Từ Ô Lâu đến Hải Vân
“Công dân toàn cầu” nhắc lại một sự kiện cách đây hơn 150 năm
14:11 | 23/07/2015

Câu chuyện này lại có liên quan đến một sự kiện diễn ra cách nay đúng một 150 năm, đó là câu chuyện sứ đoàn đầu tiên của nước ta sang Pháp (1863 - 1864)...

“Công dân toàn cầu” nhắc lại một sự kiện cách đây hơn 150 năm
Phó sứ Phạm Phú Thứ.

Giữa thời hội nhập này, khi giới trẻ không chỉ riêng ở Việt Nam hướng tới một khuynh hướng phấn đấu để trở thành “công dân toàn cầu” tạo nên những giá trị mới mẻ và mở ra những chân trời rộng lớn cho sự phấn đấu, sáng tạo cũng như hướng nghiệp, không rõ câu chuyện dưới đây thuộc về thời gian của hơn 150 năm về trước có phải là đã lỗi thời rồi không?

Câu chuyện này lại có liên quan đến một sự kiện diễn ra cách nay đúng một 150 năm, đó là câu chuyện sứ đoàn đầu tiên của nước ta sang Pháp (1863 - 1864). Sự kiện này lại gắn với một đoạn khúc bi thảm của dân tộc khi phải đứng trước một thử thách mới là cuộc xâm lăng và mưu đồ đô hộ nước ta của những kẻ thù đến từ phương Tây.

Để giành được quyền lực và trở thành một vương triều cầm quyền trên toàn bộ lãnh thổ nước ta, khởi đầu từ vị vua lập triều Nguyễn là Gia Long, những mối quan hệ với nước Pháp đã được xác lập như một đồng minh chống nhà Tây Sơn để rồi đến giữa thế kỷ XIX trở thành một mối hiểm họa.

Dưới triều vua Tự Đức, quân Pháp công khai thực hiện cuộc chiến tranh xâm lược, và sau những chống trả ban đầu, triều đình nhà Nguyễn từng bước thỏa hiệp và năm 1862, ký Hiệp ước Nhâm Tuất trao ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho quân viễn chinh Pháp.

Để rồi, năm 1863, vua Tự Đức cử một sứ đoàn đầu tiên của Đại Nam qua Pháp với hy vọng “chuộc” lại ba tỉnh đã mất. Ngoài mối quan hệ truyền thống với Trung Hoa, đây là hoạt động ngoại giao đầu tiên của một Nhà nước Việt Nam với một quốc gia ở Châu Âu.

Sứ đoàn lại do Thượng thư Phan Thanh Giản, người phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc để mất 3 tỉnh miền Đông vào tay ngoại bang, đứng đầu.

Đoàn khởi hành rời kinh đô Huế từ ngày 21.6.1863 đến ngày 28.3.1864 thì trở về tới cảng Thuận An... vị chi hành trình vừa trọn một năm và một tuần lễ. Phó đoàn là Phạm Phú Thứ, người đã ghi chép lại dưới dạng nhật ký chuyến đi sứ này (Tây hành nhật ký), nhờ thế đến nay chúng ta biết được nhiều chi tiết về chuyến đi lịch sử này.


Chánh sứ Phan Thanh Giản.

Ngoài những chi tiết liên quan đến công cuộc ngoại giao giữa hai quốc gia, những tình tiết được ghi chép về chuyến đi này còn cho thấy mối tiếp xúc giữa hai nền văn hóa không chỉ giữa hai quốc gia Việt và Pháp mà còn cả của hai nền văn minh Đông và Tây vào thời điểm lịch sử cách nay đã một thế kỷ rưỡi.

Để qua Pháp sứ đoàn phải đi bằng tàu biển của Pháp mang tên “Europeén” theo hải trình xuất phát từ Sài Gòn (18.3.1863) qua cảng Singapore - Mã Lai rồi vượt qua Ấn Độ Dương vào biển Hồng Hải đến Ai Cập. Thời điểm này chưa có kênh đào Suez nên sứ đoàn phải lên bộ đi tàu hỏa ghé qua thủ đô Le Caire, rồi thành phố Alexandrie để vào Địa Trung Hải.

Bằng tàu biển ngang qua Thổ Nhĩ Kỳ, Italia rồi cập bến cảng Toulon của nước Pháp vào ngày 9.9.1863 để rồi từ đó sứ đoàn lên tàu hỏa đến Marseille rồi tới thủ đô Paris vào chập tối ngày 13.9.1863. Tổng cộng là kém một tuần đầy ba tháng để từ Huế đến Paris và chiều dài của hành trình từ Gia Định đến kinh đô nước Pháp là 28.687 dặm.

Cái khoảng cách địa lý ấy cũng chứa chấp rất nhiều những khoảng cách văn hóa tạo nên những chi tiết thú vị được vị Phó sứ ghi chép khá tỉ mỉ trong nhật ký của mình về những ứng xử văn hóa mà sứ đoàn gặp phải. Ví như, khi tàu biển chở đoàn tới cảng Suez của Ai Cập (17.8.1863), sau những nghi thức thực hiện theo tập quán, sứ đoàn Đại Nam được yêu cầu phải trương quốc kỳ.

Lá cờ của Hoàng triều thời Nguyễn chỉ có một màu vàng, vì thế lấy lý do sợ lẫn với các nước khác (cách nói ngoại giao của chủ nhà vì e ngại màu vàng theo thông lệ quốc tế thời đó là ký hiệu gắn với những nơi có dịch bệnh) nên đề nghị điều chỉnh. Có sử liệu nói rằng Chánh sứ bèn lấy bút chấm son đỏ để viết, còn Phó sứ thì ghi trong nhật ký là lấy tơ đỏ để thêu bốn chữ “Đại Nam Khâm sứ”, coi đó là cờ của sứ đoàn.

Kể từ khi đặt chân tới nước Pháp, sứ đoàn tiếp xúc với rất nhiều tập quán, phong tục, nghi thức vốn xa lạ với những gì ở trong nước hay của phương Đông... Những chi tiết này được tác giả “Tây hành nhật ký” ghi chép rất hay.

Nhưng có một chi tiết không thấy sứ đoàn chép lại mà các tờ báo phương Tây khi đó mô tả như một ngạc nhiên về một thói quen của những sứ giả đến từ miền nhiệt đới. Chi tiết này được thông tín viên của tờ báo “Nelson Exaniner” viết từ Paris gửi về đăng ngày 7.1.1864.


Bà Thị Sen.

Đó là nỗi ngạc nhiên của Bộ trưởng Ngoại giao của triều đình Versailles trong khi làm việc với sứ đoàn An Nam (cách gọi đương thời) để chuẩn bị cho buổi ra mắt chính thức trước hoàng đế Pháp tại cung điện Tuileries.

Ngạc nhiên vì được biết các thành viên của sứ đoàn sẽ... đi chân đất để tỏ lòng thành kính với vị nguyên thủ quốc gia của nước chủ nhà. Phía sứ đoàn nhắc lại nhiều lần là việc không dám “cả gan xuất hiện với đôi chân của mình bị che lại vì như thế là thất lễ”.

Trong khi đó, cơ quan ngoại giao của chủ nhà thì giải thích rằng hoàng đế của mình “không coi việc đi chân trần là sự tôn kính mà hoàn toàn là ngược lại”. Thuyết phục mãi, cuối cùng sứ đoàn của Thượng thư Phan Thanh Giản phải chấp nhận để các thợ đóng giày của Hoàng gia Pháp tức tốc trang bị cho mọi người trong đoàn giày để đi (theo nguyên tắc giày của Chánh sứ là một đôi ủng cao gần đầu gối và cứ thấp dần theo phẩm hàm và cương vị của các thành viên trong đoàn).

Bài báo còn nhắc lại câu chuyện tương tự với Sứ đoàn Xiêm La (Thái Lan) đến nước Pháp cũng phải làm quen với một số trang phục thích hợp với xứ sở ôn đới giá lạnh và câu chuyện chưa quen sử dụng khăn tay (mouchoir) để lau chùi khi ăn uống hay có vấn đề về hô hấp. Sự mô tả hoàn toàn theo tập quán chứ không phải là sự kỳ thị khi người Việt hay người Xiêm có thói quen sử dụng các ngón tay khéo léo để làm việc ấy.

Duy có người Nhật thì được nhận xét rằng, họ không chấp nhận việc dùng các khăn tay bằng vải sau khi sử dụng lại bỏ vào túi để dùng lại lần khác như người phương Tây mà họ dùng những vuông giấy nhỏ, dùng xong là đốt liền rất vệ sinh. Người Pháp cũng học cách đó của người Nhật và hướng dẫn Sứ đoàn Việt Nam và Xiêm làm theo cách đó...

Bài báo mang tính thời sự ấy chính xác đến mức nào chưa thể xác minh, nhưng nếu quan sát những tấm ảnh chụp vào đầu thế kỷ XX ở nước ta thì ngay trong đời sống hoàng gia hay trong các chức dịch làm việc ở kinh đô Huế thì thói quen đi đất vẫn khá phổ biến. Còn trong dân gian thì còn phổ biến hơn nữa khi môi trường sống và lao động chủ yếu gắn với bùn và nước...

Cũng trong di cảo chứa chất nhiều sử liệu của Phạm Phú Thứ, có những đoạn mô tả cảm động về nỗi niềm “nhớ nhung” và việc bảo tồn những thói quen, tập quán của dân tộc của những người Việt xa xứ vào thời kỳ còn rất hiếm hoi.

Ngày 5.10.1863, trong lúc sứ đoàn chờ ngày được Hoàng đế và Hoàng hậu Pháp tiếp, thì có một phụ nữ đã lớn tuổi, nhũ danh là Thị Sen, tìm đến xin gặp đoàn. Đó chính là vợ của một trong hai chuyên viên quân sự người Pháp được vua Gia Long trọng dụng như cố vấn giúp nhà chúa Nguyễn Ánh, sau đó là nhà vua Gia Long sử dụng một số thiết bị hàng hải và quân sự để giành quyền lực.


Trương Vĩnh Ký đi theo đoàn làm phiên dịch.

Chồng người phụ nữ tên là Vannier, có tên Việt Nam là Nguyễn Văn Chấn.

Sau khi vua Gia Long băng hà, người kế nghiệp là vua Minh Mạng luôn đem lòng e ngại Pháp lấn quyền nên không còn trọng dụng những nhân vật ngoại quốc này nữa buộc họ về nước. Bà Thị Sen theo chồng về nước tính đến ngày tìm gặp Sứ đoàn đã 37 năm (khoảng 1826) và đã 75 tuổi. Nghe tin có sứ đoàn từ quê hương sang bà đi xe hỏa từ thành phố Lorient lên kinh đô xin phép được gặp và cùng cô con gái khi qua Pháp mới lên hai nay đã gần bốn chục tuổi.

Nhật ký của Phó sứ kể lại rằng người phụ nữ cho biết mình sinh ra ở Lò Đúc, kinh thành Huế, kể từ khi theo chồng qua Pháp đã nhiều lần định về nhưng chưa thu xếp được thì chồng mất, lại có đến 10 đứa con và đến nay đã có đến thế hệ thứ ba, cháu trai đã 20 tuổi. Được gặp những người đồng hương ngay giữa nước Pháp với bà là ngoài sức tưởng tượng, bà vẫn giữ được những bộ mũ áo vua Gia Long ban cho chồng bà, tiếng Việt vẫn nhớ và sử dụng được nhưng đôi lúc vẫn phải pha tiếng Pháp v.v...

Hai hôm sau, ngày 7.10, sứ đoàn tổ chức lễ “vạn thọ” mừng ngày sinh của đức vua, Thị Sen lại cùng con trai, con gái và các cháu đến dự. Phó sứ Phạm Phú Thứ mô tả người đàn bà này và cô con gái vẫn mặc áo sa, đầu chít khăn nhiễu... Nhiều lần sau đó, những thành viên trong gia đình này vẫn qua lại Sứ quán để bày tỏ sự quyến luyến với cố quốc. Cuộc gặp gỡ của Sứ đoàn với các “Việt kiều tiền bối” này cũng được bài báo đăng trên tờ báo Nelsson Examiner nêu trên thuật lại, chỉ kèm thêm một nhận xét về ẩm thực của Việt Nam được “thể hiện” trong bữa tiệc này là có rất nhiều gia vị là các loại ớt xanh và ớt đỏ phơi khô được đem theo từ trong nước trữ trong ba mươi hộp lớn trong hành trang...


Sau khi thực hiện được hai sự kiện quan trọng là chứng kiến Quốc hội Pháp họp dưới sự chủ tọa của Hoàng đế Napoléon III và bệ kiến người đứng đầu Cung điện Tuileries, Sứ đoàn Phan Thanh Giản lên đường hồi hương. Trên đường về Sứ đoàn còn ghé vào Tây Ban Nha và cũng được người đứng đầu vương quốc có nhiều can hệ với nước ta tiếp cùng các sứ thần nhiều nước khác, thì Sứ đoàn lại bất ngờ gặp một người đồng hương đã lưu lạc sang đây từ nhiều năm trước.

Đó là một người tên là Hóa độ năm, sáu chục tuổi, khai quê ở Đà Nẵng theo các thầy truyền giáo sang Tây Ban Nha đã lâu đến mức tiếng Việt quên nhiều, nghe tin có sứ đoàn từ quê hương ghé qua vội đến gặp để thỏa nỗi nhớ nhà, nhớ nước và hy vọng sẽ có ngày...

Liên quan đến chuyến đi này còn có một chi tiết quan trọng là khi đến Paris, các thành viên trong đoàn được phía chủ nhà yêu cầu cho phép thợ ảnh của họ đến chụp hình để hoàng đế có thể được biết trước dung nhan các sứ thần từ phương xa tới. Thời điểm này, máy ảnh là phát minh của nước Pháp tuy còn mới, nhưng chỉ cần xem các bức hình chụp cách nay 150 năm đủ thấy chất lượng việc chụp và bảo quản ảnh của nước Pháp đạt tới trình độ nào. Nhờ vậy mà giờ đây chúng ta còn có được những tấm ảnh quý liên quan đến những nhân vật được nhắc đến trong bài viết này (*).

Câu chuyện kể trên cho thấy những buổi đầu tiên nước ta tiếp xúc với phương Tây, bên cạnh vấn đề chính trị liên quan đến cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa thực dân còn có cả câu chuyện giao lưu văn hóa. Trong sự khác biệt ấy người ta nhận biết bên cạnh sự đụng độ ban đầu thì bao giờ cũng có sự làm quen, chia sẻ và tiếp nhận lẫn nhau.


Riêng cái tình tự dân tộc trong mỗi con người, như câu chuyện những người Việt xa xứ thuộc thế hệ đầu tiên ở Châu Âu, thì nhu cầu hướng về quê hương bản quán, gốc gác tổ tiên cũng như giữ gìn những tập quán và bản sắc trong đời sống thì đời nào và mãi mãi vẫn là một giá trị nhận dạng của con người nói chung và của người Việt nói riêng. Sự trở về không chỉ là sự vận động không gian mà quan trọng nhất là sự định hướng trong tâm tưởng.

 
Theo Tầm nhìn.net

 

Các bài mới
Các bài đã đăng