Những cụ bà ở tuổi xưa nay hiếm, tóc bạc trắng, lưng còng, rưng rưng lệ khi được dòng họ vinh danh nàng dâu hiếu thuận.
Ở tuổi thanh xuân đẹp nhất, các bà, các mẹ về làm dâu, để rồi suốt cả cuộc đời, một nắng hai sương đảm đương, gánh vác gia nương nhà chồng, gìn giữ nếp nhà và nuôi dạy con cái thành đạt.
Những người đàn bà nhận nhiệm vụ "tề gia"
Văn hóa gia đình ở Huế luôn lấy những giá trị chuẩn mực về lễ giáo, hiếu học, tinh thần tự tôn... làm cái gốc để hình thành và phát triển. Ngày trước, ở Huế tồn tại nhiều gia đình “tứ đại đồng đường” với ba, bốn thế hệ sống sum vầy dưới một mái nhà, mỗi gia đình đều có gia pháp riêng để giáo dục con cháu hòa thuận, có trách nhiệm. Người đàn ông sẽ đảm đương công việc xã hội và trao hẳn vai trò “tề gia” cho người phụ nữ. Thế nên, vai trò của người mẹ trong việc giáo dục các con mang những nét khác biệt.
Người phụ nữ là tấm gương của “tứ đức”, đảm đang, lo việc nội trợ, “làm con một nhà - làm dâu cả họ”. Người mẹ là người thầy của con trẻ trong những bài học đạo đức, luân lý và nữ công gia chánh. Công lao của những người phụ nữ ở Huế lần đầu tiên được dòng họ Lương tại làng Vinh Mỹ, xã Mỹ Lợi, huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) tổ chức lễ tôn vinh.
Những ngày đầu năm mới, chúng tôi chạy xe theo dọc con đường quốc lộ, băng qua những cánh đồng mênh mông để tìm đến ngôi làng, nơi có dòng họ duy nhất tổ chức lễ vinh danh đặc biệt này. Trong cái ngày đầu năm mới, ngôi làng nhộn nhịp cảnh bà con cùng nhau ra đồng, trong cái nắng ban mai ấm áp. Ngôi làng mang một màu xanh tươi tốt của những luống rau xanh mởn. Tôi phải trầm trồ vì vùng đất rất nhiều rau xanh. Có lẽ, những bàn tay của người phụ nữ nơi đây cũng rất khéo léo. Khi mảnh vườn của họ cũng đầy những loại cây ăn quả, rau sống...
Nghe chúng tôi hỏi về dòng họ Lương, mọi người trong vùng chỉ dẫn một cách nhiệt tình, thân thiện. Bước theo con đường nhỏ vào trong ngôi nhà ông Lương Thành Long (SN 1947), trưởng tộc dòng họ Lương. Biết chúng tôi tìm tới, ông vui vẻ gác lại mọi chuyện, kể chuyện dòng tộc mình cho chúng tôi nghe. Dòng họ Lương là một dòng họ lớn trong làng, từng có bề dày lịch sử rất lớn, một trong những dòng họ có công khai phá ngôi làng Vinh Mỹ. Các cụ già trong làng cho biết, ngôi làng ngày ấy không như bây giờ, đất đai còn hoang sơ, cha ông đã cùng nhau hợp sức khai phá mới có vùng đất như ngày nay. Trong đó, dòng họ Lương cũng đóng vai trò rất quan trọng, cho đến nay con cháu vẫn tiếp bước cha ông đời đời nối tiếp những truyền thống tốt đẹp.
Năm 2013, lần đầu tiên dòng họ Lương tổ chức lễ “Vinh danh nàng dâu”. Có tất cả 165 người làm dâu trong 30 năm qua được chọn để tặng bằng khen của ban liên lạc họ Lương Việt Nam. Tiêu chí dòng họ Lương đưa ra đơn giản, dành cho tất cả những ai đã làm dâu dòng họ Lương 30 năm trở lên, sống hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, thuận hòa với làng trên xóm dưới, đảm đang, biết gìn giữ mái ấm gia đình và có trách nhiệm bảo vệ nề nếp gia phong của dòng họ.
Ngày vinh danh các bà, các mẹ, con cháu từ khắp nơi quây quần về nhà thờ họ để chia sẻ niềm vui. Những cụ tuổi “xưa nay hiếm”, lưng còng, chân chậm được con cháu dìu dắt đến dự. Phần nghi lễ tổ chức theo tục lệ truyền thống dòng họ. Chiêng trống rộn ràng. Nhiều đội văn nghệ “cây nhà lá vườn” góp thêm tiết mục hát múa khiến không khí buổi lễ tăng thêm phần ấm cúng. Cụ Lại Thị Sổn (92 tuổi) được con cháu ân cần dìu đến buổi lễ. Cụ Sổn minh mẫn bộc bạch “cả đời làm dâu tui chưa bao giờ nghĩ có buổi lễ lạ như ri”.
Ông Lương Công Thông, thành viên ban liên lạc họ Lương ở Mỹ Lợi, cho rằng thời đại bây giờ nếu ai còn suy nghĩ kiểu phong kiến xem phụ nữ như vật trang trí trong nhà thì thật ấu trĩ. Hiện nay vai trò của người phụ nữ trong gia đình ngày càng được thể hiện rõ. Việc tôn trọng, ghi nhận và vinh danh những người phụ nữ là việc cần làm. Bởi họ chính là những người góp phần quan trọng định hình, xây dựng và giữ kỷ cương, nề nếp cho cả dòng họ. Phần thưởng tuy nhỏ nhưng là một sự ghi nhận thiêng liêng của cả dòng tộc dành cho những người bà, người mẹ suốt đời tận tâm cống hiến cho cháu con.
Bản thân ông Thông cũng có mẹ và vợ được nhận bằng khen của họ. Ông chia sẻ lúc mẹ và vợ lên nhận bằng khen của dòng họ, ở dưới ông cảm thấy tràn ngập hạnh phúc. Chung sống trong một gia đình, ông không kể hết những điều mẹ và vợ ông đã làm cho gia đình. Tuy vậy đây là lần đầu tiên ông và con cháu cảm nhận được sự mãn nguyện của những con người sống cả cuộc đời “sang sông” với bao vất vả lo toan, vun đắp, gìn giữ mái ấm gia đình chồng.
Phúc đức tại mẫu
Trong một lần được gặp nhưng con người thuộc dòng họ Lương từ xa tới, họ tham dự buổi lễ hội dòng họ hằng năm. Nhắc đến lễ hội, ông Long kể: “Lúc ấy, nghe bàn đến lễ vinh danh nàng dâu, trong dòng họ chúng tôi cũng rất xôn xao, bà con trên dưới ai cũng ái ngại. Ngại vì không biết lễ hội sẽ được tổ chức như thế nào. Ai sẽ xứng đáng nhận bằng khen. Sau gần một tháng bàn bạc, chúng tôi quyết định tổ chức, trao bằng khen cho những người vợ, người mẹ xứng đáng trong dòng họ. Cũng may mắn buổi lễ diễn ra trong sự vui mừng của mọi người. Trong làng lúc bấy giờ cũng đến tham dự rất đông. Đặc biệt, công lao của những người phụ nữ được vinh danh...”.
Bà Hầu Thị Thiếp, đã ngoài 90 tuổi, nổi tiếng là người phụ nữ đảm đang, tháo vát ở làng Mỹ Lợi khi tảo tần, nuôi tằm, dệt lụa, phụng dưỡng bố mẹ chồng để chồng yên tâm tham gia cách mạng. Chồng bà là liệt sỹ Lương Trường, hy sinh trong kháng chiến chống Pháp (1954) khi con trai thứ mới ba ngày tuổi. Ngoài 20 tuổi, người phụ nữ ấy ở vậy thờ chồng, nuôi con. Khi con khôn lớn, một tay bà dựng vợ, gả chồng. Bà đã giữ nếp nhà bằng cách “lạt mềm buộc chặt” để các thành viên trong gia đình lúc nào cũng kính trên, nhường dưới. Người con dâu của bà là chị Trần Thị Bê xúc động kể: “Tôi về làm dâu mạ trên 30 năm nay, chưa bao giờ có chuyện bất hòa giữa mẹ chồng, nàng dâu. Vợ chồng tôi vất vả ngược xuôi, một tay mạ quán xuyến nhà cửa, chăm sóc các cháu. Các con tôi đã thấm nhuần tính cách, sinh hoạt, ăn nói, đứng ngồi, giờ giấc của từng bữa ăn, cách sắp đặt bàn thờ tươm tất trong những ngày lễ, Tết của bà nội. Bà đã rèn các cháu gái chữ “nhẫn” khi dạy cháu học gia chánh, học thêu thùa, may vá để sau này giữ được nếp nhà”.
Tôi đọc được niềm hạnh phúc, biết ơn đong đầy trong mắt chị Bê khi mẹ chồng mãi là chỗ dựa tinh thần vững chắc để các con, cháu nên người, thành đạt. Không phụ công dưỡng dục, chăm sóc của bà và mẹ, năm người con của chị Bê đều học đại học Bách khoa Ðà Nẵng, trong đó có ba người đã tốt nghiệp bằng giỏi, có công ăn việc làm ổn định. Bà Ðoàn Thị Nữ, một trong những nàng dâu trẻ được làng vinh danh khi chồng mất sớm, một mình phụng dưỡng mẹ chồng, cật lực làm hoa màu, tảo tần để nuôi con ăn học. Giờ đây, con trai cả của bà đã bảo vệ luận án tiến sỹ, làm việc tại Pháp, con út đang học đại học. Bà Nữ tâm sự: “Bằng ghi công những nàng dâu hiếu thuận chính là sự quan tâm, khích lệ, động viên của dòng họ. Chị em chúng tôi càng cố gắng nhiều hơn trong việc nuôi dưỡng, giáo dục con cháu phải giữ gìn phẩm hạnh để không hổ thẹn với ông bà, tổ tiên”.
Nhắc nhở, giáo dục con cháu gìn giữ truyền thống hiếu thuận
Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Lộc, ông Nguyễn Minh Tuân cho rằng: “Ðây là lần đầu ở tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức tôn vinh những người làm dâu, việc làm đó nhắc nhở, giáo dục con cháu giữ gìn phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ. Nét đẹp truyền thống hiếu thuận với ông bà, cha mẹ mà những người phụ nữ xưa tạo dựng, được các thế hệ con cháu trong họ hôm nay ra sức giữ gìn, phát huy”.
Nguồn ĐSPL