Nằm bên bờ Sông Hương, một ngôi trường cổ kính, không gian rộng rãi và thoáng mát, kiến trúc đẹp, có truyền thống vẻ vang nhất nước ta. Từ ngày thành lập đến nay, Quốc học Huế luôn là điểm hội tụ, đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước…
Cách đây 117 năm, ngày 17/9 năm Thành Thái thứ 8 (tức ngày 23/10/1896) trường được thành lập theo chỉ dụ của nhà vua yêu nước Thành Thái. Trường Quốc học thời đó là trường chính của toàn xứ Trung kỳ với 4 lớp tiểu học và 4 lớp trung học. Tuy là trường chính của toàn xứ, mà chỉ là hai dãy nhà tranh sơ sài. Nếu trước cổng không có tấm biển chạm sơn son thếp vàng 6 chữ Hán “Pháp tự Quốc học trường môn” thì không ai biết đó là trường học. Nhận xét ấy đâu phải là quá đối với hai căn nhà xiêu vẹo, dựng trên khu sân lầy lội. Nhà tranh, vách đất, mái rạ lợp cẩu thả, mà thời tiết Huế lại mưa nắng bất thường nên ngày mưa, cũng như ngày nắng cả thầy và trò phải đội nón trong lớp. Đến năm 1914, Trường Quốc học được xây dựng bằng gạch ngói, khánh thành vào năm 1918 và tồn tại đến nay.
Trải qua những năm tháng theo lịch sử dân tộc, thực hiện các mục tiêu đào tạo khác nhau, nhưng truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, tình bạn nghĩa thầy, học để làm người… vẫn được giữ gìn phát huy cao độ. Lịch sử của trường gắn liền với bao thế hệ thầy cô giáo, nhiều người đã nêu những tấm gương sáng về lòng yêu nước, ý chí chống ngoại xâm từ trên bục giảng của học đường, trên chính trường của xã hội, đó là các thầy Lê Văn Miên, Hoàng Thông, Võ Liêm Sơn, Lê Viết Lượng, Đặng Thai Mai, Nguyễn Đóa, Ngô Kha.
117 tuổi, Trường Quốc học Huế với bao kỉ niệm và thay đổi, nhưng có một kỉ niệm thiêng liêng nhất của nhà trường là những năm tháng Bác Hồ học ở mái trường này. Mùa Hè năm 1907, học trò Nguyễn Sinh Cung vào học năm thứ nhất Trường Quốc học Huế. Mặc dù với những điều kiện học tập cũng như đời sống gia đình khó khăn, thiếu thốn, nhưng suốt thời gian học ở Trường Quốc học, cậu Cung luôn là học sinh xuất sắc. Trong cuốn lịch sử của trường ghi: “Học ở Trường Quốc học, Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Sinh Cung) học đều khá các môn. Hán văn thì không ai bì kịp, Pháp văn thì vững vàng hơn bất kì một học sinh Nghệ Tĩnh nào khác. Bạn bè rất khâm phục trí nhớ phi thường của Nguyễn Tất Thành. Mỗi lần thầy giáo viết bài học thuộc lòng lên bảng, các bạn chép vào vở chưa xong Nguyễn Tất Thành đã thuộc lòng rồi. Nhiều bài làm của Nguyễn Tất Thành được các thầy giáo khen trước lớp. Thầy giáo Quel gec đã nói về Nguyễn Tất Thành: “Cung làm bài luận bằng thơ, ấy là một học sinh thông minh và thật đặc biệt”. Một thầy giáo người Pháp khác đã nhận xét về Nguyễn Sinh Cung: “Con người này nếu không thiên hướng cách mạng thì có thể trở thành một nhà văn hay một nhà bác học lớn”. Năm 1908 phong trào Duy Tân chống sưu thuế bùng nổ khắp miền Trung, nhất là ở Huế, nơi có tòa Khâm sứ của thực dân Pháp. Dân chúng 6 huyện ồ ạt kéo nhau lên Huế chật đường, chật chợ, đâu đâu cũng vang lên những khẩu hiệu đòi giảm xâu, giảm thuế. Nguyễn Sinh Cung tích cực tham gia vào phong trào đấu tranh này. Tháng 4/1909, người thanh niên yêu nước Nguyễn Sinh Cung quyết tâm rời ghế nhà trường ra đi tìm đường cứu nước.
Trường Quốc học Huế thành sân ga đưa Người đi học làm cách mạng và đón Người về hoạt động bí mật. Những hạt giống đỏ gieo trên đất Kinh đô Huế thành hàng cây, rừng cây tươi xanh của giai cấp vô sản. Những học trò xuất sắc trở thành niềm tự hào của trường như: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trần Phú, các đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Chí Diểu, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu… Trong bài bút kí: “Những kỉ niệm về Huế”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Tại Trường Quốc học Huế, tuổi niên thiếu của tôi đã đến với bình minh của thời đại. Thời đại của dân tộc ta, nhân dân ta và đứng lên đấu tranh và đấu tranh thắng lợi vì độc lập tự do, vì CNXH.
Trường Quốc học Huế có nhiều học trò trở thành những nhà khoa học, những học giả, văn nghệ sĩ có tiếng ở trong nước và thế giới như Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng; Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn; Giáo sư, bác sĩ Đặng Văn Ngữ; Nhà giáo nhân dân Nguyễn Cảnh Toàn, Ngụy Như Kon Tum, Đặng Xuân Lâm, Nguyễn Lân… Ngày nay, thầy trò Trường Quốc học Huế đang nối tiếp mạch chảy vẻ vang ấy, trở thành một trong ba trường học phổ thông chất lượng cao trong cả nước. Đây là những mẫu hình tiên tiến của bậc trung học phổ thông trong đó chất lượng đào tạo được đặt lên hàng đầu, để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, hòa nhập với cộng đồng khu vực và quốc tế.
Theo nguoicaotuoi.org.vn