Từ Ô Lâu đến Hải Vân
“Làng da cam”
08:33 | 02/12/2013

Chiến tranh đã đi qua, nhưng hậu quả của nó vẫn nặng nề tại nhiều vùng đất A Lưới (Thừa Thiên Huế). Vẫn còn đó những làng "da cam"-nơi những đứa trẻ sinh sau chiến tranh đang trực tiếp gánh chịu ảnh hưởng của chất độc da cam; nhiều đứa trẻ sinh ra rồi mất đi hoặc chấp nhận sống dị dạng giữa cuộc đời đầy nghiệt ngã. 

“Làng da cam”

Sống trên "rốn da cam"

Theo Đội công tác vận động quần chúng Đồn BP A Đớt, BĐBP Thừa Thiên Huế, chúng tôi có dịp gặp gỡ những người dân ở xã Đông Sơn (huyện A Lưới) chịu ảnh hưởng nặng nề hậu quả chất độc da cam - đi-ô-xin. Một người dân cho biết: "Ngày trước, người dân trong xã tập trung sinh sống ở gần sân bay A So để ngụ cư, bởi đây là vùng đất thuận lợi cho sản xuất”.

Sân bay A So được chính quyền Mỹ-ngụy xây dựng vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước. Mục đích của chúng là để ngăn chặn sự đấu tranh của quần chúng nhân dân và sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Sân bay A So có diện tích khoảng trên 10ha, ở đây chủ yếu tập trung các loại máy bay trực thăng. Chúng xem đây là khu vực chiến lược để ngăn chặn mọi hoạt động của quân dân ta từ nhiều hướng. Quân đội Mỹ đã sử dụng sân bay A So tập kết chất độc đi-ô-xin để "rải thảm" ở vùng núi Trường Sơn, bởi chúng cho rằng đây là nơi tập kết của bộ đội ta. Sau mỗi lần rải thảm, chúng lại cho máy bay quay ngược về địa điểm tập kết, tiếp tục công việc "chùi rửa" để làm sạch máy bay.

Sau khi hòa bình lập lại, đồng bào Pa Kô, Ca Tu, Vân Kiều... ở xã Đông Sơn chọn nơi lưu trú của mình ngay trên vị trí của sân bay A So, nơi tập trung chất đi-ô-xin mà ngày trước Mỹ-ngụy đã sử dụng. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, nơi đây được xem là địa điểm sầm uất nhất xã vì có tới hơn 100 hộ dân sinh sống. Đến năm 2004, các nhà khoa học của một tổ chức nhân đạo ở Ca-na-đa đã đến khu vực sân bay lấy mẫu đất và nước để xét nghiệm. Kết luận của cuộc xét nghiệm đó đã làm cho người dân đang sống tại sân bay quá đỗi bàng hoàng. Mật độ trong đất đã nhiễm 879,85pg/g - một con số vượt quá quy định cho phép ở khu vực bị nhiễm độc. Trung tá Đào Đức Cửu, Phó Bí thư xã Đông Sơn tâm sự: "Ngày trước khu vực sinh sống của người dân chủ yếu tập trung tại sân bay A So, trong đó có Đội Vận động quần chúng Đồn BP A Đớt. Khi nghe chuyên gia kết luận về mức độ nhiễm độc trong đất tại địa bàn, chúng tôi và người dân luôn sống trong lo âu, bởi hàng chục năm đã ăn ở tại đây".

16 lần sinh, nuôi được 3

Năm 2004, sau đợt xét nghiệm của các nhà khoa học nước ngoài, người dân đã được Nhà nước hỗ trợ để chuyển đến khu vực sinh sống mới. Số phận của hơn 40 hộ sinh sống tại khu vực "rốn da cam" vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng nề. Những người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số khi còn sống ở sân bay A So, họ quan niệm về chuyện sinh tử rất đơn giản. Sinh con ra mà không nuôi được xem là "con ma rừng" bắt đi. Chỉ khi quá nhiều trường hợp có sinh nhưng vô dưỡng xảy ra trong thôn, bà con mới biết hết hậu quả của chất độc hóa học đi-ô-xin.

Năm 1990, chàng trai người Pa Kô Hồ Giang Ngân (SN 1966) sau thời gian tìm hiểu, rồi kết duyên với cô gái cùng thôn Hồ Thị Liên (SN 1973). Một năm sau ngày cưới, chị Liên đã hạ sinh được người con trai đầu lòng, tưởng chừng hạnh phúc trọn vẹn sẽ đến với họ. Tuy nhiên, con của họ dù đã 2 tuổi nhưng vẫn không biết nói, biết cười. Sau đó, người con đầu lòng đã giã từ cõi trần. Với quan niệm của người dân nơi đây là gia đình phải có đông con, nên những năm sau đó, chị Liên nhiều lần sinh, nhưng họ vẫn chưa một lần được làm cha, làm mẹ.

Năm 1996, lần thứ 5 chị Liên làm vui lòng gia đình khi sinh được một cô con gái kháu khỉnh, cháu tên là Hồ Thị Thủy. Người dân trong xã đều mừng cho đôi vợ chồng trẻ khi đã thực hiện được mong ước của mình. Tuy nhiên, niềm vui ấy không trọn vẹn. Cháu Thủy bị câm điếc, mù lòa, mọi sinh hoạt phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ. Dù gia đình anh Ngân đã đưa con đi chạy chữa khắp nơi, nhưng đều vô vọng. Anh Ngân nghẹn ngào trong nước mắt: "Khổ lắm các chú ạ! Gia đình tôi thuộc diện khó khăn, vợ chồng đã bán hết những gì giá trị trong nhà để lo chạy chữa cho con, song tất cả các bệnh viện đều trả lời bằng cái lắc đầu. Vợ tôi 16 lần sinh con, chỉ có một cháu là khỏe mạnh bình thường, 2 người con gái đứa thì bị mù lòa câm điếc, đứa thì mang nhiều bệnh tật trong người. Tất cả mấy miệng ăn cùng với việc chạy thuốc cho con cái đều trông vào đồng lương ít ỏi của tôi. Có những lúc vợ chồng tôi tưởng chừng không đứng vững được nữa".

Người dân sống ở xã Đông Sơn đã không còn lạ lẫm gì chuyện con cái của nhiều người sinh ra bị dị tật bẩm sinh. Họ giờ đã ý thức được nguyên nhân sâu xa chính là sống ngay trên "rốn da cam" mà không hay. Cùng cảnh ngộ với gia đình anh Ngân, gia đình anh Đoàn Văn Hiền (SN 1950) và chị Hồ Thị Quýt (SN 1972), ngụ tại thôn Rơ Môm, sinh được 6 người con nhưng chỉ nuôi được 2 và trớ trêu thay, một trong hai người con cũng mang những dị tật trên người. Cháu Đoàn Hồng Nhã (SN 1998), hiện đang theo học trường Trung học cơ sở A Đớt bị dị tật hở hàm ếch.

Hiện nay, sân bay A So đã được làm sạch một nửa, một nửa phần đất và nguồn nước còn lại vẫn nhiễm nặng chất độc da cam. Tâm sự về gia cảnh của những người dân đang sinh sống tại xã Đông Sơn, Trung tá Đào Đức Cửu chia sẻ: "Hiện nay, tất cả các hộ dân đã được Nhà nước chuyển đến khu vực an toàn để sinh sống. Nhưng chúng tôi vẫn canh cánh nhiều suy nghĩ. Trong toàn xã mới chỉ có 42/80 hộ được hưởng chế độ chất độc da cam. Chúng tôi trước đây công tác tại Đội Vận động quần chúng, cùng sinh sống với người dân ở sân bay A So, nhưng rất may mắn là, con cái sinh ra không bị mắc các chứng bệnh dị tật bẩm sinh. Chúng tôi cũng mong các cấp, ban, ngành liên quan nhanh chóng thực hiện việc làm sạch khu đất còn lại tại sân bay, chung tay giúp đỡ những hộ dân hiện vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng nề của hậu chiến tranh".

Theo Vũ Long (Báo Biên Phòng)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng