Ba giờ sáng, tại Đàn Nam Giao (Thừa Thiên Huế), không còn nghe tiếng hô đức vua xa giá, chỉ có âm thanh rì rầm dội vào rừng thông và những ánh mắt hướng về linh vị đặt trên bàn thờ. Những người dân đến Đàn Nam Giao để nguyện xin sự viên mãn, gia đình bình an.
Tế trời đất, mong mưa thuận, gió hòa
Điểm nhấn trong quần thể những di tích còn được lưu giữ ở cố đô Huế, đó là Đàn Nam Giao, ở phường Trường An. Đàn Nam Giao là nơi bậc quân vương hằng năm tổ chức lễ tế giao, tức tế trời đất, nhằm khẳng định vị thế của vua tuân theo mệnh trời cai trị thần dân và cầu xin các thần gia ân, gieo mưa thuận gió hòa, cho nhiều lúa gạo, không có dịch bệnh và mọi người đều được yên bình, hạnh phúc.
Thời xưa, lễ tế giao thường được tổ chức vào tháng hai hoặc tháng ba âm lịch. Năm 2014, lễ tế giao được tổ chức vào cuối tháng 4, nhân kỷ niệm Ngày giải phóng Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2014).
Trong màn đêm, hương khói quyện vào sương mờ phả lên không gian. Trên chính điện, ba con dê, lợn, trâu đã được thui vàng và đặt nguyên con trên bàn thờ. Dưới bàn thờ là sáu bàn dâng rượu, nước; tiếp đến là dãy nhạc bát âm với trống, chiêng, đàn, kèn; đứng bái là 21 người trong ban chánh tế. Năm nay, ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bí Thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế làm chủ lễ.
Buổi tế giao, chỉ những người trong Ban nghi lễ mới được bước qua 15 bậc thang để lên đỉnh cao nhất của Đàn, gọi là Viên Đàn. Đó là khoảnh sân hình tròn tượng trưng cho trời. Còn người đến dự thì chỉ được bước lên 7 bậc thang và đứng ở tầng dưới được gọi là Phương Đàn. Phương Đàn có hình vuông tượng trưng cho đất. Nguyên bản thì Phương Đàn tượng trưng được sơn màu xanh, Viên Đàn được sơn màu hoàng thổ, còn bậc cuối cùng tượng trưng cho người thì sơn màu đỏ.
Những bậc cao niên đứng tại bậc Phương Đàn, nét mặt trầm tư. Bà Yến, 78 tuổi cho biết, đến đây để cầu mong cho mưa thuận gió hòa, con cháu bình an vô sự. Còn các cụ ông thì nói: Mỗi lần tế giao thì thế hệ con cháu lại nhớ đến người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ đã dừng chân làm lễ tế trời đất, lấy hiệu là Quang Trung, sau đó tiến quân ra Bắc đại phá quân Thanh.
Đàn Nam Giao ở các Kinh đô nước Việt
Theo các nhà nghiên cứu, Huế có 4 địa điểm được xây dựng Đàn Nam Giao qua các đời. Dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Lan (1635-1648), Đàn Nam Giao được xây dựng ở Kim Long, qua triều Tây Sơn (1788-1801), Đàn Nam Giao được xây dựng trên một ngọn đồi gọi là Hòn Thiên, dân gian thường gọi là núi Bân. Đến thời các vua nhà Nguyễn, năm 1803, Vua Gia Long cho xây dựng Đàn Nam Giao ở làng An Ninh, nhưng ba năm sau (năm 1806), nhà Vua lại cho xây dựng mới tại làng Dương Xuân.
Theo tài liệu, Kinh đô Thăng Long, Tây đô Thanh Hóa, cố đô Huế đều từng tồn tại Đàn Nam Giao. Nhưng đến nay, chỉ ở cố đô Huế là Đàn Nam Giao còn nguyên vẹn. Khi Hà Nội xây dựng cầu vượt qua di tích Đàn Xã Tắc, các nhà nghiên cứu đều phản đối mạnh mẽ. GS.TS, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền đã gay gắt nói: "Không nên vượt lên đầu tổ tiên. Đàn Xã Tắc là Đàn gắn với tổ tiên, gắn với trời đất?". Còn Giáo sư Sử học Lê Văn Lan thì khẳng định: "Giữ gìn, bảo tồn Đàn Xã Tắc cũng chính là giữ gìn sơn hà, xã tắc". Rõ ràng, Đàn Nam Giao giờ đây vẫn là niềm tôn kính của mọi người.
Đàn Xã Tắc tại Kinh đô Thăng Long được Vua Lý Thái Tông (năm 1048) xây dựng để tế hai vị thần quan trọng nhất là Thần Đất và Thần Nông. Bốn mùa, Vua đều chủ trì tế lễ để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt cho muôn dân. Còn Đàn Nam Giao nhà Hồ được Hồ Hán Thương xây dựng năm 1402, tại núi Đún Sơn, tỉnh Thanh Hóa, giờ đây đã thành phế tích, chỉ còn lại duy nhất Giếng Vua. Hiện nay, chỉ còn Đàn Nam Giao của nhà Nguyễn ở Thừa Thiên Huế là tương đối nguyên vẹn trên diện tích 10ha, được tổ chức UNESCO xếp vào danh mục 16 di tích có giá trị toàn cầu nổi bật, Di sản Văn hóa thế giới.
Thời xưa, nghi lễ tại lễ tế giao rất nhiều thủ tục như: Vua đốt lửa thui nghé, chôn vùi lông và huyết dâng ngọc và lụa, cúng sanh và thức ăn, đọc tuyên chúc, dâng rượu... Còn lễ tế giao bây giờ được tổ chức gọn, nhẹ. Ông Bí thư Tỉnh ủy làm chủ bái, thay mặt người dân gửi lòng thành kính đến các bậc tiên tổ đã có công xây dựng đất nước.
Nghi thức tế giao đã có nguồn gốc từ xã hội nguyên thủy, khi con người quan niệm các yếu tố tự nhiên như trời, đất, mưa, gió, sấm, chớp đều là những bậc thánh thần và cần phải thờ cúng. Đến thời quân chủ, giai cấp thống trị đã tiếp thu tín ngưỡng này, cải biến và lợi dụng nó như một thứ công cụ đắc lực để cai trị nhân dân.
Dựng Đàn, tiến quân ra Bắc
Năm 2006, lần đầu tiên Thừa Thiên Huế cho phục dựng lại lễ tế Nam Giao. Đến Festival năm 2008, Huế đã phục dựng thêm một lễ hội nữa là lễ Đăng quang của Hoàng đế Quang Trung tại núi Bân. Núi Bân là một thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của Phú Xuân - Huế; đồng thời còn là một di tích lịch sử đặc biệt về người anh hùng áo vải Tây Sơn Nguyễn Huệ. Dấu tích Đàn Nam Giao trên núi Bân không còn. Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã dựng trên núi Bân tượng Hoàng đế Quang Trung cao 21m, trong đó, phần tượng cao 12m, phần đế cao 9m.
Vua Quang Trung đã chọn ngọn núi thấp để xây dựng Đàn Nam Giao. Quanh chân núi có khoảng không gian rộng để tập trung hàng chục ngàn thớt voi, ngựa và binh sĩ. Trên đỉnh đàn tế được tạo thành ba tầng hình nón cụt chồng lên nhau. Tầng một có chu vi 220m, độ cao 40,9m; tầng hai chu vi 123m, độ cao hơn 42m; tầng ba trên cùng bề mặt bằng phẳng có chu vi gần 53m, độ cao gần 44m. Đường lên Đàn Nam Giao theo 4 lối đi Bắc, Nam, Đông, Tây.
Lên núi Bân nhìn về 4 phương đều thấy bức phù điêu khắc Chiếu lên ngôi của Hoàng đế Quang Trung. Bên cạnh bức phù điêu là lời thề của Hoàng đế Quang Trung vang lên giữa ba quân trước khi tiến ra Bắc đánh tan 29 vạn quân Thanh, giải phóng Thăng Long. "...Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng/ Đánh cho nó chích luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ...".
Theo bienphong.com.vn