Trong dịp ghé thăm Huế đầu năm 2014, họa sĩ Nguyễn Đại Giang, cha đẻ trường phái upsidedownism - đảo ngược (Từ đảo nghịch cuộc đời đến đảo nghịch hội họa, Tuổi Trẻ ngày 15-2-2009), đã có buổi vẽ tranh thú vị tại gác Trịnh - căn gác nơi Trịnh Công Sơn sống thời trai trẻ ở Huế.
Họa sĩ Nguyễn Đại Giang sinh tại Hà Nội, hiện sống ở Mỹ. Ông tâm sự từ hồi trẻ đã mê đắm những bản nhạc của Trịnh Công Sơn. Từng lời nhạc tỏa ra một thứ tình yêu kỳ diệu và ông được hưởng dư vị tình yêu đó. Từ những bức ảnh được tặng, họa sĩ Đại Giang đã vẽ chân dung Trịnh Công Sơn từ năm 2003. Nhưng với ông, được vẽ chân dung Trịnh Công Sơn ngay tại nơi nuôi dưỡng tâm hồn người nhạc sĩ là điều ông mong mỏi bấy lâu nay.
Vừa đến gác Trịnh, ông đã bước nhanh đến phòng vẽ phía sau căn gác và như một sự chờ đợi đã lâu, nay được dịp thỏa mãn, ông đắm vào cuộc vẽ đầy mê say. Một chân dung Trịnh đảo ngược trên nền dòng Hương cùng chiếc cầu Trường Tiền cũng lộn ngược. Cùng với cây đàn ghita, chiếc ghế ngồi, chiếc áo vét carô mà Trịnh thường mặc lên sân khấu biểu diễn cũng đã “đảo ngược” trên toan vải.
Trong bức tranh có sự thay đổi rất lớn ở vị trí mắt, mũi, tay chân, cái bên ngoài thành cái bên trong, cái trên biến thành cái dưới. Đó là cái nhìn đa chiều về một con người. Nó thay đổi nhưng vẫn là con người Trịnh Công Sơn đấy thôi, không thể là một ai khác.
Họa sĩ Phan Thanh Bình (Trường đại học Nghệ thuật Huế) cho rằng đã có rất nhiều họa sĩ vẽ Trịnh Công Sơn ở góc nhìn đơn tuyến. Còn bức chân dung Trịnh của họa sĩ Đại Giang đã thể hiện một sự đột biến trong con người Trịnh Công Sơn. “Thật khó để xem tranh của Nguyễn Đại Giang. Ông chỉ sử dụng màu đơn sắc, khuôn mặt đảo ngược tạo cảm giác lung lắc uyển chuyển, khiến người xem có cảm giác khác về một thế giới nội tâm phong phú, đa chiều, đầy day dứt của Trịnh Công Sơn; tạo nên ấn tượng đặc biệt trong cảm thụ của công chúng” - họa sĩ Bình nói.