Bác sĩ Trương Thìn sinh năm 1940 tại Thừa Thiên Huế . Từ năm 1961 ông là sinh viên Trường đại học Y khoa Sài Gòn .Ông học giỏi, nhiệt tình tham gia phong trào học sinh, sinh viên yêu nước, là trưởng đoàn văn nghệ sinh viên học sinh Sài Gòn trong phong trào đấu tranh “Hát cho dân tôi nghe” những năm trước giải phóng.
Năm 1968 ông tốt nghiệp bác sĩ loại ưu với luận án có tựa đề mới lạ so với thời đó: "CHÂM CỨU”. Là bác sĩ Tây y nhưng Trương Thìn lại chuyên tâm nghiên cứu các tinh hoa y học cổ truyền. Ông đã sớm chọn cho mình hướng điều trị cho bệnh nhân là kết hợp Đông y với Tây y và dùng các loài thảo dược có nhiều dược tính ưu việt để chữa bệnh.
BS.Trương Thìn quan niệm: “Bệnh tật của cơ thể không đáng ngại bằng bệnh tật tâm hồn, muốn chữa bệnh trong tâm hồn không liều thuốc nào tốt bằng nghệ thuật. Chính nghệ thuật làm cho tuổi thọ con người được tăng thêm, đời sống con người phong phú hơn. Cái đẹp của nghệ thuật làm cho con người sống ý nghĩa hơn”. Ông đã áp dụng nghệ thuật vào công tác điều trị y học cổ truyền, áp dụng đông y vào cai nghiện ma túy, là tác giả của một trường phái châm cứu được phổ biến trong và ngoài nước từ 30 năm qua. Với chính mình, nghệ thuật của Trương Thìn chữa được bệnh của chính ông. Sức khỏe của Trương Thìn chính là niềm vui và “thuốc” nghệ thuật đã mang đến cho ông niềm vui đó. Trương Thìn đã tự “tìm thuốc trong nghệ thuật” được khoảng 40 tập thơ, 40 tập nhạc còn tranh thì khá nhiều.
Ở Viện Y học dân tộc TP Hồ Chí Minh , BS - Viện trưởng Trương Thìn đã cho treo tranh của ông ở tất cả các phòng bệnh (cả ở hành lang, lối đi). Bao quanh Viện là một khu vườn tượng rợp bóng và rất sạch sẽ. Ở đó có y miếu thờ các vị y tổ, có tượng các vị danh y Việt Nam và cả những nghệ sĩ đương thời (Trịnh Công Sơn, Bùi Giáng). Tại đây ông thường xuyên tổ chức những đêm thơ nhạc có chủ đề cho bạn bè và bệnh nhân nghe.
… Họa sĩ Trịnh Thanh Tùng nói: “BS Trương Thìn đưa cả 4 loại hình “cầm, kỳ, thi, họa” vào cách chữa bệnh. Các bệnh nhân của Viện Y học dân tộc rất được lợi từ điều này!” Rất nhiều người nghèo và một số anh em văn nghệ sĩ TP. HCM có hoàn cảnh khó khăn đã được thầy thuốc Trương Thìn chữa trị với sự giúp đỡ tận tình và không lấy tiền.
Ông luôn “đi tìm thuốc” trong âm nhạc, thi ca, hội họa, đã sáng tác và phổ thơ hàng trăm ca khúc. Những ca khúc ông sáng tác, phổ thơ đều là những “bài thuốc chữa bệnh tâm hồn”, giúp người bệnh xoa dịu bớt nỗi đau bệnh tật, luôn cảm thấy bình yên. Người thầy thuốc ấy luôn hết lòng chữa trị cho bệnh nhân, vừa an ủi động viên người thân của họ trong những lúc khó khăn nhất. Bệnh nhân dù khó tính, bệnh khó chữa, sau một lần tìm tới bác sĩ Trương Thìn, rồi giới thiệu thêm bè bạn, người quen hoặc khăng khăng “gặp bác Thìn” khi quay lại.
Bác sĩ Trương Thìn đã từng đảm nhiệm các chức vụ Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, Viện trưởng Viện Y Dược học TP.HCM, Chủ nhiệm bộ môn Y học cổ truyền Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội Đông y và Chủ tịch Hội Châm cứu TP.HCM.
BS. Trương Thìn cũng là tác giả của nhiều cuốn sách về lý thuyết và thực hành Đông y và Châm cứu. Ông còn sáng tác thơ, viết văn, phổ nhạc, chơi đàn, vẽ tranh và đắp tượng…
Cuối tháng 4/2012, trên cương vị Chủ tịch Hội Châm cứu TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam, ông đã đến dự Lễ kỷ niệm 45 năm thành lập Hội Châm cứu Việt Nam tại Hà Nội. Trông ông rất phong độ, lạc quan và vui vẻ trò chuyện với mọi người, ký tặng cho chúng tôi sách mới xuất bản về Châm cứu . Gặp ông, không ai biết rằng cách đây 10 năm ông đã trải qua cuộc phẫu thuật tim bắc cầu nối chủ - vành (ba cầu nối), rồi bị tiểu đường, suy thận mạn và đang phải vào bệnh viện mỗi tuần hai lần để chạy thận nhân tạo.
BS. Trương Thìn đã hăng say làm việc không ngơi nghỉ cho tới lúc phải vĩnh viễn ra đi, lúc 18h55 ngày 20/12/2012 tại nhà riêng. Nhân giỗ đầu ông. Nhớ về người bác sĩ tìm thuốc trong nghệ thuật.
Theo Trần Giữu (SKĐS)