Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Thương cảng chuyên vũ khí, nguyên liệu làm tiền
13:55 | 27/02/2015

Địa danh Thanh Hà thuộc xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế ngày nay. Nằm phía bờ tả ngạn sông Hương, cách kinh thành Huế 4 km, cách cửa biển Thuận An khoảng 10km. 

Thương cảng chuyên vũ khí, nguyên liệu làm tiền
Tư liệu

Với vị trí trên bến, dưới thuyền, cư dân có truyền thống buôn bán, ở Thanh Hà sớm xuất hiện chợ làng, nơi hội tụ hàng hóa của cư dân các vùng lân cận.

Năm 1636, cảng Thanh Hà được thành lập rồi phát triển thành một phố cảng có tiếng sầm uất, trở thành một thương cảng lớn nhất, cửa ngõ giao thương hàng đầu của đô thành Phú Xuân trong các thế kỷ XVII, XVIII, thu hút thương khách nhiều nước như: Trung Quốc, Nhật Bản của châu Á; Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp... của phương Tây

Vùng đất Thuận Hóa và Đàng Trong vốn có nhiều đặc sản quý hiếm như hồ tiêu, cau, trầm hương, yến sào, đường... là mặt hàng được các thương nhân nước ngoài tìm mua. Cùng với đó những mặt hàng thủ công như gốm, dệt, đúc đồng, là những mặt hàng xuất khẩu chính của cảng Thanh Hà.

Trong Phủ biên tạp lục, một cuốn sách ghi chép về tình hình kinh tế xã hội xứ Đàng Trong, Lê Quý Đôn cho biết: các kho của phủ chúa luôn chứa đựng các mặt hàng quý hiếm của Đàng Trong để xuất khẩu qua cảng Thanh Hà như: vàng, trầm hương, yến sào, ngà voi, đồi mồi, đường phèn, đường cát, đậu xanh, nước mắm, muối, vải trắng, chiếu, giấy, sừng tê, ngà voi, gỗ mun, lá buôn, chuông đồng... đặc biệt là đặc sản hồ tiêu ở huyện Minh Linh (Quảng Trị).

Cứ hàng năm vào thượng tuần tháng 5 thì sai đội trưởng thuyền Tân Nhất cùng tinh binh ra địa phương hạ lệnh cho tùy vườn nhiều vườn ít mà chia bao, họp số định giá mua lấy, một gánh hồ tiêu chỉ trả 5 quan tiền chở về phố Thanh Hà bán cho khách Tàu, không cho dân địa phương bán riêng.

Hàng nhập khẩu ở Thanh Hà chủ yếu là các mặt hàng cung cấp cho nhà nước gồm kim loại như đồ đồng, kẽm, hợp kim do thương khách từ Nhật Bản, Trung Quốc chở đến. Chỉ trong vòng hai năm mà thuyền Ma Cao chở đến Thanh Hà 15 vạn cân hợp kim pha kẽm để đúc tiền.

Đồng đỏ Nhật Bản loại tốt theo giá 100 cân là 45 quan. Các tàu Thượng Hải, Phúc Kiến, Quảng Đông chở đồng đỏ sang cũng phải khai báo để theo giá mà mua. Sau khi nhà nước mua xong mới cho tàu bán ra ngoài. Có thể nói, Thanh Hà là cửa ngõ thông thương với nước ngoài, nơi nhà nước độc quyền mua bán xuất nhập khẩu.

Ở đây còn là thị trường mua bán vũ khí sôi động. Khi cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn đạt đến đỉnh điểm của sự khốc liệt (1627-1672). Súng đạn của các thương khách Bồ Đào Nha, Hà Lan, Nhật Bản, được chúa Nguyễn săn đón . Sử của ghi rằng Chúa Nguyễn Phúc Tần có lần nhờ Giáo sĩ Marque nhận 1000 nén bạc sang Ma Cao để mua vũ khí. Đầu năm 1659, tàu Ma Cao chở súng đạn đến, Chúa mừng quá, vội vã cùng với đạo binh đến bến Thanh Hà, lệnh cho bắn 3 phát súng đón chào, rồi chúa không ngớt sờ mó, vuốt ve những khẩu đại bác một cách đắc chí.

Tiếp đó là các nguyên liệu, các mặt hàng cao cấp phục vụ cho cung đình và quan lại ở dinh phủ của chúa. Người Hà Lan và các tàu phương Tây khác mang nhiều thứ ngọc quý đến bán ở Thanh Hà, người Anh mang các mặt hàng len, dạ đến bán. Người Trung Quốc mang các mặt hàng cao cấp như lụa, gấm, vóc, len, dạ, đồ sứ, đồ sành, đồ gốm, giấy, tranh, tre, chè... các dược liệu như sa hoàng, mộc hương, hoàng liên, nhân sâm.

Cảng Thanh Hà ngày càng tấp nập bởi đây cũng là thời kỳ xuất hiện các cường quốc hàng hải và thương mại quốc tế như Hà Lan, Anh, Pháp...Và đặc biệt, khi mà người Mãn Châu chiếm Trung Quốc lập ra triều đại Mãn Thanh, kỳ thị và đàn áp người Hán đã gây một làn sóng di dân đến các nước lân cận, nên Hoa thương ào ạt nhập cư vào Đàng Trong. Trong vô số những nạn nhân này có nhiều người đã qua Thanh Hà cư trú, lập phố buôn bán. Kể từ năm 1685, nhà Thanh lại cho phép các thuyền buôn Trung Quốc xuất bến ra các nước láng giềng neen thuyền của người Hoa đến Thanh Hà ngày càng nhiều, mỗi năm có đến 80 chiếc tìm đến cảng thị này. Do đó, cảnh bán buôn trên phố cảng Thanh Hà diễn ra càng tấp nập hơn.

Thanh Hà không chỉ là cảng quốc tế mà còn đóng vai trò một trung tâm giao thương quan trọng của xứ Đàng Trong. Hàng năm nhà nước trưng dụng hàng trăm chiếc thuyền chở gạo từ Đồng Nai, Gia Định ra cung cấp cho dinh phủ Phú Xuân và bán cho nhân dân Thuận Hoá. Ở đây còn phổ biến câu ca: "Hết gạo thì có Đồng Nai, Hết củi thì có Tân Sài chở vô". Từ Hội An có nhiều mặt hàng dân dụng của phương Tây được thương nhân người Hoa mang ra bán ở Thanh Hà.

Lê Quý Đôn có ghi lại: "Phố Hội An xứ Quảng Nam, tàu Tây thường đem nồi đồng, mâm đồng đến bán hàng vạn chiếc. Người Tàu buôn về phố Thanh Hà luôn bán thường lãi gấp đôi". Còn thương nhân Thanh Nghệ, Sơn Nam đã vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy vào Thanh Hà để trao đổi. Hàng hóa từ Thanh Hoá, Ai Lao cũng đưa bằng đường bộ vào chợ phiên Cam Lộ và được thương nhân vận chuyển vào bán ở Thanh Hà. Jean Koffler một bác sĩ người Đức làm ngự y cho chúa Nguyễn Phúc Khoát nhận xét rằng: "Những sự trao đổi giữa các tỉnh miền Bắc và miền Nam lại làm cho thương mại tăng thêm phần quan trọng. Hàng hóa dồn theo đường bộ và đường biển đến kinh đô rồi được mang đi bán và từ đấy người ta lại mang nhiều thứ khác nữa".

Dưới thời Tây Sơn (1786-1801), Phú Xuân là trung tâm lãnh đạo của phong trào, là kinh đô sau khi đất nước xóa bỏ chia cắt Đàng Trong- Đàng Ngoài. Những lợi thế đó cùng với chính sách mở rộng ngoại thương của vua Quang Trung với nhà Thanh và phương Tây (Bồ Đào Nha, Anh) đúng ra Thanh Hà được phục hồi và phát triển ở một tầm cao mới.

Nhưng do biến động tự nhiên làm xuất hiện cồn nổi ở giữa sông Hương đoạn ngang qua bến cảng Thanh Hà nên tàu thuyền khó cập bến; thuyền buôn đến Phú Xuân phân tán qua nhiều bến cảng, Thanh Hà dần vắng bóng thương nhân. Đến cuối thời Tây Sơn cư dân buôn bán ở phố Thanh Hà chuyển dần về phía chợ Dinh và Bao Vinh. Cảng Thanh Hà dần vào dĩ vãng.

Theo vietnamnet.vn

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng