Mỗi phần mộ này gồm có 3 tấm bia. Tấm bia ở giữa là bia chính, ghi lại "tên tuổi" chú chó. Hai tấm bia ở hai bên ghi lại "điếu văn" của cụ Phan Bội Châu dành các chú chó, bằng chữ Hán và chữ Quốc ngữ.
Ngôi mộ thứ nhất là của chú chó tên Vá, mất ngày 21/5 năm Giáp Tuất (1934). Tấm bia chính trên mộ con Vá ghi dòng chữ "Nghĩa dũng cẩu con Vá chi trủng", trong đó chữ "con Vá" ghi bằng tiếng Việt, các chữ còn lại là chữ Hán.
Tấm bia ghi bằng chữ Quốc nằm bên trái, có nội dung như sau: "Vì có dũng, nên liều chết phấn đấu, vì có nghĩa nên trung thành với chủ. Nói thời dễ, làm thiệt khó, người còn vậy, huống gì chó. Ôi con Vá này, đủ hai đức đó, há như ai kia, mặt người lòng thú; nghĩ thế mà đau, dựng bia mộ chó".
Ngôi mộ thứ hai là mộ của chú chó tên Ky, mất năm Đinh Sửu, sau con Vá hai năm. Trên bia mộ chính khắc chữ “Nhân trí cẩu Ky chi trủng”, trong đó chữ Ky là chữ Quốc ngữ, các chữ kia là chữ Hán
Bia mộ chữ Quốc ngữ của con Ky có nội dung như sau: "Người hơi có đức nhân thường kém về phần trí; người hơi có đức trí thường kém về phần nhân. Vừa trí vừa nhân thiệt là hiếm thấy! Ai ngờ con Ki này lại đủ hai đức ấy. Chung nhau thờ một chủ, thời xem là anh em, chẳng bao giờ như mèo với chó, thiệt là nhân đó...".
"...Thấy không phải chủ thời xem bằng cừu thù, chẳng bao giờ vì miếng cơm dẫn dụ, thiệt là trí đó. Trí vừa nhân. Nhân vừa trí, trong giống súc mà người, e đến mày mới thấy. Mày sao vội chết! Hỡi trời! Hỡi trời! Lòng ta đau đớn, phải tạc mấy lời. Đau đớn quá! Đau đớn quá! Kìa những hạng muông người!”.
Trong hai chú chó của cụ Phan, chó Vá đã được cụ đưa vào câu chuyện “Lịch sử con Vá” đăng Tuần báo Trung Kỳ số 14 ngày 15/4/1936. Tác phẩm này nêu cao đức trung nghĩa cùng những thành tích dũng cảm của chó Vá, qua đó ngụ ngôn cho mọi người thấy loài vật trung thành này còn hơn những kẻ “mặt người lòng thú”, những “hạng muông người”.
|