Vào lúc 14h30 chiều ngày 07/04, Tạp chí Sông Hương đã tổ chức buổi trao đổi về vấn đề dịch thuật với sự góp mặt của đông đảo các nhà nghiên cứu cùng các bạn sinh viên.
Trước vấn đề toàn cầu hóa đang diễn ra ngày một sôi động trên thế giới, dịch thuật đóng vai trò to lớn trong công cuộc kết nối các nền kinh tế và văn hóa. Trong bối cảnh ấy, dịch thuật ngày càng nắm giữ vai trò trung tâm cũng như trung gian giữa sự thương thảo cần thiết của các quốc gia không chỉ trong khía cạnh đàm phán mà còn ở sự tiếp nhận và học hỏi di sản tinh thần từ những nền văn hóa, học thuật khác nhau.
Tại buổi nói chuyện, người nghe đã được ba dịch giả nổi tiếng đến từ Huế - Bửu Ý, Trần Ngọc Cư và Thái Kim Lan trình bày những kinh nghiệm cũng như những nhận định của mình về vấn đề dịch thuật quay xung quanh hai câu hỏi chính như dịch là gì và tình hình dịch thuật hiện nay đang diễn ra như thế nào?
Dịch giả Bửu Ý đã đưa ra ba nguyên tắc trong quá trình chuyển ngữ giữa tiếng Pháp và tiếng Việt. Thứ nhất, tiếng Pháp đặt nặng vấn đề mục đích, hành động. Thứ hai, tiếng Việt luôn luôn chú trọng thời gian, còn tiếng Pháp thì ngược lại. Thứ ba, câu tiếng Pháp chuộng danh từ, câu tiếng Việt chuộng động từ.
Với dịch giả Trần Ngọc Cư, vấn đề dịch thuật không chỉ chú trọng ở việc dịch từ ngữ, cú pháp mà còn nằm ở sự chuyển tải cả phần phiên âm sao cho đúng với nguyên văn. Cũng theo dịch giả, dịch thuật luôn được đặt trong một bộ khung văn hóa, mà đặc biệt là sự tương cận văn hóa giữa các quốc gia.
Dịch giả Thái Kim Lan tại buổi nói chuyện cũng đã chia sẻ không ít những trường hợp chuyển ngữ có phần chưa thật hợp lý từ một số bài thơ tiếng Đức sang tiếng Việt. Qua đó, dịch giả cũng đã nhấn mạnh đến quan niệm cần có khi dịch được gói gọn lại bởi ba từ: tín – đạt – nhã.
Hữu Cao