Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Nghi lễ Đám tang Cá Ông Voi tại Huế
15:14 | 27/12/2014

Cá voi được xem như một phúc thần cho cư dân vùng biển, vì vậy khi bắt gặp cá ông voi chết, ngư dân biển ở các tỉnh Quảng Bình cho đến mũi Cà Mau sẽ cử hành nghi lễ đám tang rất trọng thể. Sau đây xin giới thiệu đến bạn đọc một nghi lễ tiêu biểu tại làng Phú Tân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Nghi lễ Đám tang Cá Ông Voi tại Huế
Cá Ông khi trôi dạt vào bờ được ngư dân mai táng long trọng.

Cá ông voi chết, dân chài gọi là ông lụy hoặc bà lụy, tùy theo cá đực hay cá cái. Gió nổi lên chỉ để đưa cá vào đất liền. Bắt gặp cá ông voi chết, người thấy xác cá ông đầu tiên có nhiệm vụ kéo cá vào bờ biển để tổ chức lễ tống táng. Bấy giờ họ trở thành người con trai trưởng của cá ông.

Nếu cá ông nhỏ chết, dân chài gọi là thai sẩy và gọi là ngài để tỏ lòng tôn kính. Người ta cố gắng đưa xác cá vào trong thuyền để chèo vào bờ. Đến bờ, thuyền vẫn giữ nguyên xác cá ông ở giữa thuyền, dân chài lấy giấy tiền (loại giấy có in đồng tiền để đốt trong các nghi lễ cúng tế), giấy trắng để bọc toàn thân cá ông, nêm hai cái chốt ở mỗi bên thân cá để giữ tư thế cân bằng. Phía trên đầu cá, người ta thắp nhiều cây đèn sáp và hương nhang.

Những dân chài khác lo dựng một ngôi nhà chòi bên cạnh nhà con trai trưởng của ngài để thỉnh cá ông voi đến đặt ở đó. Người ta không để cá ông nằm trong thuyền hoặc trong nhà bất cứ một ngư dân nào, ngoại trừ nhà của người đã trông thấy xác cá ông đầu tiên và kéo ông vào bờ. Ngư dân tin rằng, cá ông như cha mẹ cần có vinh dự được cử hành lễ tang trong nhà của người con trưởng. Chính người con trưởng phải tổ chức tang lễ và dẫn đầu đám ma, quyết định mọi việc.

Các ngư dân khác chỉ có mặt ở đó để sẵn sàng giúp đỡ họ và hưởng các ơn huệ sẽ do thần linh ban phát mãi mãi.

Trong khi các ngư phủ làm nhà chòi để thỉnh cá ông thì những viên chức lãnh đạo của hai làng chài Lê Bình và Tân Thủy, viết giấy báo tang gửi đi các làng chài lân cận để thông báo ngày giờ, địa điểm, tham dự lễ đám tang cá ông "lụy".

Cuộc lễ chuẩn bị đám tang diễn ra trong nhà người con trai trưởng của cá ông, gần với chòi đặt thi thể cá ông đã được rước đến đó một cách kính cẩn. Thi thể cá ông được đặt nằm trên chiếc chiếu hoa, được bao chung quanh một lớp vải đỏ, trên lớp vải ấy, người ta đặt một xấp giấy trắng. Khói hương nghi ngút chung quanh. Đèn sáp được thắp sáng lên mỗi lúc một nhiều hơn.

Dân làng họp để bàn nghi lễ chôn cất cá ông, địa điểm chôn cất và các nghi thức khác. Cuộc bàn bạc có thể suốt đêm vì tính chất quan trọng của buổi lễ, nhưng ai cũng tỏ ra phấn khích, hân hoan vì họ tin rằng cá ông sẽ phù hộ cho dân làm ăn phát đạt sau khi lo lễ tang chu đáo. Tiếng phèng la và tiếng trống vang lên suốt đêm lễ.

Vì coi cá ông như cha mẹ nên những nghi lễ của một người chết đều được thực hiện trong nghi lễ đám tang cá ông. Đại lễ cá ông được cử hành từng giai đoạn theo Thọ Mai Gia Lễ của Khổng giáo, nhưng rút gọn hơn. Người ta trưng bày các loại cờ đại cổ truyền, cờ quốc gia và các loại phan lớn màu đỏ xung quanh khu vực nhà ông trưởng nam của cá ông.

Lúc này người con trai trưởng được bịt khăn đỏ để tang cá ông, cá ông được đặt vào trong một quan tài loại tốt nhất. Khi liệm người ta dã dùng trà thay cho cát, tro hoặc mạt cưa dùng để liệm người thường. Trà chỉ sử dụng cho người giàu có hoặc để các nhân vật cao cấp.


Rất nhiều cư dân tham gia nghi lễ đám tang Cá Ông.

Buổi chiều ngày 9 tháng 2 dân làng tổ chức cuộc đua thuyền. Nơi khởi hành và trở về của các ngư phủ đúng vào vị trí chỗ đặt quan tài của cá ông. Chính người con trai trưởng của cá ông chủ trì cuộc đua thuyền ấy và phát giải thưởng cho những người thắng cuộc gồm 3 giải. Mỗi giải gồm có một cái phan màu đỏ, dài ngắn khác nhau tùy giải và những trự đồng tiền cổ.

Dân chúng đến xem cuộc đua rất đông đảo. Những người lớn tuổi đứng chật chung quanh nhà chòi đặt cá ông voi, gần nhà người con trai trưởng. Những người khác thì đứng trên thuyền của họ để theo dõi cuộc đua. Tất cả mọi người đều nhiệt tình cổ vũ cho các tay đua.

Có 7 chiếc trải đang đua, trên mỗi trải đua có 14 người. Cuộc đua diễn ra một cách sôi nổi, nhanh chóng ở chung quanh vị trí đặt cá ông voi, trong một vòng tròn đường kính khoảng 500 mét. Trải đua phải chèo ba vòng như vậy. Có tất cả ba cuộc đua. Cuộc này cách cuộc kia khoảng ba mươi phút. Những cuộc đua ấy biểu lộ sự hân hoan của dân chúng, đồng thời cũng là một biểu hiện của sự sùng bái, một dịp để bày tỏ niềm vui dâng lên cho cá ông cầu may và cầu lợi. Họ tin chắc rằng cá ông sẽ ban theo những cầu mong của họ trong suốt năm sắp đến.

Cuộc đua chấm đứt, người quây quần ăn uống. Những người lớn tuổi tụ họp ở trên nhà ông trưởng nam cá ông. Còn những người tham gia cuộc đua thì ngồi trên thuyền của họ. Trong khi ăn, mọi người trao đổi với nhau những cảm tưởng của mình đối với cuộc đua và đùa giỡn với bạn bè ngồi trên các thuyền xung quanh.

Hai ngày tiếp theo, chương trình giống hệt như ngày trước. Buổi sáng tiếp tục các cuộc lễ cúng bái; buổi chiều dành cho các cuộc đua trải.

Chiều ngày 11 tháng 2, cuộc đua có vẻ sôi động hơn, vì đây là các cuộc đua cuối cùng. Sự ganh đua sôi nổi, nhiệt tình, có lúc gây ra những cuộc cãi vả. Dân chúng nhiệt liệt tán thưởng những tay đua giỏi, điều khiển trải lộn vè giỏi, điều khiển trải lộn vè nhanh nhẹn và tới đích đầu, chiếm những giải quan trọng. Các phan đỏ mà trải giật được trong cuộc đua là niềm vinh hạnh lớn của làng. Đó là dấu hiệu năm sắp đến làng sẽ thành công lớn trong công cuộc làm ăn trên biển.

Ngày 12 tháng 2 là ngày đưa nơi an nghỉ cuối cùng. Vị trí lựa hòn đảo nhỏ, một cái cồn trên phá Tam Giang, nhân dân gọi là Cồn Tè.

Từ sáng tinh mơ, người ta đã tiếng phèng la, tiếng trống và tiếng của thầy cúng tụng kinh.

Trước khi đưa cá ông đi, ngư đua trải cuối cùng. Cuộc đua này có tính cách nghi lễ. Vì vậy, ngoại trừ những người tham gia cuộc đua, không ai chú ý đến cuộc đua mấy, vì tất cả mọi người đang chen nhau tìm cách tham dự vào đoàn đưa đám.


Người dân tiến hành chôn cất Cá Ông.

Ở nơi đặt quan tài cá ông, người ta dẫn ra một chiếc bằng lớn gồm ba chiếc thuyền của các ngư phủ kết lại với nhau. Bên trên bằng người ta trương ra một cái dù màu vàng với những cái phấn mà bóng mát của chúng có thể che được nắng. Toàn cảnh trông thật hùng tráng. Từ chiếc bằng ấy tỏa ra nhiều sợi dây to để cho những chiếc thuyền phía trước kéo đi. Người ta tuyệt đối không dùng một máy nổ nào, tất cả đều dùng chèo, thuyền kéo đi một cách êm ả. Không một tiếng động để tăng thêm sự long trọng của đám tang bằng chính sự thong thả đó, và cũng để biểu lộ sự tôn kính có thể có được dành cho cá ông voi.

Từ chỗ hai làng chài cư ngụ trên thuyền đến nơi chôn, khoảng cách không xa, chừng hai cây số. Nhưng để thêm phần trọng thể và để biểu lộ cho mọi người thấy tất cả những tình cảm người ta dành riêng đối với cá ông voi, người ta đi quanh một vòng đến bến đò Thuận An (nay đã bắc chiếc cầu qua phá Tam Giang) bằng cách đi dọc theo bờ sông bên này rồi quành qua dọc bờ sông bên kia. Như vậy trước khi rời bến Tân Mỹ, đi dọc theo bờ sông, lên đến cái bến nhỏ mà các thuyền ngư phủ thường hay ghé bán cá, rồi người ta tiếp tục đi đến đồn Thuận An cũ (nay dùng làm căn cứ hải thuyền) khi đó người ta quay về phía lạch Thuận An là nơi trổ cửa phá thông ra biển. Ở đó người ta dừng lại để làm lễ và khấn vái cầu xin cho đánh cá biển được mùa. Phần lễ này xong, thuyền đến chỗ chôn không xa lạch mấy, chỉ khoảng 1.000 mét về phía tây nam.

Các ngư dân đã nhờ đội quân nhạc của Vùng Một chiến thuật (cũ) cử nhạc chào mừng đám rước. Trong đội nhạc có nhiều loại kèn khác nhau thường thấy trong các lễ đưa đám của những nhân vật lớn. Các thầy cúng trong suốt buổi lễ đưa đám không ngừng tụng kinh cầu siêu và vái lạy để cầu nguyện.

Khi đến địa điểm chôn cất, người ta đưa quan tài xuống cái huyệt đào sẵn. Việc coi đất, chọn hướng ngôi mộ phải nhờ một thầy địa lý sửa soạn trước.

Ba ngày sau khi mai táng là lễ mở cửa mả. Khi chôn người ta đắp lên giữa mộ một mô đất nhỏ hình tròn, chung quanh người ta cũng đắp một vòng đất thấp uốn cong hơi dốc. Sau ba ngày, người ta trổ ở vòng đất uốn cong ấy một chỗ trống để có thể đi vào bên trong. Sau ba tháng mười ngày thì hết tang, chỉ đến khi đó thì ông trưởng nam Lê Nậy mới có thể cởi chiếc khăn mà họ bịt trên đầu.

Tại sao khăn tang bịt trên đầu trưởng nam cá ông lại có màu đỏ? Ngư dân đã giải thích, màu đỏ là màu tang của vua chúa và người trong hoàng gia. Nay cá ông được tham dự vào hoàng gia, vua Gia Long phong cho cá ông tước hiệu "Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Thượng đẳng thần" và các vua triều Nguyễn sau đó cũng sắc phong cá ông với danh nghĩa "Đại Càng Quốc Gia Nam Hải" cho đưa vào lăng thờ. Do ngày trước theo lời truyền tụng trong dân gian, vua Gia Long đã được một con cá voi cứu giúp, khiến tàu của ông khỏi bị lạc đường ngoài biển khơi, khi ông chạy trốn quân Tây Sơn.

Chính quyền phong kiến trước kia quy định rằng: Làng nào bắt gặp cá ông chết thì lý trưởng phải báo cho phủ, huyện để quan khám định, cấp tiền tuất, hương đèn, vải đỏ quấn đủ bảy vòng và cho khâm liệm, cấp đất xây lăng và ruộng hương hỏa để thờ cúng. Sau 3 năm thì cải táng, lấy xương xếp vào quách, khạp, đưa vào lăng, đình, vạn, đền, miếu xây sẵn để thờ tùy địa phương. Mỗi làng đều có người trông coi hương khói và một hội đồng quản lý làng.

Đám tang cá ông voi ở làng Phú Tân đúng là một ngày lễ hội tưng bừng của ngư dân vùng biển vùng Thuận An nổi tiếng ở Huế. Tục thờ cúng cá ông là tín ngưỡng dân gian, một nét đẹp văn hóa của cộng đồng dân cư ven biển Việt Nam.

Theo caibatvang.com

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng