Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Đồi thiên thần
16:03 | 13/12/2013

Bên tả ngạn của sông Hương, cách thành phố Huế chừng 15 km về hướng tây, có một ngọn đồi người ta quen gọi là “Đồi thiên thần”, nơi nương náu của gần 50.000 thai nhi bị phá bỏ. 

Đồi thiên thần
Nghĩa trang hài nhi Ngọc Hồ - Phường Hương Hồ

Đây chính là nghĩa trang hài nhi Ngọc Hồ thuộc xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Thiên thần bật khóc

Những ngôi mộ nhỏ nhắn chôn thành hàng thẳng tắp được chia ra từng khu ngăn nắp, trật tự. Lối vào mỗi khu đều có hai bức tượng thiên thần màu trắng rất lớn đang quỳ gối, cúi đầu, bưng mặt. Dưới chân các thiên thần là những dòng thơ ai oán đau xé lòng về số phận hẩm hiu của những sinh linh vô tội, “chưa có ngày sinh đã có ngày tử”.

Theo cha quản xứ giáo xứ Ngọc Hồ, nghĩa trang này ra đời từ đầu năm 1992, do một số linh mục giáo phận Huế khởi xướng. Từ đó đến nay, rất nhiều người đã âm thầm đi nhặt từng bào thai bị phá bỏ mang về đây chôn cất. Bây giờ nghĩa trang đã kín chật chỗ với gần 50.000 ngôi mộ vô danh…

Từ năm 1992 cho đến 1999, các nấm mồ chỉ là nắm đất đơn sơ đắp lên mà thôi. Bắt đầu từ năm 2000 đến nay, nhờ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, mộ của các hài nhi đã được xây bằng xi măng và quét vôi trắng.

Anh Trương Văn Năng và anh Tống Viết Hiếu, cùng là dân Ngọc Hồ là những người đã không quản ngại khó khăn đi đón những bào thai bị vứt bỏ mang về “Đồi thiên thần” an táng. Trung bình một ngày có 13 đến 15 thai nhi được mang về, có ngày lên tới 20. Điều đau đớn là số lượng các hài nhi cứ tăng dần theo thời gian. Người dân Ngọc Hồ dù bận rộn với việc mưu sinh nhưng vẫn thay phiên nhau đến nghĩa trang làm cỏ, quét dọn vệ sinh và thắp nhang cho hàng vạn sinh linh bé bỏng đang yên nghỉ nơi vùng đất của họ, đặc biệt là trong mùa Noel này.

Lời ru buồn từ ngôi nhà Bình Minh

Dưới chân “Đồi thiên thần” có một ngôi nhà là nơi nương tựa cho những phụ nữ “Lỡ một thời con gái/Bởi một đời dại yêu”. Họ là những người đang mang thai đến từ bắc chí nam. Họ đã từng đến bệnh viện để phá thai nhưng được các thành viên tình nguyện trong Ban Bác ái xã hội của giáo phận Huế kịp thời giải thích, động viên và đưa về nhà Bình Minh để tĩnh dưỡng. Tại đây, họ được chăm sóc chu đáo từ miếng ăn, giấc ngủ và có cả y tá bên cạnh để theo dõi sức khỏe trong suốt thai kỳ. Nếu như khi sinh xong, họ không thể nuôi con thì đứa bé sẽ được gửi vào cô nhi viện, còn muốn giữ lại nuôi thì họ cũng sẽ được tạo điều kiện để hai mẹ con có được cuộc sống tốt nhất có thể.

N., một cô gái đến từ Hà Nội đang mang thai tháng thứ 8. Dáng N. dong dỏng cao, da trắng xanh, khuôn mặt trái xoan buồn rười rượi. N. 23 tuổi, “lỡ dại” khi còn ngồi trên ghế nhà trường nên đã vào Huế sống chung với người bạn gái làm nghề cắt tóc. N. đến Bệnh viện Trung ương Huế để phá thai nhưng tại đây cô đã gặp được những người tốt, khuyên nhủ cô giữ lại sinh linh bé bỏng.

N. theo chân các tình nguyện viên về nhà và cô vô cùng ngỡ ngàng vì có hàng chục cô gái mang thai cũng đang lưu trú tại đó, hoàn cảnh cũng ngang trái như nhau.

N. kể, đêm nào những bà bầu bất đắc dĩ cũng nằm khóc rưng rức. Có người khóc vì số phận hẩm hiu, oán trách người đàn ông bội bạc. Họ cầu mong đứa bé ra đời thật nhanh để mang đi cho “khuất mắt”, để họ có cơ hội làm lại cuộc đời. Nhưng hằng đêm cũng có những người khóc thương cho đứa con chưa kịp nhìn thấy mặt mẹ đã phải vào cô nhi viện mà bản thân họ bất lực, không còn sự lựa chọn nào khác. Những bà mẹ vào cuối thai kỳ, họ cảm nhận rõ ràng sự hiện diện của con nên đêm nào cũng thì thầm với thai nhi và khóc. Có những cô gái đêm không ngủ, đứng nhìn lên “Đồi thiên thần” và khe khẽ hát ru. Chứng kiến những day dứt, những dằn vặt đó, N. đã thay đổi quyết định của mình, cô sẽ để con lại nuôi, dù biết phía trước rất nhiều khó khăn…


Theo Bảo Thiên (Thanhnien.com.vn)

Các bài mới
Các bài đã đăng