Tháng Mười, không gian Huế chuyển mùa từ những cơn mưa, tiết trời mát mẻ sau những ngày nắng đổ lửa của thời “biến đổi khí hậu”. Sự chuyển mùa lan cả sang cây lá đó, như thể đã bắt đầu từ lúng liếng dịu êm ánh mắt con gái, hay chính từ bàn tay mềm mại đong đầy nữ tính của họ, chảy vào những trang văn ngập ngời hứng khởi trong cõi nhân gian…
Không hẹn mà gặp, những trang văn trong số báo này, đa phần được góp mặt bởi các tác giả nữ. Truyện ngắn của Trần Băng Khuê vẫn khúc chiết với cõi lạ quen; phía sau sự lạnh lùng ráo hoảnh của cách kể, là ngọn lửa nồng nhiệt cháy như mạch than ngầm nóng bỏng, đầy ấn tượng bởi sự gợi mở của ý tưởng. Và, các nhà thơ sẽ nghĩ sao, khi tác giả truyện ngắn đã đề xuất một cách gọi mưa tâm linh cực kỳ mới mẻ: “mưa âm hồn”?
Thơ trong số này, như là những cuộc đối thoại thú vị của những nữ thi sĩ trước cuộc sống như là cõi chiêm nghiệm hữu hình đầy mơ hồ. Bạch Diệp trở lại Sông Hương với những bài thơ suy tư rất riêng, nhưng sao lại quá đỗi chênh chao khi đọc đến câu thơ này: “Phố nhỏ như bàn tay nhỏ/ hứng lấy là tràn ra nỗi buồn” (Với người bên kia đường). Nguyễn Hoàng Anh Thư, sau những dữ dội bung phá chữ nghĩa cũng có lúc ngồi lại “cúi xuống hốt ánh trăng đổ vào tán lá/ từng bông trăng nở/ trắng như hoa nguyệt quế” (Bên trong ấy có gì?). Hoàng Thúy, làm thơ giữa những giá vẽ ngổn ngang cũng có lúc muốn trở về (hay đi tìm?) một điều gì đó, cực kỳ phi lý song cũng cực kỳ có lý: “Lâu lâu muốn mua một ngày mưa gió/ đập cửa ngôi nhà lãng quên” (Một bài thơ vô lý). Và Như Quỳnh De Prelle, thơ đã bắt đầu như không thể tự nhiên hơn: “Mùa đông còn lại trên chiếc khăn choàng của em/ trên chiếc áo khoác dài…” (Mùa đông còn lại)…
Tất cả, đó chỉ có thể là sự mê hoặc.
Như tên gọi của một tiểu luận của nhà thơ tài danh người Mỹ, Dana Gioia, xuất hiện và trở nên gần gũi với bạn đọc Sông Hương những năm qua: “Thơ như niềm mê hoặc”, được giới thiệu trong số này và số tiếp theo. Đây là một tiểu luận xứng đáng để chúng ta đọc với một niềm hứng khởi, bởi nó đã được tác giả bắt đầu bởi những gợi mở xa xôi: “Tôi phải mượn một thuật ngữ cổ kính, enchantment, niềm mê hoặc. Nội cái từ này thôi hẳn cũng đủ khiến những độc giả có tinh thần trách nhiệm phải co rúm người lại. Tiếp theo nó sẽ là gì? Một trinh nữ với cây đàn ximbalum? Những chiếc tù và nơi xứ Yêu tinh mà thanh âm đang mờ dần?”
Chuyên mục “Huế - dòng chảy văn hóa”, được đóng góp bởi Hiệu Constant tường thuật từ nước Pháp: “Triển lãm và hội thảo bàn tròn về cuộc đời và sự nghiệp nghệ thuật của vua Hàm Nghi tại Paris”. Thật sự đã có thêm nhiều tư liệu hay và mới liên quan đến vua Hàm Nghi - một nhà vua yêu nước.
Kính chúc quý bạn đọc những ngày tháng Mười thật đẹp.
- HẤP HỐI - Trần Băng Khuê
- HUẾ PHẢI LUÔN SẠCH VÀ ĐẸP - Hà Khánh Linh
BẠCH DIỆP - NGUYỄN HOÀNG ANH THƯ - HOÀNG THÚY - PHAN LỆ DUNG
CHÂU THU HÀ - LƯU LY - NGUYỄN THỊ BÍCH PHƯỢNG - NGUYÊN HÀO
MAI VĂN HOAN - VƯƠNG KIỀU - VÕ CÔNG LIÊM - PHAN ĐẠO
NGUYỄN THIỀN NGHI - NHƯ QUỲNH DE PRELLE - HUYỀN THƯ
- DẠ KHÚC HUẾ - Nhạc: Thu Thủy & Thơ: Trần Hữu Hoàng
- LƯỢM MỘT VÌ SAO KHUYA - Nhạc: Lê Phùng & Thơ: Trần Hoàng Phố - Bìa 4
- THƠ NHƯ NIỀM MÊ HOẶC - Dana Gioia - Phạm Kiều Tùng dịch
- TÂM THỨC HIỆN SINH TRONG PHẤN THÔNG VÀNG - Trần Khánh Phong
CỬA SỔ NHÌN RA VĂN HỌC THẾ GIỚI ĐƯƠNG ĐẠI:
- SỰ ĐA DẠNG CỦA NHỮNG CHỦ NGHĨA NỮ QUYỀN VÀ NHỮNG ĐÓNG GÓP VÀO SỰ BÌNH ĐẲNG GIỚI - JUDITH LORBER - Hồ Liễu trích dịch
- CÔ ĐƠN KIỂU OCTAVIO PAZ - Tuệ Đan
- TRIỂN LÃM VÀ HỘI THẢO BÀN TRÒN VỀ CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP NGHỆ THUẬT CỦA VUA HÀM NGHI TẠI PARIS - Hiệu Constant
TÁC GIẢ - TÁC PHẨM & DƯ LUẬN:
- VỐN SỐNG & LAO ĐỘNG NHÀ VĂN - Nguyễn Khắc Phê
- ÂM HƯỞNG DÂN GIAN TRONG CA KHÚC NHẠC SĨ HOÀNG THI THƠ - Vĩnh Phúc
- THÁI KIM LAN - ĐÔI MẮT NGƯỜI SÔNG HƯƠNG - Nguyên Hương
- Bìa 1: “TÂM AN” - Tranh của NGUYỄN THỊ HUỆ
- Phụ bản bìa 3: “SUỐI NGUỒN TỪ BẤT HẠNH”- TUỆ NGỌC
- Những khoảnh khắc đẹp: “VƯỢT LÊN SỐ PHẬN” - Ảnh VÕ ĐÔNG BẢY
- Minh họa: ĐẶNG MẬU TỰU, NHÍM