Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Độc đáo mặt nạ tuồng Huế
14:19 | 26/02/2014

Tuồng Huế, đã có nhiều cuộc hội thảo với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nhiều nghệ sĩ lừng danh, tất cả đều đặt ra câu hỏi làm thế nào để bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật đã một thời được xem là quốc kịch dưới triều nhà Nguyễn. 

Độc đáo mặt nạ tuồng Huế
NSƯT La Cẩm Vân vào vai Chung Vô Diệm

Không tìm hiểu về cách khôi phục các kịch bản, hình thức biểu diễn, tuyển chọn diễn viên… chúng tôi đi tìm một ngôn ngữ tuồng ẩn chứa trong hai câu thơ: Người trung mặt đỏ đôi tròng bạc/Đứa nịnh râu đen mấy sợi còi.

Mặt nạ tuồng Huế có 3 tông màu chủ đạo là đen - đỏ - trắng và thêm một số màu phụ trợ như: xanh, xám… Mỗi tông màu gắn với từng mô típ nhân vật cụ thể, như: mặt đen - đại diện cho sự rắn chắc; mặt trắng - vẽ sự bạc bẽo; mặt mốc - dành cho kẻ xu nịnh, phản trắc; mặt rằn - kẻ tướng mạo xấu xí, tính tình nóng nảy; mặt đỏ - tỏ rõ sự trung can nghĩa khí... Và qua các sưu tầm, nghiên cứu, kết quả cho thấy tuồng Huế có khoảng 100 loại mặt nạ tiêu biểu. 
 
 Đã từng hóa thân nhiều vai diễn tuồng từ khi còn là diễn viên lớp Đồng Ấu, nghệ nhân La Nguyên cho biết: Khi vẽ mặt nạ tuồng, ngoài những quy định chung về tính cách và xuất xứ của nhân vật, nó còn có sự thay đổi, biến chuyển tùy thời điểm, tùy tình thế. Ví dụ như những nhân vật sống ở miền sông nước hay ở biển đều được gọi là Kép sông, Kép nước chứ không gọi là Kép biển. Tuy ở sông hay ở biển đều là kép nước nhưng nhân vật ở biển thì phải kẻ mặt màu đỏ, còn ở sông thì phải có màu xám. Theo giải thích, nhân vật ở biển chịu nắng nên mặt phải màu đỏ, còn nhân vật sinh sống gần sông, đôi khi, đôi lúc còn được ở chỗ râm, mát nên màu da của nhân vật không thể giống như người miền biển được. 
 
 
Cố nghệ nhân La Cháu đang tự kẻ mặt nạ
 
Khi đã theo nghiệp học tuồng, các diễn viên đều phải theo học vẽ mặt nạ. Trước tiên, bản thân người học phải tự nhớ, tự học màu sắc và thứ tự, chi tiết các bước vẽ, rồi tự mày mò, tìm tòi vẽ theo các vai mà các nghệ nhân đã vẽ. Người học phải tự bắt chước chứ không được chỉ bảo cụ thể phải làm như thế nào, bắt đầu từ đâu…. Nghệ nhân Huỳnh Văn Đức (Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế) tâm sự: "Khi tôi đóng vai Khương Linh Tá thì ông thầy vẽ cho tôi mặt Khương Linh Tá. Tuy nó có thứ tự từng bước một, nhưng thầy không chỉ cho là phải làm như thế nào, tôi phải tự mày mò, tự học trước gương”. 
 
Theo các nhà nghiên cứu về tuồng, mỗi mặt nạ tuồng khi được vẽ đều mang tính cách điển hình, tính cách ấy theo nhân vật đồng hành xuyên suốt từ đầu đến cuối vở diễn. Do đó, các nét vẽ thường lấy từ các hình tượng như: long, ly, quy, phượng tương ứng để tượng trưng cho vua, quan, sự vĩnh cửu và vẻ đẹp sang quý. 
 
 
Diễn viên tuồng Đồng Ấu dưới triều Nguyễn
 
Theo ông Trương Tuấn Hải - Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế, về cơ bản, cách hoá trang mặt nạ tuồng ở 3 miền Bắc - Trung - Nam đều giống nhau về việc sử dụng các gam màu vào tính cách của nhân vật. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ văn hóa đặc trưng của vùng miền, nên mỗi nơi có cách thể hiện nét vẽ khác nhau. Riêng Huế, nơi nghệ thuật tuồng đã đạt đến đỉnh cao, xứ sở của những con người tế nhị có cuộc sống êm đềm bên dòng sông Hương, núi Ngự nên các nét vẽ khi được khắc họa lên gương mặt của người nghệ sỹ cũng nhẹ nhàng, thanh thoát hơn.  
 
Ông Hải cũng chia sẻ: Vẫn biết nghệ thuật tuồng không thể cạnh tranh kéo khách như các loại hình nghệ thuật khác, nhưng Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế đang có nhiều nỗ lực để tìm cách "nuôi” tuồng. Trong đó có việc lồng ghép để tổ chức biểu diễn các trích đoạn tuồng cổ ở Minh Khiêm Đường (Lăng Tự Đức) hay tại Duyệt Thị Đường (Đại Nội Huế) để phục vụ khách tham quan du lịch.
 

 

Và mỗi kỳ Festival Huế cũng là cơ hội tốt nhất để quảng bá nghệ thuật tuồng Huế, cũng như ngôn ngữ mặt nạ tuồng với những người muốn tìm hiểu sâu hơn về loại hình văn hóa dân gian độc đáo này.
 
Theo đaidoanket.vn
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng