Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Phận người xa xót ở 'vương quốc cõi âm'
16:22 | 06/11/2013

Đằng sau lối sống xa hoa và những ngôi mộ hoành tráng bậc nhất Việt Nam của làng 'ăn xin' (An Bằng thuộc xã Vinh An, huyện Phú Vang - tỉnh Thừa Thiên - Huế) là những câu chuyện 'cười ra nước mắt' không phải ai cũng biết

Phận người xa xót ở 'vương quốc cõi âm'
Biệt thự cõi âm dọc biển Thuận An.

Thuở xưa, đây là một vùng đất nghèo, người dân khốn khó đến nỗi phải bỏ xứ dắt díu nhau đi ăn xin, làng vụt trở nên giàu có và nổi tiếng là “vương quốc cõi âm” của Việt Nam.

Biệt thự cõi âm

Làng An Bằng nằm cách trung tâm Huế khoảng 40km hướng về phá Tam Giang, từ lâu đã nổi danh là “thành phố lăng mộ” xa hoa vào bậc nhất nước ta, với những khu lăng mộ đồ sộ, trải dài hơn 2km và rộng hơn 500m.

Biết chúng tôi về tìm hiểu khu “biệt thự của người chết”, bà Nguyễn Thị Lường, một người bán nước ở đầu làng nhanh nhảu: “Chu cha, làng đó giàu lắm, toàn Việt kiều không à. Có nhiều tiền nên người ta xây dựng nhà cửa và lăng mộ cho ông bà, cha mẹ đẹp ghê lắm. Tính sơ sơ khu lăng mộ phải có mấy ngàn cái lăng, mà cái mô cũng vài trăm triệu đến vài tỷ đồng cả”.

Trải dài trước tầm mắt chúng tôi là những “đám nấm” kiến trúc khổng lồ đủ màu, đủ cỡ mọc lên trùng điệp dọc theo bờ biển. Những ngôi mộ không nằm tách biệt trên các sườn đồi hoặc xa khu dân cư, mà nằm xen lẫn với những ngôi nhà của người sống.

Ông Trương Văn Minh, một cao niên ở làng An Bằng cho biết, trong khoảng thời gian dài  từ 1975-1989, cuộc sống của người dân nơi đây rất khó khăn nên không phải người đã khuất nào cũng được “mồ yên, mả đẹp”. Phải đến những năm đầu thập niên 90, khi Nhà nước cho người Việt định cư ở Mỹ gửi tiền, hàng về giúp đỡ người thân trong nước thì phong trào xây lăng mộ hoành tráng cho ông bà, tổ tiên mới bắt đầu rộ lên.

Những ngôi mộ nhỏ, bạc màu thời gian ở khu nghĩa địa này được con cháu sửa sang, cơi nới. Có lăng vừa xây xong đã bị đập xây lại vì... không bằng người ta. “Những năm gần đây, nhiều ngôi mộ trên 1 tỷ đồng xuất hiện như nấm sau mưa. Như ngôi mộ của họ Trương ngay đầu nghĩa địa mấy năm trước đã ngốn hết xấp xỉ 1,5 tỷ, hay lăng mộ họ Nguyễn hơn 1 tỷ đồng chẳng hạn. Số tiền đó nếu đem xây nhà cho người sống thì cũng thuộc hàng biệt thự” - ông Minh tiếc rẻ.

Cách đây hơn 8 năm, anh Lê Minh Th. từ nước Mỹ xa xôi trở về mang theo một cục tiền Mỹ. Sau một cuộc họp bàn gia đình vội vã, anh quyết định sửa sang lăng mộ cho ông bà nội cho “bằng chị, bằng em”. Anh Lê Minh T., anh trai của anh Th. được đề cử đứng ra lo toan việc xây dựng với yêu cầu lăng của gia đình phải đẹp, hoành tráng và độc đáo.

Trước áp lực gia đình, anh T. đã “khăn gói quả mướp” đi từ Nam chí Bắc cóp nhặt những kiến trúc đặc sắc về xây dựng lăng mộ của ông bà mình. Kết quả, khu lăng mộ hình chóp phỏng theo kiến trúc cổ điển của châu Âu đẹp lộng lẫy ra đời, khiến cả làng ai cũng “ngả mũ kính chào”.

Cách khu lăng mộ của gia đình anh Th. không xa là khu lăng mộ đồ sộ của gia đình bà Nguyễn Thị M. với kiểu kiến trúc pha trộn giữa Đông và Tây, nằm trên diện tích đất rộng gần 200 mét vuông. Nghe đâu để xây dựng “ngôi biệt thự” này, những người con của bà M. phải bỏ ra sơ sơ gần 70.000 USD.

Đáng nói hơn, nhiều người xây lăng mộ cho cha mẹ mình chi phí hết hai, ba trăm triệu thậm chí cả tỷ đồng, lăng vẫn còn mới và đẹp, nhưng gia chủ đã thuê người phá bỏ đi để xây lại lăng mới to đẹp hơn, chỉ vì lăng cũ... “nhỏ và xấu hơn so với người ta”.

Người làng An Bằng cho đến nay vẫn cứ truyền tai nhau chuyện dòng họ Lê phá lăng cũ xây lăng mới trị giá hơn 150.000 USD, rồi gia đình ông Nguyễn Văn V. chuẩn bị thuê người đập bỏ lăng cũ để xây lăng mới, với kinh phí dự trù lên tới gần 50.000 USD...

Một chuyện nghe có vẻ khác thường nhưng lại rất... bình thường ở ngôi làng này, đó là việc người ta xây lăng trước để khi nhà có người chết không phải lo tiền xây lăng nữa.

Theo phong tục của người dân An Bằng nói riêng và người dân Thừa Thiên - Huế nói chung, sau khi người đã khuất được chôn cất, nếu trong vòng 50 ngày mà không xây được lăng thì phải đợi đến 3 năm sau mới được phép xây. Vì vậy, nhiều gia đình có điều kiện đã xây lăng mộ cho cha mẹ, ông bà mình ngay cả khi họ còn sống.

Bà Trịnh Thị L. (65 tuổi), người có chồng và ba người con định cư ở Mỹ, đã được lo nơi yên nghỉ hoành tráng không kém những người hàng xóm, mặc dù bà còn rất khỏe. Mỗi khi hoàng hôn buông xuống, người dân thường thấy bà L. dạo bước ra khu nghĩa địa ngắm nhìn và lau dọn nơi “yên giấc ngàn thu” của mình.

Bà L. tâm sự: “Thương mẹ cả đời vất vả, những đứa con của tôi đã chung nhau xây dựng khu lăng này để báo hiếu cho mẹ. Mặc dù hơi tiếc tiền nhưng bù lại tôi được nở mặt nở mày với họ mạc”.

Theo nhiều người dân cho biết, việc người người, nhà nhà ở An Bằng đua nhau xây - đập - xây những ngôi mộ tiền tỷ nhằm mục đích báo hiếu công đức tổ tiên, cha mẹ thì ít mà chủ yếu là để thể hiện sự giàu có của dòng họ mình thì nhiều.

Cứ như thế, hàng ngàn công trình lăng mộ với những cột trụ, tháp chuông cao chọc trời cứ đua nhau mọc lên. Nhiều ngôi mộ diện tích lên tới cả ngàn mét vuông, có cả điện thắp sáng, có nhà vệ sinh cùng cách thiết kế như lăng mộ vua chúa, cũng tam quan với mái ngói lưu ly, câu đối, bia đá, trụ biểu.

Nỗi khổ trần gian

Trong khi nhiều người khá giả làng tỷ phú An Bằng thi nhau đổ hàng núi tiền xây biệt thự rồi bỏ hoang và xây lăng mộ xa hoa, đâu đó vẫn còn hiện hữu những mảnh đời nghèo khó.

Theo sự chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Văn Sang. Tên là Sang nhưng cuộc sống của lão ngư này lại vô cùng nghèo túng.

Năm nay vừa bước qua tuổi 48, tài sản của ông Sang là ngôi nhà tôn thấp lè tè, cũ nát và 5 đứa con. Đứa lớn nhất đang phụ người ta bán cà phê ở thành phố Huế, còn đứa út đang học lớp 3 trường làng. Công việc chính của ông là đánh bắt cá trên biển. Thế nhưng, vài năm trở lại đây lượng thủy sản ngày càng ít đi, cộng với giá xăng dầu ngày càng cao chẳng đủ chi phí nên nhiều tháng nay thuyền của ông phải nằm phơi nắng trên bờ.

Cuộc sống của cả gia đình phụ thuộc vào thu nhập từ việc bán dạo bánh lọc, cua ghẹ của vợ ông và hai đứa con ở bãi tắm Thuận An. Những ngày hè, khách tắm biển đông, vợ con ông còn kiếm được dăm chục ngàn đi chợ. Nhưng vào mùa mưa, vắng khách, cả nhà đành trực chiến với “lương khô”. Cũng vì nghèo túng nên những đứa con của ông đều chịu cảnh thất học, chỉ có đứa út được ưu tiên đến trường.

“Xót xa lắm chứ, trong khi mình chạy miếng ăn toát cả mồ hôi thì người ta đua nhau đổ tiền tỷ xây lăng mộ cho ông bà, tổ tiên. Nếu có một phần nhỏ trong số tiền để xây một ngôi mộ ở đây, có lẽ cuộc sống của gia đình tôi đã không khổ như thế này” - ông Sang chua chát cho biết.

Cùng hoàn cảnh như ông Sang, bốn mẹ con chị Lê Thị Xưng cũng từng ngày khó nhọc kiếm miếng ăn cùng nỗi âu lo ngôi nhà sẽ sập bất cứ lúc nào. “Gia đình tui chạy ăn từng bữa còn chưa đủ nên chẳng quan tâm đến việc xây lăng mộ. Ai có tiền thì cứ xây. Tui cũng muốn báo hiếu cho cha mẹ nhưng nghèo quá đành chịu thôi. Chừ tui chỉ mong sao có ít tiền sửa lại cái nhà xiêu vẹo này cho con cái yên tâm trú ngụ” - giọng chị Xưng buồn bã.

Vợ chồng lão ngư Lê Văn Đích cũng cùng chung cảnh nghèo. Mấy chục năm nay vợ chồng con cái của ông phải sống chui rúc trong căn nhà xập xệ. Mặc dù vợ chồng ông chăm chỉ lao động, quần quật suốt ngày đêm mà vẫn không nuôi đủ mười miệng ăn.

“Ngày cả làng đua nhau vượt biển ra nước ngoài, tui cũng đi. Nhưng đời tui chẳng được may mắn như người ta. Sau mấy ngày lênh đênh trên biển, chiếc thuyền của tui gặp bão phải dạt vào bờ. Tui và mấy người nữa bị bắt vì tội vượt biên trái phép. Nếu ngày đó thuyền của tui không gặp nạn, có lẽ bây giờ cha mẹ tui cũng có được ngôi mộ to đẹp như của người ta rồi” - ông Lê Văn Đích ngậm ngùi.

Theo Long Anh (Xzone/Tri thức thời đại)

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng