Huyền Không Sơn Thượng hay còn gọi là chùa Huyền Không 2 cách cố đô Huế chừng 14 km về hướng Tây, thuộc thôn Đồng Chầm (Hòn Vượn), xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Đến viếng chùa, du khách hành hương phải đi qua chùa Linh Mụ, theo con lộ dọc sông Hương, qua Văn Thánh, Võ Thánh, qua cầu Xước Dũ rồi đi hơn 1 cây số nữa sẽ gặp ngã rẽ bên phải vào thôn Đồng Chầm.
Từ đây, đi tiếp chừng 500 mét, hương lộ này sẽ cắt ngang đường chánh Huế, thẳng trước mặt sẽ thấy chiếc cổng làng Văn hóa thôn Đồng Chầm. Qua cổng này chừng 200 mét, bên phải có một tấm biển chỉ đường, theo lộ trình này, gần 3km nữa là đến núi Triều Sơn Phương tức Huyền Không Sơn Thượng.
Do đặc điểm địa lý - đồi tiếp đồi - nên đường vào chùa uốn lượn quanh co, nay đã được cải tạo, nâng cấp khá thuận lợi cho khách hành hương.
Với không gian thoáng đãng, rừng cây trên 50 ha bốn mùa xanh lá, nhà chùa đã thiết kế thành hai khu vực chính: ngoại viện và nội viện
Ngoại viện là các công trình được bố trí hài hoà với khung cảnh thiên nhiên. Trung tâm của cụm công trình này là khu vực chánh điện được mở lối bằng chiếc cổng cổ lâu xi măng giả tre với tên gọi Phương Thảo Địa và bức tượng đức Phật trong tăng bào uy nghi chính giữa dẫn du khách theo hai lối.
Bên trái là am Mây Tía, nơi những người yêu thích văn chương thi phú tìm đến để đàm đạo, bình thơ, ngắm gió trăng mây núi và cũng là nơi các nhà thư pháp tập hợp để luyện bút, khoe chữ…
Bên phải là cụm công trình nhà khách, quá thiện đường... dùng để tiếp khách, thọ trai của chư tăng và chúng điệu.
Chánh điện ở chính giữa phía trên ba tầng nền so với cổng là ngôi nhà nhỏ giản dị mang dáng dấp ngôi nhà truyền thống Việt Nam, không hoạ tiết cầu kỳ nhưng vẫn tạo cảm giác uy nghiêm mà sang trọng. Đây là nơi thờ Phật Thích Ca, thờ xá lợi Phật cùng xá lợi chư vị Thánh Tăng và cũng là chốn Phật tử đến chiêm bái.
Một không gian rộng lớn của rừng thiền Huyền Không Sơn Thượng là mặt nước của các hồ nhân tạo và khu vườn cảnh, tượng được tạo tác công phu, cắt tỉa cẩn thận. Len giữa màu xanh của cây lá và mặt nước là những chiếc cầu với tên gọi thanh nhã như Tĩnh Không kiều, Lãm Thượng kiều, Giải Trần kiều... dẫn đến những ngôi đình bồng bềnh trên mặt hồ trồng sen và súng.
Đây còn là nơi cho nhiều du khách đến thư giãn về tâm linh
Đây là nơi du khách thập phương dừng chân nghỉ ngơi, hay ghi lại những bức hình lưu niệm khi vãn cảnh rừng thiền và cũng là chốn nhiều đôi uyên ương lựa chọn cho album ảnh cưới.
Nếu ngoại viện là nơi cho Phật tử các giới lui tới học đạo, làm phước, cúng dường hay để cho khách thập phương tham quan, thì nội viện gồm dãy nhà đơn sơ là không gian dành cho sự tĩnh tu, tham thiền...
Đây là không gian biệt lập, là Rừng Thiền để cho hành giả tu tập Samatha (thiền định, thiền chỉ) và Vipassanā (thiền quán, tuệ quán, minh sát). Mô hình này tương tự các Rừng Thiền ở Thailand và Myanmar nhưng chưa hề có ở Việt Nam.
Một số hình ảnh tại Huyền Không Sơn Thượng:
Để tạo điều kiện cho du khách dễ dàng lên chùa, chư Tăng đã làm các hành lang bậc thang
Một góc trong khuôn viên Huyền Không 2
Những cảnh đẹp này khiến rất nhiều người tìm đến
Cốt đá đánh lối vào của Huyền Không 2
Cổng vào Huyền Không Sơn Thượng
Một vẻ đẹp mang màu sắc tâm linh
Có chư Phật ngự trị
Lối vào các thảo am
Cốc thờ bồ tát Khổ Hạnh
Bồ tát Khổ Hạnh trong hang đá
Nhưng căn nhà nơi đây
Đều làm bằng chất liệu thô sơ
Và khuất trong những tán lá cây xung quanh
Điều này tạo cho khách thưởng ngoạn một sự yên bình
Tượng nghệ thuật nhà Phật được tạc bằng đá
Các khóm cây, hoa, lá tạo nên một không gian riêng nơi đây
Và người tu nhà Phật cũng không thể quên bánh xe luân hồi
Ai đã từng về Huyền Không đều không thể quên những nét thanh bình, thơ mộng và đấy chất thiền của một khu tự viện tại Huế
Theo Minh Đức ( giadinhonline.vn)