Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Giai thoại về hòn "đá thần" mặc nghìn chiếc áo cứu dân thoát nạn
14:08 | 13/10/2014

Gắn liền với một giai thoại từ thời mở làng, trải qua hàng trăm năm, người dân xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế truyền tai nhau những câu chuyện huyền bí về một hòn “đá lạ” ở điện Mẹ Nằm.

Giai thoại về hòn "đá thần" mặc nghìn chiếc áo cứu dân thoát nạn
Bên trong Sơn Chúa Điện thờ “đá thần”

Thánh Mẫu hóa đá

Ngược theo tỉnh lộ 49B, lên thượng nguồn sông Hương, chúng tôi tìm về thôn La Khê Bãi để nghe người dân nơi đây kể về nhiều câu chuyện mang màu sắc kỳ bí xung quanh hòn đá này. Từ nhiều năm trở lại đây, mỗi ngày có nhiều người dân các địa phương tìm về xã Hương Thọ để thắp hương cho hòn đá linh thiêng ở điện Mẹ Nằm, được người dân địa phương gọi là "thạch thần". Họ đến thắp hương để mong được phù hộ cho người thân thoát khỏi tai ương, bệnh tật. Theo chân một người dân địa phương, chúng tôi đến với điện Mẹ Nằm để tìm hiểu thực hư những câu chuyện nơi đây.

Điện Mẹ Nằm thuở trước gọi là Sơn Chúa Điện, được xây dựng cách đây hàng trăm năm. Điện nằm trên một gò đất cao, án ngự bên ruộng Bàu Tròn, lưng điện tựa núi, mặt điện hướng ra dòng sông Hương. Phía giữa là chính điện lớn thờ hòn đá thần, xung quanh là vô số các am thờ các vị khác. Tổng cộng trong điện có hơn 60 am thờ và lư hương. Tất cả toát lên một vẻ uy nghi, linh thiêng. Tiếp chúng tôi, bà Lê Thị Trà (người trông giữ điện) cho biết: "Người dân ở đây ai cũng nắm rõ về gốc tích cũng như những câu chuyện thần bí về Mẹ Nằm. Giờ đây không chỉ trong xã mà khắp nơi mọi người đều biết để tìm về cầu cúng".

 

Giai thoại về hòn

Ruộng Bàu Tròn xưa (nơi chàng lực điền phát hiện “đá thần”), sau khi lấy “đá thần” đi đã biến thành một ao nước nông.

Qua lời kể của người coi giữ điện này, từ đời vua Gia Long, làng có nguồn gốc khởi thủy ở Vị Khê (Hà Nội), theo lệnh của vua vào khai khẩn đất hoang, lập làng La Khê Bột ở phố cổBao Vinh ngày nay. Dần dần, người dân di cư lên vùng đất ở thượng nguồn sông Hương, lập ra làng mới có tên là La Khê Bãi được mệnh danh là vùng lam sơn chướng. Chính vì vậy, ở ngay trên vùng Hói, người dân đã lập nên Sơn Chúa Điện để thờ cúng. Bà cho biết: "Nguồn gốc của Mẹ Nằm xuất phát từ giai thoại mở đất của làng. Vào mùa xuống đồng, ở ruộng Bàu Tròn, là khoảnh ruộng đầu tiên do dân làng khai phá (nay là ao nước lớn), có một chàng lực điền đang cày cuốc. Vừa đi được đường cày đầu tiên, thì thấy hiện lên hòn đá lớn bằng mâm cơm án ngự trước mặt, hai bên có hai thanh đá dài như hai thanh kiếm để hộ vệ cho hòn đá lớn. Thấy lạ, chàng lực điền cho dừng trâu, lập tức ba hòn đá lặn mất. Chàng lực điền nghĩ, chắc do mình hoa mắt, ruộng đã khai hoang từ lâu, đã xuống mấy mùa lúa thì làm gì có hòn đá to như thế, nên chàng vẫn tiếp tục công việc.

Tuy nhiên, đường cày thứ hai, khi thấy ba hòn đá cứ chạy và gõ nhịp đều theo đường cày của mình. Ngoảnh mặt nhìn lui thì ba hòn đá lại biến mất. Cứ như thế, việc những hòn đá cứ liên tục "quậy phá" chàng lực điền. Lần cuối cùng, nghĩ có kiêng có lành, chàng chắp tay khấn trước đường cày: "Nếu ngài có thiêng thì xin hiện ra, tui mang ngài lên nơi khô ráo để thờ tự". Vừa dứt câu thì ba hòn đá hiện ra, nằm cao hơn mặt nước chân ruộng. Nghĩ lời khấn của mình đã ứng nghiệm, chàng liền mang hòn đá to lên đặt trước Sơn Chúa Điện. Đây là nơi cao ráo, đất đẹp được người dân trong làng hàng năm đến ngày là mang lễ vật tới cúng. Khi chàng lực điền quay lại để tìm hai thanh đá nhỏ, thì thấy không còn nữa mà hiện ra một người nói: "Ta là Thượng Ngàn Thánh Mẫu, quản cai sơn Nhạc Cửu Châu". Nói xong, lại biến vào hòn đá".

Giai thoại về hòn

Bà Trà kể chuyện “đá thần”.

Cứu làng thoát khỏi nạn lớn(!?)

Sau đó, chàng lực điền liền cho lập một túp lều tranh nhỏ trước Sơn Chúa Điện để thờ, ngày ngày hương khói. Một hôm, trời mưa trút nước, sấm chớp rền vang, thấy hòn đá cựa mình, phát ra những hào quang kỳ lạ, nên dân làng kéo tới rất đông. Hòn đá ở điện từ lâu cũng được người dân gọi bằng cái tên kính cẩn là "thạch thần" hoặc gọi là "Mẹ Nằm", hay "Thánh Mẫu". "Thạch thần" ngày xưa chỉ bằng mâm cơm, nay đã lớn bằng cái bàn tròn, là do công đức tích tụ càng lâu. Hiện tại, trong khu vực điện vẫn còn một am thờ người lực điền này, gọi là Sở Hữu Công đức.

Theo lời chỉ dẫn của bà Trà, chúng tôi tìm đến ông Lê Văn Đơn (89 tuổi, người nắm giữ những giai thoại xưa về "Mẹ Nằm"). Một trong những câu chuyện được dân làng biết nhiều nhất là việc "thạch thần" cứu làng thoát khỏi tai họa trong một đợt dịch tả vào thời vua Tự Đức, trong thôn xảy ra trận dịch tả lớn. Nhiều người dân trong thôn lần lượt chết vì dịch, dân làng sống trong lo lắng. Các chức sắc trong làng mới tổ chức lễ cúng "đá thần" để được che chở thoát khỏi tai họa. Những người lớn tuổi của họ tộc ba ngày liền phải ăn chay, nằm đất. Sau đó, trong làng người dân lần lượt khỏi. Trong khi đó, các làng khác, hàng ngày vẫn có rất nhiều người bị đại dịch “quật ngã”. Hay như chuyện Mẹ sai "thần rừng" về cứu làng. Đó là vào cuối đời vua Tự Đức, trong làng bất ngờ xuất hiện xác chết của một người đàn ông lạ mặt. Sự việc này đến tai vua. Nhà vua lập tức sai quan quân về làng điều tra cái chết để xử lý nghiêm khắc dân làng. Vậy nhưng, một lần nữa dân làng lại được "thạch thần" cứu mạng. Trong khi quân lính về làng thì xuất hiện một con hổ to lớn kỳ lạ chạy ra từ điện Mẹ Nằm, rồi nhanh như cắt quắp xác chết trên chạy về phía điện rồi biến mất. Từ đó ai ai cũng tin vào "đá thần" đã ra tay cứu dân làng.

Đắp áo cho "đá thần"

Không chỉ dừng lại ở những giai thoại xưa, sự linh thiêng của “thạch thần” còn hiện diện đến tận ngày nay. Bà Trà cho biết: "Cả làng ai cũng tin vào Mẹ, ở đây chúng tôi đều tự nguyện đóng góp rồi cắt cử từng cặp vợ chồng lên chăm nom Mẹ. Đặc biệt những cặp vợ chồng phải có đạo đức, văn hóa của làng chứ không tùy tiện được". Chỉ tay vào nền gạch hoa mới tinh trong chính điện, bà cho biết thêm: "Chú có thấy nền gạch vừa được lát mới không. Cách đây non nửa tháng, có một người phụ nữ từ trong Sài Gòn ra mới lát lại cho Mẹ đó. Người này hiếm muộn, hơn 40 rồi mà vẫn chưa có con, đi chạy chữa cả đông lẫn tây y, khấn vái cúng thầy khắp nơi mà cũng chịu. Sau khi biết đến sự linh thiêng của Mẹ, người này tìm đến cầu nguyện một tuần liền, Mẹ cảm động nên cho con cái. Thế là người phụ nữ ấy mới ra tạ ơn Mẹ. Hay như cô Tâm quán nước ở đầu đường, bị tai nạn ngay dưới đường đi lên điện Mẹ, hồi đó ai cũng nghĩ cô ấy chết rồi. Mọi người khiếp quá mới lên cầu Mẹ, nhờ đó mà cô Tâm sống tới tận bây giờ. Các chú không tin cứ tìm cô ấy mà hỏi".

Cứ thế, qua mỗi người chúng tôi lại được nghe một câu chuyện về "đá thần" khác nhau. Cứ đến ngày 16-17 tháng Giêng và ngày 16-17 tháng Bảy âm lịch hàng năm, người dân ở La Khê Bãi lại tổ chức lễ hội Kỳ An và Thu Tế để cúng Mẹ, mong Mẹ che chở cho dân làng. Cứ mỗi lần cúng, tùy theo tấm lòng thành của con dân trong làng, lễ vật bao giờ cũng có là một con vịt quay, vài đĩa xôi. Đặc biệt, qua bao lần tổ chức lễ cúng, những chiếc áo đắp lên mình Thánh Mẫu cũng ngày một nhiều hơn, đến nay đã có hàng nghìn cái áo. Bà Trà cho biết: "Giờ không thể tính nổi số áo của Mẹ. Mỗi chiếc áo đắp lên là một lần Mẹ hiển linh cứu độ cho mọi người. Để cảm tạ Mẹ, mọi người may áo đắp cho Mẹ".

Một phần trong văn hóa tâm linh của làng

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Quảng, trưởng thôn La Khê Bãi chia sẻ: "Điện Mẹ Nằm cũng như chuyện đá thần giờ đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa tâm linh của dân làng. Hằng năm chúng tôi đều cử người lên trông coi bảo vệ điện để gìn giữ nét đẹp văn hoá tâm linh của quê hương".

Theo doisongphapluat.com

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng