Đất nước đang trên hành trình 30 năm Công cuộc Đổi mới, kể từ năm 1986. Nền văn học nghệ thuật của nước nhà cũng vậy, đang hướng đến việc đánh giá chặng đường 30 năm đổi mới. Văn nghệ xứ Huế trong 30 năm qua cũng đã có những thành tựu mới, cũng có những hạn chế cần được gợi mở để cho những trang viết về sau vượt qua, sung mãn hơn, nghệ thuật hơn, đầy trách nhiệm nhân văn hơn. Kể từ số báo này, Sông Hương sẽ khởi đăng những bài viết nghiên cứu liên quan đến chủ đề này. Việc nhìn nhận lại văn nghệ Thừa Thiên Huế sẽ được giới thiệu đầy đủ hơn trong các số báo tiếp theo, sau khi Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế và Tạp chí Sông Hương tổ chức hội thảo về Văn học Thừa Thiên Huế 30 năm đổi mới 1986 - 2016 vào khoảng tháng 6 tới đây.
Tháng 4 năm nay, chúng ta đang hướng đến kỷ niệm 15 năm ngày mất nhạc sĩ thiên tài Trịnh Công Sơn (1/4/2001 - 1/4/2016). 15 năm sau ngày ông qua đời, người ta vẫn nghe và hát nhạc của ông, và âm nhạc Trịnh Công Sơn sẽ còn vang mãi trong cuộc đời này. Sinh thời, nhạc sĩ Văn Cao từng viết về Trịnh Công Sơn: “Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người thơ ca (chantre) bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ. Và bởi Sơn đã hát về quê hương đất nước bằng cả tấm lòng của một đứa con biết vui tận cùng những niềm vui và đau tận cùng những nỗi đau của Tổ quốc mẹ hiền… Cái quyến rũ của nhạc Trịnh Công Sơn có lẽ chính là ở chỗ không định tạo ra một trường phái nào, một triết học nào, mà vẫn thấm vào lòng người như suối tưới. Với những lời, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ hôn phối cùng một kết cấu đặc biệt như một hình thức của dân ca hầu như không thay đổi, Trịnh Công Sơn đã chinh phục hàng triệu con tim, không chỉ ở trong nước, mà cả bên ngoài biên giới nữa…” (Trịnh Công Sơn - Người thơ ca). Có lẽ chỉ chừng đó, đã đủ lý giải vì sao âm nhạc Trịnh Công Sơn sẽ vĩnh hằng cùng dân tộc. Một nghiên cứu về con người - thơ Trịnh Công Sơn đăng trong số báo này, cùng với các hoạt động do Sông Hương tổ chức như triển lãm tranh “Niệm” của các họa sĩ Huế, chương trình ca nhạc “Hãy yêu nhau đi”… là cách mà văn nghệ sĩ, trí thức Huế nhớ về người nhạc sĩ tài hoa của quê hương.
Một bài viết cần đọc chậm, như là một tóm tắt những yếu tố và tiến trình hình thành thể loại thơ này, qua sự đối chiếu các thang giá trị giữa thơ Việt và thơ Anh, Mỹ; bài “Tân hình thức - nghĩ về cách làm thơ” đăng trong số này, sẽ giúp cho bạn đọc hiểu kỹ hơn về thơ Tân hình thức Việt.
Những sáng tác mới đầy chất trữ tình tự sự góp mặt trong số báo này, cùng những hồi ức cũ xưa về thế giới, về một Huế thời quá vãng, hy vọng sẽ góp phần đem lại cho bạn đọc những phút giây thú vị khi lần giở Sông Hương.
Dưới đây là mục lục số tháng 4/2016
- Thư Tòa soạn
VĂN:
- CON ĐƯỜNG LÔNG NGỖNG BAY - Hà Khánh Linh
- ĐÔNG KINH MÙA LÁ ĐỔ - Song Cầm
- BỨC TRANH - Lê Minh Phong
THƠ:
ĐỨC SƠN - NGUYỄN MINH KHIÊM - VŨ DY - TRẦN VÕ THÀNH VĂN -
BÙI HOÀNG VŨ - VƯƠNG KIỀU - KHALY CHÀM - NGUYỄN HƯNG HẢI - VŨ ANH VŨ
NHẠC:
- SOI MÌNH VÀO CỔ XƯA - Nhạc: Nguyễn Việt & Thơ: Nguyễn Việt Chiến
- MỘT NÉT HUẾ - Nhạc: Lê Anh & Thơ: Từ Nguyễn - Bìa 4
NGHIÊN CỨU & BÌNH LUẬN:
- NHỮNG HÌNH THÁI DIỄN NGÔN MỚI TRONG TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ VIỆT NAM SAU ĐỔI MỚI - Nguyễn Văn Hùng
- TÂN HÌNH THỨC (Nghĩ về cách làm thơ) - Khế Iêm
CỬA SỔ NHÌN RA VĂN HỌC THẾ GIỚI ĐƯƠNG ĐẠI:
- MÓN QUÀ ĐÚNG NGHĨA - Alissa York - Lưu Diệu Vân chuyển ngữ
TÁC GIẢ - TÁC PHẨM & DƯ LUẬN:
- ĐÔI DÒNG TẢN MẠN VỀ CON-NGƯỜI-THƠ TRỊNH CÔNG SƠN - Lý Toàn Thắng
- ĐỂ CÓ PHÒNG TRANH “NIỆM” - Đặng Mậu Tựu
- “HÃY YÊU NHAU ĐI” - Chương trình văn nghệ của những người yêu nhạc Trịnh tại Huế
- “NIỆM” - Tuệ Ngọc - Bìa 2
- PHAN TUẤN ANH VÀ CÁC GÓC ĐỘ DIỄN GIẢI G.G.MÁRQUEZ - Phan Trọng Hoàng Linh
- NHIẾP ẢNH VÀ VĂN CHƯƠNG - NHỮNG CUỘC GẶP GỠ - Lê Viễn Phương - Bìa 3 & 78
- YẾU TỐ THỜI GIAN TRONG SƠN MÀI VÕ XUÂN HUY - Hoàng Diệp Lạc
Thơ: TỊNH THY - PHÙNG TẤN ĐÔNG
HUẾ - DÒNG CHẢY VĂN HÓA:
- KINH ĐÔ HUẾ, MÙA HÈ 1943 - Claudie Beaucarnot - Đặng Thị Kim Ly dịch
- Bìa 1: “NGƯỜI DU CA” - Tranh của ĐẶNG MẬU TỰU
- Minh họa: ĐẶNG MẬU TỰU, LÊ MINH PHONG, NHÍM
BAN BIÊN TẬP
(TG tổng hợp)