Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Lũy phòng thủ trên đèo Hải Vân
14:12 | 08/12/2014

Trước khi có sự biến mất hoàn toàn các dấu tích cuối cùng của cửa “quan ải An-nam” trên đỉnh đèo Hải Vân, địa điểm cao nhất của đường cái quan nối liền Huế với Đà Nẵng, tôi thiết nghĩ cần hồi phục các kỷ niệm của nó bằng cách đưa ra các bức ảnh cho thấy tình trạng hiện nay, cũng như đưa ra một số lời giải thích ngắn gọn liên quan đến cửa ải xưa chưa đầy một thế kỷ này; nhưng hiện nay hoàn toàn bị phế bỏ và đang lần hồi mai một do ảnh hưởng tác hại của mưa nắng, của các loài cây cỏ bám cứng.

Lũy phòng thủ trên đèo Hải Vân

Than ôi, đây cũng là một trong các công trình xây cất hiếm hoi tại An-nam, khơi dậy hình ảnh của một thời đại rực rỡ và cường thịnh đã mãi thuộc về quá khứ!

Từng ngày, từng giờ, thời gian đang hoàn tất công việc phá hoại của nó. Kỷ niệm đang phai mờ dần trong tâm tư của các thế hệ tiếp nối, để rồi đây không còn lại gì nữa, nếu chúng ta không lưu tâm đến việc giữ gìn dấu vết của cửa ải đó bằng cách nhắc lại lịch sử của nó cho những kẻ đến sau chúng ta được biết.

Đường quan nối Đà Nẵng với Huế dài khoảng 20km về phía bắc Đà Nẵng, vượt qua một rặng núi dày đặc, lởm chởm, có những ngọn cao quá 1000m và có tên chung là “Hải sơn”. Rặng núi là ranh giới hành chính và tự nhiên giữa hai tỉnh của miền Trung: Quảng Nam ở phía nam và Thừa Thiên ở phía bắc. Đường vượt qua rặng núi tại “đèo Hải Vân”, cao 496m.

Đèo là lối vượt duy nhất, thuận tiện cho việc đi lại từ phía này sang phía kia, cho nên nó là một địa điểm chiến lược giá trị hàng đầu, không tránh khỏi sự lưu tâm mạnh mẽ của vua An-nam, một khi lên ngôi là lo toan bảo vệ đất nước.

Các dấu tích như còn lại hiện nay cho thấy được tầm quan trọng của việc phòng thủ cửa ải này. Chính nó là vành đai phòng thủ ở ngoài cùng của Kinh đô Huế để chống lại kẻ địch từ phương Nam.

Lũy phòng thủ đèo Hải Vân

Tôi xin viết một số dòng về lịch sử cửa ải này như sau.

Từ Đà Nẵng ra, khi theo con đường ngoằn ngoèo, ngoạn mục lên đến đỉnh Hải Vân, ở đây ta thấy bên phải một cổng lớn bằng gạch rất đẹp, vòm bán nguyệt, kiến trúc công phu chẳng khác gì kiến trúc của các cổng thành Huế. Cổng này trồi lên cao về phía Đà Nẵng, và người đi đường, khi lên đây từng chặng, theo lối lên xuống quanh co của con đường, có thể trông thấy đỉnh vòm in hình rõ nét trên nền trời. Cổng này thường được gọi là “Cổng Đà Nẵng”.

Cổng này là thành phần của một lũy phòng thủ xưa kia chắn lối toàn bộ đèo Hải Vân và là cửa ngõ để vào bên trong một vị trí phòng thủ có đường quan trước đây của người An-nam chạy ngang qua. Đường quan này, sau khi quẹo ngoặt về phía phải, đi xuyên qua vị trí phòng thủ, thì tiếp tục vượt qua một cái cổng khác giống như cổng Đà Nẵng nằm ở phía Huế được gọi là “Cổng Huế”.

Lũy này được người An-nam biết đến với cái tên Đồn Nhất, có nghĩa là vị trí phòng thủ thứ nhất. Khi quy chiếu với họa đồ của lũy phòng thủ, chúng ta thấy hai tường dày ABU và VL, bằng đá to, tạo thành một góc tù khoảng 1550, được bảo quản tốt, đã nối liền cổng X với các sườn núi Bắc và Nam kết nhau tại đây thành đèo Hải Vân và xưa kia hoàn toàn chắn kín lối qua lại. Tôi nói là “xưa kia”, vì hiện nay, đã có một giải pháp thông thương ở đầu mút phía tây của bức tường, vì bức tường đã được phá hủy trên một đoạn dài là BU để cho phép đường quan hiện nay được đi ngang qua. Các lỗ trí pháo C, D, E, F, G, H trên đầu tường cách đều nhau, mỗi bên ba lỗ về phía bên này và bên kia của “Cổng Đà Nẵng”, đều không có pháo; trong khi đó thì hai khẩu bằng gang hiện nay nằm dài trong cỏ, ở chân tường tại điểm N của bản đồ và một khẩu khác giống như vậy tại điểm M. Cả ba khẩu đều còn tốt, cho biết một ý niệm về pháo binh xưa kia trang bị cho lũy phòng thủ và chặn giữ lối đi. Một tầng cấp lớn, bằng đá to phẳng, được cắt ngang bởi một nền lửng, xuất phát từ phía nghiêng của đường quan hiện nay để lên “Cổng Đà Nẵng”.

Đình trán của cổng này có một mặt đá rộng và phẳng xây xen trong vôi gạch khắc nổi các chữ theo hàng thẳng, hàng ngang. Các chữ theo hàng thẳng đứng có nghĩa là được xây dựng vào ngày tốt năm thứ bảy Minh Mạng; theo hàng ngang có nghĩa là “Cổng Hải Vân”.

Đi ngang qua cổng, vào bên trong phía phải có một nền cao T khoảng 2m. Có tầng cấp bằng đá xây ngang, trong bờ kè bằng đá để đi lên trên cao này. Sau nền này lại có thêm một nền khác, cao hơn và rộng hơn nằm đến tận phần phía đông của lũy phòng thủ.

Xưa kia trên hai nền cao T và J có hai ngôi nhà P và Q, hiện nay hầu hết bị phá hủy và chỉ còn lại hai tường gạch hai đầu có thể bị gió xô ngã trong một ngày nào đó.

Trên đầu tường gạch P, có một mảng còn sót lại úp góc cao khoảng 1m cho phép hình dung được kích thước của ngôi nhà xưa kia tại đây. Ngôi nhà đã là chỗ ở cho ông quan võ cấp thấp chỉ huy căn cứ; nhà thứ hai đằng sau, ở trên nền cao J, chỉ còn lại mảng tường Q, được dùng làm kho chứa thuốc súng và các chiến cụ khác. Bờ kè bằng gạch xây lớn chặn giữ các nền cao T và J, chạy tiếp thêm nữa và bẻ góc về phía phải, tức là về phía đông của căn cứ cho đến cổng Huế - cổng đổ về phía Huế.

Về phía trái, phía tây, có một bức tường bằng vôi gạch tương tự như vậy, vuông góc với cổng Đà Nẵng và nối cổng này với cổng nhỏ Z có vòm bán nguyệt, được xây bằng gạch và dẫn vào bên trong căn cứ đúng nghĩa của nó, tức là đến phía sau đoạn AV của bức tường đối diện với phía Đà Nẵng.

Cổng nhỏ bản thân nó, cũng nối với “Cổng Huế” bằng một bức tường song song với bờ kè của các nền cao T và J; nối không phải bằng một bẻ góc về phía phải mà bằng một con đường cong. Ta đi vào bên trong cổng Huế là đỉnh cao nhất của lũy phòng vệ tại đèo Hải Vân bằng một thang cấp có các bậc đá bằng phẳng. Mỗi chi tiết của cổng Huế đều giống với “Cổng Đà Nẵng”, nhưng được cất lên ở địa điểm cao hơn như có thể thấy được. Cũng như cổng Đà Nẵng, cổng Huế có một bửng đá lớn nơi đình trán được khắc các chữ nổi ngang là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” (cửa ải lớn nhất thiên hạ), và các chữ dọc là “Minh Mạng thất niên cát nhật tạo” (được xây cất ngày tốt năm thứ bảy Minh Mạng).

 Lũy phòng thủ đèo Hải Vân, cổng Đà Nẵng

Trước khi có đường quan hiện nay thì con đường mòn tạo thành đường quan của thời kỳ đó, theo thói thường của người An-nam, đã đi thẳng đến hòn núi của đèo Hải Vân, trồi cao lên ở phía Đà Nẵng, tức là phía nam, lòn qua vòm cổng Đà Nẵng, đi theo con đường hõm giữa bờ kè của các nền cao T và J và bờ kè liên kết cổng nhỏ Z với cổng Huế, để rồi sau khi đi lên theo thang cấp của cổng Huế và lòn khỏi vòm cổng Huế rồi chạy về phía Huế.

Thời đó, không có một con đường nào khác. Không thể đi từ Đà Nẵng đến Huế mà không có phép của võ quan chỉ huy và bị buộc phải theo con đường của lũy phòng vệ.

Hệ thống phòng thủ này, mặc dầu đơn giản, rất dễ hiểu và phù hợp với mục đích, cũng như với cuộc đất của nó.

Thời đó, nó là một cơ cấu phòng thủ đủ khả năng để đẩy lui các loại quân địch xuất hiện bất ngờ, và ngăn chặn có hiệu quả mọi sự qua lại.

Trong cuốn sách của Tướng Lyautey có tên: “Lettres du Tonkin et de Madagascar (1894 - 1899)” (các bức thư từ Bắc Kỳ và Madagascar), tôi thấy có một câu chuyện có thể dùng làm cơ sở để củng cố sự nhận xét vừa nêu.

Tôi nghĩ rằng câu chuyện ít được người biết nên cần đưa ra ở đây. So với nhiều tài liệu khác mà tôi đã sưu tầm thì câu chuyện có liên quan đến một sự cố quân sự tại lũy phòng thủ đèo Hải Vân.

Tướng Lyautey nói rằng ngày 30-8-1896 ông Toàn quyền Đông Dương Rousseau cùng những người đi theo là vua Thành Thái, ông Khâm sứ An-nam Bière, một vài viên chức Pháp trong đó có Thiếu tá Lyautey, chủ sự phòng quân vụ và đồng thời là tác giả của câu chuyện đi từ Lăng Cô đến Đà Nẵng bằng cách vượt đèo Hải Vân.

Mọi người xuống tàu tuần dương Alouette, sáng hôm sau đổ bộ lên làng Lăng Cô ở bên vùng đầm có cùng tên, phía bắc chân “Núi Hải”. Từ 6 giờ sáng đoàn du hành vất vả đi theo con đường lên cao 496m đến đèo Hải Vân. Bây giờ xin nhường lời cho tác giả của câu chuyện. Nội dung như sau:

“Và tiếp theo cái đời thường nhật của chiếc tàu, bây giờ quang cảnh rực rỡ lại hiện ra như trước.

 Lũy phòng thủ đèo Hải Vân, cổng Huế

“Tất cả đoàn người theo hầu đã đến từ Huế bằng đường bộ. Trong đáy nước sâu, trên bãi sạn thấp phẳng của Lăng Cô, dưới chân của rặng núi cao đen màu cây lá và bóng rợp, là biết bao sắc màu lung linh với 400 cây cờ, cây lọng, những cây quạt to, những cái kiệu ngà tơ lụa, với lính tráng, thị vệ và các quan. Trong âm điệu của tiếng sáo, Thành Thái đã mặc áo quần vua vào; vua đợi chúng tôi, ngồi trên mình một con ngựa nhỏ, màu đen rất đẹp; các quan địa phương sụp lạy, đầu kê trên sạn giống như các thầy dòng tu kín đọc kinh; vua rất thanh lịch, đầy đặn trong chiếc áo dài màu hồng tím của hoa sầu đâu, quần màu trắng, đôi hia bóng láng có cựa thúc ngựa mạ vàng trau tỉa, có người dơ cái đai gác bàn chân, có người cầm cái lọng che cho vua; trong khi vua leo lên yên, cũng có người quỳ xuống mà dây roi ngựa. Chúng tôi leo lên ngựa mà chẳng có nghi lễ gì phiền phức, quan Toàn quyền, vợ và con gái đều lên kiệu. Thế là lên đường.

“Một đoàn người rước đẹp, đi theo con đường có nhiều gấp khúc, lên cao 400m, trên sườn núi trông ra biển. Sáu giờ sáng, nước có màu xanh thăm thẳm, những đoạn đường trụt vẫn chìm trong mịt mờ, những đoạn đường trồi lấp lánh trong mặt trời mọc, các dãy núi xa tắm trong màu hồng: quang cảnh của vùng Corniche, của vùng Địa Trung Hải, hay vùng d’Estérel?

“Vua Thành Thái nhớ ra đây chỉ là cuộc du ngoạn, là tuyệt vời, thúc gót vào mình ngựa, bỏ mặc đoàn rước, lọng, quạt, quan Toàn quyền; có ngựa phi về phía trước chỉ với người thông ngôn, tôi, Martinie (con trai của ông Tổng Thanh tra), người thư ký của ông B…, có một hoạn quan được cho bám theo trên yên một cách tội nghiệp.

“Và với tốc độ việt dã, chúng tôi lên đỉnh Hải Vân trước đoàn rước hai giờ. Vua Thành Thái cảm thấy thú vị, thế nhưng ngựa thì không.

“Đỉnh đèo được chặn lại bởi các lũy phòng thủ rất xưa của người An-nam có rãnh răng cưa trí pháo, không cho tiến ra Huế. Mới đây, trước khi có con đường mới, mà hàng ngàn phu lục lộ chúng tôi vừa xáp mặt trên đường đi qua, vẫn đang còn làm việc, thì lối vượt đèo dựng đứng về phía Đà Nẵng đã không thể nào thực hiện được. Chính tại đây, năm 1856, một trong những đại đội đổ bộ của chúng ta bị lọt vào trong cơn lăn xuống của những hòn đạn tròn đặc ruột, mà cũng đủ bị nghiến xương đến 300 người chứ chưa nói là người An-nam phải nhọc công bắn xuống.

“Các đống đạn, còn đó trong phòng khi chúng tôi ăn cơm trưa, bên cạnh mấy khẩu pháo xưa cũ đang cùng nhau ngủ yên mãi mãi.

“ Một quang cảnh mới lạ. Phía bắc trập trùng bờ biển An-nam và khơi xa; phía nam dưới chân núi, vịnh Đà Nẵng như một bản đồ vẽ nổi. Đoàn rước tiến lên dần dần và dừng lại nhốn nháo. Trên nền thượng của tòa thành xưa cũ có rãnh răng cưa trí pháo, hình ảnh vua Thành Thái nổi bật lên trong chiếc áo màu hồng tím của lụa li la, một bên có người hầu cầm chiếc lọng cao, một bên có người hầu phẩy quạt vua cho mát. Vua “trông thấy giang sơn”. Tôi bỗng thoáng thấy đó là hình ảnh trong Thánh Kinh, một kỷ niệm trong tâm tư của thời thơ ấu, “một vua Salomon trẻ trên Đền thờ Jérusalem, một ông vua Pharaon oai nghi lẫm liệt của Ai Cập.

“Đúng là rất thích thú…”

Tôi muốn đưa ra nhiều chi tiết hơn nữa về sự việc có lẽ đã xảy ra trên đèo Hải Vân vào năm 1850 do tướng Lyautey nêu ra, nhưng rất tiếc trong các bài viết của các tác giả khác mà tôi có trong tay, thì không tìm thấy được một điều gì liên hệ tới việc này. Tướng Lyautey đã rút ra câu chuyện từ một người thông tin Pháp hay thông tin An-nam? Tôi nghĩ, dầu sao thì câu chuyện đó cũng đáng được giới thiệu thêm lần nữa với các “Bạn của Huế xưa”.

Hai khẩu thần công phòng thủ đèo Hải Vân

Theo Dutreil de Rhins, đi từ Đà Nẵng đến Huế bằng đường quan vào năm 1876 và đã để lại một bài tường thuật rất chi tiết, vào thời điểm này, căn cứ được canh gác do một đội quân khoảng 50 người dưới sự chỉ huy của một ông quan võ.

Người ta nói phần lớn lính đó ăn ở trong các lều được cất lên trên nền cao S, đằng sau bức tường AV; từ đó, bằng thang cấp I của cổng nhỏ Z người ta đi xuống các nền cao T và J bên trong căn cứ chỉ có nhà ở của quan chỉ huy và kho đạn Q mà thôi. Bức vẽ được thực hiện vào thời điểm hai nhà ở và nhà kho này vẫn còn, cho phép hiểu được vị trí cũng như tầm quan trọng của các nhà đó.

Cũng cần nêu là trong bài tường thuật, về chuyến đi lên đèo Hải Vân, Dutreuil có chỗ đã nói sai, hay có chỗ bỏ quên. Ông chỉ nói về một cổng Đà Nẵng, làm cho ta có cảm nghĩ là muốn đi từ phía Đà Nẵng sang phía Huế thì chỉ có một cổng Đà Nẵng mà thôi.

Năm 1876, khi Dutreuil de Rhins đi qua, cổng Đà Nẵng và cổng Huế có mặt tại đó như ta thấy hiện nay. Các chữ Hán, được khắc trên đình trán đồng thời với lúc xây cất cho thấy hai cổng đã được xây cất năm thứ 7 Minh Mạng, tức là năm 1826. Sẽ giải thích như thế nào đây chi tiết rất rõ nét và rất quan trọng về mặt tài liệu, sao lại có thể thoát ra khỏi con mắt của một du khách rất sành sõi như ông Dutreuil, người luôn mô tả rất chính xác và thường nói rằng ông ta không bao giờ nói ra một điều gì mà bản thân chưa kiểm tra.

Lý do mà tôi có thể vận dụng để giải thích sự sai sót, chính vào lúc Dutreuil de Rhins cùng những người đồng hành đến “đèo Hải Vân” thì đã rất mệt mỏi vì leo trèo khó khăn, bóng tối đã đổ xuống, 6 giờ 30 tối theo như ông nói.

Vào cổng Đà Nẵng, được nói chuyện trong ngôi nhà ở với ông quan võ, Dutreuil de Rhins đã bàn đến việc cần làm hơn hết: phải tạm trú qua đêm trong ngôi nhà hay phải đi xa hơn, ông quan chỉ huy không muốn chứa chấp khách, nên ích kỷ khuyên Dutreuil de Rhins đi tìm một chỗ trú ẩn xa hơn, quan cho là tốt hơn về đêm. Khách quyết định từ giã quan. Không có gì đáng ngạc nhiên là ở giữa sự đi lại tấp nập của phu làm đường, giữa ánh lửa lập lòe cùng những ngọn đuốc, Dutreuil de Rhins vì không quen với quang cảnh xung quanh, mà ông mới thấy lần đầu, nên đã không nhận biết rằng cái cổng mà ông phải vượt qua để đi sang phía Huế chính là một cổng mới chứ không phải cái cổng ông vừa bước vào. Dầu sao ta cũng có thể chấp nhận sự sai sót như vậy, bởi vì nó đã xảy ra nơi dừng chân quan trọng trong một hoàn cảnh khó khăn, và không nên trách móc với người đã trải qua. Trong tường thuật của Dutreuil de Rhins có một sai sót khác có thể giải thích bằng những lý do như vừa nêu.

Ông nói rằng “lối đi (chính là đèo) rộng khoảng 50 mét, bị chặn lại bởi một bức tường bằng đá đẽo có bốn chỗ trí pháo”. Thật ra thì có 6 chỗ, mỗi bên là ba tại cổng Đà Nẵng và chiều dài tất cả của bức tường L đến H khoảng 122m.

Về các chỗ trí pháo có một chi tiết cần ghi nhớ. Đó là 3 chỗ của bức tường phòng thủ đúng nghĩa của nó, có miệng loe hướng ra ngoài và 3 chỗ của bức tường nối lũy phòng thủ với núi phía tây, tức là bức tường AH có miệng loe ra ngoài.

Lũy phòng thủ đèo Hải Vân, phía Huế

Một du khách khác là C. Paris đã đi trên con đường đó, 9 năm sau Dutreuil de Rhins, tức là năm 1885 và đã nêu ra nhiều chi tiết hơn về cách thức bố phòng của đèo Hải Vân lúc ông đi ngang qua.

Như trong một bài viết trước của tôi, tôi xin nói là khi C. Paris đi ngang, đây là lúc ông ta đảm trách công việc thiết lập đường dây điện thoại nối Huế với Đà Nẵng. Dưới đây là đoạn mô tả của ông về quang cảnh của lũy phòng thủ đèo Hải Vân vào thời điểm ông lưu trú.

“Cổng Hải Vân Quan” -  cuối cùng, chúng tối đi tới một đỉnh cao mà tại đây những đám mây dày đặc đã làm cho chúng tôi không trông thấy nhau. Chúng tôi đã tiếp xúc với cổng phòng thủ được xây trên chỗ giáp vai của hai ngọn núi, nơi chúng tôi sẽ cắm trại: đây chính là đèo Hải Vân. “Cái cổng, được gọi là Hải Vân Quan, do một người đội trưởng và năm người lính An-nam canh gác. Một bức tường dày trên đầu có miệng răng cưa để trí pháo, liên kết điểm cao gần đó. Sáu khẩu pháo xưa cũ, ba khẩu mỗi bên, không khẩu nào bằng đồng, mà chỉ bằng gang, kiểm soát lối ra vào Nam Chon và cái đầm của nó. Nhưng theo tôi thấy thì những khẩu pháo đã hư hỏng nên hẳn không ích lợi gì mấy cho các tay súng.

“Nhà cửa gồm có trạm gác và một trạm chưa xuống cấp, nằm vắt theo quanh đỉnh đèo. Hai cánh cửa rất lớn bằng gỗ kiền xoay trên những bản lề gắn vào bức tường dày 5m, một cánh chặn sự xâm nhập vào đỉnh đèo theo con đường đi Huế, một cánh thì phòng vệ mạn dốc thẳng đứng về phía vịnh Đà Nẵng. Không thể đi theo lối nào khác ngoài hai cánh cửa này. Người đội trưởng biết điều đó nên đã thu lộ phí bất hợp pháp và tạo cho anh ta được một vị thế có tiền. Mọi người đều phải lòi tiền ra. Giàu cũng như nghèo, kẻ cứng đầu bị roi. Người giàu phải 8 đến 10 xu, người nghèo 1 hay 2; người bán dầu thì rót dầu vào vịt đèn của trạm gác, người bán rượu rót rượu vào cổ họng của lính gác. Khi không trả bằng tiền theo đầu người, thì phải trả bằng phẩm vật. “Ý muốn ở lại với tính cách do dự của chúng tôi đã làm cho ông đội trưởng khó chịu, nên luôn miệng kêu ca căn phòng quá tồi tàn không thể chứa chấp những nhân vật như hàng ngũ của chúng tôi. Chúng tôi không khỏi bật cười, bởi vì tôi thấy có người ở phòng khác. “Đội trưởng” có một cuốn sổ báo cáo để ghi chép các sự cố quan trọng trong ngày, sự qua lại của quan chức cấp cao, đồng thời áp dấu cho phép qua cửa trên giấy thông hành công vụ của các trạm. Khi sổ đã đến mức quan trọng thì gửi về cho quan lớn tại Huế.

“Hai cánh cửa được đóng lại từ khi mặt trời lặn cho đến lúc mặt trời mọc, hoặc thấy trời có vẻ như vậy”.

Theo lời của C. Paris, chúng ta thấy khi ông đi ngang qua trạm lính của lũy phòng vệ chỉ có 5 lính dưới sự chỉ huy của một đội trưởng. Dutreuil de Rhins, năm 1876, khi ngang qua đã ước lượng số lính khoảng 50 người dưới sự chỉ huy của một đội trưởng. Như vậy số lính đã giảm rất nhiều. Vào thời điểm của C.Paris, chúng ta ở vào giai đoạn can thiệp của người Pháp, số lính ở thời điểm này không bao lâu bị loại bỏ mà không có sự thay thế, ngoại trừ khoảng thời gian 1885-1886, tướng Prudhomme chỉ huy quân đội Pháp tại An-nam, có lúc đã ra lệnh cho một bộ phận lính Pháp chiếm giữ tạm thời lũy phòng thủ. Có thể xác định khá chắc chắn thời kỳ loại bỏ trạm gác của người An-nam. Thật vậy, C.Paris lưu trú tại đỉnh đèo Hải Vân trong 15 ngày đầu tháng 11-1885; tiếp theo, ngày 15-12 tướng Prudhomme đi ngang qua, ông có nói về cuộc thám sát như sau: “Lên đến đỉnh đèo lính kiệt sức, mệt nhọc, phải nghỉ ngơi trong công sự bằng đá, là công sự phòng vệ lối qua lại bỏ trống từ lâu”. Như vậy trạm gác bị loại bỏ trong khoảng 15-11 – 15-12-1885.

Theo lời của tướng X., thì tướng Prudhomme “dường muốn chiếm đóng lũy phòng vệ tận các cổng phía Bắc khống chế đỉnh đèo, nhưng tướng Prudhomme đã không thực hiện được ý định bởi thiếu quân số và có những khó khăn thuộc vấn đề tiếp liệu cho bộ phận quân lính đóng trên đèo.

Tuy nhiên sau vụ đại úy Besson và đoàn tùy tùng bị giết, thì “… một số lính được đưa từ Bắc vào, tướng Prudhomme đã có cơ hội ra lệnh chiếm đóng lũy phòng vệ của đèo Hải Vân (13-3-1886), làm chủ hai phía bên này và bên kia của dãy núi, bảo đảm cho sự lưu thông tự do, bất chấp tình hình căng thẳng tại vùng này, vốn trước đây thái bình”.

Tôi không tìm ra được tài liệu nào có thể cho biết thời điểm rút lui của trại lính Pháp. Nhưng có thể phỏng chừng, kể từ khi có công binh của quân đội bắt đầu làm đường quan, việc không chế đỉnh đèo Hải Vân không cần thiết nữa. Bởi vì, nói chung sự lưu thông đã được bảo đảm cho những toán lính cùng với các sĩ quan, làm đường, cũng như do sự qua lại mỗi lúc của các bộ phận quân lính trên đường di chuyển Đà Nẵng - Huế và ngược lại.

Có thể khẳng định khác chắc chắn là lũy phòng vệ đã bị bỏ trống từ năm 1886 và chỉ còn là chỗ dừng chân tạm thời cho quân lính khi vượt qua đèo.

Lũy phòng thủ đèo Hải Vân, phía Đà Nẵng

Ở một bài trước đây, tôi đã có trích dẫn lời tường thuật của ông Paul Doumer, nguyên Toàn quyền Đông Dương khi ông đi từ Huế đến Đà Nẵng bằng đường quan. Tôi thiết nghĩ nên nhắc lại lời tường thuật đó có các điểm liên hệ với đèo Hải Vân.

“Chúng tôi tới đỉnh đèo. Con đường bị chặn lại bởi lũy phòng vệ của người An-nam chắc chắn và đẹp mắt trong tư thế rất chuẩn mực của nó. Lũy phòng vệ và chúng tôi đều đắm mình trong sương mù. Lính của vua canh giữ đỉnh đèo đã trao cho chúng tôi những con ngựa mới và thức ăn; chúng tôi uống một tách nước rồi lên yên ngựa”. Nếu tôi thích lời nói ngắn gọn đó, thì cũng chỉ để cho chúng ta biết được rằng những người lính mà ông Doumer đề cập đã không thuộc phiên chế thường xuyên gác đèo, đơn giản họ chỉ là những lính cấp thời được gửi đến đó nhân dịp ông Toàn quyền tham quan, và thật ra, ông Toàn quyền mang đến cho chúng ta cảm nghĩ là lũy phòng vệ đã được bố trí từ lâu, đúng như tôi đã trình bày ở trên. Hơn nữa, vào thời điểm này, khách đi đường đã đi theo tuyến mới của đường quan băng qua đèo, bên ngoài lũy phòng vệ cũ của người An-nam, trong giải pháp tiếp tục BV của họa đồ, ở phía tây lũy phòng vệ; khi đó tuyến đường trước đây bắt buộc phải đi theo để vượt qua hai cổng X, Y, đã xưa cũ và hoàn toàn bị bỏ qua.

Hoàn cảnh đó đã làm cho lũy phòng thủ không còn dịp được đoái hoài, chẳng mấy khi có người đến đây để dẫm chân lên các lớp cỏ trồi lên dần dà, hoặc để có dịp đưa mắt lơ đãng nhìn các mảng tường cổ, nhân giây phút ngắn ngủi nào đó lúc thay đổi phu gánh vác để tiếp tục lên đường.

Về phương diện tài liệu này thêm vào đó tất cả những gì mà tôi vừa nói trên một số dữ kiện được viết trong sách “Đại Nam thực lục” liên quan với lũy phòng vệ. Sách này nói rằng: “Năm thứ 7 đời Minh Mạng (1826), vào tháng Giêng mùa xuân, lũy phòng vệ được xây cất trên đèo Hải Vân. Lũy có hai cổng, cổng trước (phía Đà Nẵng) và cổng sau (Cổng Huế). Cổng trước cao 15 thước, ngang 17 thước và sâu 17 thước 1 tấc. Cổng sau cao 15 thước, ngang 11 thước, sâu 18 thước 1 tấc.

“Hai mảng tường hai bên bằng đá:

“Cổng trước mang trên đình trán các chữ Hải Vân quan (cổng Hải Vân), cổng sau mang ở đình trán các chữ: “Thiên hạ đệ nhất hùng quan (cổng lớn nhất thiên hạ).

“Công việc được thực hiện do thợ và dân chúng được tuyển lựa tại hai tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên”.

“Để đảm bảo sự giám sát, một đội lính giản được đưa tới đây thường xuyên, dưới sự chỉ huy của một phòng thủ viên.

“Đưa vào cất giữ bên trong lũy nhiều thuốc đạn, thuốc súng, đạn tròn, cần thiết cho 5 khẩu pháo bố trí trên lũy, và cho các khí giới khác”.

Theo “Đại Nam thực lục” thì chỉ có 5 khẩu pháo, trong khi C. Paris nói 6 khẩu. Mỗi bên 3 khẩu; 3 bằng đồng và 3 bằng gang. Như vậy là hợp với thực tế bởi vì trên lũy có 6 rãnh đặt pháo.

Giải thích sự khác biệt này, ta có thể nói, về sau mới có một khẩu thêm vào 5 khẩu đầu tiên đặt trên thành khi sách được chép.

Hiện nay chỉ có 3 khẩu bằng gang, nằm dưới chân lũy. Các khẩu bằng đồng, do có giá trị, có thể đã được đưa về Huế hay bị ăn trộm.

Ba khẩu bằng gang được chế tạo khéo léo nếu đó là các khẩu đã được C. Paris trông thấy thì hẳn chúng đã không hư hỏng như ông ta nói.

Cả ba khẩu đều mang 5 chữ Hán, theo chiều dọc của súng phía trước lỗ châm ngòi, có nghĩa được chế tạo năm thứ 7 đời Minh Mạng.

Khẩu số 1 có chiều dài 1,77m tính từ miệng súng đến điểm mút khóa nòng súng, đường kính của lòng súng 0,11m. Khẩu số 2 có chiều dài 1,89m, lòng súng 0,11m.

Trước khi có lũy phòng vệ, trên đèo Hải Vân đã có công trình phòng vệ nào không? Qua sưu tầm đã thực hiện, tôi thấy trước thời Gia Long đèo Hải Vân chưa có công trình phòng thủ nào. Ông Ch. B. Maybon nói rằng Nguyễn Văn Huệ, tổng chỉ huy Tây Sơn, tháng 7-1786, khi tiến chiếm Huế, đã cho quân bộ đi ngang qua đèo Hải Vân mà không gặp kháng cự gì. Từ thời điểm này cho đến lúc Gia Long chiếm lại Huế 13-6-1801, tôi không tìm được một tài liệu nào cho thấy là đèo đã được xây cất công trình phòng thủ. Ngay cả sau khi chiếm Huế, dường như Gia Long cũng không nghĩ đến chuyện phòng thủ địa điểm chiến lược rất quan trọng này đối với sự an ninh của Kinh đô. Trong việc sắp xếp để củng cố cấp thời thành quả chiến thắng, Gia Long đã hoàn toàn bỏ qua đèo Hải Vân, và chỉ nghĩ đến việc bảo vệ biên giới phía Bắc. Xin trích đoạn viết theo đây từ cuốn sách Maybon nói về tình hình sau khi Gia Long chiếm Huế: “Không cần để ý gì hơn nữa về người cầm đầu quân Tây Sơn, vua Gia Long chỉ nghĩ ngay đến các biện pháp củng cố thành quả chiến thắng. Vua phái Nguyễn Văn Trực ra cai trị Quảng Bình. Vua ở tại lũy Đồng Hới; phái một võ quan khác là Hoàng Văn Điểm trấn đóng cửa sông Gianh với tàu thuyền và cũng phái một nhân vật khác là Lê Văn Hợp trấn giữ núi Hoành Sơn. Phú Xuân được tổ chức lại để cai trị. Người ta thiết lập tại đây hai huyện, 8 tổng, một châu và đặt người cai trị. Lê Văn Duyệt được đưa vào Quảng Nam với quân bộ, Tống Viết Phúc được lệnh trở vào Bình Định để cứu Vũ Tính, nhưng đã quá muộn”.

Sách “Đại Nam thực lục”, như đã nêu không cho phép nghĩ rằng đã có một công trình phòng thủ trên đèo Hải Vân trước khi có việc xây dựng lũy phòng thủ vào năm thứ 7 Minh Mạng (1826). Dầu sao cũng nên nói thêm Đại úy L. Rey, thuyền trưởng tàu Henry của Bordeaux, đã đi bộ từ Huế vào Đà Nẵng năm 1819, cũng đã có để lại những lời tường thuật rất thú vị về việc lên đến đỉnh đèo Hải Vân: “trời rất mát mẻ, nên ông ta và các bạn đồng hành nghỉ ngơi và ăn uống”. Lời nói của Đại úy Rey chứng tỏ vào thời điểm này dưới thời Gia Long, đã có trên đỉnh đèo một tuyến phòng thủ ít nhiều đáng để ý, về sau được thay thế bằng cái lũy phòng thủ xây lên dưới thời Minh Mạng.

Một người Anh là ông Crawfurd cũng có chuyến đi năm 1823, bốn năm sau L. Rey đã không hề biết gì cái trạm gác như L. Rey đã đề cập. Ta kết luận trạm gác được Rey trông thấy có thể không quan trọng gì về mặt quân sự mà chỉ là cái chòi canh với vài người lính lo phận sự thu thuế quá cảnh, hơn là phòng thủ lối qua lại.

Dầu sao, cũng hơi là lạ, là Gia Long không lo tổ chức phòng thủ lối qua lại quan trọng này đối với tình trạng an ninh của kinh đô. Cũng có lý do để nghĩ rằng kể từ khi Gia Long làm chủ được Huế, vua chỉ tổ chức mặt phòng thủ đèo Hải Vân một cách thô sơ mà thôi và để dành việc xây dựng một lũy phòng thủ có đủ sức mạnh ngăn chặn mọi sự qua lại của bất kỳ một kẻ thù nào từ phía nam mưu toan xâm nhập, cho những năm tháng về sau.

Có một cảnh sắc cũng đẹp mắt như đèo Hải Vân và các hòn Núi Hải đã in đậm vào trí tưởng tượng của người An-nam. Để làm bằng chứng, tôi thiết nghĩ nên nêu ra đây một trong 9 cái đỉnh đồng đế thế được đúc dưới thời Minh Mạng trong các năm 1835-1836. Đó là cái đỉnh thứ 8, 1 trong 17 bức vẽ mang trên mình nó là lũy phòng thủ đèo Hải Vân. Chúng ta có thể nhận biết được qua hình vẽ in trong sách này, bằng những đường rất sơ lược và phóng túng nhằm tả hình ảnh tổng quát của lũy phòng thủ, các ngọn núi chung quanh. Có ba chữ Hải Vân Quan (cổng Hải Vân) hay Đèo Hải Vân được khắc đầu bức vẽ. Trong bài viết: Những triều đại ở Đại Nội Huế: Bản miêu tả của tác giả Sogny, đăng trong “Những người bạn Cố đô Huế” năm 1914, tác giả nói rằng: vua Minh Mạng muốn lưu truyền mãi mãi trong trí nhớ của dân tộc người sự nghiệp, công lao và đức độ của những vị vua triều đại, bằng sự ghi khắc các hình ảnh đất nước lên trên mình các đỉnh đế thế. Các đỉnh được đặt trước nhà thờ Thế Miếu, trong Hoàng thành đối diện với các bàn thờ, thờ các hoàng đế.

Đỉnh thứ 8 ở đây có tên là Dụ đỉnh, cao 1,87m, nặng khoảng 2.017kg.

Để hoàn tất bài viết này, xin nói thêm là cảnh đẹp đèo Hải Vân, đã làm nguồn cảm hứng thi ca cho vua Thiệu Trị khi vua qua đèo thăm viếng Quảng Nam. Dưới đây bài thơ của Thiệu Trị được diễn Nôm:

“Núi này rất cao, và phải trải qua nguy hiểm để đến đây.

“Nguy hiểm sánh được với sự trải qua con đường nguy hiểm để vào đất Ba Thục.

“Chỉ thấy các lớp mây bao phủ ba chóp núi đá.

“Không thể biết được người xưa đã vào ở trong trời cao tận mức nào”.

Ông Nguyễn Hữu Bài, Thượng thu Bộ Lại và Bộ Công là người văn nho cũng đã làm một bài thơ ca ngợi cảnh đẹp này. Và đây là lời diễn nôm:

“Giữa núi rừng xanh thẳm và trên khối đá khổng lồ.

“Dưới bầu trời mùa thu điệp màu với màu nước biển.

“Là con đường có nhiều gấp khúc mới được xây dựng chạy xuống thấp.

“Là cái cổng cũ của bức lũy xưa đang mãi mãi đứng yên tại chỗ.

Chiếc xe hơi rong ruổi theo hình dáng của một con rồng lượn khúc.

“Ở giữa hai khối đá được bao phủ trong các lớp mây dày đặc.

“Và sau khi đã qua khỏi đèo cũng như qua khỏi đường ranh giới trước kia.

“Ta lại thấy được hai hàng cây già mù u vẫn còn lại đó”

Tranh khắc cổng phía Nam lũy phòng thủ đèo Hải Vân của Tôn Thất Sa, BAVH, tháng Giêng 1900

Việc phòng thủ kinh đô An-nam ở mạn Nam không phải chỉ được thực hiện bởi một lũy phòng thủ đèo Hải Vân mà thôi. Thật ra hệ thống toàn bộ của nó là cả một cụm phòng thủ bao gồm ba thành phần khác nhau trải ra trên mạn Bắc của các Núi Hải, thuộc đèo Hải Vân ở làng Lăng Cô, dọc đường quan cũ.

Hệ thống này trước hết gồm có: thành phần thứ nhất là lũy phòng thủ đèo Hải Vân; thành phần thứ hai hiện thời chỉ còn lại một cổng vòm cao lớn bằng vôi gạch trông đẹp mắt nằm trên lưng ngọn núi, phía dưới có đoạn đường hầm xe lửa thứ tư đi từ Đà Nẵng ra Huế, gần cột cây số 71 của đường quan hiện nay, và thành phần thứ ba, một lũy phòng thủ khá quan trọng ở Lăng Cô, trên ngọn đồi có nhà nghỉ mát của vua Khải Định vừa mới được xây cất.

Người An-nam gọi lũy tại đèo Hải Vân là Đồn Nhất, lũy tại cây số 71 mà người châu Âu đặt tên Cổng Huế là Đồn Nhì, và lũy tại Lăng Cô là Đồn Ba. Chúng ta vừa thấy lũy của đèo Hải Vân, hay Đồn Nhất, có vị thế rất lợi hại; Đồn Nhì, nếu căn cứ vào di tích thì không quan trọng bằng.

Tiếc thay, tôi ít có tài liệu chính xác về Đồn Nhì. Theo lời một số cụ già ở Lăng Cô mà tôi đã hỏi thăm, Đồn Nhì được xây cất dưới thời vua Minh Mạng cùng thời điểm với Đồn Nhất vào năm thứ 7 đời Minh Mạng 1826. Nay nó chỉ còn lại một cổng vòm lớn bằng vôi gạch giống như các cổng của đèo Hải Vân và bên dưới nó có con đường quan cũ chạy qua. Tất cả các tường rào nhà cửa đều đã biến mất và cái cổng thì đứng riêng một mình trong lùm bụi mọc quanh che phủ nó.

Từ nhiều vị trí trên đường sắt và đường quan mới hiện nay, cao hơn khoảng 50m gần cây số 71, ta có thể trông thấy được cổng này tại vị trí chính của nó. Người ta nói trước đây Đồn Nhì được bảo vệ bởi khoảng 10 lính, dưới sự chỉ huy của một quan võ có cấp bậc bằng người chỉ huy Đồn Nhất. Cổng thường được gọi là “Cổng Huế” bởi số ít người Âu biết được nó, nhất là bởi các nhân viên công chánh và nhân viên đường sắt do công việc chuyên môn buộc phải qua lại gần đó.

Qua khỏi cổng Huế, đường quan cũ tiếp tục chạy một cách bằng phẳng cho đến cái Miếu thờ Hổ mà ai cũng biết, rồi đổ dốc có hơi thẳng đứng cho đến bên bờ đầm Lăng Cô, và ta phải dùng đò để qua đầm như hiện nay. Đầm này thông với biển qua eo nước rộng khoảng 250m, có cồn cát chìm làm khó vượt qua nó. Tuy thế nếu kẻ thù không muốn vấp phải trở ngại của núi Hải, có thể đi vòng quanh theo đường biển, vào đầm Lăng Cô đổ quân vào bờ. Cũng vì mục đích ngăn cản một nguy cơ như vậy có thể xảy ra, nên Đồn Ba đã được xây cất ở tại vị trí hiện nay, có nhà nghỉ mát của vua Khải Định.

Tôi không biết Đồn Ba được xây cất thời kỳ nào. Tôi nhớ cách đây mươi năm, khi đến thăm, thấy bức tường vẫn ở tình trạng tốt. Đó là một vạt đất xung quanh có tường dày bằng đá thô. Tất cả nhà cửa vào thời đó đã không còn, và vạt đất đặt bên trong đã được một vài dân làng trồng trọt.

Có lẽ đồn này có hai mục đích: trước hết để đề phòng sự xâm nhập vào đầm Lăng Cô, và thêm nữa để tiếp tế cho Đồn Nhì và Đồn Nhất. Vì mục đích này, bên trong có một nhà kho lớn chứa lúa gạo, đạn dược và tiền trinh. Hiện nay tất cả mọi thứ đó không còn nữa và khó tìm được một dấu vết của nhà cửa và tường vách của lũy phòng vệ. Lính của đồn thông thường được lấy ở trong làng; nhưng khi có biến động hay chiến tranh, thì một bộ phận lính chuyên nghiệp của quân đội nhà vua ở Huế sẽ được điều đến để trú đóng.

Đồn này hoàn toàn bị loại bỏ sau khi Đô đốc Courbet đánh chiếm Thuận An năm 1833. Không một đội quân Châu Âu nào đã trú đóng tại đây.

Trong vài trang trên đây, tôi đã cố công làm sống lại quá khứ đã trôi xa đối với chúng ta. Ước mong sao các trang giấy này vẫn còn sống mãi sau sự mai một của các bức tường gạch của lũy phòng thủ xưa cũ mà tôi cố gắng kết tạo lại lịch sử và mong sao âm vang thời đại hào hùng đó của đại quốc An-nam vẫn được lưu truyền mãi cho các thế hệ mai sau.

 

(*) Bài viết trên tập san BAVH, năm 1921. Bản dịch của NXB Thuận Hóa, Huế  

H.COSSERAT

 
Nguồn: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

 

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng