Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Qua cầu Ca Cút...
08:42 | 08/01/2014

Mỗi lần đi ngang cầu Ca Cút đều có cái cảm giác “trời đất bao la, chìm đắm trong ta” cho dù buổi sáng, buổi chiều hay có khi về đêm. Cuối năm, khi ngọn giáo đông bắc còn căm căm, cảm giác đó chừng se sắt hơn...

Qua cầu Ca Cút...

Có lẽ cái cảm giác bao la, bàng bạc với trời đất, mây nước đó đến từ những câu chuyện xưa và cái tên cầu Ca Cút. Thực ra cây cầu đã được mang tên là Tam Giang từ khi mới khánh thành với ngụ ý là cây cầu đã chấm dứt vĩnh viễn những chuyến đò ngang qua phá một thời.Nhưng cái địa danh bến đò xưa Ca Cút nó gợi cảnh quá, nó bàng bạc quá thành ra cầu vẫn cứ là Ca Cút trong lòng người...

Nằm trên đoạn hẹp nhất của phá Tam Giang, bến đò Ca Cút đã từng ghi dấu thời gian lịch sử cũng như số phận của đất và người bên phá “Thương em anh cũng muốn vô - Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang”. Con phá Tam Giang cũng như Bến đò Ca Cút ngày xưa là địa danh gợi về của sự xa xôi cách trở. Vẫn chưa có lời giải thích nào thật cặn kẽ và thuyết phục về cái tên Ca Cút. Có người nói rằng Ca Cút là âm thanh tiếng gọi đò, có người lại cho rằng Ca Cút là từ chỉ sự xa ngái từ bên này qua bên kia phá; lại có người cho rằng đó là tiếng kêu của một loài chim...Chuyện rằng, cô lái đò đã đưa người học trò sang sông trong một ngày mưa gió với những lời thề hẹn chàng sẽ trở về sau khi “ công thành danh toại”. Năm dài tháng rộng, chờ đợi đợi chờ bóng người xưa vẫn biệt tăm. Buồn tình mà cô gái đã quyên sinh trên bến đò xưa và biến thành một loài chim. Sau bao năm, người học trò năm xưa chợt nhớ lại lời hẹn thề năm cũ mà trở về. Bến đò còn đó nhưng người xưa không còn. Mưa gió kéo về trong ngày chàng trở lại và nghe khắc khoải tiếng chim như lời hẹn thề cũng như lời trách móc: “Ca cút...Ca cút...”. Câu chuyện đó mình đã được nghe một người đàn ông ở thôn Thuận Hòa- xã Hương Phong kể lại trong một lần về thăm bến đò Ca Cút... Từ khu dân cư Thuận Hòa phải đi vòng vèo qua mấy ao tôm chừng 3 cây số mới tời cái bến đò Ca Cút năm nao.

Khi chưa có cầu mình đã từng lội bộ đến ngay bến đò xưa để làm phóng sự: cũng chẳng còn dấu tích nào của một bến đò đã từng đi vào giai thoại ngoài khoảng cách khá gần có thể nhìn thấy bóng người khi nhìn qua bên kia phá Tam Giang. Ngày trước khi phương tiện đường thuỷ còn thô sơ, con phá Tam Giang thì quá rộng lớn không thể dùng tay chèo đi sang phá dễ dàng thì đoạn phá hẹp nhất này có lẽ cũng là bến đò duy nhất qua phá Tam Giang. Cũng dễ hiểu là vì sao mà cái tên Ca Cút vẫn còn lưu danh đến chừ như là một sự gợi nhớ, như là một niềm trắc trở, hoài mong của những phận người truân chuyên một thuở…Theo lời kể của những người già các làng ven phá, thì bến đò Ca Cút bắt đầu hoạt động từ 4 giờ sáng mỗi ngày để những người dân bên kia phá Tam Giang gánh khoai, gánh cá sang bên này buôn bán. Bến đò Ca Cút đã hình thành từ khi làng mới thành lập đời chúa Nguyễn Phúc Tần, khoảng năm 1648. Hồi đó dân cư thưa thớt, bến đò Ca Cút là một địa điểm rất ít người qua lại. Hay cái tên Ca Cút cũng chỉ về sự hoang vắng đó!?

Chuyện xưa đã cũ mèm theo ký ức. Những chuyến đò qua lại dưới dòng phá Tam Giang chỉ là những con đò nhỏ đánh cá lưa thưa mấy người. Bây chừ đứng trên cầu, không  như cụ Tú “Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò” mà cứ như văng vẳng lời Bà nội mỗi lần gọi mấy anh em mình về ăn cơm thuở ấu thời: “ Mệ kêu mấy đứa bây như kêu đò Ca Cút...”        

Theo TRT 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng