Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Thăm Huế núi Ngự sông Hương
08:58 | 20/12/2013

Chứa đựng trong mình cả một giai đoạn lịch sử thông qua các di tích, nét trầm mặc cổ kính, điệu hát cung đình Huế âm trầm cùng với sông Hương, núi Ngự… Huế vẫn sừng sững nghiêng mình tồn tại với thời gian qua sự thăng trầm của lịch sử, với thời gian và sự chống trọ trong chiến tranh.

Thăm Huế núi Ngự sông Hương

Kinh thành Huế

Kiệt tác quần thể di tích Nói đến Huế, người ta nghĩ ngay đến những thành quách, cung điện vàng son, những đền đài lăng miếu lộng lẫy, những lăng tẩm uy nghiêm, những danh lam cổ tự trầm tư u tịch, những thắng tích thiên nhiên thợ trời khéo tạc... Quần thể di tích này (bao gồm Kinh thành, Hoàng thành và Tử Cấm thành) tiêu biểu cho những thành tựu về kiến trúc, điêu khắc, thẩm mỹ và sức lao động sáng tạo của con người Việt Nam trong suốt một thời gian dài.

 

Kinh thành Huế được khởi công xây dựng vào đời vua Gia Long và hoàn thành dưới triều vua Minh Mạng, bao gồm các di tích: Kỳ đài; Quốc Tử Giám; điện Long An; Bảo tàng mỹ thuật cung đình Huế; đình Phú Xuân; hồ Tịnh Tâm; Tàng thư lâu; Viện Cơ mật - Tam tòa; đàn Xã Tắc; Cửu vị thần công… là nơi đóng đô của vương triều nhà Nguyễn trong suốt 140 năm, hiện nay là một trong số các di tích thuộc quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Hoàng thành bao gồm các di tích Ngọ môn; điện Thái Hòa và sân Đại Triều Nghi; Triệu Tổ miếu; Hưng Tổ miếu; Thế Tổ miếu; Thái Tổ miếu; cung Diên Thọ; cung Trường Sanh; Hiển Lâm các; Cửu đỉnh; điện Phụng Tiên - là khu vực hành chánh tối cao của triều đình Nguyễn nằm bên trong kinh thành và được giới hạn bởi các vòng tường thành bên ngoài. Hoàng thành có chức năng bảo vệ các cung điện quan trọng nhất của triều đình, các miếu thờ tổ tiên nhà Nguyễn và bảo vệ Tử Cấm thành - nơi dành riêng cho vua và hoàng gia.

Sông Hương, núi Ngự thơ mộng

Từ xưa đến nay, núi Ngự và sông Hương luôn là hai thắng cảnh được xếp vào hàng “top” của xứ Huế. Với vẻ đẹp do tạo hóa ban tặng cùng với sự gắn kết không rời, núi Ngự và sông Hương đã dần đi vào đời sống văn hóa của cộng đồng người dân địa phương

Vịnh Lăng Cô

Núi Ngự Bình nằm cách bờ nam sông Hương khoảng 3km thuộc phường An Cựu của thành phố Huế. Đây là một hòn núi tự nhiên có hình thù độc đáo: hai cánh hai bên đông tây đối xứng với nhau một cách đều đặn như do bàn tay con người đắp nên và tạo dáng; hai triền núi ở hai bên lại hơi chìa ra phía trước trông giống như hai cánh tay đang dang ra phía trước để chào đón một ai đó.

Từ trên không trung nhìn xuống, người ta thấy hòn núi có dạng hình cánh cung với phần lưng uốn nhẹ về phía nam. Dọc từ chân núi lên đến đỉnh là hàng thông reo vi vu suốt cả 4 mùa. Đặc biệt vào mùa thu, trong tiết trời dễ chịu, không khí trong lành, mọi người thường lên đây để ngắm toàn cảnh thành phố Huế và tận hưởng nhiều điều thú vị từ thiên nhiên.

Cùng với núi Ngự, sông Hương cũng đã đi vào thơ ca của biết bao người. Có người từng ví vẻ đẹp của sông Hương như sông Seine của nước Pháp. Đối với nhiều người, phong cảnh Huế sở dĩ đẹp là bởi dòng Hương giang… Nước trong vắt, dòng phẳng như tờ, ít khi có sóng gợn trên mặt, đi thuyền trên sông như đi trong hồ vậy. Huế không có con sông Hương thì tưởng như cái đẹp của xứ Huế giảm mất nửa phần. Về đêm, dòng sông Hương trở nên huyền hoặc hơn, ánh đèn điện hắt xuống dòng sông làm cho mặt nước như được tráng một lớp bạc lung linh.

Khám phá cồn Hến

Cồn Hến là một hòn đảo nhỏ trên sông Hương (đoạn chảy qua thành phố Huế) được hình thành bởi sự bồi đắp của đất và phù sa.

Sử sách xưa không ghi chép cồn Hến xuất hiện trên sông Hương từ bao giờ nhưng theo một số tài liệu, ban đầu cồn Hến có tên là “xứ cồn cạn” do hai khe nước ở giữa cồn bị bồi lấp cạn dần, rất nhiều loài cá tôm đến đây sinh sống. Đêm đến nhiều người tới đây đánh bắt và đốt đèn đuốc soi sáng cả một vùng nên cồn được gọi là cồn Soi.

Phá Tam Giang

Cũng bởi sự hình thành cồn do bồi lấp mà về sau, dân cư ngụ ở đây đã lập nên làng có tên là Bồi Thành. Vào thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1725-1738) xây dựng phủ chúa ở Phú Xuân, ông Huỳnh Tương (người xã Diên Đại, Phú Vang, Thừa Thiên) được coi là người đầu tiên đến dựng chòi định cư và làm nghề cào hến. Từ đó người ta gọi là “cồn Hến”.

Cồn Hến nổi tiếng ngay trong chính cái tên của nó: “Cồn của loài hến”. Được bao bọc bởi sông Hương, nơi đây bốn mùa cây cối xanh tốt, khí hậu ẩm mát và một điều đặc biệt dù bị khai thác rất nhiều nhưng khu vực xung quanh không bao giờ hết hến. Hến sông Hương có rất nhiều loài, nhưng loại ở cồn Hến rất đặc biệt.

Thân nhỏ, kích cỡ chỉ bằng viên bi, có mùi thơm dễ chịu, ruột hến ăn rất dẻo, hương vị đậm đà. Hến có thể chế biến thành các món: cơm hến, bún hến, hến xào… Xứ Huế có nhiều món chế biến từ hến, nhưng hến ở cồn Hến mới thực sự là đặc sản và kích thích sự tò mò của nhiều người.

Ngoài đặc sản hến, người dân cồn Hến còn trồng được loại bắp (ngô) rất kỳ lạ ở cuối cồn. Loại ngô này bắp rất to, các hạt đều tăm tắp, màu trắng, dẻo mềm và có vị thơm đặc biệt. Cứ dịp lễ, tết người dân cồn Hến thường dâng lên vua chúa hai đặc sản hến và bắp. Đây được coi là hai món sơn hào hải vị cũng chính là 2 món ăn mà đôi vợ chồng năm xưa khi đến khai hoang ở vùng đất này đã làm ra.

thethaovietnam.vn

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng