Từ Ô Lâu đến Hải Vân
"Ngọ Môn Quan" có phải lối ngựa đi?
14:21 | 10/02/2014

Cổng Ngọ Môn Quan là cổng chính phía Nam của Hoàng thành Huế, đồng thời cũng là cổng chính và là bộ mặt của Đại Nội. Ý nghĩa của cổng Ngọ Môn là gì? Có phải là lối ngựa đi?

 

"Ngọ Môn Quan" có phải lối ngựa đi?

Nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân cho hay, cổng Ngọ Môn xây dựng vào năm 1833, khi Vua Minh Mạng cho quy hoạch lại mặt bằng và hoàn chỉnh hóa tổng thể kiến trúc trong Đại Nội.

Theo ông Xuân, vì kinh dịch quy định vua phải quay mặt về phía Nam để cai trị thiên hạ, cho nên ngay từ thời Gia Long khi xây dựng Kinh đô Huế cùng hệ thống thành quách và Cung điện phải ở vào vị trí có thể “tọa càn hướng tốn” tức là Tây Bắc - Đông Nam.Đối với ngai vàng trong điện Thái Hòa được xem như vị trí trung tâm của mặt bằng tổng thể, cổng Ngọ Môn nằm ở phía Nam điện. Căn cứ trên khoa địa lý phong thủy Đông Phương, phía Nam thuộc hướng “Ngọ” trên trục “Tý – Ngọ” (nghĩa là Bắc – Nam). Vì thế, triều Minh Mạng đã đặt tên cho cổng mới xây ở chính giữa mặt trước Hoàng Thành là Ngọ Môn, thay cho tên cũ là Nam Khuyết Đài.Nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân sau nhiều năm nghiên cứu mới đi đến kết luận Ngọ Môn là cổng phía Nam với ý nghĩa mang tính không gian, chứ không mang tính thời gian là giờ “Ngọ”. Ngày xưa cổng này thường đóng chặt quanh năm, chỉ được mở khi Vua ra vào Hoàng Thành có đoàn Ngự đạo đi theo và trong những dịp tiếp kiến các sứ thần ngoại quốc quan trọng trong Hoàng cung.Tuy nhiên, Ngọ Môn không phải chỉ là một cái cổng, mà nó là cả một tổng thể kiến trúc khá phức tạp. Bên trên còn có lầu Ngũ Phụng được xem như một lễ đài, dùng để tổ chức một số cuộc lễ hàng năm của triều đình, như lễ Truyền Lô tức là đọc tên các sỹ tử thi đỗ Tiến sỹ; lễ Ban Sóc tức là phát lịch; lễ Duyệt Binh và đây cũng là nơi diễn ra cuộc lễ thoái vị của vua Bảo Đại vào ngày 30/8/1945.

Về mặt kết cấu kiến trúc, có thể chia tổng thể Ngọ Môn ra làm hai hệ thống, nền đài ở dưới và hệ thống lầu Ngũ Phụng ở trên, mặc dù cả hai đều đã được thiết kế ăn khớp nhau một cách chặt chẽ và hài hòa với nhau từ tổng thể đến chi tiết.Theo nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân: “Từ lâu nhiều người đến Huế cứ nhầm tưởng cổng Ngọ Môn là lối đi cho Ngựa. Điều đó hoàn toàn sai.

Cổng Ngọ Môn là cổng chính của Hoàng Thành và chỉ dành cho vua đi mà thôi. Các quan và quân lính đi hai cổng bên cạnh. Đó là cánh cổng linh thiêng và quyền lực thời nhà Nguyễn ở Cố đô”.

Nguồn Khoa học và đời sống

Các bài mới
Các bài đã đăng