Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Từ đỉnh Hamilton nhớ về Nam Đài Thành Nội
09:01 | 16/12/2014

Xin những bậc chuộng sách vở từ chương đừng mất công dở sử sách Nhà Nguyễn để tìm địa danh này vì nó không phải là cái tên chính thức do vua đặt ra; may ra chỉ có cụ già Léopold Cadière nặng lòng với Huế nên đưa cái tên Nam Đài vào tập san Đô thành Hiếu cổ (Bulletin des Amis du Vieux Hue) mà thôi...

Từ đỉnh Hamilton nhớ về Nam Đài Thành Nội
Ảnh: tác giả

Tôi lên đến đỉnh Hamilton vào một ngày mùa Xuân, nắng rất đẹp và trời cũng rất lạnh, sau 45 phút lái xe trên con đường đèo quanh co như rắn bò, khởi đi từ phía cực đông của đường Quimby, thành phố San Jose. Màu xanh cỏ non phủ khắp nơi và hoa dại cùng lá rừng  xôn xao trong nắng như đón chào những người khách lạ. Những cây phong cổ thụ, loại  lá nhỏ, sau những ngày đông trơ trụi, nay cành phủ đầy lộc non, trông như mấy cụ già làm đỏm. Thật là thống khoái khi được đứng trên đỉnh Hamilton phóng tầm mắt nhìn bao quát thành phố San Jose xa xa dưới chân và cả Thung lũng điện tử dàn trải mịt mờ về hướng tây bắc.

Núi Hamilton là đỉnh cao nhất (1283m) của rặng Diablo ở phía đông San Jose, nơi đặt đài thiên văn Lick (Lick Observatory) -- đài thiên văn của hệ thống đại học California, nổi tiếng khắp thế giới.  Triêu phú James Lick, trước khi chết đã để di chúc hiến tài sản cho việc thiết lập một đài thiên văn tầm cở quốc tế. Những người thi hành di chúc cứ băn khoăn mãi về địa điểm lập đài, mãi đến năm 1875, Thomas Fraser mới đề nghị đỉnh Hamilton sau khi đã thám sát rặng Diablo. Lick Observatory bắt đầu hoạt động vào mùa Xuân 1888, vào đời Đồng Khánh (1885-1889) của nước Đại Nam ở phương Đông.

Nơi đây, bốn hướng mênh mông và trời cao vời vợi, một thế giới gần như cách biệt với bụi trần. Khi tôi đến, đây đó quanh đài vẫn còn những đụn tuyết nho nhỏ chưa tan hết. Thấy cơ ngơi đồ sộ và phương tiện làm việc của họ, tôi không khỏi nhớ đến Nam Đài  xa xôi của Thành Nội ngày xưa và ngậm ngùi cho một thời đã qua.

Nam Đài ở mô?

Xin những bậc chuộng sách vở từ chương đừng mất công dở sử sách Nhà Nguyễn để tìm địa danh này vì nó không phải là cái tên chính thức do vua đặt ra; may ra  chỉ có cụ già Léopold Cadière nặng lòng với Huế nên đưa cái tên Nam Đài vào tập san Đô thành Hiếu cổ (Bulletin des Amis du Vieux Hue) mà thôi. Nam Đài là cái tên dân dã thông tục mà dân Thành Nội đặt cho Quan Tượng Đài, đài quan sát thiên văn thuộc cơ quan Khâm Thiên Giám của Nhà Nguyễn. Cũng không phải tất cả mọi người dân Huế đều biết đến Nam Đài, bởi vì nó nằm vào một góc khá hẻo lánh của Kinh đô, nơi dân cư thưa thớt và ít người qua lại. Quen thuộc với cái tên Nam Đài e chỉ có những người cố cựu của khu vực phía tây Thành Nội (Kinh thành Huế)

Đài xây năm 1836 đời Minh Mạng, trên góc tây-nam của Kinh thành Huế - quen gọi là Thành Nội - thuộc địa phận phường Nam An, về sau là Thuận Cát và ngày nay là Thuận Hòa. 

Mãi tới năm học lớp Nhất (lớp 5 ngày nay), nhờ có thằng bạn là dân xóm Nam Đài rủ tới nhà chơi, vô Xã Tắc lượm mù-u, hái mù u về đánh bi, tôi mới biết Nam Đài là cái chi, dù nghe nói từ lâu. Thằng bạn và tôi cùng vài ba đứa trang lứa trong xóm rủ nhau  leo ngược cái dốc thoai thoải lát đá để lên đài. Lúc đầu còn chạy đua, chạy nửa chừng thì mệt quá, bèn vừa thở vừa leo.


Cũng như Tô Đông Pha ngày xưa khi lên được Lô Sơn:

Lô Sơn yên tỏa, Chiết Giang triều
Vị đáo sinh bình hận bất tiêu
Đáo đắc hoàn lai vô biệt sự
Lô Sơn yên tỏa Chiết Giang triều


Phóng dịch:

Lô Sơn khói tỏa, Chiết Giang triều;
Chưa đến, một đời hận chẳng tiêu.
Đến rồi, rốt thấy  không chi lạ.  
Lô Sơn khói tỏa, Chiết Giang triều;


khi chưa tới được Nam Đài thì nay ước mai ao, cứ tưởng Nam Đài là một kiến trúc to lớn nguy nga cũng như cung điện trong Đại Nội, đến khi leo lên thấu Nam Đài, thấy cũng  rứa, nghĩa là chẳng có chi lạ hết. Chỉ là một cái nhà nhỏ hình 8 cạnh, bốn bề trống hoác cho gió lộng chơi, cỏ dại mọc đầy chung quanh, đứng chơ vơ trên mặt thành. Có thích thú chăng là lần đầu tiên được đứng ở một nơi cao như thế, tự nhiên thấy mình như to ra, lớn lên - dù thân hình chỉ là một thằng nhóc - khi nhìn thấy những xóm làng nhỏ bé bên ngoài, nào Vạn Xuân, nào Kim Long, kia là cầu Dã Viên, cầu Bạch Hổ; xa xa là núi Ngự Bình, núi Kim Phụng, và trên con đường chạy dọc bờ sông Hương dẫn đến Kim Long, Thiên Mụ, thấy rõ người đi lại với xe ngựa chạy lọc cọc, xe đò ngược xuôi, khác với cái góc im vắng Nam Đài này…

Khâm Thiên Giám

Vua Minh Mạng (1820-1841) dựng Quan Tương Đài là để tạo phương tiện cho Khâm Thiên Giám làm việc hiệu quả hơn. Cơ quan này lập ra đời Gia Long (1802-1819), có mấy nhiệm vụ chính là quan sát và chiêm nghiệm thiên tượng, thời tiết, làm lịch, coi ngày, báo giờ, và dĩ nhiên kiêm luôn cả nghề địa lý, phong thủy cho triều đình.  

Tuy tổ chức Khâm Thiên luôn luôn đặt dưới sự kiểm soát của một quan lớn - đang cầm đầu một cơ quan khác - kiêm nhiệm (gọi là Kiêm quản Khâm Thiên Giám sự vụ đại thần), nhưng trong công việc hàng ngày thì do một Giám chánh và một Giám phó trực tiếp điều khiển; thuộc viên có các chức Ngũ quan chính, Linh đài lang, các Thư lại và Vị nhập lưu Thư lại làm thư ký. Tại các tỉnh có Ty Chiêm hậu là chi nhánh địa phương của Khâm Thiêm Giám.

Trong một thời gian dài,  trụ sở của Khâm Thiên Giám nằm ngay dưới chân Nam Đài, thuộc phường Thuận Cát, nay là Thuận Hòa, thuận tiện cho nhân viên chia phiên trực lên làm việc ở Quan Tượng Đài.  Có điều tôi không hiểu là gặp nhân viên lớn tuổi thì làm sao leo cho nổi cái dốc khá cao đó trong đêm hôm khuya khoắt.

Đầu thế kỷ XX, có lẽ do Pháp đã lập đài khí tượng cho Đông Dương, nên việc sử dụng Quan Tượng Đài không còn cần thiết nữa, và vai trò của Khâm Thiên Giám chỉ còn rút lại trong việc làm lịch và coi ngay tốt xấu, coi đất, chọn huyệt mà thôi.  Vì vậy, đến  đời Duy Tân (1907-1916), Khâm Thiên Giám giả từ Nam Đài, dọn về khu Bộ Học trên đường Hàn Thuyên ngày nay và ở đó cho đến ngày tàn của chế độ quân chủ  (8/1945) 

Khi được nhìn thấy cái viễn vọng kính vĩ đại của đài thiên văn Lick, không phải chỉ mình tôi mà đa số du khách đều “ồ”, “à”  với vẻ ngạc nhiên thích thú. Tôi hỏi người hướng dẫn: “Chắc quí vị đã điện toán hóa (cmputerize) cái kính này để sử dụng tốt hơn, phải không?” Bà ta trả lời ngay: “Không, cái kính này xưa rồi, chúng tôi chỉ dùng cho sinh viên thực tập và du khách như quí vị xem cho biết lịch sử của Lick. Chúng tôi chỉ computerize những kính mới chế tạo mà thôi.” Nghe thế, tôi “ồ” lên một tiếng ngạc nhiên thật sự, không khỏi nghĩ trong đầu,”Giá như nước mình cũng có một cái cũ như thế!” và lòng không khỏi chạnh nhớ đến Nam Đài, đền cơ quan Khâm Thiên Giám với những dụng cụ cực kỳ thô sơ, còn ghi lại trong mục Nghi khí của Hội điển, [1]phần Khâm Thiên Giám.

Dưới con mắt ngày nay, những thứ đó là đồ chơi trẻ con, nhưng  vào thời bấy giờ, lại là những khí cụ vua ban để làm việc, rất quan trọng. Nào chuông định giờ, nào thước đồng, cây đo bóng mặt trời, đồng hồ cát, phong vũ biểu, hàn thử biểu, kính hiển vi (??), ống nhòm, chậu hứng nước mưa để tính vũ độ, bản đồ thiên văn, thiên lý kính…Ngoại trừ mấy cái chậu sành hứng nước mưa để đo vũ độ và những lá cờ dùng cắm trên Nam Đài, thay đổi màu sắc theo từng giờ, để theo dõi hướng gió, là do trong nước làm, còn lại hầu như là đồ ngoại, nhập từ phương Tây. Nhưng sách chuyên môn để các quan tham khảo và huấn luyện lại là sách Tàu.

Người Tây phương đã chế ra kính thiên văn (thiên lý kính) rất sớm để quan sát thiên tượng [2]. Vua Minh Mạng cho mua một số, cở lớn có, nhỏ có, để cấp cho các tàu thuyền đi biển, các đồn canh phòng cửa biển, và Khâm Thiên Giám để làm phương tiện quan sát. Năm Minh mạng thứ 6, (1825) vua cấp 3 cái thiên lý kính hạng to “để xem mặt trời, trông lên xét trong bầu trời, trông xuống xét núi sông. Tất cả điềm lành điềm dữ tai nghe mắt thấy rõ ràng, cứ thực xét tâu lên, không được lười biếng, xao nhãng như trước nữa.” [3] Sở dĩ vua hăm he như vậy là vì trong quá khứ  các quan, hoặc vì lười nhác, hoặc không biết cách dùng (hồi đó làm gì có chuyện bán sản phẩm kèm theo tài liệu chỉ dẫn cách sử dụng!), nên cứ bỏ xó thiên lý kính cho bụi bám. 

Nghĩ lại, mấy ông Khâm Thiên Giám hồi xưa của mình cũng có chỗ giỏi thật. Họ học hỏi kiến thức thiên văn qua sách Tàu với đầy màu sắc huyền bí và đồng thời họ cũng học cách tính toán  chuyển động của các thiên thể trong Thái dương hệ theo cách Tây phương thông qua sách Tàu mà họ không biết [4]. Và họ học, hoặc theo kiểu cha truyền con nối, hoặc do có năng khiếu, sở thích, tự tìm đường mà thu thập kiến thức. Sự huấn luyện bổ túc tại Khâm Thiên Giám tuy có, nhưng không phải là trường lớp chính qui.Vậy mà họ tính toán được ngày giờ nhật thực, nguyệt thực để  trình lên vua hàng tháng trước, và thông báo cho địa phương nơi sẽ xảy ra hiện tượng biết để theo dõi, quan sát và báo cáo về triều. 

Các quan Khâm Thiên đoán đúng trong nhiều trường hợp nhưng cũng có lúc tính sai, nhưng may nhờ đúng nhiều hơn sai nên chỉ bị khiển trách chứ không bị trừng phạt. Cũng có lần bị phạt nặng, nhưng vì lý do khác.        

“Đêm năm canh, ngày sáu khắc”, là cách phân  chia thời gian ngày xưa trong một ngày đêm. Ngày cũng như đêm, Khâm Thiên Giám phải có người thường trực để lo báo giờ. Họ được trang bị bằng đồng hồ cát. Ban ngày, nhân viên  trực tại nhà Tả Vu điện Cần Chánh trong Tử Cấm Thành để báo giờ, còn ban đêm thì trực tại lầu Ngọ Môn, canh đồng hồ để báo cho ty Kỳ cổ đánh trống làm hiệu lệnh thời khắc (nhập canh, giao canh, tan canh).  Không biết do mất ngủ hay thức đêm làm việc, vua Minh Mạng đã mấy lần theo dõi, thấy đánh trống sai, các canh dài ngắn không bằng nhau. Sau mấy lần cảnh cáo, lần đó,vua ra lệnh đánh nhân viên trực đêm ấy 80 trượng về cái tội báo giờ lếu láo, đồng thời  Giám chánh và Giám phó đều bị khiển trách.

Mặc dầu có hấp thụ phần nào kiến thức thiên văn từ phương Tây qua sách của Tàu, biết quả đất tròn, đã tính được vĩ độ của các tỉnh thành, nhưng vua quan vẫn chưa vén được bức màn huyền bí che phủ các thiên tượng. Chính vua Minh Mạng, một người tự học, tự  nghiên cứu thiên văn tới trình độ chỉ ra chỗ sai trong tính toán của các quan Khâm Thiên Giám, vậy mà cũng có lần nói rằng, “Thiên văn vốn là việc huyền diệu.” [5], và vì vậy, những hiện tượng như nhật thực, nguyệt thực, sao chổi xuất hiện đều là những điềm không lành, là dấu hiệu răn đe từ đấng Hoàng thiên.

Năm Tự Đức thứ 2 (1848), có dự báo nhật thực sẽ xảy ra vào ngày mồng một Tết. Theo tin tưởng truyền thống, đó là một dấu hiệu cảnh báo của trời, vua phải biết kính sợ mà sửa mình, nên ngày đó vua ở trong cung trai giới, và ra lệnh cho các hoàng thân cùng trăm quan không được bày yến tiệc chơi bời; khi nhật thực xảy ra thì tất cả phải yên lặng để tỏ lòng kính sợ.[6] Cứ mỗi lần nhật thực như thế thì Khâm Thiên Giám cũng như dân chúng đều lo quì khấn, đánh trống, để cứu mặt trời khỏi bị ăn; lần này vua bảo thôi đừng làm theo lối câu nệ đó nữa, cũng là một dấu hiệu của tiến bộ! Tuy nhiên điều cấm kỵ nhất vẫn là sự xuất hiện của sao chổi.

Năm Ất Dậu (1825), sao chổi mọc lâu vẫn chưa lặn. Vua Minh Mạng sợ lắm, giảm bớt các món ăn trong mâm ngự thiện, bỏ âm nhạc, vui chơi, sai Bộ Lễ tư đi các địa phương để xem có điều gì sai trái, hội các quan để cầu lời nói phải. Giám chánh Khâm Thiên Giám là Hoàng Công Dương thấy vua lo quá, bèn dâng sớ an ủi, nói rằng sách xưa, nơi thì nói  hễ sao chỗi mọc ở vị trí sao Vỵ sao Mão thì có tai ương, nhưng cũng có sách nói nếu mọc ở đông nam trở sang tây bắc thì trong nước được mùa lớn, nghĩa là ý nghĩa của sao chổi xuất hiện là mơ hồ, không có gì đáng tin. Vua Minh Mạng đang lo, đọc sớ lấy làm giận. Vua phê rằng vua đã đọc sách sử các đời, chưa thấy sách nào nói sao chổi xuất hiện là điềm lành cả, vậy mà nay Khâm Thiên Giám lại nói nịnh như thế thì quá lắm, bèn phạt Giám chánh Hoàng Công Dương tội cách lưu[7] Chỉ tội nghiệp là sếp lớn của quan Giám chánh là Thượng thư Nguyễn Hữu Thận cũng bị phạt lây! Quan Thượng Nguyễn Hữu Thận được coi là người tự nghiên cứu học hỏi thiên văn mà đạt đến trình độ bậc thầy dưới hai triều Gia Long và Minh Mạng.

Xuân từ trong ấy

Bấy giờ phải là sau ngày hồi cư, sau năm 1948 một hai năm chi đó. Khi bà chị đi làm về, cho tôi cuốn lịch bỏ túi, nhỏ như cuốn sổ tay, thì tôi khoái lắm. Thứ nhất, chưa bao giờ tôi được thấy một loại lịch như thế, chỉ quen thấy cuốn lịch Tàu của Thầy tôi (cha tôi), lịch block để bàn ở các văn phòng, và lịch treo tường lột từng tờ hàng ngày; thứ hai, có “của lạ” để khoe với tụi bạn cùng lớp.  Dưới mấy dòng nói đầu, thấy ký tên là Khâm Thiên Hoàng Thiện kính cáo. Cũng chẳng hiểu mô tê chi. Trong cuốn lịch nhỏ xíu và mỏng dính đó, ngoài ngày tây ngày ta, còn có phần in sao hạn của các tuổi trong năm mới và bài thơ giải đoán, nay còn nhớ lỏm bỏm:


La Hầu chánh thất kiến hung tai,
Thủy Diệu, Thổ Tú, tứ bát ai.

            . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Thái Dương lục thập đắc tiền tài.


Mạ tôi rất hâm mộ bài thơ này, bà thuộc lòng để làm thầy giải đoán sao hạn cho mấy bà bạn và bà con. Hỏi Thầy tôi – tức cha tôi -  mới biết Hoàng Thiện là một ông quan cũ của Khâm Thiên Giám  triều Nguyễn mà Thầy tôi thường gọi là “ông Khâm Thiên”.

Mới đầu tháng 10, sáng thứ Bảy, nhận được cú điện thoại đường dài từ một thành phố nhỏ Miền Đông:

- Hello! Anh đó hả? Năm ni vợ chồng em định về ăn Tết ở Việt Nam. Anh coi cho em Tết năm ni là nhằm ngày mấy Tây tháng mấy, để còn liệu mua vé và lấy vacation.

- Ơ, chú để thư thả vài hôm,  anh sẽ trả lời sau. Anh chưa có lịch năm tới.

Thời đại điện toán mà còn vậy, huống chi thời xưa. Không có lịch, làm sao dân gian biết ngày mà ăn Tết. Cho nên hồi đầu thế kỷ XX, khi thấy lịch của vua ban về đến địa phương, nhà thơ Tú Xương của đất Nam Định biết là Xuân đã về, Tết sắp đến, bèn ngẩu hứng thành thơ:


            Xuân từ trong ấy mới ban ra,
            Xuân chẳng riêng ai, khắp mọi nhà


. . . . . . . . . .

“trong ấy” là trong Kinh đô Huế. Mà không phải lịch chỉ cần cho Tết. Cả trăm thứ sinh hoạt của chính quyền cũng như dân gian, từ việc trồng cây, dựng cột nhà, gác đòn đông đến những ngày cúng giỗ trong gia đình, tế tự, hội hè của làng xã, cho đến  ngày  làm mùa, ngày lễ quan trọng của nhà nước… thảy thảy đều trông vào lịch. Hồi trước, khi lịch chưa được phổ biến lắm, cứ vào khoảng cuối năm, sau khi những ngày mưa dầm, lụt lội và bão tố của “quê hương em nghèo lắm ai ơi” (Phạm Duy) đã qua đi, người trong xóm hỏi nhau, “Ngày mô là ngày Đông chí?” Tôi lấy làm lạ, sao họ không hỏi về Tết, lại hỏi cái ngày đông chí, đông rận (!) đó làm chi, thì được Thầy tôi giảng, “Đông chí nhất dương sanh. Tới ngày Đông chí thì khí âm lên đến chỗ cùng cực, nhưng đồng thời khí dương cũng bắt đầu phát sanh, trời đất sẽ ấm lên lần lần. Vì vậy phải sau ngày Đông chí trồng cây mới đặng. Người ta hỏi thăm là vì rứa.” Nên phải có lịch mới biết ngày Đông chí để tính chuyện khởi sự trồng trọt.

Ngày Ban Sóc – nghĩa là vua cho lịch - là một lễ lớn của triều đình. Trong mấy năm đầu của triều Gia Long thì ngày Ban Sóc cũng là ngày phong ấn hay hạp ấn, nghĩa là lau chùi ấn tín sạch sẽ,  gói lại, cất đi, tạm nghỉ việc để ăn Tết. Qua năm Gia Long thứ 5 (1806) thì vua quyết định lấy ngày 1 tháng Chạp làm ngày Ban Sóc hàng năm. Cũng buổi đầu, lễ Ban Sóc diễn ra tại điện Thái Hòa nhưng từ năm Minh Mạng thứ 21 (1820) trở đi, vua ra lệnh làm lễ trước lầu Ngọ Môn. Ngay từ hôm trước, Bộ Lễ lo dàn bày nghi trượng theo nghi thức đại triều. Sáng sớm hôm ban sóc, sau khi vua ngự lên ngai, trăm quan lạy 5 lạy, quan đại thần quản lý Khâm Thiên Giám đem thuộc viên ra quì trước sân làm lễ dâng lịch mới, rồi vâng chỉ vua, tuyên bố “ban sóc”. Trăm quan lạy năm lạy để làm lễ thọ lịch (nhận lịch), vậy là xong lễ chính thức. Sau đó, các quan sẽ đến nơi chỉ định để nhận lịch, nhiều ít tùy theo phẩm trật và chức vụ.

Cũng sáng hôm ấy, tại các địa phương, quan đầu tỉnh dẫn hết thảy quan lại trong tỉnh mặc phẩm phục đại triều, đến trước hành cung của tỉnh để làm lễ thọ lịch.  Hành cung là nhà tạm trú của vua tại địa phương mỗi khi vua đi kinh lý, đồng thời cũng tượng trưng cho sự hiện diện của vua, nên mọi lễ nghi chính thức của tỉnh đều phải diễn ra tại đấy. Chỉ sau lễ này, lịch mới được phân phối đến các cơ quan trong tỉnh, các phủ, huyện và làng xã.

Có mấy loại lịch?

Nghe mấy ông đời xưa nói chuyện lịch, nào là lịch vạn toàn, lịch hiệp kỷ, rồi bảo lịch, giám lịch, ngự lịch, quan lịch, dân lịch…mình cứ rối tung cả lên, nhưng nghe ra một hồi thì biết cũng chẳng khó khăn chi, chẳng qua là các cụ đem hình thức ra để xếp hạng, để phân biệt, thế thôi. 

Trước hết phải nhớ rằng hồi xưa viết chữ Nho, từ phải qua trái, từ trên xuống dưới, ngược với ngày nay. Vì vậy, bìa trước của cuốn sách ngày xưa chính là bìa sau của sách bây giờ. Hễ bìa trước của cuốn lịch nào có đóng ấn của vua (gọi là bảo) thì được gọi là bảo lịch; còn lịch nào có bìa đóng ấn của Khâm Thiên Giám (ấn có khắc 4 chữ Khâm Thiên Giám Ấn) thì gọi là giám lịch.




Ấn Đại Nam Hiệp Kỷ Lịch Chi Bảo


Năm 1802, vua Gia Long cho đúc ấn Trị lịch minh thời chi bảo bằng bạc để đóng vào lịch ban hành hàng năm, và đời bấy giờ đặt tên là lịch vạn toàn.  Năm 1811 vua mới đổi tên , gọi là lịch hiệp kỷ, áp dụng từ năm 1812 trở đi. Đời Minh Mạng, vua cho đúc ấn mới bằng vàng (1823) nhưng vẫn giữ tên cũ. Năm 1841, vua Thiệu Trị lên nối ngôi. Vì ấn Trị lịch minh thời chi bảo có chữ Trị trùng với niên hiệu Thiệu Trị (niên hiệu cũng là tên của vua),phạm trọng húy, nên các quan xin đúc ấn mới thay thế để khỏi phải gọi tên húy. Vua chấp thuận và ấn Đại Nam hiệp kỷ lịch chi bảo ra đời, dùng cho đến năm 1945 (ất dậu) là năm Nhà Nguyễn ban hành lần cuối lịch hiệp kỷ cổ truyền, rồi vua Bảo Đại thoái vị, chấm dứt chế độ quân chủ Việt Nam. Bây giờ ai còn giữ được cuốn lịch này thì nhớ rằng đó là một món đồ cổ. Trước 1968, người viết đã từng sưu tập được cả năm sáu cuốn lịch như thế, nhưng tiếc thay, cái nhà đã bị bom đạn đánh sập, sách vở dầm mưa cả tháng, không còn gì.

Theo quan niệm xưa, người làm vua là người thừa mệnh Trời để chăn dắt muôn dân, cao hơn tất cả, nên mới có chuyện vua sắc phong tước hiệu cho hết thảy các thần linh trong nước, không có quỷ thần nào không nể sợ vua. Vì vậy cái tờ bìa  của cuốn bảo lịch có dấu ấn của vua là một vật quí; nó là một đạo bùa trừ tà ma, trừ thần trùng. Khi làm nhà mới, thay vì treo đạo bùa vẽ bát quái với cành thiên tuế, người  ta dán cái bìa bảo lịch trên đòn đông hay đòn tay nhà, cũng có hiệu lực như nhau (người ta tin thế); hoặc dùng tờ bìa đó đắp mặt người chết khi khâm liệm, nếu người quá cố ra đi vào ngày giờ xấu, thì thần trùng cũng sợ mà không dám làm hại. 

Ngự lịch là lịch dâng lên cho vua.  Quan lịch là lịch dành cho các quan, dân lịch là lịch phát xuống làng xã.  Rồi lại còn có long phụng lịch là lịch dâng thờ tại các miếu trong Đại Nội (Thái miếu, Thế miếu, Hưng miếu, Triệu miếu, điện Phụng Tiên),và điện thờ tại các lăng.

Cuốn lịch không dày, chỉ chừng 40, 50 trang, khổ lớn như thường thấy ở các loại sách chữ Nho xưa (khoảng15cm X 20cm), trong đó có ghi ngày tháng, giờ tốt giờ xấu, những việc nên làm những việc không nên làm của mỗi ngày, thời gian của 24 tiết trong năm [8], các ngày lễ của triều đình . . . [9]. Hội điển không ghi chi tiết rõ ràng nhưng qua một chỉ thị đặc biệt của vua Minh Mạng vào năm 1831 thì cũng có thể hiểu được một vài điều, ấy là từ năm 1832 trở đi, cuốn ngự lịch dâng lên vua phải là một ấn bản đặc biệt…chép tay. Từ trước, trong các bản lịch in ra, dù dâng cho vua hay phát xuống cho quan, cho dân, cũng đều ghi giống nhau, nghĩa là  có các mục ngày nào nên làm việc gì và không nên làm việc gì, hoặc gặp ngày xấu quá thì “trăm việc không nên”. Năm đó, có lễ có thì giờ nghiên cứu kỹ cuốn lịch hiệp kỷ và thấy được những điều kỳ cục, vua Minh Mạng đã xuống chỉ bảo Khâm Thiên Giám rằng: những việc như trồng cây, khai mương, đốn cây, đặt bếp lò, nạp tài, khai trương  v.v. có dính gì đến việc của bậc thiên tử cơ chứ? Từ nay trở đi, những khoản nhảm nhí đó thì phải bỏ đi trong cuốn ngự lịch.  Với dân gian thì quả có ngày tốt để nhập học, nhưng với vua thì không thể nói như thế được, phải gọi là ngự Kinh diên [10]. Khi vua xây cung điện, thành trì, lăng tẩm  thì đã có Khâm Thiên Giám coi ngày, nên không cần phải ghi ngày tốt để gác đòn đông! 

Đó là nói về nội dung, còn về hình thức, cuốn ngự lịch cũng khác bảo lịch. Sách xưa đóng bằng cách dùi lổ ở mép gáy rồi xỏ dây qua lại, xong cột chặt. Vì vậy bìa sách là hai mảnh giấy rời, với loại giấy dày hơn, áp ở mặt ngoài. Ngự lịch thì khác; ruột vẫn đóng theo kiểu cổ truyền vừa nói, nhưng bìa là một  tấm liền từ sau ra trước, làm bằng lụa Tàu, gọi là đoạn bát ti, màu vàng, thêu rồng mây, ở giữa có một cái nhãn, cũng bằng đoạn bát ti  màu hoa đào, thêu hai chữ Ngự Lịch.

Vào thời trước, kỹ thuật in ấn còn rất thô sơ. Người ta dùng những bản gỗ thị, khắc chữ, mỗi bản một tờ. Khi in, phết mực lên bản khắc rồi đặt tờ giấy lên, vuốt phẳng cho mực ăn đều, là xong. Mỗi lần một tờ, gấp đôi lại, xây mặt in ra ngoài, thành 2 trang.  Vậy mà với cách thủ công đó, mỗi năm Khâm Thiên Giám phải cung cấp hàng chục ngàn ấn bản lịch hiệp kỷ cho toàn quốc, từ các quan triều đình cho đến tổng lý của làng  xóm xa xôi.

Với phương tiện vận chuyển thô sơ và đường sá khó khăn thời bấy giờ, việc hàng năm lính trạm phải phân phối hàng vạn cuốn lịch từ Kinh đô đến các tỉnh trong Nam và ngoài Bắc quả là một công tác nhiêu khê và nhọc nhằn. Vì vậy, qua năm 1809, vua Gia Long định rằng từ nay, hàng năm các cơ quan và các địa phương báo cáo về Bộ Hộ số lịch cần dùng, theo tiêu chuẩn đã định. Bộ Hộ căn cứ vào đó để dự trù vật liệu (giấy mực). Khoảng đầu tháng Tư, Bắc thành (sau này là Hà Nội) và Gia Định thành (sau này là Gia Định) sẽ phái người về  Khâm Thiên Giám nhận bản thảo lịch hiệp kỷ năm tới, đem về khắc rồi in sẵn ruột để đó, chiếu theo số lượng cần dùng đã định của các trấn (tỉnh). Đến tháng 10, các thành lại phái nhân viên về Khâm Thiên Giám nhận số bìa lịch màu vàng, có đóng ấn vua (cho loại bảo lịch) hoặc ấn Khâm Thiên Giám (cho loại giám lịch) để đem về đóng hoàn chỉnh. Đến ngày cuối năm, khi triều đình làm lễ Ban Sóc thì các trấn (tỉnh) làm lễ thọ lịch, sau đó mới phân phối lịch đến các địa phương. Quan lớn thì nhận được nhiều lịch hơn quan nhỏ, với số lượng bảo lịch và giám lịch được qui định rõ ràng chứ không phải muốn lấy bao nhiêu cuốn cũng được.
  
Nghĩ lại, cuốn bảo lịch hay giám lịch cuối cùng phát hành năm 1945, cho đến nay, 2006, mới tròn 61 tuổi, so với tuổi của những chiếc bình đời Minh, đời Khang Hy v.v. thì nào cái tuổi đó có đáng chi, nhưng rõ ràng nó đáng được xếp vào loại đồ cổ, bởi không bao giờ còn có thể tái tạo được nữa. Tôi xa Huế từ năm 70, một đôi lần trở về theo kiểu thoáng hiện, thoáng mất. Không biết xóm Nam Đài nay đã thay đổi ra sao, những bè bạn ngày xưa nay lưu lạc phương nào, ai còn ai mất? Nhiều hình ảnh của Huế xuất hiện nhan nhản trên các trang Web về Huế, về du lịch, nhưng không thấy một hình nào của Nam Đài, hay Nam Đài rõ ràng chỉ là giấc nam kha của một thời?


Theo VÕ HƯƠNG-AN ( khamphahue.com.vn)
San Jose, 12/2006


----
[1] Nội Các Triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự lệ, Tập VIII, gọi tắt là Hội điển, bản dịch của Viện Sử Học, nxb Thuận Hóa, 2005.

[2] Galileo (1564-1642), nhà vật lý, nhà thiên văn người Ý, thường được xem là người phát minh ra kính thiên văn. Thực ra, ông là người hoàn thiện kính này. Nhờ đó,  tháng 1/1610 ông đã tìm ra 3 vệ tinh của  Mộc tinh (Jupiter) là Europa, Callisto và Ganymade.

[3] Hội điển, sđd, Tập VIII,  tr. 550

[4] Biết tính toán cách vận hành của 6 hành tinh và mặt trời (mà họ gọi là Thất tinh: mặt trời, mặt trăng, và các sao Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ) là một trong những kiến thức căn bản để được xét vào làm Khâm Thiên Giám.

Từ đầu thế kỷ XVI, người Tây phương đã tìm đến Trung Quốc. Các giáo sĩ, trong khi truyền đạo đã phổ biến kiến thức khoa học, toán học và thiên văn cho người Hoa, trong đó có hai người nổi tiếng là Matteo Ricci (Bồ Đào Nha) và Adam Schall. Chính Schall đã viết sách dạy thiên văn bằng chữ Nho và năm 1610 đã giúp chỉnh lại lịch Trung Quốc cho đúng hơn. Qua đời Nhà Thanh, ông cũng được trọng dụng và làm quan Khâm Thiên. Âm lịch từ đó cho đến  hiện nay thực chất là âm- dương-lịch chứ không phải âm lịch thuần túy như trước 1610.

[5] Hội điển, Sđd., tr.529

[6] Hội điển, Sđd., tr.549

[7] Cách chức nhưng vẫn cho giữ chức vụ cũ để lập công chuộc tội.

[8] Một năm được chia làm 24 tiết, mỗi tiết trung bình 15 ngày, là (kể từ đầu năm): Lập xuân, Vũ thủy, Kinh trập, Xuân phân, Thanh minh, Cốc vũ, Lập hạ, Tiểu mãn, Mang thực, Hạ chí, Tiểu thử, Đại thử, Lập thu, Xử thử, Bạch lộ, Thu phân, Hàn lộ, Sương giáng, Lập đông, Tiểu tuyết, Đại tuyết, Đông chí, Tiểu hàn, Đại hàn.

[9] Ngày Hưng quốc Khánh niệm 2 tháng 5, tức Quốc khánh, là ngày Nguyễn Vương lấy niên hiệu Gia Long, mở đầu một triều đại mới, thống nhất đất nước, ngày đản (ngày sinh), ngày kỵ (ngày mất) của các vua và hoàng hậu tại điện Phụng Tiên, ngày hưởng (tế các vua) tại các miếu (Thế miếu, Hưng miếu, Thái miếu, Triệu miếu) và ngày tế tại các đàn (ví dụ đàn Xã tắc) miếu (ví dụ  Văn miếu, miếu Lịch đại Đế vương) ở kinh đô, ngoại trừ ngày tế Nam giao vì ngày này phải chọn riêng từng năm.

[10] Trong năm, vua cũng có khóa học, khai giảng vào ngày tốt. Vào những ngày đó, vua tới nhà Kinh diên để nghe các bậc văn quan có học thức cao giảng sách của cổ nhân cho vua nghe.

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng