 đồng đội là Hoàng Thị Xuân và Nguyễn Thị Diên hi sinh. Gian khổ, hiểm nguy, mất mát, nhưng Tiểu đội vẫn kiên cường bám trận địa, “xuất quỷ, nhập thần” đánh địch thất điên bát đảo bằng tinh thần mưu trí, táo bạo, bất ngờ. Tiếp theo lại có bà Đồng Thị Cúc và Tiểu đội trưởng Phạm Thị Liên hi sinh tại phường Kim Long. Sau 25 ngày đêm làm chủ thành phố Huế, các lực lượng của ta được lệnh rút quân ra khỏi thành phố, tiếp tục ém quân, mai phục, chờ thời cơ…

11 cô gái Sông Hương đã được Bác Hồ gửi thư khen ngợi: “Dõng dạc trong tay khẩu súng trường/ Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường/ Bác khen các cháu dân quân gái/ Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương”.

Sau ngày giải phóng, Tiểu đội nữ dân quân Thiên Thủy còn 5 người. Mỗi người tham gia một vị trí công tác. Tôi tìm gặp bà Hoàng Thị Nở tại ngôi nhà giản dị giữa thành phố Huế, nay bà đã nghỉ hưu sau hơn 17 năm làm Chủ tịch Hội Nông dân thành phố. Phát huy ý chí dũng cảm, kiên cường, năng động, sáng tạo trong chiến đấu vào nhiệm vụ mới, bà đóng góp nhiều công sức cho công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế vùng ven đô, phục hồi và mở rộng vùng chuyên canh trồng cây đặc sản địa phương như thanh trà, măng cụt… Bà Hoàng Thị Nở 65 tuổi đời, 45 năm tuổi Đảng, là hội viên gương mẫu, tích cực của Hội Cựu chiến binh thành phố. Bà cùng chồng là Trung tá, CCB Nguyễn Công Sanh luôn gương mẫu đi đầu trong mọi công tác xã hội, giúp đỡ những cảnh đời đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa.

Nói về đồng đội còn sống, bà Nở cho hay: “Các bà Hoa, Mừng, Hợi đều sinh sống ở Huế; riêng bà Nguyễn Thị Xê theo chồng về tỉnh Ninh Bình nên ít khi gặp. Chúng tôi vẫn sống nghĩa tình, gắn bó, thủy chung với nhau như thuở nào”.

Sau 38 năm đất nước thống nhất, những người còn sống của Tiểu đội Thiên Thủy chỉ gặp nhau được 4 lần. Bà Nở nhớ mãi dịp năm 2009, lãnh đạo Nhà máy in Quân đội I (Tổng cục Chính trị) tổ chức đưa các bà ra thăm miền Bắc và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ai cũng trào nước mắt khi được thắp nén hương thơm kính cẩn bên bàn thờ Bác, nghẹn ngào xúc động: “Bác ơi! Thế là chị em chúng con đã thỏa lòng mong ước… “.

Theo  Kim Hoa
 

Các bài mới
Các bài đã đăng