"Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi/Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt/ Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt/Rọi suốt trăm năm một cõi đi về" Tôi vẫn nhớ như in cái không gian cách đây gần hai mươi năm về trước, trong một quán cà phê lụp xụp, mái lợp tranh ở đường Đặng Thái Thân, Huế, lần đầu tiên được nghe ca khúc Một cõi đi về.
Nếu có dịp đến Huế, bạn hãy thử ngồi nhấm nháp ly cà phê vỉa hè trên đường Nguyễn Trường Tộ, nơi có căn gác trọ mà nhạc sĩ họ Trịnh đã từng sống , ngước mắt nhìn lên hai toà tháp cổ kính rêu phong của nhà thờ Phú Cam và nghêu ngao “Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ, buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua” hẳn bạn sẽ hình dung “Trên bước chân em âm thầm lá đổ” sẽ như thế nào, tưởng tượng hình ảnh của nàng nữ sinh tên Diễm với những bước chân thong thả hoàng cung làm lay động tâm hồn của người nghệ sĩ, và không khéo, bạn sẽ cảm thấy xót xa, thấy nuối tiếc như chính bản thân mình đã từng đánh rơi tuổi trẻ, đánh rơi một điều gì đó thiêng liêng không tìm lại được bao giờ. Càng đắm chìm vào âm nhạc của Trịnh Công Sơn, hẳn bạn sẽ thấy, Huế và đạo Phật luôn phảng phất trong từng giai điệu, từng ca từ của ông, vì đơn giản, nghe nhạc Trịnh làm cho chúng ta thấy thương yêu con người và cuộc sống, thấy tâm hồn mình hướng thiện, thấy cuộc sống trở nên vô thường trước những bon chen toan tính, những cám dỗ của vật chất và lo toan bề bộn.
Trong tình yêu, hẳn chúng ta cũng biết, yêu chính là chất xúc tác, là men nồng để Trịnh Công Sơn chắp bút viết nên những bản tình ca bất hủ, là một nhạc sĩ đa tình nhưng luôn yêu hết mình, yêu đến mức hình như trước khi rời xa cuộc sống này, trái tim của ông vẫn đập những giai điệu du dương, thổn thức, dẫu có thể hình bóng là một ai đó đã từng lướt qua trong cuộc đời. Chỉ tiếc rằng, mỗi mối tình của ông hình như đã được sắp xếp bởi định mệnh, cho nên chỉ đi qua ông nhưng lại bước vào hiện hữu trong âm nhạc của ông đến hôm nay và tận mai sau.
Xa Huế, tôi vẫn giữ thói quen nghe nhạc của Trịnh Công Sơn, nhờ vậy, tôi lại tìm cho mình được những người bạn cùng sở thích, cùng một niềm đồng cảm, và qua đó, lại được chiêm nghiệm rõ hơn về nhac Trịnh, một thứ âm nhạc không giới hạn không gian, thời gian, tuổi tác và đối tượng người nghe. Khi những giai điệu du dương được cất lên, ai cũng cảm thấy tâm hồn như lắng đọng, tái tê, thổn thức bởi tình yêu, thân phận và quê hương. Thấy yêu hơn cuộc sống này cùng gia đình ruột thịt, thấy thương nòi giống máu đỏ da vàng, thấy quý những phút bình yên.
“Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng
Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh”
Con người chúng ta, vốn dĩ, sống để yêu thương nhau còn chưa đủ, vậy nên đừng làm đau đớn nhau giữa cuộc đời này, bởi vì:
“Dù đến rồi đi, tôi cũng xin tạ ơn người”.
Theo Ngọc Khánh (motthegioi.vn)