Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Dành cả đời canh giấc ngàn thu cho chúa Nguyễn
14:53 | 09/12/2013

Ẩn mình giữa rừng cây cối um tùm của thôn Kim Ngọc (xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) là một túp lều đơn sơ bằng tranh tre nứa lá. Nương mình trong đó là một mái đầu đã bạc trắng vì sương gió, một gương mặt hằn đầy vết thời gian. 

Dành cả đời canh giấc ngàn thu cho chúa Nguyễn
Lão Lô vẫn đều đặn ngày hai lượt hương khói cho vong linh chúa Nguyễn

Suốt bao năm qua, mặc cho vật đổi sao dời, chủ nhân của túp lều ấy vẫn quần quật làm việc trên mảnh đất heo hút nhất của núi rừng bởi lòng thành canh giấc ngủ ngàn thu cho chúa Nguyễn Phúc Thái.

Lão nông U80 và “túp lều lý tưởng”

Chúng tôi tìm đến nhà ông vào một buổi chiều muộn. Chủ nhân của túp lều đặc biệt này là ông Nguyễn Lô (SN 1931), đang múc dở gàu nước, nghe hỏi thăm về “ngôi nhà” của mình ông không một chút ngần ngại dắt chúng tôi đến chơi. Ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Lô vẫn có thể đạp xe bon bon lên dốc, băng băng qua rừng cây cối um tùm để đưa chúng tôi đến túp lều mà ông vẫn khoe là “lý tưởng” của mình. Một căn nhà hoàn toàn bằng tranh tre nứa lá.

Ông Lô hào hứng kể: “Đi bộ đội xong là tui về dựng cái lều ni rồi, ngày mô cũng rứa, cứ giờ ni là tui về nhà tắm rửa, thay đồ xong lại vô đây ngủ. Ở đây có bếp có giường, ưng ăn giờ mô thì ăn, ưng ngủ giờ mô thì ngủ, ăn ngủ dậy thì làm. Từ hồi đó đến bây chừ tui ở đây làm cái công trình ni đây”. Vừa nói ông Lô vừa chỉ cho chúng tôi xem khu vườn xung quanh túp lều nơi ông ở.

Khung cảnh hiện ra trước mắt chúng tôi hệt như một trang trại thu nhỏ đang trong giai đoạn hoàn thiện: vườn cây, ao cá, giếng nước, những con đê dài làm thành lối đi và có cả cống thoát nước. Ông Lô trầm ngâm rít một hơi thuốc dài, kể về cuộc đời mình: “Về đây tui đào ao thả cá, đào giếng lấy nước, mưa to nước ngập thì tui đào cống, mua mấy ống bi về bỏ xuống cho nước thoát đi. Khó nhất vẫn là việc đắp đê. Ngày xưa đi vô đây là nước lên tới bụng, một mình tui, một xe rùa, một cuốc tui đắp mấy con đê ni đây, đắp từ đó cho đến tận bây chừ”.

Sau gần 40 năm “tiền khai căn, hậu khai khẩn” trên mảnh đất heo hút này, những con đê ông Lô đắp giờ đã thành những lối mòn vững chắc, những hàng tre đã xanh lá, cây đã sai quả, cá dưới ao cũng đã bán được mấy lứa. Tiền bán cá chẳng đáng là bao so với công sức và tiền bạc ông bỏ ra, nhưng Ông Lô vẫn tiếp tục trồng mới, nuôi mới và đắp thêm đê với hi vọng hoàn thiện công trình mà ông đã gắn bó cả cuộc đời.

Người canh giấc ngủ ngàn thu cho chúa Nguyễn

Công trình ấy chính là khuôn viên của lăng chúa Nguyễn Phúc Thái. Ông Lô tâm sự: “Ngày trước ở đây rừng núi heo hút, cây cối rậm rạp, lăng chúa Nguyễn Phúc Thái lại nằm lọt thỏm giữa chốn này nên ít người lai vãng trừ con cháu trong dòng tộc mới đến thắp hương mà thôi. Vả lại, địa thế ở đây hiểm trở, muốn vào lăng phải lội nước, băng rừng nên lăng chúa lại càng vắng người qua lại. Xót xa trước cảnh này, tôi quyết định về đây dựng lều, làm vườn và coi sóc lăng chúa”. Những ngày đầu về đây, một mình ông Lô đối diện với bốn bề rừng núi, một mình ông cuốc từng nắm đất, trồng từng cây tre, nhớ về những ngày tháng ấy ông Lô chỉ cười xòa “làm mãi rồi cũng xong”.

Trong khuôn viên lăng chúa, ông quan tâm đặc biệt đến việc đắp đê, vì đó là lối đi duy nhất dẫn vào lăng. Ông Lô còn nhớ trước kia trong thời chiến tranh loạn lạc, lăng mộ chúa Nguyễn Phúc Thái nằm trơ trọi ở đây hoang phế và gần như bị lãng quên, lại thêm bom đạn của chiến tranh làm cho lăng mộ bị xuống cấp. Ông ngậm ngùi kể: “Trong thời chiến, lăng mộ bị tàn phá thì đã đành, đến thời bình giấc ngủ của chúa Nguyễn vẫn không được yên thì thật là đáng buồn. Người dân không những không bảo vệ mà còn đến đây viết vẽ bậy, phá tường lấy gạch về làm nhà thậm chí là đào trộm mộ. Tui làm công việc này là tự nguyện, không ai ép cũng chẳng ai bắt tôi phải ra đây ở, tôi càng không cần lợi lộc gì, tôi chỉ thấy vui khi được là người canh giấc ngủ ngàn thu cho chúa Nguyễn”.

Đối với một ông lão ngoài 80 tuổi như ông Lô, việc trở thành “cận vệ” sớm hôm bên cạnh thi hài chúa Nguyễn Phúc Thái không phải là nhiệm vụ, trách nhiệm mà là một niềm vinh dự lớn lao mà không phải ai cũng nhận được. Vợ ông Lô cũng ủng hộ với suy nghĩ này của chồng nên từ khi lấy nhau, có với nhau bốn mặt con đến nay, bà một tay quán xuyến hết công việc trong gia đình để ông an tâm... ra lều ở.

Mới đây, lăng chúa Nguyễn Phúc Thái được con cháu trong dòng tộc góp tiền tu sửa lại. Lăng chúa vì thế mà được nhiều người biết đến hơn. Mỗi lần có khách đến tham quan, mặc cho đang bận việc gì ông Lô đều bỏ dở, lụi bụi chạy ra đón tiếp. Bằng sự chân chất, thật thà của một người nông dân và những “hiểu biết” của mình đối với mảnh đất quê hương, ông Lô nhiệt tình trở thành người “hướng dẫn viên” hướng dẫn cho khách khi họ đến lăng.

Một ngày của ông Lô bắt đầu từ 5h sáng, sau khi nhấp vội chén trà nóng ông Lô đi một vòng quanh lăng kiểm tra, sau đó vào lăng quét dọn, thắp hương. Xong xuôi đâu đó, ông lại trở về lều và làm công việc của một lão nông. Đến tối, ông lại xuống lăng thắp hương, đi kiểm tra một vòng rồi mới trở lại lều. Ông Lô tiết lộ rằng, trong suốt những năm làm công việc canh giấc cho chúa Nguyễn, cứ đến rằm, mồng một hay những ngày cúng giỗ thì ông thường bị mất ngủ bởi sự phá phách của kẻ xấu. Mỗi lần như vậy, ông phải thắp đèn lên lăng, tri hô xóm làng để đuổi chúng đi.

Cũng theo lời kể của ông Lô, những kẻ xấu không chỉ đến để phá phách, lấy hương đèn, bánh trái trong lăng mà còn có nhiều kẻ rắp tâm đào trộm mộ. Lần đầu tiên vì chưa có kinh nghiệm nên chúng đào vào phía bên hông của lăng, sau khi đào xuống khoảng nửa mét thì gặp phải đá cứng, đào cả buổi cũng chẳng suy chuyển gì. Rút kinh nghiệm những lần sau bọn trộm đào thẳng từ trên nấm mồ xuống. Lần này, đất xốp dễ đào nên khoảng nửa tiếng chúng đã tiếp cận được phần huyệt mộ. Nhưng chưa kịp xuống lấy những đồ vật tùy táng trong mộ chúa thì đã bị tôi và mấy nguời trong làng phát hiện, tri hô nên chúng bỏ chạy thục mạng vào rừng.

Được coi là “ông hoàng” nổi tiếng rộng rãi, khoan dung

Ông Nguyễn Lô cho biết: “Chúa Nguyễn Phúc Thái (1649 - 1691), hay còn gọi là Anh Tông Hiếu nghĩa Hoàng Đế, là chúa Nguyễn đời thứ 5, lên ngôi năm 1687 trị vì được 4 năm thì mất. Chúa Nguyễn Phúc Thái chính là người đã tuyên chiếu dời đô từ phủ Kim Long về làng Phú Xuân, nơi này trở thành Kinh Đô của triều Nguyễn sau này. Ngoài ra, ông còn được biết đến như một ông hoàng nổi tiếng rộng rãi, giảm nhẹ hình phạt, thuế khóa, trọng dụng quan lại cũ, trăm họ đều vui mừng”.


Theo Bạch Hưng (Nguoiduatin.vn)
 

Các bài mới
Các bài đã đăng
“Làng da cam” (02/12/2013)