Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Điều ít biết về Trịnh Công Sơn và tượng Phan Bội Châu ở Huế
08:40 | 20/10/2015

Ít người biết tượng “ông già Bến Ngự” Phan Bội Châu bên bờ sông Hương (Huế) lại có liên quan đến nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn.

Điều ít biết về Trịnh Công Sơn và tượng Phan Bội Châu ở Huế
Tượng Phan Bội Châu tại Huế

Ngày 18/10, tại TP.HCM có buổi ra mắt sách và giao lưu với ban biên soạn Lịch sử phong trào đô thị Huế 1954 - 1975 (NXB Trẻ). Cuốn sách này dày gần 500 trang với các hình ảnh, tranh vẽ sinh động của nhiều tác giả tái hiện không khí đấu tranh của nhân dân Huế, trong đó có văn nghệ sĩ, trí thức.

Lịch sử phong trào đô thị Huế 1954 - 1975 có nhiều thông tin thú vị liên quan đến những người nổi tiếng. Trong đó có câu chuyện bức tượng Phan Bội Châu và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khác.

Năm 1974, nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn (1940 - 2002), một bậc thầy điêu khắc quê Bình Dương ra Huế giảng dạy tại Cao đẳng Mỹ thuật Huế. Lê Thành Nhơn muốn làm một số tượng danh nhân Việt Nam, trong đó có tượng “ông già Bến Ngự” Phan Bội Châu. Họa sĩ Vĩnh Phối, Giám đốc Cao đẳng Mỹ thuật Huế và nhiều trí thức, nghệ sĩ đã ủng hộ và đứng ra bảo trợ cho Lê Thành Nhơn làm việc này.

Một Ủy ban dựng tượng danh nhân được thành lập do Vĩnh Phối làm Chủ tịch điều hành, kỹ sư Hồ Đăng Lễ làm Phó Chủ tịch kỹ thuật, Ngô Anh Dũng làm Phó Chủ tịch vận động, nhà giáo Trần Viết Ngạc làm Tổng thư ký, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn làm ủy viên văn nghệ, dịch giả Bửu Ý làm ủy viên báo chí… Dự kiến có một buổi văn nghệ với sự tham gia của Trịnh Công Sơn, Khánh Ly và sinh viên biểu diễn nhân sự kiện này nhưng sau đó không tổ chức được.

Mẫu tượng Phan Bội Châu được Lê Thành Nhơn sáng tác phóng lớn theo phong cách tượng đầu cao trên 3m. Gương mặt cụ Phan được tái tạo cương nghị, khí phách vùng lên phá tan xích xiềng nô lệ. Mặt sau bức tượng đắp nổi câu thơ quyết liệt của Phan Bội Châu: “Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ”. Dòng chữ này được đắp chồng nhiều lớp, càng lúc càng lớn như tiếng loa vang thúc dục, kêu gọi.

Khi mẫu tượng hoàn thành, chính quyền Sài Gòn đến kiểm tra và buộc phải gọt bỏ câu thơ của cụ Phan mới được đúc tượng. Những người làm tượng cụ Phan đành phải chấp nhận để tượng được đúc đồng và dựng tại Huế.

Nguồn kinh phí đúc đồng tượng Phan Bội Châu do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vận động từ một luật sư là bạn học của ông. Bức tượng cụ Phan được đúc đồng xong nặng khoảng 7 tấn.

Tuy nhiên, do nhiều lý do, dù tượng Phan Bội Châu được hoàn thành năm 1974 nhưng mãi đến tháng 4/2012 tượng mới được dựng bên bờ sông Hương như hiện nay.


Thanh Kiều
Theo Thể thao & Văn hóa

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng