Ngày 9/2, chúng tôi gồm bốn người, đăng ký xe lên tham quan vườn tại Trung tâm Dịch vụ du lịch sinh thái và giáo dục môi trường thuộc Vườn quốc gia Bạch Mã (thị trấn Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế).
Nhân viên bán vé cho biết: xe đi trong ngày giá 900.000đ; đi hai ngày giá 1,1 triệu đồng; hình thức đưa đón là xe sẽ chở đến một điểm bất kỳ theo yêu cầu của khách và chỉ một điểm mà thôi, thả khách xuống, ai thích đi đâu thì đi, hẹn giờ về, xe lại đón. Giá cả trên áp dụng cho tất cả khách, dù đi một mình hay đi theo đoàn. Chúng tôi thắc mắc: mười người hay một người đi cũng chừng đó tiền là sao? Câu trả lời là: quy định như thế. Vì vậy, chúng tôi đành chờ gần một giờ để tìm thêm khách ghép vào. Ngày hôm sau, khi quay về, có hai khách hôm trước thuê 1,1 triệu, chúng tôi thương lượng với trung tâm dồn sáu người vào xe 16 chỗ, bớt tiền cho khách vì không cần phải hai lần đón, nhưng câu trả lời là: không được!
Tại biệt thự Sao La, giá phòng ngủ là 500.000đ/ngày đêm. Không bàn chải, kem đánh răng, không nước uống, không dép đi trong phòng, không ti vi, internet, không thảm chùi chân, không màn dù muỗi nhiều vô kể. Quanh biệt thự, rác, lá cây tràn ngập. Hệ thống nước sinh hoạt thì rỉ rả. Các biệt thự khác như Cẩm Tú, Phong Lan thì hư hỏng nặng, không sử dụng được. Thảm hại nhất là biệt thự Morin như ngôi nhà hoang với hệ thống cửa, hàng rào gãy nát, lá cây chất chồng, vỏ chai, ghế gãy, chứng tỏ lâu ngày không được sử dụng. Từ biệt thự này, có đường đến km số 0, dẫn lên đỉnh Bạch Mã với độ cao 1.450m.
Nơi đây, phóng tầm mắt về hướng Bắc là thấy thành phố Huế, nhìn về hướng Đông Nam thấy toàn bộ hệ thống đầm phá vùng Cầu Hai, Cảnh Dương. Ngay trên đỉnh, có một căn nhà hình lục giác, được gọi là Hải Vọng đài. Thật không ngờ nơi có bia đá với hàng chữ Non thiêng Bạch Mã, mà nhiều người kỳ vọng chẳng kém non thiêng Yên Tử, lại thảm hại như thế. Cửa kính vỡ nát, chai lọ, rác rưởi đầy trong phòng trệt. Lên lầu, điều làm du khách chạnh lòng, là ba tượng Phật được đặt trên mấy viên đá và bệ cửa sổ, lạnh tanh nhang khói. Hai kính viễn vọng được đặt để du khách nhìn đã hư nát từ bao giờ.
Quay về, chúng tôi gặp một đoàn khách từ thành phố Huế lên. Một phụ nữ lớn tuổi trong đoàn nói: “Cô lên đây lần đầu, cũng là lần cuối, không bao giờ quay lại nữa. Vì sao à? Vì mình đi chơi, nghe giới thiệu loạn lên, nhưng đến các thác, vườn cây, chim chóc, không hề có bảng chỉ dẫn cho du khách, đường mòn thì nhiều nên không dám đi. Nhóm của cô đang ngồi chờ năm người đi thác Đỗ Quyên bị lạc đường. Họ yêu cầu mình không được xả rác, nhưng đố tìm đâu ra được thùng rác mà bỏ”.
Ông Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ du lịch sinh thái và giáo dục môi trường của Vườn quốc gia Bạch Mã, khi trả lời chúng tôi, đã thừa nhận những khiếm khuyết trên. Theo ông Linh, lỗi là do nhân viên kiểm lâm, hướng dẫn, dù đã được phân công, nhưng không thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ; các thùng rác ngay trên đường dẫn vào các điểm du lịch không có là lỗi của trung tâm không làm; hệ thống bảng chỉ dẫn bị sụp đổ chưa dựng lại.
Việc dịch vụ yếu kém, biệt thự bỏ hoang, nguyên nhân chính là điều kiện thời tiết quá khắc nghiệt, một năm chỉ được mấy tháng hè đón khách, còn lại mưa ẩm. Bạch Mã là nơi có lượng mưa lớn nhất nước, gần như mưa quanh năm, nên hệ thống điện, nước bị hư hỏng liên tục, các nhà đầu tư, dù đã kêu gọi nhiều, kể cả nước ngoài, nhưng họ từ chối. Các khu Morin, Cẩm Tú, họ đầu tư làm được khoảng hai năm, thua lỗ nghiêm trọng, nên đành bỏ hoang.
Ông Linh cho biết, giá xe đưa đón khách như trên trong khi chiều dài chỉ 16km là quá cao, nhưng Trung tâm bất lực. Trước đây Trung tâm đã làm nhưng lỗ, đành thuê xe ngoài, yêu cầu họ hạ giá mà không được, vì họ cho là dốc cao, đường bê tông làm xe mau hư, phí duy tu bảo dưỡng lớn. Sự bị động phương tiện đưa đón, cộng với thời tiết quá khắc nghiệt khiến dịch vụ du lịch yếu kém nhưng đành chịu.
Tất nhiên, thiệt thòi cuối cùng vẫn thuộc về du khách. Trả lời câu hỏi: “Tương lai của du lịch sinh thái-dịch vụ tại đây sẽ ra sao?”, ông Linh buông mấy chữ: “Khó nói lắm”!
Nguồn phunuonline.com