Với người Tà Ôi ở miền rẻo cao A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế), từ xa xưa, những chuỗi mã não là biểu tượng của quyền lực, sự giàu có, sang trọng và có địa vị trong cộng đồng.
Thế nhưng, mới nghe qua câu chuyện, anh Hồ A Tút, Phó Ban Văn hóa xã Hồng Trung, lắc đầu nguầy nguậy: "Không có mô, giờ hiếm lắm mới tìm được một phụ nữ còn đeo mã não. Hồi xưa, chỉ có nhà giàu, nhiều trâu, bò mới có mã não thôi". Chúng tôi phải cố gắng thuyết phục, anh mới miễn cưỡng đưa chúng tôi đi tìm.
Cụ Kả Vế (78 tuổi, dân tộc Tà Ôi, thôn Ta Ay) là một trong những người hiếm hoi còn giữ ba chuỗi mã não. Đây là của hồi môn khi cụ về nhà chồng, chí ít nó cũng đã tồn tại hàng trăm năm.
Cụ bảo: "Xưa không phải ai cũng có mã não mà đeo, chỉ có những nhà giàu có, nhiều trâu, bò, ruộng nương, có vị thế trong cộng đồng mới mua được mã não. Đặc biệt là phải ở tuổi lên bà, dân bản mới đeo mã não".
Để có những hạt mã não gìn giữ cho đến ngày hôm nay, gia đình cụ Kả Vế đã phải đổi bằng ba con trâu làm của hồi môn cho con gái ngày cưới. Với những gia đình giàu có, của hồi môn là những chuỗi mã não theo con gái trong ngày cưới, khá giả thì phải có vòng đeo tay, còn khó khăn lắm cũng kiếm được đôi ba hạt làm của hồi môn.
Những hạt mã não vì thế gắn liền với phong tục thách cưới của người Tà Ôi. Thách cưới càng to thì những hạt mã não càng có giá trị, đổi bằng cả mấy con trâu, con bò. Không chỉ là của hồi môn, ngày xưa trai gái Tà Ôi yêu nhau, quà tặng hay tín vật thường là những chuỗi mã não.
Với phụ nữ Tà Ôi, những chuỗi mã não là kỷ vật vô giá không rời tay, gắn bó với họ suốt cả cuộc đời. Cụ Kả Hiệt (75 tuổi, thôn Vân Trình, xã A Đớt), cũng là một trong những người hiếm hoi còn lại trong thôn giữ được hai chuỗi mã não, cho hay: "Tui có cả thảy sáu người con, thời chiến tranh cực khổ, khi sinh ra chúng đều không sống được. Từ đó cho đến nay, tui chỉ biết làm bạn với những chuỗi mã não này như một kỷ vật của gia đình đã theo tui qua bao năm tháng. Khi chết, tui muốn mang theo chúng để không cô độc giữa cuộc đời".
Những vòng mã não hiếm hoi còn sót lại giữa bản làng của người Tà Ôi |
Vì thế, từ lâu, mã não đã mất đi giá trị quyền uy và tâm linh của nó. Hơn thế nữa, tục thách cưới của người Tà Ôi hiện nay không còn rườm rà, nặng nề như trước, nên mã não cũng không còn được dùng đến.
Tuy nhiên, cùng với những chum, ché, chiêng... tồn tại đây đó trong các bản làng người Tà Ôi, tục đeo chuỗi mã não đã tạo nên một nét văn hóa độc đáo, thể hiện quyền uy của những gia đình có vị thế trong xã hội. Những chiếc vòng này cũng mang bóng dáng của chế độ mẫu hệ còn sót lại trong cộng đồng người Tà Ôi.
Trong những ngày rong ruổi khắp các bản làng của vùng cao A Lưới, tìm những cụ bà còn giữ tục đeo mã não trên người đã khó, gặp được những phụ nữ trẻ đeo mã não càng khó hơn. Tâm lý của cộng đồng người Tà Ôi hiện nay đã thay đổi.
Với họ, khái niệm "nhà giàu" (theo người Tà Ôi, đó là hình ảnh thu nhỏ như một vị vua của bản làng thời phong kiến) đã không còn nữa, nên việc đeo mã não để thể hiện quyền uy, vị thế xã hội trong cộng đồng cũng không còn ý nghĩa.
Ông Hồ Văn Ngoan, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới, cho hay: "Mã não không chỉ là vật trang sức, qua nhiều năm tìm hiểu, chúng tôi đã phát hiện những hạt mã não còn có mặt trong các mô típ trang trí của tượng nhà mồ (dưới cổ bức tượng) và trên một số vật dụng sinh hoạt khác của người Tà Ôi như vải, a chói (vật dụng đựng đồ dùng của đồng bào vùng cao khi lên nương rẫy). Điều này chứng tỏ ngoài ý nghĩa vật chất, làm trang sức, mã não còn gắn với đời sống tâm linh, tinh thần của người Tà Ôi".
Mã não thể hiện quyền uy, vị thế của một cá nhân trong cộng đồng nay đã không còn |
"Điều mất mát là theo luật tục của người Tà Ôi, khi chết, một trong những vật dụng buộc phải chôn theo chủ nhân của nó là hạt mã não nên càng ngày loại trang sức này càng ít đi trong cộng đồng người Tà Ôi. Bên cạnh đó, có nhiều chuỗi mã não đã tồn tại hàng trăm năm, có giá trị cũng bị đánh cắp, mất dần trong các bản làng vùng sâu, vùng xa. Đã nhiều lần chúng tôi vận động, kể cả can thiệp nhằm giữ lại những chuỗi mã não hiếm hoi của người Tà Ôi nhưng không mấy hiệu quả, bởi đây là luật tục đã có từ ngàn đời rồi, đâu thể thay đổi trong một sớm một chiều được. Nguy cơ mất đi một nét văn hóa độc đáo và đẹp đẽ của người Tà Ôi là có thật", ông Ngoan trăn trở.
Theo doanhnhansaigon.vn