Trong trí nhớ của tôi, làng trường thọ có nhiều ở phía Bắc. Thế nhưng, khi đến Huế cũng nghe chuyện này, tôi đã tức tốc đến làng Trúc Lâm (phường Hương Long, TP.Huế).
Nhiều cụ già vui khỏe
Cách trung tâm thành phố khoảng sáu km về hướng Tây Bắc, giống như nhiều ngôi làng khác ở đất kinh kỳ, có lũy tre dọc sông Hương quanh năm xanh mát, làng Trúc Lâm (có nghĩa là rừng tre) bây giờ còn có thêm tên mới: Làng thượng thọ. Trong chiến tranh, ngôi làng cổ kính này là làng an ninh, căn cứ cách mạng của đồng bào huyện Hương Thủy (nay là thị xã). Khi đô thị hóa bắt đầu, xã Hương Long cũng trở thành phường. Ở đây còn có một ngôi đình, nơi cất giữ phần hồn của ngôi làng có tuổi ngoài 500 năm này. Ngôi đình làng do thập nhị tôn phái (12 dòng họ) góp tiền xây cất, thờ các vị tiền bối vốn là con dân Nghệ An đến khai phá tạo dựng làng từ thời vua Lê Thánh Tôn (năm Quang Thuận thứ 10, tức năm 1469). Cạnh đình làng là chùa làng, gần đó có miếu thờ Khổng Tử. Đối diện đình là miếu thờ âm hồn.
Cụ Trần Luyến (81 tuổi) - chi hội trưởng chi hội người cao tuổi của làng - nói làng có hơn 400 hộ dân sống quần tụ trên 270 ha đất màu mỡ được bồi đắp bởi phù sa của dòng sông Hương. Làng có 150 cụ già từ 80 - 111 tuổi, chưa kể số người từ 70 đến 80 tuổi đếm không xuể.
Để mục sở thị xứ sở “thần tiên”, tôi đến nhà cụ bà Nguyễn Thị Chút (111 tuổi) nhưng vẫn minh mẫn và hoạt bát. Khi biết chúng tôi có nhã ý muốn tìm hiểu về tuổi thọ của làng, bà Chút nói rất lưu loát: “Các con muốn gặp các cụ trong làng thì chờ đến 9 - 10 giờ mới gặp được, chừ các cụ ở ngoài đồng hết rồi. Các cụ già nhưng vẫn ham làm, ngồi một mình không chịu nổi, đến khi mô mà không đi được nữa thì các cụ mới thôi làm”. Bà Chút còn được mệnh danh là người sống qua ba thế kỷ.
Gần nhà cụ Chút là cụ Phan Quyện. Cụ Quyện nói: “Tui năm ni 93 tuổi, mụ ni vợ tui 90 tuổi”. Ông khoe: “Hồi còn trai tráng, tui có thể gánh được tạ lúa từ nhà ra sân đình hơn cây số mà tui đi phăng phăng không nghỉ, ăn cơm 7 - 8 bát vẫn chưa no. Chừ như ri nhưng có một số thanh niên còn thua tui, tui vẫn ra đồng gặt lúa cho đến 12 giờ mới về, rồi còn đào đất khai hoang trồng vừng, trồng khoai nữa”. Vì là làng cổ nên Trúc Lâm vẫn còn giữ được dáng vẻ giống làng Đường Lâm (TX. Sơn Tây, Hà Nội) khi còn cây đa, giếng nước, mái đình. Dọc đường làng, trông thấy tôi chụp ảnh, nhiều bà cụ đứng dưới ruộng nhao nhao đòi làm người mẫu ảnh. “Năm nào cũng có các đoàn làm phim, nhà báo từ Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu đến đây chụp hình tui hoài” - cụ Nguyễn Thị Thương (75 tuổi, một nông dân) cười nói khi hàm răng rụng hết chỉ còn lợi.
Cụ già dẻo dai
Bí quyết sống giản dị bên dòng Hương Giang
Lý giải về bí quyết trường thọ, ông Lê Xuân Huế - Phó chủ tịch phường - cho biết các cụ già ở đây rất ít dùng thuốc tây, chủ yếu dùng thuốc nam xung quanh nhà. Trong làng có nhiều cụ cao tuổi như ri, cũng là được thừa hưởng nguồn nước “thánh” sông Hương, hít thở không khí trong lành, ăn uống đạm bạc... Đó cũng là vị thuốc thần dược giúp họ có sức khỏe.
Chính quyền luôn sâu sát tình hình đời sống của các cụ. Các cụ từ 85 tuổi trở lên được Nhà nước tặng sổ bảo hiểm y tế để kiểm tra sức khỏe, khám chữa bệnh, cấp thuốc hàng tháng. Dịp lễ Tết, họ sẽ được chủ tịch UBND tỉnh chúc thọ và tặng quà mức 400.000 đồng/cụ, trong đó bao gồm tiền mặt và quà tặng. Đối với các cụ 100 tuổi trở lên được tặng quà của Chủ tịch nước trong dịp Tết Nguyên Đán (gồm 5m lụa và 500.000 đồng) nay được bổ sung thêm 400.000 đồng/cụ”.
Ông Lê Văn Thê - hội viên hội người cao tuổi phường Hương Long - tiết lộ: “Sống không cầu kỳ, cao sang là bí quyết của những người cao niên ở mảnh đất được mệnh danh là “làng trường thọ”. Họ luôn sống thanh đạm, hài hòa giữa đời sống lao động và tinh thần”.
Nhìn cảnh vật rợp mát quanh năm suốt tháng và dòng sông Hương - một biểu tượng đất vua xưa chảy hoài quanh năm cùng những nụ cười sảng khoái lúc tuổi già, tôi hiểu rằng điều đó làm con người ở đây hài hòa, mến khách và không “dính” líu đến sự xô bồ của cuộc sống náo nhiệt.
Theo CATP