Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Cổ vật cung đình Huế - Kho báu khổng lồ một thời vàng son: Khám phá các 'kho báu' cổ vật trong Kinh thành Huế
09:08 | 09/12/2015

Triều đại phong kiến vua Nguyễn cuối cùng tại Huế đã trải qua với bao biến cố lịch sử. Hàng vạn cổ vật quý hiếm đi cùng triều đại này hiện đã mất mát quá nhiều, không còn “ở lại” được trên mảnh đất nó đã từng tồn tại.

Cổ vật cung đình Huế - Kho báu khổng lồ một thời vàng son: Khám phá các 'kho báu' cổ vật trong Kinh thành Huế
Toàn cảnh Tử Cấm Thành trong Kinh thành Huế chụp bằng không ảnh lúc xưa, khi mà chiến tranh chưa tàn phá một số công trình quan trọng ở đây. Ảnh: internet.

Theo TS.Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, ngay từ thế kỷ XVIII, giới quý tộc Huế đã có thú sưu tầm đồ cổ và mua sắm các vật dụng quý giá làm của riêng. Trong tác phẩm “Phủ biên tạp lục”, Lê Quý Đôn đã ghi chép về đời sống xa hoa và sự giàu có của quý tộc Huế như sau:

“Thuận Hóa được bình yên đã lâu, công tư đều dồi dào, mặc dùng tươi đẹp, lại trải qua thời Nguyễn Phúc Khoát hào phóng bắt chước nhau, làm thành thói quen, quan viên lớn nhỏ không ai không dùng nhà cửa chạm gọt, tường vách gạch đá, the màn trướng đoạn, đồ đạc đồng thau, bàn ghế gỗ đàn gỗ trắc, chén mâm đồ sứ đồ hoa, yên cương vàng bạc, y phục gấm vóc, chiếu đệm mây hoa, đua nhau khoe đẹp”.

Đến khi trở thành kinh đô của cả nước thống nhất thì Huế càng trở thành nơi tập trung của báu vật. Ngoài các loại vàng bạc ngọc ngà trong kho tàng hoàng gia còn có rất nhiều thứ quý giá thuộc về giới quý tộc, quan lại, thương nhân… sống tại kinh đô.

“Mục sở thị” cổ vật cung đình Huế cách đây hơn 100 năm trước

Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, thuở vàng son triều Nguyễn (1802-1945), nội thất các cung điện và đền miếu ở kinh thành cũng như các lăng tẩm đều được trang hoàng, trang trí và tàng trữ rất nhiều của quý vật lạ có giá trị nhất nước. Một cách hay nhất minh chứng điều đó là trưng dẫn những nhận xét và đánh giá về cổ vật cung đình Huế dưới nhãn quan của một số người đã từng “mục sở thị”.

Từng làm việc lâu năm tại xứ thuộc địa, Robert R.de la Susse, một quan chức Pháp hiểu biết sâu sắc và yêu mến nền văn hóa Việt. Trong một dịp tham quan Hoàng cung Huế vào những năm đầu thập niên 1910, khi được xem cổ vật ở điện Cần Chánh và điện Phụng Tiên, sự phong phú và đa dạng khiến ông gọi đây là những “bảo tàng”.

Trong một cuốn sách mang tên “Guide de l’Annam” (Hướng dẫn du lịch Trung Kỳ) xuất bản tại Pháp năm 1914 của Philippe Eberhartd, vị thầy phụ đạo cho vua Duy Tân tỏ ra đồng tình hoàn toàn với tác giả Robert về số lượng và chất lượng của các bảo vật trong Hoàng cung Huế, nơi mà ông hay lui tới trong thời gian làm việc tại Kinh đô triều Nguyễn.

Robert R.de la Susse đã mô tả tại điện Cần Chánh: “Ngôi điện rộng mênh mông này là ngôi điện đẹp nhất trong Hoàng cung. Các cột trụ, các bức vách và nhất là các trần nhà toàn làm bằng gỗ lim nguyên khối được chạm trổ và khảm cẩn xà cừ cùng ngà voi. Ở các phía nội thất ngôi điện đặt 6 tủ đứng bằng gỗ chạm trổ chứa đựng những vật quý nhất trong vương quốc, giá trị vô lượng: Những bảo ấn bằng vàng khối, trong đó có một cái nặng 18kg; những lá cờ hiệu bằng lụa của các tùy tướng vua Gia Long có từ hồi vua thu phục sơn hà; những đồ ngọc quý báu đặc biệt…”

Khám phá các 'kho báu' cổ vật trong Kinh thành Huế - ảnh 1Một buổi thiết triều giữa vua và các quan tại điện Cần Chánh. Ngôi điện này giờ chỉ còn nền móng do bị bom đạn phá hủy. Ảnh: internet.
Khám phá các 'kho báu' cổ vật trong Kinh thành Huế - ảnh 2Các cổ vật tại điện Cần Chánh. Ảnh: blog Ngoan Công Trương.

Ở điện Phụng Tiên: “Bảo tàng này chứa nhiều nhất là những đồ bằng ngọc thạch. Người ta thấy ở đây có rất nhiều độc bình, tách uống nước, chén ăn, những bộ đồ trà, bút nghiên, những món đồ đủ loại và đủ hình dạng bằng ngọc thạch màu trắng, màu xanh, màu xám, có vân, không vân, được mài dũa, đôi khi được chạm lọng một cách tinh xảo.

Những chậu lung đựng những “cây vàng”, cành bằng san hô và ngọc bích, lá, hoa và trái bằng ngọc bích, bằng vàng, bằng các thứ đá quý hoặc ngọc trai. Những cây này đáng quan sát tỉ mỉ vì ngoài giá trị của chúng, các chi tiết thường là mỹ diệu.

Về các bảo vật bằng vàng thì nhiều nhất là Kim Bửu và Kim Sách. Loại thứ nhất gồm những ấn của các vua, những công ấn bằng vàng khối, mỗi cái nặng từ 3 đến 4kg. Những chiếc ấn khác bằng bạc mạ vàng là của các bà hoàng hậu ngự trị… Các quyển “Kim Sách” thì gồm những tờ giấy bằng vàng ròng.

Người ta cũng có thể thấy những cái lồng ấp, những bình trà, những miếng che tay nơi cán gươm bằng vàng khối nguyên chất, người An Nam chỉ ưa thích những quý kim này nếu không có sự pha trộn nào. Cũng nên lưu ý đến cái vương miệng dệt bằng vàng của vua Tự Đức, cái đai của Ngài được khảm nổi bằng ngọc thạch, san hô, ngọc trai và khép lại nơi một viên kim cương lớn; một loạt đồ bằng thạch anh rất đẹp, nhiều cán gươm bằng sừng tê giác…”

Khám phá các 'kho báu' cổ vật trong Kinh thành Huế - ảnh 3Nội thất điện Phụng Tiên lúc xưa. Ảnh: internet.
Khám phá các 'kho báu' cổ vật trong Kinh thành Huế - ảnh 4Điện Phụng Tiên nay giờ chỉ còn cổng Tam quan. Ảnh: blog Thanh Nhan Tran.

 

 

Theo tác giả Philippe Eberhartd thì thực tế tại nhà Tả Vu và Hữu Vu có nhiều đồ ngự dụng và trang trí quý hiếm. Như hai độc bình lớn thuộc loại men lam Huế và ba cái tủ chạm và khảm cẩn xà cừ tuyệt đẹp; các bộ triều phục, mão trang sức bằng ngọc thạch; nhiều đồ trang trí do các quốc gia tặng…

Những báu vật quý nhất tại điện Càn Thành

Nhìn chung các bảo vật ở các điện trên tuy đã được nhận định là quý báu, đa dạng và phong phú nhưng đó chưa phải là tất cả những di sản thuộc loại quốc bảo trong toàn bộ hệ thống cung điện Huế vì có một số cung điện và kho tàng khác mà hai tác giả trên chưa được phép đặt chân đến như điện Càn Thành (nơi vua ở) - tọa lạc tại trung tâm điểm của Tử Cấm Thành. Ngoài chức năng đó, ngôi điện này còn là nơi tàng trữ những bảo vật cao nhất về lịch sử và văn hóa nhà Nguyễn.

Trong Nội các triều Nguyễn tập 14 đã từng mô tả bản dịch của Viện Sử học ở đoạn ghi lời dụ của vua Minh Mạng về quy chế cất giữ bảo vật tại điện này như Bảo Tỷ - khí cụ quan trọng nhà nước, Kim Sách, Kim Bài, Phù Tín.

Khám phá các 'kho báu' cổ vật trong Kinh thành Huế - ảnh 5Các ấn vàng thời vua Nguyễn.

Một nhân chứng người Pháp khác là Paul Boudet (nhà Lưu trữ - Cổ tự học) làm phụ trách ngành lưu trữ và thư viện tại Đông Dương, vào khoảng năm 1942 đã may mắn được Nam triều cho hưởng một ân huệ đặc biệt là có thể tiếp cận với tất cả các thư viện và kho lưu trữ tại Kinh đô Huế, kể cả kho tàng nói trên ở điện Càn Thành. Vua Bảo Đại đã cho phép ông tìm hiểu, kê cứu tất cả các bảo vật được cất giữ ở ngôi điện này. Các món đồ quý được di chuyển ra khỏi tủ, khỏi hòm, khỏi hộp để ông đọc, ghi chép, chụp ảnh.

Theo một bài viết khá dài và có giá trị học thuật rất cao của ông, Paul Boudet đã cho chúng ta biết rằng bấy giờ chỉ riêng ở điện Càn Thành đã có đến 26 quyển Kim Sách liên quan đến những dịp lễ đăng quang của các vua Gia Long, Thiệu Trị, Tự Đức, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định và những dịp lễ tuyên phong của các Hoàng hậu, Hoàng thái tử. Cũng tại ngôi điện này, ông đã liệt kê được 46 cái ấn bằng ngọc và bằng vàng của các Hoàng đế và Hoàng hậu.

Khám phá các 'kho báu' cổ vật trong Kinh thành Huế - ảnh 6Những báu vật quý nhất được xem được để tại điện Càn Thành. Đến nay ngôi điện cực đẹp này cũng không còn do bom đạn chiến tranh đã phá hủy sau năm 1945. Ảnh: internet.

“Ngoài tư liệu khả tín ấy ra, chúng tôi cũng may mắn đang có được trong tay nguyên bản một quyển “Thủ sách” bằng chữ Hán viết tay được Viện Cơ Mật thực hiện trong dịp lễ “Phất thức” (còn gọi là ngày “Phong ấn” vào cuối năm Bảo Đại nguyên niên 1926). Viện đã liệt kê hàng trăm của báu bấy giờ được lưu trữ tại điện Càn Thành, bao gồm những ấn bằng vàng, bằng ngọc, những sách bằng vàng, bằng bạc và những bảo vật thuộc các loại chất liệu khác. Hy vọng khi nào có điều kiện và cơ hội tốt, chúng tôi sẽ biên dịch toàn bộ và công bố để mọi người tham khảo” – nhà nghiên cứu Phan Thuận An tiết lộ.

Kho cất giữ vàng, bạc, đồ quý thời vua Nguyễn

Đi tham quan Kinh thành Huế nhưng ít ai biết nơi cất giữ nhiều đồ quý từ các địa phương dâng hiến nằm chỗ nào. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế đã “giải mã” vấn đề này một cách rất chi tiết.

Theo ông Hoa, Phủ Nội Vụ trong cung vua Nguyễn là nơi quản lý (cất giữ, chế tác, nghiệm thu, dâng tiến, cấp phát…) các loại vàng bạc, châu ngọc, gấm vóc, tiền bạc và vật dụng quý, phục vụ cho sinh hoạt của hoàng gia và triều đình. Đây là một cơ sở hậu cần trực tiếp của nhà vua, đồng thời là một dạng ngân khố của nhà nước quân chủ cuối cùng ở Việt Nam.

Từ thời vua đầu tiên Gia Long đã thành lập Phủ với 6 kho. Đến đời vua Minh Mạng trở đi được nâng lên con số 10 kho gồm kho vàng bạc (giữ các phiến đỉnh và đồ vật bằng vàng bạc), kho gấm đoạn (, kho sa lĩnh, kho lụa nam, kho đồ sứ, kho dược phẩm, kho dầu nến, kho quần áo, kho pha lê, kho đồ làm trò (diễn tuồng, tấu nhạc, múa hát).

Khi chuyển về địa điểm mới và hiện tại bây giờ, Phủ Nội Vụ (gần cửa Hiển Nhơn) đã được vua Minh Mạng giao tổ chức nấu đúc các đĩnh bạc, đồng thời vua cho “xây hầm chứa bạc ở kho vàng trong phủ chứa 200.000 lạng bạc, cứ 1.000 lạng bạc chứa vào 1 hòm”. Các năm sau lần lượt tổ chức đúc mẫu vàng “Việt Nam nguyên bảo” loại 100 lạng, 50 lạng, vàng “Tân thức lưỡng đĩnh nhất bách đĩnh”.

Khám phá các 'kho báu' cổ vật trong Kinh thành Huế - ảnh 7Phủ Nội Vụ hiện tại đang để trống.

Quốc Sử Quán triểu Nguyễn cho biết tại Phủ Nội Vụ vào năm 1885 ở tầng dưới cất giữ 91.424 thỏi bạc đĩnh 10 lạng, 78.960 thỏi bạc đĩnh 1 lạng; tầng trên cất giữ khoảng 500 lạng vàng, khoảng 700.000 lạng bạc. Ngoài ra còn có một số kho nhỏ trong Hoàng thành cũng như thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị đã cho đào chôn nhiều bạc tại Đại Nội.

Theo Dân Trí

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Huế rặt (04/11/2015)