Gần 150 năm giữ vai trò là kinh đô của cả nước, triều Nguyễn được nhận định là một triều đại quân chủ đặc biệt nhất trong tất cả các triều đại quân chủ ở nước ta. Riêng số lượng sách vở được biên soạn dưới triều này cũng nhiều hơn toàn bộ di sản của các triều đại khác cộng lại.
Cũng chính vì khối lượng tài liệu đồ sộ này mà dưới triều Nguyễn, hệ thống các thư viện được thành lập nhằm sao chép, bảo quản nhiều tài liệu, thư tịch của Nhà nước. Dù bị tàn phá, xuống cấp nghiêm trọng, Lầu Tàng Thơ là một trong những thư viện tiêu biểu còn tồn tại cho đến ngày nay.
Tranh thủ những ngày nắng đẹp cán bộ công nhân của Công ty Cổ phần Tu bổ dích tích trung ương đang khẩn trương hoàn thành những công đoạn trùng tu ngoài trời bao gồm xây bờ kè, tường rào bao quanh, khắc phục phần mái lợp, cũng như bóc tách những mảnh tường không còn liên kết của công trình lầu Tàng Thơ. Theo sử sách ghi chép lại, Tàng Thơ lâu được xây dựng vào mùa hè năm 1825, dưới triều vua Minh Mạng. Công trình có quy mô hai tầng, tầng dưới 11 gian, tầng trên 7 gian, hai chái, là nơi để tàng trữ tất cả văn thư, sổ sách của sáu Bộ và Nha, Sở thuộc triều đình. Tại đây, trước năm 1945, chỉ tính riêng sổ bộ Hộ thời Gia Long và Minh Mạng cũng còn lưu trữ được trên 12.000 tập mà theo các học giả, các tư liệu lưu trữ ở đây có thể cung cấp những dữ kiện rất quý cho các nhà nghiên cứu. Nhận xét về sự độc đáo của di tích này, TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế cho biết: “Trong khi hầu hết các công trình di tích kiến trúc của cố đô Huế đều là kiến trúc gỗ thì lầu Tàng Thơ lại xây hoàn toàn bằng gạch đá. Vị trí xây dựng công trình cũng rất là độc đáo, chọn một hòn đảo nằm ngay trên hồ Học Hải, có thể phòng chống được mối mọt, côn trùng, chống những yếu tố xâm hại từ xa, nhất là phòng chống hỏa hoạn”.
Cùng với lầu Tàng Thơ, dưới triều Nguyễn hệ thống thư viện phát triển rất mạnh. Có thư viện nằm ngay trong Tử Cấm Thành, nhưng cũng có những thư viện nằm trong khu vực Hoàng Thành, thậm chí cả dạng thư viện, tủ sách nằm ngay trong lăng tẩm. Đáng tiếc hiện nay một số công trình đã bị phá hủy hoàn toàn, hay chỉ còn lại phần nền móng. Hiện chỉ còn Tân Thư viện, sau này đổi tên là Bảo Đại thư viện chính là Điện Long An đã được đại trùng tu và hoàn thành vào năm 2012. Điện Long An trước đây ở vị trí phí bắc sông Ngự Hà, sau khi thất thủ kinh đô vào năm 1885, bị Pháp chiếm đóng và triệt hạ, đến đầu thế kỷ 20, thời vua Duy Tân, điện Long An được chuyển về phía sau Di Luân Đường và được sử dụng làm thư viện cho học sinh trường Quốc Tử Giám. Ngày nay điện Long An là nơi Bảo tàng cổ vật cung đình Huế trưng bày những hiện vật tiêu biểu, giới thiệu đến công chúng và du khách bức tranh toàn cảnh về đời sống hoàng cung xưa qua hơn 1 vạn cổ vật quý.
Phục hồi các công trình trong hệ thống quần thể di tích cố đô Huế nói chung và hệ thống thư viện triều Nguyễn nói riêng luôn là trăn trở của lãnh đạo TT BTDTCĐ Huế và Tàng Thư Lâu chính là công trình được lựa chọn trùng tu trước tiên với mong muốn đây sẽ là nơi lưu trữ nguồn tài liệu, vừa đóng vai trò là trung tâm nghiên cứu về di sản văn hóa triều Nguyễn, vừa đóng vai trò như một thư viện Hoàng cung của cố đô Huế. Để chuẩn bị cho việc trưng bày khi Tàng Thơ lâu hoàn thành dự kiến vào năm 2017, đơn vị đang từng bước sưu tầm các nguồn tài liệu. Vấn đề lớn nhất hiện nay theo TS Phan Thanh Hải – GĐ Trung tâm BTDTCĐ Huế là tìm ra, sưu tầm nguồn tài liệu để đáp ứng mục đích lâu dài là nơi lưu trữ các tài liệu về cố đô Huế: “Ngay từ bây giờ chúng tôi đã có những cuộc tiếp xúc, vận động đối với những cá nhân, những tập thể, tổ chức yêu mến di sản văn hóa Huế, hướng về cố đô Huế, hướng về quê hương đất nước để có thể hiến tặng hoặc với các hình thức chuyển nhượng. Bên cạnh đó, hiện nay chúng tôi cũng đang thực hiện các để tài số hóa các nguồn tư liệu, hệ thống sắc phong triều Nguyễn trên địa bàn TT Huế và những vùng lân cận, hệ thống văn tự, thơ ca trên di tích Huế, hệ thống bia, biển.. của triều Nguyễn và các nguồn tư liệu sách vở liên quan..”- TS Hải nói thêm.
Với tiêu chí trùng tu di tích gắn với việc tôn tạo cảnh quan và hiện vật trưng bày gắn với di tích đó, tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn của mỗi di tích, hi vọng sau ba năm nữa, cố đô Huế sẽ có một thư viện Hoàng cung theo đúng nghĩa, không chỉ là nơi các nhà nghiên cứu, sinh viên, học sinh đến nghiên cứu, tham khảo, nơi đây cũng sẽ là địa chỉ mới trong hành trình đến Huế của nhiều du khách thập phương để biết thêm về lịch sử văn hóa vùng đất Huế gắn liền với triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam…
Theo TRT