Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Thăng trầm cổ vật triều Nguyễn (*): Cuộc cướp cạn ngày thất thủ (2)
09:15 | 12/10/2015

Ngày kinh đô Huế thất thủ (5/7/1885), không những hàng vạn thần dân bị sát hại mà vô số cổ vật triều đình cũng bị cướp đi, kể cả ống đựng tăm xỉa răng.

Thăng trầm cổ vật triều Nguyễn (*): Cuộc cướp cạn ngày thất thủ (2)
Cửu Vị Thần Công từng bị quân đội Pháp chiếm sau ngày kinh đô thất thủ, nay đã trở về Huế

Năm 1862, sau khi để mất 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ vào tay thực dân Pháp và phải ký Hòa ước Nhâm Tuất, triều Nguyễn đã huy động rất nhiều vàng bạc và các cổ vật để đền trả số chiến phí 4 triệu piastre (đơn vị tiền tệ 3 nước Đông Dương thời thuộc địa Pháp) được quy đổi thành 2.880.000 lạng bạc cho Pháp.

Điều tàu chuyển kho báu về Pháp

Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, thời nhà Nguyễn, vua thường ban tặng kim sách (sách bằng vàng), ngân sách (sách bằng bạc) cho những người có công trạng lớn với đất nước, triều đình. Sau khi ký hòa ước, nhà vua đã yêu cầu in một loạt đồng sách đổi lấy kim sách để trả cho Pháp. Thời đó, có khoảng vài chục kim sách nhưng sau sự kiện này thì còn lại rất ít.

Nhưng vụ mất mát lớn nhất khiến cho triều đình nhà Nguyễn và người dân Huế đau xót, nuối tiếc là sự kiện “thất thủ kinh đô” xảy ra vào ngày 5/7/1885 (23 tháng 5 năm Ất Dậu). Sau khi chiếm được kinh thành, tiếng súng đã im, quân Pháp tràn vào các cung điện thu được 10 triệu đồng, vô số vàng bạc, nhiều thỏi vàng.

Theo một tư liệu tiếng Pháp có tên J. Chesneaux, Contribution à l’Histoire de la Nation vietnamienne xuất bản năm 1955, linh mục Père Siefert, người chứng kiến sự kiện cướp bóc này, kể: “Với những bản mục lục về tài sản đã có trước ngày 5-5-1885 cầm tay, người Pháp đã lấy ở nhà, các đội thân binh: 113 lượng vàng, 742 lượng bạc, 2.627 quan tiền. Tại cung thái hậu Từ Dũ - thân mẫu vua Tự Đức: 228 viên kim cương, 266 đồ nữ trang nạm kim cương, ngọc trai và đá quý, 271 đồ dùng bằng vàng; tại các lăng Thiệu Trị, Minh Mạng, Gia Long: đầy ắp những đồ dùng cá nhân các vua lúc sinh thời”.

Theo Père Siefert, quân Pháp lấy đi mọi thứ của triều Nguyễn dù nhỏ nhất. Đó là vụ cướp phá trắng trợn, “tất cả những thứ gì có thể lấy mang đi được như vương miện, đai lưng, nệm trải nhà, cho đến những ống đựng tăm xỉa răng. Tại các ngân khố hoàng gia, cướp đi một số vàng, trị giá khoảng 24 triệu quan (franc)…” - vị linh mục này thuật lại.

Còn Khâm sứ Rheinart trong một bản tường trình gửi Toàn quyền Richaud vào ngày 28/2/1889, viết: Ngày 5/7/1885, trong vụ bạo động Huế, quân Pháp cướp đi nhiều báu vật. Một sự việc vô cùng xấu hổ xảy ra lúc đó: Một con voi làm bằng vàng, rất kỳ công và có giá trị lớn bị cưa làm đôi vì 2 gã kình địch. Gã nào cũng muốn giành phần cho mình cái chất nguyên liệu của đồ vật ấy.

Ngay bản thân tướng De Courcy, người chỉ huy cuộc tấn công kinh đô Huế, vào ngày 24/7/1885 đã gửi cho chính phủ Pháp một bức điện. “Trị giá phỏng chừng các quý vật bằng vàng hay bằng bạc giấu kỹ trong các hầm kín là 9 triệu quan. Đã khám phá thêm nhiều ấn tín và kim sách đáng giá bạc triệu. Xúc tiến rất khó khăn việc tập trung những kho tàng mỹ thuật. Cần cử sang đây một chiếc tàu cùng nhiều nhân viên thành thạo để mang về mọi thứ cùng với kho tàng” - De Courcy đề nghị.

Cổ vật thất thoát ra nước ngoài

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến lúc miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975, ít nhiều cổ vật triều Nguyễn được bảo quản, trưng bày tại Tàng Cổ Viện (hiện là Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế) cũng bị thất thoát. Riêng Ngô Đình Diệm đã lấy chiếc nghiên mực Tức Mạc Hầu của vua Tự Đức làm tài sản riêng. Sau khi chính quyền họ Ngô bị lật đổ đến nay, chiếc nghiên mực này đã mất tích.

Trong khi đó, năm 1972, chiến sự xảy ra căng thẳng ở Quảng Trị, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã cho đóng những cổ vật quý nhất của Viện Bảo tàng Huế vào hơn 80 thùng rồi vận chuyển bằng máy bay vào Sài Gòn. Đến năm 1977, có tổng cộng 1.677 cổ vật được trao lại cho Huế.

Nhà nghiên cứu Phan Thuận An khẳng định thời triều Nguyễn còn trị vì đất nước, các quan lại, hoàng tộc đều sống dư dả, xây dựng các biệt phủ rộng rãi với vô số cổ vật như đồ thờ tự, bàn ghế, vật dụng sinh hoạt và một số của vua ban tặng.

Sau năm 1975, do mới giải phóng nên kinh tế đất nước rất khó khăn, các gia đình này đã bán dần tài sản. Lúc đầu, họ chỉ bán các vật dụng, vàng bạc, tiếp đến là đồ thờ tự, các thứ vua ban và cuối cùng bán cả nhà cửa, chỉ giữ lại cho mình khoảnh đất nhỏ để mưu sinh. Những cổ vật đáng giá đã bị tuồn ra nước ngoài.

TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết sau năm 1975, đặc biệt là trong những năm 1980, tại TP Huế và vùng phụ cận, kẻ gian đã đào phá hàng chục lăng mộ của các ông hoàng bà chúa để đánh cắp cổ vật. Lăng Kiên Thái Vương (thân sinh của 3 vị hoàng đế Đồng Khánh, Hàm Nghi và Kiến Phúc), lăng thái hậu Từ Dũ và lăng hầu hết các chúa Nguyễn đều bị kẻ gian đào bới, lấy đi rất nhiều đồ tùy táng giá trị. Mặc dù lực lượng công an và đơn vị quản lý di tích bắt được một số vụ như trộm ở lăng bà Từ Dũ, lăng Kiên Thái Vương nhưng các hiện vật thu được đều phải giao cho ngân hàng nhà nước hoặc đem bán hóa giá. Đây cũng là một tổn thất đau lòng đối với Huế.

Kỳ tới: Đưa cổ vật hồi hương

Ấn kiếm vua Bảo Đại giờ ở đâu?

Ngày 30/8/1945, sau khi Bảo Đại thoái vị, triều Nguyễn đã bàn giao hầu hết các báu vật còn lại của vương triều cho chính phủ lâm thời, trong đó có cả bộ ấn kiếm tượng trưng cho quyền lực của hoàng đế. Toàn bộ số của cải gần 3.000 món được đem ra Hà Nội và bảo quản đặc biệt qua 2 cuộc kháng chiến của dân tộc.

Trong số những báu vật được bàn giao, kim ấn Hoàng đế chi bảo nặng gần 10,5 kg và chiếc kiếm chuôi vàng nạm ngọc hiện vẫn lưu lạc nơi đất khách quê người. Năm 1949, người Pháp đã tổ chức một buổi lễ tại Đà Lạt để trao lại ấn kiếm cho Quốc trưởng Bảo Đại. Bộ ấn kiếm này về sau hoàng hậu Nam Phương đem qua Pháp và gửi tại Ngân hàng châu Âu.

Theo Quang Nhật (NLĐ)

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng