Trải qua bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, nhưng người dân ở thôn Hòa Vang, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế) vẫn còn cất giữ nhiều tư liệu quý về Hoàng Sa. Từ những bản sắc phong về “Cai đội Hoàng Sa” của vua Gia Long; đến chiếc đại hồng chung khắc tạc công ơn người trấn quản Hoàng Sa năm xưa… Tất cả đều được người dân xem như “báu vật lịch sử” và bảo vệ cẩn thận.
Chúng tôi về thăm chùa Tiên Linh, ở thôn Hòa Vang, xã Lộc Bổn, khi Tết cổ truyền Giáp Ngọ đã cận kề. Từ đầu làng đến cuối xóm, nhà nhà đều nhộn nhịp gói bánh chưng, bánh tét; không khí của làng, xóm đâu đâu cũng thoang thoảng mùi nếp mới, lá chuối xanh, thứ hương vị không thể thiếu mỗi khi Tết đến, xuân về.
Vừa ngơi tay trang trí mấy chiếc lồng đèn trước sân chùa, ông Trần Ngọc Anh (60 tuổi), người trông giữ chùa Tiên Linh suốt mấy chục năm qua cho biết, chùa Tiên Linh được xây dựng từ cuối đời vua Gia Long, gắn liền với giai thoại một thời của Cai đội Hoàng Sa khi tuân lệnh vua ra trấn giữ vùng biển đảo Hoàng Sa của Tổ quốc. Nhờ sử tích ấy mà sau này chùa vinh dự được vua Minh Mạng phong 3 chữ vàng là “Tiên Linh Tự”.
Nhắc đến Cai đội Hoàng Sa ở Huế lẫy lừng một thời không thua gì Cai đội Hoàng Sa ở Lý Sơn (Quảng Ngãi), ông Anh dẫn chúng tôi đến bên phải điện chùa, nơi đặt đại hồng chung được đúc từ thời vua Gia Long rồi cho biết: “Chiếc chuông này đã có hàng trăm năm tuổi, trên thân chuông có khắc bản minh văn ghi tên, tuổi, chức tước và đơn vị của Cai đội Hoàng Sa tên Nguyễn Hữu Niên. Ngài là vị quan ưu tú và là anh hùng của thôn Hòa Vang chúng tôi”.
Qua tìm hiểu, Nguyễn Hữu Niên vốn là một viên quan thuộc triều Tây Sơn, đến đầu triều Nguyễn được vua Gia Long phong tước Niên hầu thuộc Cai đội Hoàng Sa và cùng gần 100 quân lính dong thuyền ra Hoàng Sa để lập chốt trấn giữ bảo vệ biển đảo. Thắp một nén nhang lên trước bài vị của người lãnh đầu Cai đội Hoàng Sa được đặt trang trọng trên bàn thờ nằm phía sau hậu điện, thầy Thích Pháp Niệm, trụ trì chùa Tiên Linh cho hay, sau khi ngài Nguyễn Hữu Niên hoàn thành sứ mệnh tại đảo Hoàng Sa, vua Gia Long đã cho quân lính đưa voi ra Bắc để vận chuyển đồng vào Huế và cho thợ đúc nên chiếc đại hồng chung này nhằm ghi nhớ công ơn của Cai đội Hoàng Sa. Đọc cho chúng tôi nghe những dòng chữ Hán khắc ghi trên chiếc đại hồng chung đã có phần phai mờ vì thời gian, thầy Thích Pháp Niệm tự hào nói tiếp: “Chuông được trang trí hoa văn tinh xảo, 4 mặt trên thân chuông đều được khắc chữ Hán, ý nói về một người con của Hòa Vang là Hội chủ Nguyễn Hữu Niên giữ chức Cai đội (tước Niên hầu-NV) ngày ấy đã lãnh đầu quân ra Hoàng Sa trấn giữ”…
Và từ bao đời nay, chiếc đại hồng chung ở chùa Tiên Linh được dân làng Hòa Vang xem như một “báu vật” vì nó không chỉ khắc tạc công lao của Cai đội Hoàng Sa mà nó còn gắn liền giai thoại với vua Tự Đức một thời. Tương truyền rằng, trong một lần đi săn bắn ở cánh rừng cách chùa Tiên Linh khoảng 10 cây số, vua nghe thấy tiếng chuông vang như tiếng ai đó gọi tên đức vua nên ngay trong ngày hôm ấy, vua Tự Đức liền ra lệnh cho cánh thợ cắt bớt một phần tai chuông để chuông giảm bớt tiếng ngân. Từ đó, vua Tự Đức thường chọn một ngày tốt trong đầu năm mới để cùng các quan thần đến chùa Tiên Linh lễ phật, cầu cho dân chúng no ấm, đất nước thái bình.
Để tiếp cận thêm các tư liệu quý về Cai đội Hoàng Sa, chúng tôi đã tìm gặp cụ Nguyễn Hữu Hùng (82 tuổi) vị Tộc trưởng họ Nguyễn Hữu, thôn Hòa Vang. Trong căn nhà cấp 4 vừa được sửa sang để chuẩn bị đón xuân mới, cụ Hùng lật giở từng trang trong cuốn phổ hệ mục nát, giấy đã chuyển sang màu vàng ố, rồi giải thích: “Cao tổ Nguyễn Hữu Niên, thuộc Cai đội Hoàng Sa là đời thứ 9 của dòng họ Nguyễn Hữu. Vốn là vị quan thanh liêm, lại giỏi tài thao lược nên năm Gia Long thứ nhất (1802), nhà vua đã ban một chiếu chỉ đóng dấu Triện ghi rõ… Cai đội Hoàng Sa Nguyễn Hữu Niên. Như vậy, có thể khẳng định từ trước đời vua Gia Long, Hoàng Sa cũng đã là của nước ta. Đến đời vua Gia Long, việc gìn giữ và bảo vệ Hoàng Sa đã được chú trọng, mà Cao tổ Nguyễn Hữu Niên là người vinh dự được vua ban chiếu chỉ đứng đầu Cai đội để bảo vệ Hoàng Sa”.
Khi nghe thông tin có nhiều “báu vật” liên quan đến Hoàng Sa xuất hiện tại thôn Hòa Vang, cuối tháng 11/2011, Phái đoàn Ủy ban Biên giới Quốc gia (Bộ Ngoại giao) và cán bộ Sở VHTT&DL tỉnh Thừa Thiên-Huế đã về chùa Tiên Linh và gia đình cụ Nguyễn Hữu Hùng để thu thập, xác minh các bằng chứng liên quan đến chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Ông Trần Văn Hoa, Chủ tịch UBND xã Lộc Bổn cho biết: “Đoàn đã tiến hành sao chụp các chữ Hán được khắc trên chuông đồng ở chùa Tiên Linh, trên các tờ sai của vua Gia Long và phổ hệ của dòng họ Nguyễn Hữu để có thêm cơ sở pháp lý bổ sung, khẳng định chủ quyền về quần đảo Hoàng Sa của dân tộc... Hiện xã cũng đang tiến hành lập hồ sơ để đề xuất UBND tỉnh công nhận chùa Tiên Linh là di tích lịch sử cấp tỉnh”.
Cứ vào dịp cuối năm, cụ Hùng lại triệu tập con cháu ra nhà thờ họ để thắp hương tưởng nhớ công ơn của ngài Cao tổ Nguyễn Hữu Niên. Cụ cũng không quên dặn dò con cháu rằng: Phải bảo vệ và gìn giữ bằng được cuốn phổ hệ cùng các tờ sai mà vua Gia Long ban chiếu cho Cai đội Hoàng Sa. Bởi đó là những bằng chứng lịch sử, thể hiện quân đội triều Nguyễn ngày ấy đã lập chốt, đóng quân trên quần đảo Hoàng Sa
Nguồn CAND