Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Dấu xưa Phước Tích
14:16 | 03/04/2014

Làng quê Việt Nam hiếm nơi nào như làng Phước Tích (thuộc xã Phong Hòa, H. Phong Điền, TT-Huế) có con sông Ô Lâu hiền hòa chảy bao quanh như dải lụa mềm ôm ấp cuộc sống thanh bình, yên ả của người dân. Trải qua 544 năm, nơi đây còn lưu giữ nguyên vẹn dáng dấp một ngôi làng cổ Việt Nam với những đặc trưng kiến trúc, văn hóa, và tín ngưỡng..., được Bộ VH-TT&DL công nhận di tích quốc gia...

Dấu xưa Phước Tích

Bước tới đầu làng, chúng tôi gặp ông Lương Vĩnh Viễn là hướng dẫn viên người địa phương đã có 71 tuổi đời sinh ra và lớn lên tại đây, thuộc "từng gốc cây ngọn cỏ" của làng. Bên trái đường làng là vườn tược, nhà cửa, đền miếu... được bao bọc bởi những hàng rào chè tàu thẳng tắp, cao ngang tầm ngực. Bên phải là con sông Ô Lâu chảy êm đềm, tháng Ba nước xanh trong in cả bóng mây trời. Đi một đoạn lại thấy một bến nước được xây bậc tam cấp xuống tận bờ sông, thấp thoáng các bà các chị đang rửa rau, giặt áo.

Ông Viễn cho biết, cả làng có 12 bến nước được đặt tên: Bến Hội, Bến Lò, Bến Cừa, Bến Cây Bàng, Bến Đình, Bến Cạn, Bến Cây Thị, Bến Vạn, Bến Miếu Vua, Bến Cầu, Bến Cạn 2, Bến Chùa. Nơi đây diễn ra sinh hoạt thường ngày như gánh nước tưới rau, tắm  giặt. Ngày xưa khi nghề gốm còn thịnh, bến sông tấp nập ghe thuyền vận chuyển đất sét, củi đun, chở hàng hóa giao thương buôn bán. Trải qua hàng trăm năm, làng vẫn giữ 12 bến nước mà không xây thêm hay bớt đi. Ông Viễn giải thích, đây là hàm ý của các cụ ngày xưa, nhắc nhở nam thanh nữ tú về bến đục bến trong để lập đời. Ai muốn tìm tới bến trong thì bản thân mình cũng phải chứng tỏ là một bến đỗ xứng đáng. Vì thế mà trai gái làng này từ xưa đến nay nổi tiếng hiếu học, chăm làm, thành công đỗ đạt rất nhiều, được mệnh danh là làng khoa bảng...

Am thờ và cây cổ thụ trên một bến nước ở làng.

Làng Phước Tích có ngôi nhà rường cổ đạt đến đỉnh cao nghệ thuật kiến trúc truyền thống, một nghề gốm tinh xảo... hiện còn lưu giữ đến ngày nay, phần nào chứng tỏ trình độ học thức và công sức lao động mà những công dân tiêu biểu của làng xây dựng nên. Con đường làng chạy dọc theo bờ sông, có nhiều lối nhỏ dẫn vào từng xóm, từng khu vườn xanh mướt. Hệ thống giao thông của làng như hình nan quạt xòe ra. Nhà, vườn, đền, miếu... xây ra hướng bờ sông.

Bên kia sông thấp thoáng những ngôi mộ, tòa tháp ẩn hiện sau bờ lau lách. Ông Viễn cho hay, đây là nét đặc biệt ở làng cổ Phước Tích. Người dân lúc sống ở bên này làm ăn, khi chết về yên nghỉ bên kia dòng sông. Một người qua đời, cỗ quan được đặt xuống thuyền, đưa qua sông về với ông bà, tiên tổ. Tại sao không xây một chiếc cầu cho tiện việc đưa đám? Ông Viễn nói, chiếc cầu bê-tông sẽ phá vỡ cảnh quan ngôi làng cổ, có khi làm thay đổi một nếp nghĩ trong đời sống văn hóa tín ngưỡng có tự bao đời.

Chuyện sinh tử người làng có câu "Một kiếp qua sông mấy mái chèo" như một triết lý dân gian. Dòng sông, bến nước, con thuyền nuôi sống con người và cũng đưa con người về thế giới bên kia đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bến nước gắn bó với mỗi cuộc đời như thể chứng nhân của mọi thời nên rất đỗi thiêng liêng trong đời sống tín ngưỡng của làng. Vì thế, đây đó trên bến nước thường thấy có chiếc am nhỏ thờ một bát nhang. Một cây cầu xuất hiện sẽ vô tình làm mất cái hồn văn hóa nơi đây.

Cây thị 600 năm tuổi bên miếu cổ Chămpa.

Thuở khai canh, bên này sông gọi là Cồn Dương, bên kia là Hà Cát. Sống ở Cồn Dương, thác về Hà Cát. Mọi vật có âm, dương thì ngôi làng cũng có hai phần như vậy. 1,5 cây số vuông ở Cồn Dương xây dựng nên làng Phước Tích. 15 ha đất ở Hà Cát dành làm nơi an nghỉ cuối cùng cho người dân. Các bậc tiền nhân của làng đã tính chuyện rất đỗi nhân văn. Đời sống ở Cồn Dương về sau càng phát triển trù phú thì nơi Hà Cát cũng được chăm lo tu sửa phần mộ khang trang. Trong công tác bảo tồn làng cổ Phước Tích ngày nay cũng không tách rời hai thế giới âm, dương ở đôi bờ một con sông miệt mài chảy qua năm tháng, ôm giữ đất đai và gắn bó đời người.

Làng Phước Tích có 17 tộc họ, dân số trước đây có lúc lên đến 1.900 người, năm 1981 còn 651 người, năm 2003 chỉ có 452 người và hiện nay chỉ còn 327 người. Do nghề gốm của làng nay không còn thịnh, con cháu đỗ đạt lập nghiệp lên thành phố làm ăn, ngày giỗ kỵ mới tụ họp về rồi lại đi. Làng còn đa số người lớn tuổi, các cụ già. Nhờ giá trị văn hóa cổ, làng Phước Tích được chính phủ Nhật Bản, Vương quốc Bỉ tài trợ trùng tu, bảo tồn các kiến trúc nhà rường, khôi phục lò nung gốm; chính quyền TT-Huế đưa làng vào hoạt động Festival để thu hút du lịch.

Anh Dương Quang Bình, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel tại Đà Nẵng cho biết, Vietravel thường xuyên tổ chức đưa du khách đến tham quan vì làng Phước Tích chỉ cách TP Huế có 40 cây số. Ông Lê Vĩnh Viễn cho rằng đây là tín hiệu tốt. Song, ông vẫn băn khoăn vấn đề dân số địa phương ngày càng sụt giảm. Ông nói: "Vô lẽ chính quyền đã bỏ tiền ra tu sửa lại toàn bộ nhà cổ cho dân rồi mai mốt không có ai ở, chẳng lẽ đóng cửa bỏ không? Ai mở cửa đón tiếp khách tham quan? Mấy người già qua đời, liệu con cháu ở trên phố có về sống ở làng tiếp quản gia sản cha ông để lại hay không? Rồi việc kế thừa, phát huy, bảo tồn, di sản làng cổ này về lâu dài sẽ ra sao?...".

Đi tìm giải pháp, có nhiều hội thảo, nhiều tham luận của các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, văn hóa được trình bày tại làng nhưng hiện thực hóa mới có ngành du lịch. Tuy chưa là một giải pháp toàn diện nhưng phát triển du lịch để bảo tồn làng cổ là một cách khởi đầu tốt. Chúng ta kỳ vọng còn nhiều giải pháp đồng bộ khác sẽ khả thi, góp phần tiếp tục lưu giữ một di sản quý báu của cha ông để truyền lại ngàn đời con cháu mai sau. Nếu mô hình bảo tồn làng cổ Phước Tích thành công sẽ cho kinh nghiệm tốt để áp dụng cho công tác bảo tồn các làng cổ khác ở Việt Nam.

Theo cadn.com.vn

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng