Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Mối tình hi hữu của Lê Thánh Tông với cô gánh nước xứ Thuận Hóa
14:35 | 27/11/2013

Vị Hoàng đế đa tài và cũng rất đa tình Lê Thánh Tông có rất nhiều giai thoại được truyền tụng trong dân gian, trong số đó có cả những chuyện thú vị giữa vua và các giai nhân, nữ sắc. Không rõ có bao nhiêu điều trong đó là sự thật, bao nhiêu điều là do thêu dệt mà nên... 

Mối tình hi hữu của Lê Thánh Tông với cô gánh nước xứ Thuận Hóa
Thiếu nữ gánh nước (tranh minh họa)

... nhưng theo danh sách những người vợ chính của vua Lê Thánh Tông mà cuốn “Đại Việt thông sử” ghi chép thì tất cả đều là con gái các quan tướng trong triều, duy nhất có một người xuất thân bình dân và bà trở thành vợ vua cũng rất tình cờ.

Chiến thắng kép trên đường Nam chinh

Vào những năm đầu vua Lê Thánh Tông trị vì, Chiêm Thành thường cho quân theo đường bộ hoặc đi thuyền vượt biển tới cướp phá, quấy nhiễu châu Hóa. Để kết tình láng giềng giao hảo, giữ cho biên cương phía Nam được yên ổn, Lê Thánh Tông đã cho sứ thần sang thông hiếu nhưng vua Chiêm Thành không chấp thuận, ngược lại còn làm nhục sứ thần, tiếp tục cho quân xâm lấn đất đai.

Ngày mồng 6 tháng 11 năm Canh Dần, niên hiệu Hồng Đức năm thứ 1 (1470) Lê Thánh Tông xuống chiếu thân hành đi đánh Chiêm Thành. Sử chép rằng: “Trước đó, người Chiêm Thành ở Thi Nại Bàn La Trà Duyệt là con người vú nuôi, giết chúa hắn là Bí Điền mà cướp lấy nước, rồi truyền cho người em là Trà Toàn.

Trà Toàn là đứa hung bạo làm càn, dối thần ngược dân, người Chiêm mưu phản, Toàn cũng không nghĩ chi đến, lại còn ngạo mạn kiêu căng, không sửa lễ tiến cống, lăng nhục sứ thần của triều đình, quấy nhiễu dân biên giới. Lừa gạt người Minh để xin viện trợ mà sang ăn cướp. Vua bèn gọi 26 vạn tinh binh, xuống chiếu thân chinh” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Tờ chiếu của Lê Thánh Tông có đoạn viết: “Trẫm thể lòng thượng đế, nối chí vua cha. Giết kẻ thù chín đời theo nghĩa Xuân Thu, định mưu kế vạn toàn cho yên đất nước. Cứu muôn dân thoát khỏi vòng điêu đứng, dẹp nước loạn đã trái đạo lâu năm. Đánh phản nghịch, cứu sinh dân, thánh triết phải tỏ bày uy vũ; trồng mầm nhân, nhổ cội ác, đất trời cũng lấy đó làm lòng…

Ta đã chọn hàng loạt tướng tài, đã mộ vô vàn quân giỏi. Tỳ hổ vạn người, thuyền ghe ngàn dặm. Binh sĩ trăm lần dũng cảm, người người chỉ một quyết tâm. Ai cũng nắm tay đua nhau lên trước, tuân lệnh đợi lúc ra tay. Nguyện xin đắp cồn chôn xác giặc, mong cho sử sách mãi ghi công. Ra quân có danh nghĩa, phạm tội quyết không tha.

Trẫm chỉ huy cờ võ, hiệu lệnh binh thần. Kính đem mệnh lệnh của trời, làm việc đánh giết kẻ ác. Bóng cờ rợp đồng nội, như mây cuốn như gió bay; lưỡi búa loáng trên không, tựa nắng chang, tựa sao chói. Dễ dàng như bóc mo nang, thuận lợi như bẻ cành mục. Giặc tận mắt nhìn, sấm sét gấp bung tai nào kịp, quân đi trên chiếu, lửa bừng bừng vèo cháy mảy lông. Công một buổi sẽ hoàn thành, hận trăm đời sẽ rửa sạch. Lại vì dân trừ loài sâu độc, chẳng để giặc cho con cháu đời sau”.

Sau khi ban chiếu, thủy quân gồm 10 vạn lính do tướng Đinh Liệt và Lê Niệm chỉ huy xuất quân đi trước, vua thân hành dẫn đại quân tiến tiếp sau. Tháng giêng năm Tân Mão (1471) đại quân đánh vào đất Chiêm, tướng Bồng Nga Sa là viên quan giữ cửa quan Cụ Đê nước Chiêm bị bắt sống. Bắt đầu tháng 2, sau khi đánh bại toán quân của em trai vua Chiêm, Lê Thánh Tông đã cho một cánh quân với hơn 500 chiếc thuyền, 3 vạn tinh binh vượt biển, bí mật tiến vào cửa biển Sa Kỳ để ngăn chặn lối về của quân đối phương.

Tiếp đó vua tự mình dẫn hơn 1.000 chiếc thuyền, hơn 70 vạn quân dựng cờ thiên tử, đánh trống hò reo mà tiến; trên bộ, các cánh quân khác cũng đồng loạt công kích nhiều đồn trại, thành lũy bị hạ như thành Thi Nại, còn kinh đô Chà Bàn bị vây chặt mấy vòng.

Ngày mồng 1 tháng 3 hạ được thành Chà Bàn, bắt sống vua Chiêm là Trà Toàn cùng hơn 3 vạn người, Lê Thánh Tông ra lệnh “tất cả kho tàng, của cải trong thành đều phải niêm phong giữ kín, không được đốt cháy”. Phần đất phía bắc nước Chiêm là hai châu Thái Chiêm và Cổ Luỹ, xưa vốn thuộc nước Việt được lấy lại đặt làm thừa tuyên Quảng Nam và vệ Thăng Hoa.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Sau khi Trà Toàn bị bắt, tướng của hắn là Bô Trì Trì chạy đến Phiên Lung, chiếm cứ đất ấy, xưng là chúa Chiêm Thành, Trì Trì lấy được 1 phần 5 đất của nước Chiêm, sai sứ sang xưng thần, nộp cống, được phong làm vương. Vua lại phong vương cho cả Hoa Anh và Nam Bàn gồm 3 nước để dễ ràng buộc.

Ngày mồng 7, lấy người Chiêm đầu hàng là Ba Thái làm Đồng tri châu Thái Chiêm, Ba Thủy làm Thiêm tri châu. Vua dụ họ rằng: "Hai châu Thái Chiêm và Cổ Luỹ trước là đất của ta, đời gần đây bị mất về nước Chiêm, nay lấy lại được hết, đặc cách sai bọn các ngươi trấn giữ. Có kẻ nào không chịu theo, cho giết trước rồi tâu sau". Ngày 11, lấy Đỗ Tử Quý làm Đồng tri châu tri Thái Chiêm quân dân sự, Lễ Đà làm cố Lũy châu tri châu tri quân dân”. Chuyện kể rằng sau chiến thắng này, dân gian vùng Hóa Châu truyền cho nhau nghe câu ca:
Hóa Châu thắng được Chiêm Thành
Không bằng thắng được mắt xanh cô nàng.

Nếu như chiến thắng Chiêm Thành được sử sách ghi lại rõ ràng thì “chiến thắng” thứ hai của Lê Thánh Tông trong tình yêu chỉ được nhắc đến ngắn gọn, sơ lược, còn dã sử cũng chỉ cho biết thêm đôi chút tình tiết thú vị. Người con gái xinh đẹp đất Hóa Châu đã khiến vị hoàng đế kiệt xuất trong lịch sử phong kiến Việt Nam say đắm đó mang họ Nguyễn (không rõ tên), quê ở xã Hòa Thước (Thược), huyện Kim Trà, phủ Triệu Phong (nay thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên –Huế). Điều lý thú đây mới chính là “chiến thắng” đầu tiên của Lê Thánh Tông trên đường Nam chinh.

Chuyện kể rằng khi Lê Thánh Tông chỉ huy đại quân phạt Chiêm, đến đất Thuận Hóa, ông truyền cho dừng lại đóng quân ở xã Hòa Thước để nghỉ ngơi, thao diễn quân sự trước khi bắt đầu cuộc chiến; một hôm đứng trên vọng lâu quân doanh, ông thấy có một cô gái gánh nước đi qua, tuy mặc bộ quần áo nâu lam lũ nhưng vẫn không dấu được khuôn mặt xinh đẹp, thân hình kiều diễm đầy vẻ hấp dẫn ở độ tuổi trăng tròn lộng lẫy.

Bỗng cảm thấy tâm hồn xao động, Lê Thánh Tông cho truyền gọi cô gái vào hỏi chuyện; trước hoàng đế uy nghi và các văn thần tướng võ đông đảo, cờ quạt rực rỡ, gươm giáo sáng lòa nhưng cô gái trẻ không hề e sợ mà vẫn giữ phong thái tự tin, ứng đáp linh hoạt thông minh; thậm chí cô còn ra một câu đối khiến tả hữu quanh vua, trong đó có người từng đỗ khoa bảng cao, không ai đối lại được: “Gái Hòa Thước gồng nước pha trà, chanh từng chén”.

Nghe xong Lê Thánh Tông rất thích thú, ông không ngờ rằng cô gái trẻ ở chốn quê mùa đó lại có tài văn thơ giỏi đến vậy vì thế càng say mê hơn, vua quyết định đón nàng theo đoàn quân, rồi sau chiến thắng thì ca khúc khải hoàn đưa về Thăng Long làm phi tần, dần dần cô gái ấy được phong đến bậc Qúy phi, một bậc phi tôn quý ở hàng cao cấp trong hậu cung, chỉ xếp sau Hoàng hậu mà thôi. Dân gian đời sau có câu ca nói về chuyện này như sau:
“Hỡi cô gánh nước bên đàng,
Làm sao cô để mơ màng quân vương”.

Sách Đại Việt thông sử cũng có đoạn cho biết về duyên kỳ ngộ giữa hai người như sau: “Bà là người xã Hòa Thược, huyện Kim Trà. Khi vua Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành dừng lại ở xã này, thấy bà gánh nước qua, có nhan sắc, vua đem lòng yêu bèn cho vào cung, được nhà vua quý mến. Lần lần phong đến bậc phi, về sau sinh ra Triệu Vương”.

Vì yêu mẹ mà xử nhẹ cho con

Là người coi trọng pháp luật, nhận thấy vai trò quan trọng của pháp luật trong xây dựng bộ máy nhà nước, quản lý trật tự xã hội nên Lê Thánh Tông rất chú trọng hoạt động lập pháp và xây dựng điển chế, ông từng nói với triều thần rằng: “Pháp luật là phép công của nhà nước, ta cùng các ngươi đều phải tuân theo, các ngươi nên nhớ lấy” và nhắc nhở quân dân cả nước: “Đặt luật để trừ kẻ gian, sao dung được bọn coi thường pháp luật” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Ấy vậy mà có trường hợp phạm tội nhưng hoàng đế Lê Thánh Tông đã bỏ qua cho thủ phạm, đây có thể nói là một trong số những hạn chế hiếm hoi của ông và nguyên do cũng xuất phát từ tình yêu, sự quý trọng người vợ họ Nguyễn quê ở Thuận Hóa.

Kể từ khi vào cung, qua thời gian chung sống, nhận được sự sủng ái của vua, Nguyễn Qúy Phi đã sinh được mấy người con, trong số những người con do bà sinh hạ, chỉ có một con trai tên là Lê Thoan, đây là hoàng tử thứ 13 của Lê Thánh Tông, được vua phong cho tước Triệu Vương, một người khí khái và can đảm.

Chúng ta cũng nên biết rằng tình trạng chèn ép, đố kị, phân biệt vùng miền không chỉ mới xảy ra trong thời gian gần đây mà tệ phân biệt, kỳ thị đã có từ trước đó khá lâu, ít nhiều ảnh hưởng đến tình cảm, sự đoàn kết trong dân chúng và cho làm hoạt động quản lý, điều hành đất nước gặp cản trở, kém hiệu quả.

Câu chuyện về Triệu vương Lê Thoan, con trai của Nguyễn Qúy Phi có liên quan đến mối tệ hại này. Sách Đại Việt thông sử cho hay: “Triệu Vương Thoan là con thứ 13 của vua Thánh Tông. Mẹ là người xã Hoà Thược, huyện Kim Trà. Vương từ nhỏ đã thông minh quả cảm.

Có người ở quê mẹ  ông tới kinh làm việc, đi đến ngoài cửa Đại Hưng, một viên tiểu hoàng môn vừa đi đến thấy người ấy áo quần lam lũ, lại tranh đường, bèn hỏi rằng “Mày ở đâu?”. Người ấy đáp: “Ở Thuận Hoá”. Viên hoàng môn ấy mắng rằng: “Loại sâu bọ này lại dám vô lễ à?”. Lúc ấy Vương từ chỗ cửa cung cấm đi ra, nghe thấy thế, chợt nổi cơn giận, lấy gậy đánh chết viên ấy.

Rồi ông đi tắt vào tâu vua rằng: “Tôi là con thiên tử, mẹ tôi người Thuận Hoá. Viên tiểu hoàng môn nói phạm đến tôi, tôi không nén được cơn giận, trót đã giết mất nó rồi. Như thế là đã mắc tội tự tiện giết người, xin nạp tiền để đền mạng nó”. Nhà vua thương hại tấm lòng của ông, lại cho là có nghĩa khí, cuối cùng không bắt tội”.

Như vậy là Triệu vương Lê Thoan sau khi nghe câu nói coi thường người dân ở nơi khác, nhất là có thái độ khinh thường, hỗn xược nên trong một phút nóng giận ông đã phạm tội giết người. Điều ngạc nhiên là với với hành vi có tính chất đặc biệt nghiêm trọng đó, Lê Thánh Tông lại không bắt tội cho con trai, ngược lại ông cho rằng động cơ phạm tội của Triệu vương cũng có cái lý và một phần sâu xa khác, lời nói phạm đến dân Thuận Hóa cũng chính là phạm đến danh dự người vợ yêu của ông.

Lại nói về Nguyễn Qúy Phi, nếu như so với các phi tần khác của Lê Thánh Tông hầu hết là con cháu quan chức, được tuyển vào cung ít nhiều với mục đích chính trị, có sự sắp xếp mang lại lợi ích cho phe cánh, dòng họ thì cô gái đến từ Thuận Hóa chỉ là người xuất thân từ tầng lớp áo vải bình dân, ở vùng biên cương phía Nam xa xôi.

Cô gái đó trở thành vợ vua, nhập cung không phải có ai đó có quyền thế nâng đỡ, cũng không phải qua kỳ tuyển chọn mỹ nữ mà qua sự tình cờ “như duyên trời định trước”; đó chính là điểm đặc biệt duy nhất khiến bà trở thành người đặc biệt nhất trong số những bà vợ của ông “vua Thánh”, người được ví như: “Mặt trời soi tỏ giữa tầng không/Sự nghiệp minh quân tiếng lẫy lừng”.

Theo SBĐ

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng