Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Bến Xuân bên sông Hương
09:08 | 10/02/2014

Sông Hương - quà tặng tuyệt diệu của tạo hóa cho Huế thiên hạ đã biết, nhưng từ khi những con đường ven sông và các cây cầu vươn nhịp nối đôi bờ ngày một nhiều hơn thì các khách sạn và nhiều công trình kiến trúc khác, thường trọng “mặt tiền” là con đường người xe tấp nập, “vô tư” quay lưng với dòng sông từng là nguồn cảm hứng bất tận cho thơ ca nhạc họa.

 


Trong tình cảnh đó, người ta như đã quên các bến sông từng là nơi ghi dấu bao kỷ niệm vui buồn của đời người: buổi đón mẹ về chợ, phút hò hẹn của bao đôi lứa dưới đêm trăng, hay trong sóng nước mát rượi chiều hè cuộc chia tay kẻ ở người đi... “Bến đò Thừa Phủ” nổi danh một thời cũng chung số phận như thế!

Vậy mà phía trên chùa Thiên Mụ có một công trình văn hóa mới chọn sông Hương làm “mặt tiền” và như thế phải “đầu tư” để có khuôn mặt không hổ thẹn khi soi mình bên sông Thơm cùng với một bến sông tương xứng. Công trình chưa hẹn ngày khánh thành nhưng tên “Bến Xuân” thì không ít người đã nghe nói đến.

Về công trình nhà hát khá đặc biệt này hẳn là có dịp phải viết kỹ hơn; ở đây chỉ xin được nói vắn tắt: trong khi hàng loạt di tích văn hóa cổ sau khi cải tạo, trùng tu thường biến dạng thành những khối bêtông với màu sắc kệch cỡm thì “Bến Xuân”, một công trình mới toanh, lại hài hòa với phong cảnh và di tích cố đô Huế, đến mức tưởng như nó là một kiến trúc đặc sắc, nguyên vẹn từ trong Đại Nội mà ai đó vừa tung phép mầu “bê” ra bờ sông Hương! Từ viên ngói lợp cho đến gạch xây và mọi họa tiết trang trí đều cổ điển như ở một công trình thời Nguyễn.

Dù vậy, “Bến Xuân” không phải là một kiến trúc bắt chước, mà là công trình nghệ thuật có dấu ấn riêng của tác giả - cặp vợ chồng trai tài gái sắc Truơng Đình Ngộ - Huyền Tôn Nữ Cẩm Hồng đã hai lần mang chương trình nhạc Cung Tiến và thơ - nhạc Hàn Mặc Tử dựng từ trời Tây về góp mặt với Festival Huế... Khán giả biết đến Cẩm Hồng với cái tên Camille Huyền. Họ đã sống ở Paris, Thụy Sĩ nhiều năm nên “Bến Xuân” không thể thiếu yếu tố hiện đại. Xin “bật mí” trước là dưới “Lầu thơ” sắp hoàn thành là một... hầm rượu như ở Tây!

Dễ thấy nét riêng của công trình hơn cả có lẽ là hai cái cổng. Cổng ở bến sông đã hoàn thành, cổng phía đường ôtô vận dụng các hình khối của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị đang được xây dựng. Riêng cổng phía bờ sông đã có thể nói chắc là một công trình “không nơi nào có được” như lời một bài hát về Huế. Cái đẹp còn tùy “gu” mỗi người, nhưng chủ nhân - nữ ca sĩ kiêm họa sĩ Cẩm Hồng, cựu nữ sinh Đồng Khánh - thì đã trăn trở cả năm trời mới tìm ra kiểu dáng gần gũi với dòng sông - mái cổng tựa như mái đò thân thuộc trên sông Hương, và cô đã “đeo bám”, chỉnh sửa cùng với tốp thợ suốt mấy tháng ròng, đến mức quên cả vóc hình của mình hao gầy vì nắng gió. Một khung cửa bên tường nhà mang hình chim phụng, một họa tiết nơi lan can gợi nhớ mâm ngũ quả ngày tết... đều được chăm chút tỉ mỉ như thế, thậm chí có loại sành sứ phải tìm mua những mảnh vỡ đồ cổ hàng trăm năm...

Một công trình như thế tốn nhiều tỉ đồng, nhưng giàu mấy - thậm chí là tỉ phú đôla - mà không hiểu biết, không tôn trọng văn hóa và sự hài hòa với cảnh sắc thiên nhiên cũng như những nét đẹp riêng của một vùng đất thì chắc chắn không thể làm được công trình như “Bến Xuân”. Cũng vì thế, “Bến Xuân” đã lỡ hẹn với Festival Huế 2012, nay Festival Huế 2014 đã khởi động mà anh Trương Đình Ngộ vẫn chưa dám hẹn ngày khánh thành.

Một công trình thật sự có giá trị văn hóa không chỉ để phục vụ một lễ kỷ niệm, một lễ hội mà muốn còn mãi với thời gian thì ắt không thể làm vội. Cần rất nhiều công phu và một tâm hồn yêu cái đẹp đến quên mình...

 

Nguyễn Khắc Phê

Các bài mới
Các bài đã đăng