Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Nhà rường với trần và vách đất kiểu Kiến trúc nguyên thủy và độc đáo của xứ Thuận Hóa xưa - Bài 1: Quá trình chuẩn bị
08:43 | 03/11/2014

Nhà rường Huế đã trở thành một di sản vô cùng quý báu của kiến trúc cổ Việt Nam. Tiếp nối kiểu nhà rường của người Việt tại quê cũ Hoan-Ái, cư dân Thuận Hóa với năng khiếu thẩm mỹ sáng tạo, đức tính cần cù và bàn tay khéo léo đã tạo cho nhà rường xứ Huế một bản sắc độc đáo. 

Nhà rường với trần và vách đất kiểu Kiến trúc nguyên thủy và độc đáo của xứ Thuận Hóa xưa - Bài 1: Quá trình chuẩn bị
Chạm trổ tinh tế là nét tinh túy của nhà rường.

Trải qua gần bốn trăm năm với hơn nửa thời gian đầu là Thủ phủ của Đàng Trong, rồi sau đó là chốn kinh kỳ của cả nước, nhà rường Huế đã tiếp thu, phát huy và kết hợp được phần lớn tinh hoa kiến trúc nhà rường của dân tộc Việt.

Ca dao Huế xưa có câu: “Nhà rường mà lợp tranh mây, thân anh lắm vợ như dây buộc mình”. Nhiều người ngày nay và mai sau hẳn sẽ còn thắc mắc khi nghe nói về độ bền chắc của những ngôi “nhà rường” được lợp “tranh mây” như câu ca vừa nhắc đến.

Nhà rường ở Huế được làm theo nhiều kiểu cách khác nhau tùy theo hoàn cảnh và sở thích của từng gia chủ, với cấu trúc phổ biến chung là nhà có rường cột bằng gỗ, tường gạch và mái ngói. Tuy nhiên, ít ai ngày nay còn biết rằng tường gạch và mái ngói của nhà rường Huế mới chỉ dần trở nên phổ biến vào đầu thế kỷ XX. Còn trước đó ngoài các cung điện, công sở và dinh thự là có tường gạch và mái ngói, thì hầu hết các nhà rường ở xứ Huế đều được cấu trúc với rường cột bằng gỗ, vách trát đất và mái lợp bằng cỏ tranh. Theo dòng lịch sử của vùng đất này, vào buổi đầu mở cõi, trong điều kiện giao thông vận tải còn cực kỳ khó khăn, thêm vào đó, đất đai của Thuận Hóa vốn lại không thích hợp để có thể chế tác nên các loại ngói lợp nhà chịu được mưa nắng của vùng đất vẫn được ví là “Ô Châu ác địa” này, việc tận dụng các vật liệu thô tại chỗ vào các công trình xây dựng là ưu tiên hàng đầu của cư dân bản địa. Về sau khi giao thông đã trở lên thuận lợi hơn, các loại gạch ngói cũng được vận chuyển dễ dàng từ các xứ xa đến, nhất là khi các loại vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép… ngày càng phổ biến, kiểu nhà rường với tường xây và mái ngói trở nên thịnh hành hơn. Dần dần kiểu nhà rường với vách trát đất và mái lợp cỏ tranh đã dường như không còn nhìn thấy, tức là kiểu nhà rường vốn có từ thuở sơ khai của xứ Thuận Hóa hầu như đã biến mất.

May thay, hiện nay tại xóm Phú Thọ thuộc làng Phú Lễ, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn còn một nguyên bản của kiểu nhà rường cổ này - nhà rường với trần và vách trát đất.

Đây là ngôi nhà một gian hai chái được xây dựng vào đầu thế kỷ XX. Người đã tạo lập nên ngôi nhà là một vị võ quan triều Nguyễn - cụ Thất Phẩm Đội Trưởng Nguyễn Ái Doãn. Ngôi nhà là sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật điêu khắc trên gỗ, bàn tay khéo léo của người thợ thủ công với mây tre và sự sáng tạo trong việc sử dụng những vật liệu xây dựng hoàn toàn có sẵn tại địa phương: gỗ mít, dây mây, tre, cát, sạn, vôi hàu, đặc biệt là đất có sẵn trong vườn nhà và rơm thu hoạch sau vụ lúa…

Sở dĩ ngôi nhà vẫn còn nguyên vẹn đến nay là nhờ ở kỹ thuật làm nhà rường cổ với sự kỳ công cả trong khâu chuẩn bị vật liệu lẫn khâu thực hành xây cất. Để hoàn thành ngôi nhà rường theo qui cách 3.2 một gian hai chái này, gia đình chủ nhân và những người thợ đã bỏ công sức hơn bảy năm liền.

Với mong muốn lưu lại được một phần căn bản quy trình và kỹ thuật làm nhà rường của tổ tiên từ xa xưa mà cho đến nay vốn đã mai một, chúng tôi xin sưu tầm ghi chép lại:

Quá trình chuẩn bị:

Trước tiên là khâu chuẩn bị vật tư cho rường gỗ của ngôi nhà. Hầu như toàn bộ rường gỗ của ngôi nhà này được làm từ gỗ lõi của cây mít vườn, đây là loại gỗ vốn được xem là quí và khá phổ biến ở xứ Thuận Hóa từ xưa với các đặc điểm: màu vàng, có vân đẹp, ít bị co giãn, nứt nẻ, cong vênh, không bị mối mọt và có tuổi thọ cao.

Công việc quan trọng và khó khăn nhất là chọn gỗ làm đòn tay thượng tích (đòn tay nóc) và rường cột của ngôi nhà. Với một ngôi nhà rường một căn hai chái loại này, số cột phải có tổng cộng là 24. Trong đó bao gồm 4 cột hàng nhất (với 1 nhất đông tiền, 1 nhất đông hậu, 1 nhất tây tiền, 1 nhất tây hậu); 4 cột hàng nhì (1 nhì đông tiền, 1 nhì đông hậu, 1 nhì tây tiền, 1 nhì tây hậu); 2 cột đỡ “kèo đấm” đông, tây và 14 cột hàng ba (2 cột đỡ đuôi kèo hàng ba tiền (đông, tây), 2 cột đỡ đuôi kèo hàng ba hậu (đông, tây)); 4 cột đỡ đuôi kèo đấm (đông tiền, tây tiền, đông hậu, tây hậu); 2 cột đỡ khóa rương (đông, tây); 4 cột đỡ đuôi kèo quyết (đông, tây, tiền, hậu). Theo quan niệm truyền thống của người Việt cổ, gỗ làm đòn tay thượng tích và cột nhà (đặc biệt là các cột hàng nhất) phải chọn loại sanh mộc (tức loại cây khi bị đốn hạ tận gốc thì luôn có thể tự hồi sinh thành một cây mới). Do đó loại cây hay được chọn nhất ở Thuận Hóa để dùng vào việc này là loại cây mít thẳng, già, lá xanh tốt, không bị tì vết, không bị cụt mất ngọn; gia đình chủ sở hữu cây gỗ phải toàn vẹn cả vợ chồng con cái…

Ngoài ra, còn phải tập hợp thêm một lượng lớn cây gỗ mít để làm các chi tiết khác như kèo, xuyên, trếnh, khóa rương, đòn tay, đà kiềng… Gỗ xẻ bảng có đường kính lớn để làm rầm thượng, chéo, liên ba, thành vọng, cửa bảng khoa…

Thời điểm trong năm để đốn hạ gỗ cũng cần được tuân thủ nghiêm ngặt, đó là vào tháng 5 âm lịch (giữa mùa hạ). Khai thác vào tháng này gỗ sẽ cứng và không bị mối mọt. Sau khi hạ cây, người ta dùng rìu đẽo (vả) phần vỏ gỗ (giác) bên ngoài và để khô tại chỗ. Thời gian chờ khô tùy thuộc vào đường kính cây, với các cây lớn phải chờ hơn 1 năm mới đạt tới độ khô cần thiết.

Khi đã hoàn tất việc chuẩn bị cây gỗ, thợ cưa (xẻ) gỗ và thợ mộc mới vào việc. Tất cả các công đoạn đều phải làm thủ công với rìu, cưa tay, bào tay, đục, chàng, khoan tay… “Thước thầy, mực thợ” là phương châm xuyên suốt quá trình thi công đảm bảo độ chính xác cao nhất giữa các chi tiết của công trình.

“Mực” là một công cụ thô sơ nhưng rất cần thiết và tiện dụng đáng để chúng ta nhắc tới. Ống mực của thợ mộc là một khối gỗ hình lập phương cạnh khoảng 8cm. Mặt trên đục 1 lỗ hình tròn và 1 lỗ hình vuông chia khối gỗ ra làm 2 ngăn: ngăn tròn chứa bông thấm mực tàu (thợ ta thường thay bằng dầu trộn muội than), ngăn vuông chứa cuộn dây cuộn vào cái tay quay nhỏ để thu dây. Khi đầu dây được kéo ra, dây đi qua ngăn mực làm mực thấm vào thành dây mực. Dùng dây mực này để vạch những đường thẳng lên các cây gỗ, kể cả các thân cây có bề mặt gỗ gồ ghề, rất chính xác.

Quá trình thi công rường gỗ của một ngôi nhà loại này luôn bao gồm sự phối hợp chặt chẽ giữa thợ mộc và thợ chạm (điêu khắc gỗ). Thợ mộc xử lý thô gỗ để tạo dáng căn bản trước khi chuyển cho thợ chạm. Công đoạn chạm khắc gỗ chiếm thời lượng khá lớn với rất nhiều chi tiết tỉ mỉ như: đầu kèo, xuyên, trếnh, liên ba, thành vọng… Sau khi bào gọt xong, bề mặt các bộ phận của rường nhà sẽ được đánh bóng nhiều lần bằng đầu các bó cỏ tranh khô được cột chặt nhằm tạo độ bóng cho mặt gỗ.

Cùng lúc với việc chuẩn bị rường gỗ là phần chuẩn bị rường tre, gia chủ phải đặt mua tre từ trước ở các khu vườn tre đẹp, thẳng, trồng trên các thửa đất tốt trước khi bắt đầu bước vào giai đoạn dựng nhà một vài năm. Tre được đốn hạ vào tiết đầu xuân để có thớ già cứng, tránh mối mọt. Thợ chế tác tre dùng khoan đục thủng các đốt tre (ngay phần các mắt tre), đem ngâm vào nước trong thời gian 100 ngày liền, sau đó vớt lên và phơi khô. Các mắt tre được thợ dùng bào tre (một dụng cụ riêng của các thợ tre) bào nhẵn. Sau khi phân loại theo mục đích sử dụng, tre cần được bảo quản kỹ càng nhằm tránh mưa nắng. Riêng các loại tre, lồ ô dùng để lát trần, làm cốt tường thì không cần ngâm mà chỉ cần chọn những cây già tuổi và có thân thẳng, đủ cành, ngọn.

Phần còn lại là chuẩn bị dây mây để chẻ lạt buộc, (cỏ) tranh và rơm. Mây phải chọn mây Song, mây Rã (loại mây rất dai, bền, lâu mục, không bị mọt…) già, để khô vừa đủ và được hong khói kỹ càng. Cỏ tranh lợp nhà phải là loại tranh tốt, già và được cắt rồi phơi nắng kỹ để có màu trắng bạc. Rơm sau khi thu hoạch lúa xong cần được phơi kỹ và bảo quản riêng.

Bài 2: Quá trình dựng nhà

Theo Nguyễn Ái Phương (tapchikientruc.com.vn)

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng