Nhà rường Huế đã trở thành một di sản vô cùng quý báu của kiến trúc cổ Việt Nam. Tiếp nối kiểu nhà rường của người Việt tại quê cũ Hoan-Ái, cư dân Thuận Hóa với năng khiếu thẩm mỹ sáng tạo, đức tính cần cù và bàn tay khéo léo đã tạo cho nhà rường xứ Huế một bản sắc độc đáo.
Trải qua gần bốn trăm năm với hơn nửa thời gian đầu là Thủ phủ của Đàng Trong, rồi sau đó là chốn kinh kỳ của cả nước, nhà rường Huế đã tiếp thu, phát huy và kết hợp được phần lớn tinh hoa kiến trúc nhà rường của dân tộc Việt.
>> Bài 1: Quá trình chuẩn bị
Quá trình dựng nhà:
Phần công việc của thợ mộc:
Sau khi thợ chạm đã hoàn tất phần điêu khắc, thợ mộc sẽ tập hợp các vật liệu gỗ đã chuẩn bị từ trước ráp (sàm) thành khung nhà. Toàn bộ 24 cột nhà được dựng trên các tảng đá chân cột (được đẽo nguyên khối từ đá tự nhiên) đã được định vị trên nền nhà làm sẵn. Rường gỗ của kiểu nhà này luôn được liên kết với nhau bằng mộng, được khóa bằng các nêm và chốt bằng gỗ hoặc tre, tuyệt đối không dùng các loại đinh bằng kim loại. Chân của tất cả 14 cột hàng ba được liên kết với nhau bằng hệ thống đà gỗ cách mặt nền khoảng 5cm. Phần mặt tiền của căn nhà là các bộ cửa bảng khoa thượng song hạ bản gồm 5 lá ở gian giữa và 4 lá ở mỗi gian thuộc hai chái bên. Các lá cửa đều có thể tháo ráp được một cách dễ dàng khi cần. Chốt khóa từ bên trong bằng gỗ rất đơn giản và dễ sử dụng nhưng không kém phần chắc chắn.
Phần công việc của thợ tre:
Tiếp theo công đoạn lắp ráp rường gỗ của thợ mộc là công đoạn làm rường tre của các thợ tre. Bắt đầu là việc làm lớp mái (trần) thứ nhất. Hầu hết đòn tay, rui của ngôi nhà được làm từ tre đã ngâm đúng qui trình kỹ thuật vốn có từ xa xưa, buộc bằng lạt (dây) mây, cố định bằng các chốt (đinh) làm bằng tre. Nơi giao nhau của các đòn tay giữa các mái được liên kết âm dương với nhau và gác trên các kèo quyết rất chắc chắn.
Đòn tay, rui tre, lồ ô lót trần, lạt mây vẫn bền bỉ dài theo năm tháng.
Sau khi hoàn thành phần đòn tay và rui, thợ tre dùng tre lồ ô đã đập dập thành mặt phẳng lát kín lên trên bề mặt rui theo chiều song song với các đòn tay, phần cật (vỏ) hướng xuống dưới, ruột ngửa lên trên. Tiếp theo là việc lợp đất lên trần nhà. Cần chọn loại đất thịt thuần để có độ kết dính tốt, đất phải được lấy ở độ sâu hơn 1m và loại bỏ tất cả các tạp chất, kể cả các loại rễ cây. Người thợ lấy rơm trộn với đất và nước, nhào kỹ bằng chân đến khi thật đều và dẻo rồi đắp lên trần nhà trình tự từ dưới thấp cao dần lên đến nóc theo từng lớp liên tiếp nhau, lèn chặt và vuốt kỹ. Độ dày trung bình của lớp đất khoảng 8cm. Công việc này cần được làm thật nhanh và đều tay để toàn bộ khối trần bằng đất liên kết đồng bộ với nhau, tránh bị rạn nứt.
Phía trên lớp trần bằng đất khoảng 30cm là lớp mái nhà lợp bằng cỏ tranh. Phần này cũng được làm với đầy đủ cột chống, đòn tay, rui, mè bằng tre như phần mái của loại nhà tre lợp tranh thông thường.
Lớp trần bằng đất trộn rơm vẫn bền bỉ với thời gian trong khí hậu khắc nghiệt của xứ Huế.
Vách tường:
Vách tường nhà được làm từ 3 loại vật liệu chính là tre, rơm và đất. Tre được dùng làm cốt liên kết với hệ thống đà gỗ nối giữa các cột hàng ba. Các nan tre có chiều ngang từ 2cm đến 3cm được buộc chặt với nhau bằng dây lạt tạo thành những ô hình vuông có cạnh khoảng 10cm. Người xưa gọi hình thức đan cốt tre này là “đan rục rịch”. Các thợ dùng rơm chuẩn bị sẵn trộn với đất và nước, nhào kỹ bằng chân cho thật dẻo rồi đắp lên “rục rịch”. Lúc đắp đất hai người thợ đứng trong và ngoài cần biết ý nhau để phối hợp nhịp nhàng và chặt chẽ nhằm đảm bảo sự bền chắc và vẻ thẩm mỹ cho bức tường. Bề mặt tường cần được lèn thật kỹ và cán láng như tô tường nhà. Sau đó dùng vữa vôi tô lên bên ngoài, cuối cùng dùng chổi quét nước vôi pha màu cho mặt tường. Loại vách tường này nhác trông không khác gì tường xây bằng gạch.
Sau hơn bảy năm thi công, ngôi nhà rường có kiến trúc phức hợp này mới được hoàn thành. So với các loại nhà rường khác, loại nhà này có nhiều công năng vượt trội:
1, Chân tường gá trên đà gỗ cách ly với nền nhà làm cho căn nhà thoáng và nhiều ánh sáng hơn.
2, Nhà rất mát về mùa hè nhờ lớp trần bằng đất cách ly với mái lợp, do đó không hấp thu trực tiếp nhiệt từ ánh nắng mặt trời.
3, Nhà khá ấm về mùa đông nhờ lớp trần và tường bằng đất giúp cách nhiệt rất tốt với môi trường bên ngoài.
4, Vật dụng trong nhà không bị ẩm mốc ngay cả trong những tháng mưa dầm nhờ lớp đất đắp trần nhà và tường đất có tác dụng hút ẩm.
5, Khoảng cách giữa mái và trần nhà bằng đất có tác dụng cách ly ngọn lửa khi có hỏa hoạn.
6, Tăng tính năng chống bão vốn có của nhà rường lên nhiều lần dựa trên nguyên tắc dòng đối lưu của không khí nhờ vào sự thông thoáng giữa mái và trần nhà bằng đất.
Cũng như phần lớn các nhà rường khác, cách bố trí không gian trong ngôi nhà này mang đậm phong cách truyền thống văn hóa xứ Huế. Phần hậu của gian chính giữa là nơi thờ tự. Phần giữa gian này được kê bộ ván ngựa bằng gỗ kiền đen bóng. Liền kề phía chái trên là bộ bàn độc sáu ghế dùng để tiếp khách. Liền kề phía chái dưới là cái rương lớn bằng gỗ có 4 chân gắn 4 bánh xe (gọi là rương xe). Phần hậu của chái trên được kê một chiếc giường lèo (giường nhỏ làm bằng tre) làm nơi nghỉ ngơi của nam gia chủ để tiện việc nhang khói thờ phụng. Khu vực hậu chái dưới được ngăn cách với bên ngoài bằng tường đất, ván và cửa gỗ. Đây là phần không gian kín duy nhất của ngôi nhà.
Phía trước ngôi nhà, ngay trục chính qua một khoảnh sân là bức bình phong được tạo bởi mấy gốc lão mai soi bóng xuống cái bể cạn có hòn non bộ làm điểm nhấn phong thủy, bên cạnh được trồng xen với nhiều loài hoa khác. Dọc theo lối đi là hai hàng chè tàu được chăm chút, cắt tỉa cẩn thận trông như hai bức tường thành màu xanh lục hòa vào với màu xanh của mận, mít, chuối, cau, dâu gia… trong khu vườn tạo nên một khoảng không gian xanh mát.
Ở trong ngôi nhà này, người ta dễ có được cảm giác gần gũi với thiên nhiên nhờ màu xanh của cây trái, Sự mộc mạc dân dã hơn với rường gỗ, tre, trần đất, thanh thản hơn trong không gian tĩnh lặng của làng quê…
Qua ngót trăm năm, ngôi nhà vẫn bền bỉ trong khí hậu khắc nghiệt của miền Trung. Mọi thứ hầu như vẫn còn nguyên vẹn ngoại trừ phần tranh lợp đã được tạm thay bằng tole và nền đất nện được tráng lại bằng xi măng để tiện dụng hơn.
Với kết cấu chủ yếu chỉ bằng vật liệu tại bản địa, với kiến trúc và kỹ thuật tạo tác đặc trưng của nhà rường nguyên thủy ở xứ Thuận Hóa xa xưa từ thời mới mở cõi, Ngôi nhà rường nói trên xứng đáng được xem là nguyên bản của nhà cổ xứ Thuận Hóa còn lại đến ngày nay.
Ông Nguyễn Ái Quyệt, cháu nội của Người đã dày công xây dựng công trình, cũng là người đã và đang cố gắng gìn giữ kho báu kiến trúc này hiện vẫn đang ngày đêm trăn trở: “Với trào lưu phá nhà cũ xây mới lại bằng bê tông như hiện nay, hết đời mình không biết con cháu có tiếp nối bảo tồn được ngôi nhà này nữa hay không?!”…
Theo Nguyễn Ái Phương (tapchikientruc.com.vn)