Leo lên dốc cao dựng đứng, lội qua suối sâu vắt búng đầy dưới đôi dép cao su… chúng tôi theo lực lượng tuần tra song phương của Đồn Biên phòng Cửa khẩu A Đớt, huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) và lực lượng bảo vệ biên giới tỉnh Xê Kông từ tờ mờ sáng tới xế trưa mới chạm chân đến đỉnh núi Trường Sơn hùng vĩ…
Từ địa bàn đóng quân
Giáp với Sê Kông và Salavan của nước CHDCND Lào, huyện A Lưới là nhân chứng lịch sử của nhiều câu chuyện cảm động giữa đất nước Triệu Voi và đất nước Tiên Rồng.
Vượt qua nhiều con đèo khá hiểm trở, đi qua những làn sương mù dày đặc như rẽ vào mây, Đồn Biên phòng A Đớt mới hiện ra đập vào mắt chúng tôi, vững chãi tựa vào lưng núi. Đồn có nhiệm vụ bảo vệ đường biên giới dài 18km và 10 cột mốc chủ quyền, đây cũng là đơn vị đã sớm làm xong dự án phân giới, tăng dày và đặt cột mốc chủ quyền. Những phiến đá hoa cương làm nên cột mốc, chôn chặt vào đất sẽ như người chỉ đường cho con cháu hai nước đời đời sau có thể biết được chỗ nào là đất bạn, chỗ nào là đất ta. Các hoạt động tuần tra, canh gác - một trong những trọng trách – luôn được hoàn thành xuất sắc.
Trong 5 năm qua, từ khi Đồn đóng tại xã Hương Lâm chuyển về A Đớt, hàng ngàn cuộc tuần tra đơn phương và song phương đã góp phần ổn định an ninh trật tự biên giới. Ngoài ra, tại Cửa khẩu A Đớt, các cuộc giao thương thăm thân của đồng bào hai nước diễn ra nhộn nhịp, việc kiểm tra của lực lượng biên phòng cửa khẩu nghiêm ngặt nhưng nhanh chóng, hiệu quả. Nhờ vậy, sự di dịch cư tự do cùng các nạn xâm canh, xâm cư, kết hôn trái pháp luật qua biên giới,… đã dần được đẩy lùi. Theo thống kê, trong hai năm trên địa bàn chỉ để xảy ra 13 vụ/25 đối tượng vi phạm quy chế, giảm hẳn so với những năm trước.
Bộ đội Đồn Biên phòng A Đớt còn tham gia vào công cuộc làm nông thôn mới hăng hái và đầy nhiệt huyết. Cảm động nhất là phong trào “Ngày về thôn bản”, mỗi tuần các chiến sỹ lại dành ít thời gian của mình về nhà dân: khi thì các anh quân y về làm sạch nhà cửa, vườn tược cho đồng bào, lúc lại là kỹ sư nông nghiệp quân hàm xanh về giúp bà con làm lúa nước sao cho chắc hạt. Các anh về tới đâu, A Đớt mang diện mạo mới tới đó. Những ngôi nhà tình nghĩa được xây dựng trước mùa bão lũ được trao cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, góp một tay trong cuộc “đấu tranh” xóa nhà tạm của địa phương.
Đến nghĩa tình với nước bạn
Chỉ 10 cây số từ Đồn Biên phòng Cửa khẩu A Đớt đến bản KaLô thuộc huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông nhưng chúng tôi đã khá chật vật để qua được đoạn đường thâm u, hẻo lánh với nhiều suối, dốc, những khúc cua ngoặt.
Thượng tá Đồng Xuân Quỳnh - Trưởng đồn nhớ lại: “5 năm trước xe không thể chạy tới như thế này đâu nhé. Sang được Ka Lô phải đi bộ cả ngày trời. Giờ gọi là đường thì không phải, nhưng đã có lối để đi”. Có nhiều khi tưởng như chiếc xe đang sắp sửa rơi xuống vực nhưng lại thở phào nhờ cả vào tay lái rất cừ của anh tài xế. “Ka Lô đây rồi” - một chiến sỹ đi cùng đoàn với vai trò là thông dịch viên nói như reo.
Dưới những mái nhà sàn khá chắc chắn, rất nhiều người dân Ka Lô ùa ra đón chúng tôi. Họ tay bắt mặt mừng với Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu A Đớt, ôm xiết nhau thân tình như anh em lâu ngày gặp lại. Ông Son - Trưởng bản Ka Lô cho biết: Trước đây, Ka Lô còn sống đời sống du mục, người dân chỉ biết kiếm cái rau rừng, nước sông ăn qua ngày, không ai nghĩ đến một ngày được nhìn thấy Ka Lô khởi sắc như bây giờ.
Chính Thượng tá Đồng Xuân Quỳnh là người đã cõng từng tấm tôn lợp nhà cho dân Ka Lô, chỉ đạo anh em góp công vào công trình đầy ắp nghĩa tình Việt - Lào mà không thể diễn tả bằng ngôn từ như xây một trường học và xây một cây cầu với vốn hỗ trợ 7 tỷ đồng không hoàn lại, bắc qua sông Trôn nối liền xã A Đớt và bản Ka Lô.
Cũng nơi đây, người dân Ka Lô thường được quân y sang khám chữa bệnh khi có dịch, bệnh; dạy cho nghề dệt dèng truyền thống để có kế mưu sinh lâu dài. Dường như một Ka Lô nghèo nàn, lạc lậu đang dần “thay da đổi thịt”. Và Đồn Biên phòng A Đớt chính là đơn vị đã luôn sẵn sàng mang gạo, thuốc sang cho người dân. Đường điện đã mọc lên, nhà nhà đã sắm sửa cái ti vi, bóng đèn đợi đêm bừng sáng như ngày - những điều rất đỗi bình thường nhưng đã từng là ước mơ của dân Ka Lô 5 năm trước.
Theo Báo Pháp Luât