Những ngôi nhà vườn, nhà rường cổ ở Huế không chỉ có giá trị về mặt di sản kiến trúc mà còn thể hiện một cách sống động và chân thực nhất về đời sống của người Huế xưa. Nhưng vì nhiều lý do: tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, người dân thiếu tiền trong việc trùng tu bảo tồn …mà giờ đây, những ngôi nhà cổ nguyên bản đặc trưng xứ Huế đang mai một dần.
Đặc trưng xứ Huế
Nói đến nhà cổ Huế phải nói đến phố cổ và làng cổ. Đối với phố cổ, ở Huế hiện còn tồn tại hai khu phố cổ là Gia Hội và Bao Vinh. Bên cạnh đó, Huế cũng có ngôi làng cổ Phước Tích đã hơn 500 năm tuổi.
Đến thăm Ngọc Sơn Từ tại đường Nguyễn Chí Thanh, TP Huế (nằm trong khu phố cổ Gia Hội), chúng tôi bất ngờ vì ngôi từ đường được xây dựng từ năm 1921 vẫn được bảo tồn rất tốt. Theo ông Phan Thuận An, chồng của bà Nguyễn Thị Sương (cháu nội của Ngọc Sơn Công Chúa và phò mã Nguyễn Hữu Tiễn), ngôi từ đường vẫn được ông và gia đình lưu giữ cẩn thận dù được xây dựng cách đây hơn 90 năm. Theo quan sát, ngôi nhà thờ Công chúa Ngọc Sơn với kiến trúc nhà vườn – nhà rường đậm chất Huế: trước có non bộ, ra xa hơn nữa có hồ hình chữ nhật khá rộng, trong phủ thờ còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ rất có giá trị như sách vở, hoành phi, câu đối, bàn ghế… Qua trao đổi, được biết ông Phan Thuận An từng là một cán bộ của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và là một nhà nghiên cứu Huế nổi tiếng, là người đóng góp lớn trong việc hoàn thành hồ sơ để UNESCO công nhận Quần thể di tích cố đô Huế là di sản văn hóa thế giới. Sau này chị Phan Thuận Thảo, con gái ông Phan Thuận An cũng nối nghiệp bố, trở thành cán bộ Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và cũng là người tham gia biên soạn hồ sơ trình UNESCO để tổ chức này công nhận Nhã nhạc cung đình Huế là di sản văn hóa thế giới.
Như vậy, có thể nói ngôi Ngọc Sơn Từ không những được lưu giữ về kiến trúc, cảnh quan mà phần hồn cũng được lưu giữ qua nếp nhà truyền thống. Đúng như nhà văn xứ Huế Nguyễn Khắc Phê từng thừa nhận rằng: "Đến Huế, mà chưa thảnh thơi dạo bước vào chơi dăm ba ngôi nhà vườn đẹp nhất, hay chưa ghé thăm một vài vương phủ ở chốn cựu kinh, thì coi như... chưa đến”.
Thực trạng "chảy máu di sản”!
Tuy nhiên, không phải chủ nhân ngôi nhà cổ nào ở Huế cũng lưu giữ một cách cẩn thận những ngôi nhà của mình. Những ngày cuối tháng 12 này chúng tôi đến ngôi nhà 157 Chi Lăng khi được biết chủ nhân ngôi nhà cổ này đang định bán nhà. Ông Lê Xương Thần, 72 tuổi, mua ngôi nhà cổ này từ bên gia đình vợ cách đây 40 năm. Khi hỏi lý do tại sao ông bán nhà, ông Thần cho biết do tuổi cao sức yếu, chỉ có hai vợ chồng già nên ông muốn bán nhà rồi về ở với con cái. "Trước đây 10 năm về trước nếu có chính sách bảo tồn cho những nhà cổ thì có lẽ tôi không bán ngôi nhà này. Giờ thì muộn rồi”.
Theo số liệu khảo sát năm 2002 thì toàn TP Huế có 4.228 nhà vườn, trong đó có 705 nhà rường và 150 nhà cổ tiêu biểu được đưa vào danh sách bảo tồn đặc biệt. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết hiện chỉ còn 1.778 ngôi nhà vườn, 85 vương phủ trong TP Huế. Nguyên nhân là trong khoảng thời gian đó có đến hàng trăm ngôi nhà cổ buộc phải "nhường chỗ” cho những ngôi nhà cao tầng.
Đối với việc tại sao chủ nhân các nhà cổ ở Huế lại thường bán chúng đi thay vì tu sửa lại, chúng tôi tìm gặp ông Trần Duy Tịnh, giám đốc DNTN đồ gỗ Duy Tịnh (lô A6, đường số 1, Khu công nghiệp làng nghề Huơng Sơ), doanh nghiệp đã làm các công trình như nhà rường khách sạn Festival Huế, nhà rường đền Huyền Trân Công Chúa, nhà rường chùa Châu Lâm và được ông cho biết: "Dư luận cho rằng những doanh nghiệp mua lại những nhà rường cổ sẽ làm mất đi những giá trị văn hóa truyền thống của Huế. Nhưng vì hiểu được giá trị thực của những ngôi nhà rường cổ sắp lụi tàn và có nguy cơ biến mất vì "đô thị hóa” nên chúng tôi mới gắng công thuyết phục chủ nhân của nó để mua lại và đặt chúng vào những địa điểm thích hợp để lưu giữ.
Về vấn đề "chảy máu di sản” nhà cổ ở Huế, nhà thơ Võ Quê, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp VNHT Thừa Thiên – Huế chia sẻ: "Huế không chỉ có kiến trúc nhà cổ của người Việt, người Trung Quốc mà còn có kiến trúc nhà cổ của người Pháp. Những kiến trúc nhà cổ này rất đẹp như trụ sở của Hội Liên hiệp VNHT Thừa Thiên – Huế, trụ sở của tạp chí Sông Hương, Bảo tàng Văn hóa Huế... Tuy nhiên, cá nhân tôi nhận thấy rằng việc mở quán cà phê, bãi giữ xe trong khuôn viên một số kiến trúc cổ này có thể sẽ làm mất mĩ quan vốn có của nó”.
Thực tế cũng cho thấy, nhiều ngôi nhà cổ ở Huế đang có nguy cơ biến mất để nhường chỗ cho những ngôi nhà cao tầng được xây mới theo kiểu hiện đại hay kiểu "pha tạp”. Nhiều người cho rằng do thiếu quyết liệt trong việc bảo tồn nhà cổ nên việc "chảy máu di sản” ở Huế là điều không thể tránh khỏi.
Theo Báo cáo mới nhất "Về việc triển khai thực hiện Đề án chính sách bảo vệ nhà vườn Huế 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2013” của UBND TP Huế, hiện đã có 138 đơn đăng ký tham gia danh mục bảo vệ nhà vườn thuộc các phường Kim Long, Thủy Biều, Vỹ Dạ, Thuận Lộc, Phú Nhuận”.
Theo Trang Hạ - Nguyễn Toàn (Đại Đoàn Kết)