Nhắc đến Huế, người ta thường nhớ đến tầm vóc di sản thế giới với kinh thành cổ xưa, là tà áo dài thướt tha của nữ sinh qua cầu Tràng Tiền một thuở... và cả bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ (được Hàn Mặc Tử sáng tác vào năm 1938). Bài thơ trong tập “Thơ điên” này khiến đất vua xưa như lung linh hơn và trở thành kiệt tác của thi ca nước nhà. 75 năm sau ngày bài thơ ra đời, chúng tôi đã tìm về Vĩ Dạ.
Từ thôn lên phố
Cách trung tâm thành phố chừng hai km, cách chợ An Cựu 1km, thôn Vĩ Dạ ngày nào giờ đã trở thành phường Vĩ Dạ. Con đường Nguyễn Sinh Cung xuyên suốt cái phường ven đô đang đô thị hóa quá nhanh với bảng hiệu, hàng quán đông đúc. Cạnh con đường vinh dự mang tên vị lãnh tụ dân tộc, chợ Vĩ Dạ thấp thoáng, huyên náo cạnh bên vài căn nhà rường cổ kính, thâm nghiêm làm nên bản sắc của vùng đất kinh kỳ trong dĩ vãng nay còn rất hiếm.
Cồn Hến nhìn từ cầu Sông Dinh
Để quan sát rõ hơn cồn Hến, một địa danh trong thôn Vĩ Dạ ngày trước - nơi có căn nhà của bà Hoàng Cúc (tên thật là Hoàng Thị Kim Cúc, người làm Hàn Mặc Tử xúc cảm làm ra bài thơ), chúng tôi đi hết đường Nguyễn Sinh Cung vòng lên cầu sông Dinh. Người ta thường nói ở Huế chỉ có Hương giang nhưng nhiều tài liệu khác cho biết, sông Hương đã từng mang tên sông Lô Dung, sông Dinh, sông Yên Lục. Như vậy, khả năng sông Dinh là tên cũ của sông Hương, gắn liền với tên gọi cồn Hến và khu vực Đập Đá (trùng tên với thị trấn Đập Đá ở thị xã An Nhơn, Bình Định - PV), là những địa danh đã đi vào nhiều câu ca của xứ này.
Đường Nguyễn Sinh Cung
Để tìm đến nhà bà Hoàng Cúc ngày nào, từ đầu đường Ưng Bình, chúng tôi đành đi bộ qua chiếc cầu dẫn vào cồn Hến vì có biển cấm xe taxi và xe tải. Trên chiếc cầu đơn sơ bắc qua sông Dinh, người dân sở tại chỉ lưu thông bằng xe đạp và xe ôtô, nhiều người khác thì đi bộ, nhất là những đám cưới. Bề ngang chiếc cầu dài chừng bốn mét, hai bên thành cầu làm bằng kim loại, đảm bảo an toàn cho mọi người khi đi qua đây.
Khi hỏi về địa chỉ chính xác của bà Hoàng Cúc, người dân sở tại chỉ cho khách đường xa một, hai căn nhà rường có cổng phía trước cùng hàng cau trĩu quả mà không biết chính xác bởi nghe đâu căn nhà đích thực cũng “qua tay” mấy lần chủ. Thời gian biến đổi như vật đổi sao dời, nhưng nét Huế thương trong bài thơ của tác giả người Quảng Bình Hàn Mặc Tử vẫn còn được lưu giữ trong những ngôi nhà ở đây.
Cầu Phú Lưu, còn gọi là cầu Cồn - cây cầu nhỏ duy nhất dẫn vào cồn Hến từ đường Nguyễn Sinh Cung, phường Vĩ Dạ
Theo nhiều tài liệu, ngoài anh cả là Hoàng Toại định cư ở nước ngoài, bà Hoàng Thị Kim Cúc còn có mấy người anh ruột tập kết ra Bắc sau hiệp định Genève 1954 là Hoàng Xuân Tùy (nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục), Hoàng Hoan Nghinh (nguyên đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại Philippines). Người em ruột Hoàng Tế Ngộ ở lại Huế, trước khi quy tiên từng là “thủ từ” trong ngôi nhà mà bà Cúc từng sinh sống.
Bà Hạnh, 78 tuổi, bán nước ở đây cho biết: “Từ nhỏ, tôi đã được cha mẹ nói rằng vùng đất này đã đi vào thơ ca. Nghe đâu bà Hoàng Cúc từ trần vào năm 1985. Bà từng là giáo viên dạy nữ công gia chánh ở trường Đồng Khánh và còn là tu sĩ. Đám tang của bà vào loại lớn nhất ở Huế lúc bấy giờ, nối dài từ Đập Đá tới tận Trường Quốc Học (nằm trên đường Lê Lợi hiện nay - PV)”.
Biết câu chuyện này, thầy Nguyễn Đức Hùng - giáo viên dạy văn của Trung tâm luyện thi Vĩnh Viễn (TP.Hồ Chí Minh) - chia sẻ thêm rằng nhờ đến Vĩ Dạ nhiều lần nên bài giảng của ông thêm nhiều hình ảnh và cảm xúc thật, giúp học trò biết được hoàn cảnh sáng tác mà sách bình giảng văn chương chưa đề cập đến.
Những căn nhà rường đặc trưng
Tuyệt tác từ mối tình dang dở
Đây thôn Vĩ Dạ lúc đầu có tên là Ở đây thôn Vĩ. Theo một số tài liệu, bài thơ được gợi cảm hứng từ mối tình của Hàn Mặc Tử với một cô gái vốn quê ở thôn Vĩ Dạ.
Nghệ nhân Dzũ Kha - người dựng chòi chăm sóc cho mộ phần của Hàn Mặc Tử tại đồi Ghềnh (phường Ghềnh Rang, TP.Quy Nhơn, Bình Định), bỏ hơn nửa đời người để nghiên cứu về Hàn cho chúng tôi biết rằng, tình đầu của Hàn chính là bà Hoàng Cúc - nhân vật trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ. Nhà thơ gốc Quảng Bình này khi theo cha vào công tác tại sở đạc điền ở Quy Nhơn đã đem lòng yêu thương cô gái xứ Huế. Sau bà Hoàng Cúc, thi sĩ Mộng Cầm ở TP. Phan Thiết (Bình Thuận) là nhân tình thắm thiết nhất của Hàn. Chúng tôi đã đem câu chuyện này trao đổi với cháu ruột của Hàn (hiện đang sống tại đường Kỳ Đồng, Q3, TP.Hồ Chí Minh) và được đảm bảo tính xác thực. Theo tìm hiểu của phóng viên, bà Mộng Cầm mất năm 1997 tại nhà con gái ở huyện Bình Chánh. Nhà của bà hiện vẫn còn trên đường Trần Hưng Đạo, ở cửa ngõ dẫn vào phố biển Phan Thiết.
Nhà thơ Hàn Mặc Tử ra đi ở tuổi 28 (1912-1940) nhưng đã kịp để lại cho đời một tuyệt tác mà người ta còn nhớ mãi. Từ đây, Vĩ Dạ trở nên màu sắc hơn trong tâm khảm của mọi người trong Nam, ngoài Bắc.
Theo congan.com.vn