Có hơn 100 chiếc ấn quý báu với nhiều công năng
“Hoàng đế triều Nguyễn cũng như các vua chúa phong kiến Việt Nam trước đó đều lấy Bảo tỷ để biểu thị cho quyền lực tối cao của mình và cả vương triều. Kim ngọc Bảo tỷ là ấn của nhà vua dùng với ý nghĩa quốc gia trọng đại. Ấn được làm bằng ngọc gọi là Ngọc tỷ, ấn được đúc bằng vàng, bằng bạc, bằng bạc mạ vàng gọi là Kim Bảo tỷ. Vì vậy, Kim Ngọc Bảo Tỷ là bảo vật quốc gia tượng trưng của Đế quyền.” - theo nhà sử học Lê Văn Lan định nghĩa cho cổ vật quan trọng nhất của triều Nguyễn.
“Đối với hầu hết du khách thật khó chấp nhận với cảm giác đến Huế nhưng lại không được nhìn thấy những cổ vật quý nhất của Huế. Huế đang được nhà nước đầu tư để xây dựng thành một trong những trung tâm văn hóa lớn của đất nước và khu vực, vì thế cần phải trả lại những gì mà nó vốn có, đặc biệt là các di sản văn hóa” - TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trăn trở.
Theo TS. Hải, đối chiếu các tài liệu lịch sử, trong 143 năm tồn tại, triều Nguyễn đã cho làm hơn 100 chiếc ấn báu; thường đúc bằng vàng, bạc thì gọi là kim bảo, chế tác từ ngọc quý, thì gọi là ngọc tỷ, nhưng về sau không phân biệt rõ.
Còn theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, triều Nguyễn đã cho chế tác và đưa vào sử dụng hơn 100 Kim Ngọc Bảo Tỷ bằng vàng và bằng ngọc - chưa kể số ấn tín quý riêng được tấn phong của các vương công. Ngoài hệ thống Ngọc Tỷ của vua ra, Thái Hoàng Thái hậu (bà nội của vua), Hoàng Thái hậu (mẹ của vua) và Hoàng hậu, Hoàng phi (vợ vua) tùy thứ bậc mà sẽ có ấn vàng, ấn bạc mạ vàng hay ấn bạc. Có cả Ngọc Tỷ chế tác riêng cho từng vua sau khi qua đời mang tên vua…
TS Hải cho biết thêm, trong 93 chiếc kim bảo, ngọc tỷ của triều Nguyễn, thời các chúa có 2 chiếc, đều đúc vào năm 1709, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu; thời Gia Long (1802-1820) có 12 chiếc; thời Minh Mạng (1820-1840) có đến 15 chiếc; thời Thiệu Trị (1841-1847) có 10 chiếc; thời Tự Đức (1848-1883) cũng có 15 chiếc, thời Kiến Phúc (1884) và Hàm Nghi (1885) đều chỉ có một chiếc; thời Đồng Khánh (1885-1888) có 5 chiếc; thời Thành Thái (1889-1907) có 10 chiếc; thời Khải Định (1916-1924) có 12 chiếc; và thời Bảo Đại (1925-1945) có 8 chiếc. Trong 13 vị vua triều Nguyễn có 3 đời vua Dục Đức, Hiệp Hòa và Duy Tân là không có bảo tỷ riêng.
Trong các kim bảo của triều Nguyễn, chiếc Hoàng Đế chi bảo là có trọng lượng lớn nhất, đến hơn 280 lạng (gần 10,5kg). Chiếc Sắc mệnh chi bảo tuy trọng lượng bé hơn (hơn 223 lạng) nhưng mặt ấn lại lớn nhất (14 cm x 14cm. Các ngọc tỷ thì mặt ấn lớn nhất cũng không quá 10,5cm x 10,5cm.
Kim bảo, ngọc tỷ đều có chức năng riêng. Chiếc Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo có từ thời các chúa được dùng như báu vật lưu truyền của họ Nguyễn; chiếc Phong Tặng chi bảo và Sắc mệnh chi bảo dùng đóng các bản sắc, cáo phong tặng quan lại văn võ, thần kỳ trong nước; chiếc Khâm văn chi tỷ chỉ đóng trên các văn kiện về văn hóa như cầu hiền tài, mở khoa thi, làm sách; chiếc Trị lịch minh thời chi bảo chỉ dùng đóng trên các bản lịch, bản chính sóc ban hành hằng năm; chiếc kim bảo số một của vương triều là Hoàng đế chi bảo chỉ đóng trên các văn kiện đối nội, văn bản ngoại giao quan trọng nhất; chiếc ngọc tỷ Hoàng đế chi tỷ chỉ dùng đóng trong các dịp đại xá thiên hạ, cải niên hiệu...
Ngoài các kim bảo ngọc tỷ dùng trong chính sự cũng có loại dùng để tấn tôn tước hiệu (thường kèm với kim sách), để thờ cúng (đối với hoàng đế đã băng hà), hay chỉ để đóng trên thi phú, tranh họa sáng tác khi nhàn rỗi, như Tự Đức thần hàn, Khải Định thần hàn... Khác biệt hơn cả là chiếc Triều đình lập tín do người Pháp đúc tặng vua Đồng Khánh năm 1887, dùng để đóng trên các văn bản trao đổi giữa hai nước. Trên mặt ấn có khắc cả dòng chữ “Le Governement de la Republique Francaise A S. Dong Khanh Roi D’ Annam” (Chính phủ Pháp tặng ngài Đồng Khánh, vua nước An Nam).
Tất cả ấn quý đã không còn ở Huế
Nhà nghiên cứu Phan Thuận An cho hay, những cổ vật vô giá mà nhà Lưu trữ - Cổ tự học Paul Boudet đã “mục sở thị” tại điện Càn Thành vào năm 1942 như trên, ngay sau khi vua Bảo Đại thoái vị vào tháng 8/1945, các cổ vật ở điện và một số bảo vật khác trong Hoàng thành đã được di chuyển ra Hà Nội (Thủ đô của Chính phủ mới) và lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Vào năm 1962, để đảm bảo an toàn cho bộ sưu tập quý giá này, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã chuyển giao sang bảo quản tại kho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Năm 2007, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bàn giao toàn bộ số hiện vật quý giá triều Nguyễn lại cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, trong đó có cả 85 chiếc kim bảo, ngọc tỷ (ấn đúc bằng vàng, bạc, bạc mạ vàng, hay bằng ngọc của vua Nguyễn - PV) được chế tác dưới thời chúa Nguyễn và vua Nguyễn.
“Đây là sưu tập Bảo vật Quốc gia được Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp nhận từ triều đình Huế… Bộ sưu tập chủ yếu là của Vua và Hoàng tộc, mỗi bảo vật mang tính cung đình và độc bản bao gồm: Mũ vua, Kim Bảo, Kim Sách, Bảo kiếm, đồ ngự dụng, đồ thờ tự trong cung đình Nguyễn… với nhiều văn tự, chứa đựng những giá trị văn hóa của triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam” - trích lời giới thiệu ở Cuốn sách Kim Ngọc Bảo Tỷ của Hoàng đế và Vương hậu triều Nguyễn Việt Nam của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia xuất bản năm 2009 nhân kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Cũng sau khi chỉnh lý, tháng 10/2010, một sưu tập gồm 17 hiện vật vàng ngọc đã được mang trung bày nhân kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Sưu tập này đã dành được sự quan tâm đặc biệt của công chúng.
Theo ông An, cuốn sách trên mới chỉ công bố một phần trong khối lượng bảo vật nặng đến 800kg mang từ Hoàng cung Huế. Bấy giờ, người ta đã chọn lựa các bảo vật nhỏ nhắn gọn nhẹ dễ di chuyển, còn các thư to lớn cồng kềnh như ngai vàng, quả cầu chạm lọng hình cửu long, bức trấn phong bằng đá thời Minh Mạng, kiệu vua… thì để lại.
Vì vậy hiện nay, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế cũng còn bảo lưu được một số bảo vật các loại với nhiều chất liệu khác nhau do triều Nguyễn để lại. Tuy nhiên, tại đây không có được một Kim Ngọc Bảo Tỷ nào, cũng không có được một kim sách hoặc ngân sách nào cả. Theo ông An, đây là một trong những cổ vật thuộc dạng quý nhất.
Th.s. Huỳnh Thị Anh Vân, Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế cũng nhận xét, các cổ vật bằng chất liệu vàng còn lại ở Huế rất ít. Hiện tại, phần lớn các bảo vật này đang đươc lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia. Việc hợp tác để đưa cổ vật quý về Huế trưng bày cũng nằm trong kế hoạch đã được ký kết giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia. Tuy nhiên để đưa về Huế lưu giữ một số cổ vật, trong đó có những chiếc Kim Ngọc Bảo Tỷ sẽ là cả một chặng đường dài.
Hiện nay, tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế cũng đang trưng bày một số bộ sưu tập ấn triện triều Nguyễn, trong đó có một số ấn bằng ngà thời vua Tự Đức; 1 chiếc ấn phục chế bằng gốm mạ vàng theo tỷ lệ 1:1 của ấn Sắc Mệnh Chi Bảo đời vua Minh Mạng (ấn thật bằng vàng ròng nặng 8,3 kg hiện đang nằm ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) và một số sách bằng đồng, sách bằng lụa …
Việc cố đô Huế một thời đang lưu giữ gần như đầy đủ các công trình kiến trúc cung điện, đền đài, lăng tẩm nhưng lại thiếu 1 trong các bảo vật như Kim Ngọc Bảo Tỷ là một điều thật đáng tiếc.