Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Lên A Lưới gặp “thiếu nữ” 90 tuổi trong điệu khèn bè
14:36 | 07/02/2014

Người Pa Kô ở A Lưới, Thừa Thiên – Huế  và nhiều dân tộc vùng cao khác đều có nghệ nhân khèn bè nhưng điệu khèn lúc thì như nắng mới, như gió mơn man, như lau lách rì rào; khi thì da diết như tiếng lá khô chậm rãi rời cành…, thì chỉ có được trong điệu khèn Kăn A Kết. Điệu khèn nổi tiếng những năm 60, 70 của thế kỷ trước, lưu truyền trong dân gian nhưng rất ít người biết được…  

Lên A Lưới gặp “thiếu nữ” 90 tuổi trong điệu khèn bè

Sau gần mười năm xa cách, xuân Giáp Ngọ này tôi mới có dịp quay lại vùng A Lưới, tìm đến ngôi nhà của già làng Quỳnh Mer – người lưu giữ nhiều truyền thuyết dân gian của các tộc người sinh sống trên dãy Trường Sơn. Khách đến vào dịp đầu Xuân hay những ngày làng có cuộc vui thường được già Quỳnh Mer kể chuyện bằng khèn. Tiếng khèn bè  của già  Quỳnh Mer kể cho tôi nghe về người con gái Pa Kô có tên là Kăn A Kết, xinh đẹp, giỏi giang. Gần bảy mươi năm về trước Kăn A Kết cùng gia đình từ làng A Ramon, xã Đông Sơn ở biên giới Việt – Lào chuyển về làng A Nin sinh sống. Người con gái đẹp được xem như viên ngọc quý của làng và điệu khèn Kăn A Kết cũng bắt đầu từ đó.

Rời nhà già làng Quỳnh Mer, chúng tôi đi tìm Kăn A Kết. Sau gần hai tiếng đồng hồ đi khắp làng A Nin, chẳng ai biết Kăn A Kết ở đâu, chuẩn bị ra về thì một cô gái trẻ hé lộ cho chúng tôi thông tin về người chơi bài khèn Kăn A Kết giỏi nhất, từng biết Kăn A Kết, đó là già Ku Veh.

Già Ku Veh sống trong ngôi nhà tranh tuềnh toàng. Sau khi thổi bài ca Kăn A Kết, già thú nhận đã từng theo nhiều người trong làng đến nhà người đẹp thổi cho nàng nghe bài hát này. Theo lời già, nàng là con gái trong một gia đình trung lưu, dáng người thon thả, gương mặt bầu bĩnh. Cái duyên khiến các chàng trai mê đắm Kăn A Kết, đó là nàng ăn nói rất khéo. Nàng thường dùng lối nói ví von để khen tặng và đáp lời khách.

Theo tục lệ, trai làng các vùng muốn được trò chuyện với nàng phải mang lễ vật đến tặng gồm tiền đồng, hạt cườm, trang sức hay đồng bạc hoa xòe (một đồng mua được một con trâu lớn theo giá thời bấy giờ). Cũng giống như những trai làng ngày ấy, già Ku Veh cũng không biết ai là người sáng tác ra bài khèn Kăn A Kết. Chỉ biết rằng, rất nhiều chàng trai thuộc điệu khèn này, hễ chàng trai nào thổi hay được nàng để ý là vui lắm rồi.

Hằng đêm, trai làng đứng quanh sân nhà nàng thổi bài Kăn A Kết. Lời bài khèn có đoạn nói rằng: "Có người đàn ông xấu nhưng lại lấy được người đẹp. Anh thổi khèn hay, sao em không xuống sàn nói chuyện cùng anh... Em đừng ưng người xấu. Em theo anh nhé, theo anh nhé!...”.

Cuối cùng, một chàng trai giàu có mang theo 30 chiếc chiêng, thanh la, 60 hạt cườm, hoa tai bạc đầy một giỏ, trâu bò mấy chục con... đến cưới nàng làm vợ. Ngày nàng lên kiệu hoa, nhiều chàng trai  nhớ nàng đã cùng nhau thổi bài ca Kăn A Kết. Về sau, bài ca này lưu truyền trong dân gian và trở thành làn điệu không thể thiếu trong mỗi dịp hội hè của đồng bào sống trên dãy Trường Sơn.

Trên đường trở về, chúng tôi gặp một người phụ nữ, chị bảo rằng, biết người tên Kăn A Kết và dẫn chúng tôi vào căn nhà nhỏ, được bao quanh bởi những cây hồng trĩu quả. Nghe tiếng người lạ, một bà già bước ra từ vườn hồng, nhìn cốt cách và gương mặt, chúng tôi biết mình đã gặp được người cần tìm. Kăn A Kết trước mặt chúng tôi vẫn giữ được cốt cách  của bông hoa đậm hương sắc núi rừng. Con trai nuôi của Kăn A Kết  là anh Kê Ru Lô, Phó Chủ tịch thị trấn A Lưới. Bà được anh Kê Ru Lô nhận làm mẹ nuôi và đưa về chăm sóc hơn hai mươi năm nay do bà không còn người thân thích nào. Kăn A Kết còn có tên là Kăn Thai, sinh năm 1924, nguyên quán ở A Rưm, xã Hồng Nam. Xuân Giáp Ngọ này "mỹ nhân” Kăn A Kết tròn 90 tuổi. Anh Kê Ru Lô kể, có rất nhiều người muốn mời bà Kăn A Kết về chăm sóc, phụng dưỡng như mẹ già nhưng bà đã chọn gia đình anh.

Những hồi ức quá khứ của mỹ nhân đại ngàn dần hiện về trong câu chuyện với chúng tôi. Cụ Kăn A Kết không còn nhớ được nhiều, chỉ biết rằng, ngày ấy người chiếm lĩnh trái tim nàng tên là Khui, sống ở biên giới Việt – Lào. Chính Khui là người đã sáng tác nên bài ca Kăn A Kết lưu truyền lại cho các thế hệ sau. Chàng Khui mất vì bệnh nặng khi mới 20 tuổi.

Kỷ vật Kăn A Kết còn giữ lại là một chuỗi hạt cườm hình tứ giác mà bà đã mang theo gần bảy mươi năm nay. Thuở trước, nó có thể đổi được mấy con trâu. Sau này, Kăn A Kết lập gia đình với người có tên là Quỳnh Thôn, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn, hai người có với nhau 6 người con nhưng tất cả đều mất trong chiến tranh.

Kăn A Kết giờ đang hạnh phúc với gia đình người con nuôi. Xuân đến rồi xuân qua, đôi mắt "nàng” nay đã không còn nhìn rõ vạt hoa tím biếc trước sân nhà thế nhưng điệu khèn Kăn A Kết thì vẫn ngọt ngào cùng năm tháng.

 

Theo daidoanket.vn

Các bài mới
Các bài đã đăng