Có thể nói, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế là nơi lưu giữ nhiều nhất, đầy đủ nhất những hiện vật ghi dấu về triều Nguyễn và cuộc sống vương triều xưa - một thuở vàng son nay đã trở thành ký ức.
Những hiện vật có niên đại vài trăm năm, trên mọi chất liệu và đầy giá trị thẩm mỹ. Du khách có thể lần đầu tiên được chiêm ngưỡng cành vàng lá ngọc hay những bộ sưu tập đồ gốm sứ dành riêng cho nhà vua. Hơn 8.000 hiện vật được phân chia thành 17 bộ sưu tập khác nhau như pháp lam, kim khí, ấn triện, đồ gỗ sơn son thếp vàng, nhạc khí, trấn phong…
Anh Juan Coruxeira - Du khách Tây Ban Nha chia sẻ: “Tôi biết đến Bảo tàng này qua một người bạn đã từng đến Huế. Anh ấy ca ngợi về một cung điện sang trọng với những đồ trưng bày lạ mắt. Tôi đã tìm đến đây và thực sự ấn tượng, đặc biệt là với những cổ vật sơn son thếp vàng”.
Phần nhiều cổ vật ở Bảo tàng là các sản phẩm mỹ nghệ do các nghệ nhân thuộc hàng “bàn tay vàng” chế tác theo lệnh của triều Nguyễn hoặc các sản phẩm đặt hàng nước ngoài là Trung Quốc, châu Âu... vì vậy có những cổ vật là độc bản như cặp ngà voi đã quay trở lại Huế sau một thời gian dài lưu trú tại Pháp.
Việc trưng bày cổ vật cùng công tác sưu tầm, tiếp nhận cổ vật tha hương đã ngày càng làm cho diện mạo của cuộc sống vương triều Nguyễn rõ nét. Hầu hết những du khách quốc tế đều coi đây là điểm đến không thể bỏ qua khi muốn tìm hiểu về Cố đô Huế.
Vốn là điện Long An - một biệt cung của vua Thiệu Trị, xây dựng vào năm 1845, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đã từng được đánh giá là một trong những bảo tàng sáng giá nhất Đông Dương, không chỉ bởi cổ vật sưu tầm mà chính ở nơi lưu giữ chúng. Theo ông Nguyễn Phước Hải Trung - Giám đốc bảo tàng, thì cung điện với gần 2 thế kỷ tồn tại này cũng chính là cổ vật lớn nhất và tuyệt tác nhất, thu hút hàng trăm ngàn lượt khách đến đây chiêm ngưỡng hàng năm. Chính vì thế, sự tiếp nối và kế thừa đang được lên kế hoạch để phục vụ nhu cầu tối đa cho du khách.
Ẩn sau những cổ vật còn lưu giữ cho đến ngày hôm nay là những giá trị văn hóa, tiếp biến văn hóa của một giai đoạn lịch sử nhiều biến động. Và việc lưu giữ cũng như phát huy giá trị của cổ vật là việc làm cần thiết để những giá trị quý báu mãi trường tồn khi không có cách nào kể chuyện lịch sử tốt hơn cổ vật.
Nguồn vtv.vn