Hàng chục năm qua, ngư dân ở thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế) đã gắn bó với nghề “theo đuôi tôm, cá” trên phá Tam Giang. Nhờ cần mẫn mưu sinh và sự dám nghĩ, dám làm mà trong thôn xuất hiện nhiều “triệu phú” với thu nhập mỗi năm lên đến hàng trăm triệu đồng...
Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang nằm sát bên khu chợ nổi trên phá Tam Giang, lão ngư Trần Minh (40 tuổi), Trưởng thôn Ngư Mỹ Thạnh, người đã gắn bó với vùng phá này trên 20 năm qua tâm sự: “Những năm trước, bà con ngư dân trong thôn chỉ biết đánh bắt tôm, cá trên phá bằng việc bủa lừ, bủa lưới... đến khi tôm cá cạn kiệt, nhiều người chuyển sang dùng cả kích điện để tận diệt thủy sản. Nhưng đó là câu chuyện của nhiều năm trước rồi, giờ thôn đã thành lập được Chi hội nghề cá nên không còn ai đánh bắt thủy sản theo kiểu hủy diệt như vậy nữa. Nay bà con được dạy phương pháp nuôi trồng và tham gia đấu hécta mặt nước để nuôi tôm, cua và các loại cá có giá trị kinh tế cao...”.
Chỉ tay về phía vô số nò, sáo được khoanh lưới cặm ngang dọc trên phá Tam Giang, ông Minh cho hay: Hiện thôn Ngư Mỹ Thạnh có gần 190 hộ dân, trong đó đa số làm ngư nghiệp, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản trên vùng phá Tam Giang. Đặc biệt, sau năm 2000, khi chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh trở nên sầm uất thì việc giao thương, buôn bán thủy hải sản của ngư dân vùng phá nơi đây càng trở nên thuận lợi.
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Huế đánh giá rằng, chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh là một trong những phiên chợ độc đáo, hấp dẫn du khách nhất nằm trên hệ đầm phá Tam Giang. Chợ họp từ lúc 4h sáng đến hơn 7h là tan. Hầu hết các thương lái đều về đây mua hải sản từ sớm rồi đem lên các chợ đầu mối ở TP Huế như: An Cựu; Bãi Dâu; Ngự Bình hay Đông Ba để bỏ mối.
Ông Phan Ty, Chi hội trưởng Hội nghề cá thôn Ngữ Mỹ Thạnh còn cho biết: “Chính nhờ có thị trường đầu ra ổn định, có chợ để trao đổi hàng hóa, giá cả thủy sản ngày một tăng nên bà con ngư dân làm ăn rất phấn khởi. Từ những hộ nghèo khó, đến nay trong thôn đã xuất hiện nhiều gương làm kinh tế giỏi, rất nhiều ngư dân đã trở thành triệu phú với thu nhập từ 180 đến 230 triệu đồng/năm nhờ vào con tôm, con cá trên phá như hộ ông Trần Văn Thành; Trần Mốc; Trần Sanh, Trần Hồng…”.
Không giấu được niềm vui trong ngày đầu năm mới khi vụ thu hoạch tôm trên phá dịp cuối năm vừa qua thắng lợi lớn, ngư dân Trần Văn Thành chèo con đò nhỏ dẫn tôi ra giữa phá. Chỉ cho tôi thấy ngôi miếu Sơn Thủy được dân làng xây dựng nằm sát bên bờ khu phá, ông Thành nói: “Năm nào cũng vậy, để cầu mong vụ mùa thắng lợi, đánh bắt được nhiều tôm, cá thì ngày mùng 2 tháng 4 âm lịch hằng năm, dân làng đều tập trung về miếu này để làm lễ cầu ngư tạ lễ với thần linh”.
Suốt gần 15 năm gắn bó với con nước lên xuống của phá Tam Giang nhưng ông Thành không sao quên được những ngày các cán bộ thủy sản của tỉnh về dạy cho ông và bà con ngư dân cách phòng chống dịch bệnh cho tôm, cá... “Sau đợt ấy, bà con biết áp dụng các phương pháp kỹ thuật nên năng suất thủy sản tăng cao hơn trước rất nhiều, tôm cá cũng ít bị dịch bệnh hơn. Hiện gia đình tui có gần 3ha mặt nước nuôi tôm và cá, mỗi năm thu hoạch trên dưới 170 triệu đồng...”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tường, Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi, thổ lộ: Quảng Lợi đã thành lập được 3 chi hội nghề cá, diện tích mặt nước nuôi trồng và khai thác thủy sản lên đến 1.200ha. Trong đó, sản lượng đánh bắt thủy sản của ngư dân thôn Ngư Mỹ Thạnh luôn đạt cao nhất xã, mỗi năm gần 50 tấn. Nhờ đó đã có nhiều ngư dân trở thành “triệu phú”, con em các gia đình địa phương được “no con chữ” hơn trước... Đây là tín hiệu đáng mừng ở vùng quê đầm phá vốn nhiều nghèo khó này.
Nguồn CAND