Sau hơn 140 năm tồn tại, nhà Nguyễn đã để lại cả kho tàng cổ vật, làm nên phần hồn của di sản văn hóa Huế ngày nay.
Từ năm 1636-1945, Huế trở thành thủ phủ của Đàng Trong, rồi là kinh đô của nước Việt Nam thống nhất dưới các triều đại của chúa Nguyễn, Tây Sơn và vua Nguyễn. Vô số nhân tài, vật lực và báu vật quý của cả nước hội tụ về đây.
Huế giàu cổ vật
Ngay từ thế kỷ XVIII, giới quý tộc Huế đã có thú sưu tầm đồ cổ và mua sắm các vật dụng quý giá. Trong tác phẩm Phủ biên tạp lục, học giả Lê Quý Đôn đã ghi chép về đời sống xa hoa và sự giàu có của quý tộc Huế như sau: “Thuận Hóa được bình yên đã lâu, công tư đều dồi dào, mặc dùng tươi đẹp, lại trải qua thời Nguyễn Phúc Khoát hào phóng bắt chước nhau, làm thành thói quen, quan viên lớn nhỏ không ai không dùng nhà cửa chạm gọt, tường vách gạch đá, the màn trướng đoạn, đồ đạc đồng thau, bàn ghế gỗ đàn gỗ trắc, chén mâm đồ sứ đồ hoa, yên cương vàng bạc, y phục gấm vóc, chiếu đệm mây hoa, đua nhau khoe đẹp”.
Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, khi nhà Nguyễn lên ngôi vào năm 1802, Huế trở thành kinh đô của cả nước, tập trung các nguồn của cải, báu vật quốc gia. Ngoài các loại vàng bạc ngọc ngà, trong kho tàng hoàng gia còn rất nhiều thứ quý giá thuộc về giới quý tộc, quan lại, thương nhân... sống tại kinh đô.
Đầu thế kỷ XX, trước tình trạng nhiều tác phẩm nghệ thuật bị săn đuổi, chiếm hữu thì việc nghiên cứu cổ vật mới được chú ý. Khởi đầu là các nhà nghiên cứu thuộc Hội Đô Thành Hiếu Cổ đặt trụ sở ở điện Long An (tức Tân Thơ Viện của Trường Quốc Tử Giám - Huế). Nhờ nỗ lực của họ, sau 10 năm hoạt động, bộ sưu tập cổ vật bao gồm cả cổ vật cung đình đã có xấp xỉ số lượng 10.000.
Kiểm kê hằng năm
Ông Phan Thuận An, người hầu như gắn bó cả đời mình để nghiên cứu những điều bí ẩn chốn cung đình triều Nguyễn, khẳng định cổ vật là di sản phản ánh thẩm mỹ, sự tài hoa của người thợ và sự suy thịnh của các triều đại.
Trong hơn 140 năm tồn tại, từ năm 1802-1945, các vị vua triều Nguyễn phần lớn có học thức, trình độ, đặc biệt là 4 vị vua đầu tiên là Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Từ năm 1802-1883 là thời kỳ an bình thịnh trị nhất nên cổ vật phát triển nhiều nhất. Nghiên cứu của ông Phan Thuận An cho thấy thời Minh Mạng đã cho xây dựng rất nhiều công trình đền đài miếu mạo cũng như cung cấm và tiến hành nhiều nghi lễ như tế đàn Nam Giao, Xã Tắc, lễ hưng quốc khánh miện (quốc khánh triều Nguyễn)... Ở những sự kiện trọng đại này, các quan đứng đầu mỗi địa phương thường khuyến khích, ra lệnh cho nghệ nhân làm các sản phẩm tinh xảo nhất, đẹp nhất, giá trị nhất để cung tiến.
Tại lễ tứ tuần đa của vua Khải Định (lễ mừng vua tròn 40 tuổi) vào năm 1924, cả 3 căn nhà lớn do triều đình dựng lên trước quảng trường Ngọ Môn thuộc Đại nội Huế đều chật kín các sản vật cung tiến.
Một loại ấn bằng vàng được đúc vào thời chúa Nguyễn năm 1709
Sự giàu có về cổ vật triều Nguyễn còn do các đội phụ trách trong cung đình tự làm ra để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của triều đình. Mỗi đời vua có khoảng 60-70 nhóm nghệ nhân mà nhà Nguyễn đặt tên là tượng cục, chuyên phụ trách sản xuất các đồ dùng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của triều đình. Trong đó, mỗi tượng cục được giao nhiệm vụ khác nhau, có nhóm phụ trách chế tác các loại sản phẩm từ vàng; nhóm làm sản phẩm áo quần, xe cộ đi lại cho vua chúa, hoàng thân.
Khu hoàng cung là nơi xưa kia vua chúa, hoàng thân ăn ở và thờ tự của nhà Nguyễn. Những nơi thờ tự trong hoàng cung như Thái miếu, điện Phụng Tiên, Triệu miếu... là các kho chứa báu vật triều Nguyễn. “Còn có biết bao nhiêu cung điện cực kỳ hoa lệ, được thờ tự rất uy nghiêm. Các bộ phận tượng cục lo sản xuất các dụng cụ ở đó thì báu vật triều Nguyễn sản sinh ra nhiều biết bao” - ông An khẳng định.
Với vô vàn báu vật, các dụng cụ sinh hoạt hằng ngày của vua, hoàng thân quốc thích nhưng triều Nguyễn vẫn tổ chức bảo quản, giữ gìn khá tốt. Nhà nghiên cứu Phan Thuận An cho biết bắt đầu từ thời vua Minh Mạng, triều Nguyễn đã tổ chức nhiều bộ phận giữ gìn, ghi chép cẩn thận tên từng báu vật. Hằng năm, vào thời điểm trước khi nghỉ Tết Nguyên đán, triều đình lại tổ chức lễ phất thức với ý nghĩa lau chùi các báu vật trong cung.
Tại lễ này, một hội đồng được thành lập ra có sự tham gia của các đại thần và do một quan đại thần trong hoàng tộc thuộc Tôn nhân phủ đứng đầu. Tất cả đồ vàng, ngọc, châu báu, bao nhiêu tủ, kệ bàn ghế của hoàng gia đều được đưa ra điện Cần Chính để các cụ kiểm kê.
“Lễ này với ý nghĩa là lau chùi bụi bẩn nhưng thực tế để kiểm kê tài sản. Tất cả rương hòm đều mở ra xem thứ nào mất, thứ nào còn rồi ghi cẩn thận vào biên bản và sau đó đóng dấu niêm phong cẩn thận. Biên bản cũng ghi tên những người tham dự, vật đang còn là gì, thứ đã mất, nguyên nhân...” - ông An nói.
Mua lại cổ vật bị cướp Tại khu vực Ngọ Môn trước Đại nội Huế hiện nay, mỗi lần du khách tham quan thường ghé qua 9 khẩu đại bác (Cửu Vị Thần Công) được đúc bằng đồng vào thời Gia Long. Đây được xem là biểu tượng bảo vệ kinh thành Huế nhưng bị thực dân Pháp chiếm đoạt khi vào đô hộ. Sau khi lên ngai vàng vào năm 1885, vua Đồng Khánh cũng nỗ lực đòi lại một số báu vật bị quân Pháp cướp mất trước đó. Triều Nguyễn đã phải tốn không ít sức lực và tiền bạc để lấy lại những khẩu đại bác này cũng như phần lớn ấn tín quan trọng nhất. Thời vua Khải Định và Bảo Đại, triều Nguyễn còn có thêm khá nhiều tặng vật ngoại giao, chủ yếu là của chính phủ Pháp. Trong khoảng từ thời Đồng Khánh đến năm 1945, triều Nguyễn đã cho đúc thêm nhiều ấn tín bằng vàng, bạc. |
Kỳ tới: Cuộc cướp cạn ngày thất thủ
Theo Quang Nhật (nld.com.vn)