Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Văn nghệ sĩ Huế giao lưu cùng nhà thơ người Đức Jan Wagner
17:51 | 03/05/2017

Vào lúc 15h ngày 03/05, tại trụ sở Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Tạp chí Sông Hương, Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế phối hợp với Viện Goethe tại Hà Nội đã tổ chức cuộc giao lưu giữa văn nghệ sĩ Huế với nhà thơ Jan Wagner (CHLB Đức).

Văn nghệ sĩ Huế giao lưu cùng nhà thơ người Đức Jan Wagner

 J. Wagner sinh ngày 18. 10.1971 tại Hamburg CHLB Đức, nhà thơ, nhà văn và thông dịch viên. J. Wagner học các đại học Hamburg, Dublin (Tritiny College) và Berlin (Đại học Humbold), tốt nghiệp cử nhân văn chương về thơ,  sống ở Berlin từ năm 1995, hoạt động trên lãnh vực văn chương và thơ từ năm 1995. Nhiều bài thơ đã đăng trong các tuyển tập thơ (trong đó Der Große Conrady) và các báo văn chương tại Đức (Akzente, BELLA triste, Sinn und Form, Muschelhaufen). Với tư cách nhà phê bình văn học, J. Wagner viết điểm sách cho các báo và đài phát thanh. J. Wagner là hội viên của Viện Hàn Lâm Bayern về Mỹ thuật, Viện Hàn Lâm khoa học và văn chương tại Mainz, Viện Hàn Lâm Đức về ngôn ngữ và thi ca ở Darmtadt và của Trung Tâm văn bút PEN Đức.

Tập thơ  “Biến tấu thùng nước mưa” (Regentonnenvariationen) có 5 chương bao gồm 57 bài thơ đã đoạt giải Hội chợ sách Leipzig (Leipziger Buchmesse) ngày 12 tháng 3 năm 2015 trên lãnh vực mỹ văn (Belletristik). Đây là lần đầu tiên một tác phẩm thơ đoạt giải này.

Nhà thơ Wagner đọc thơ của mình

“Vẻ đẹp nơi thùng nước mưa nằm ở điểm, người ta tưởng rằng nó hoàn toàn không có. Hay là người ta không chú ý nó, thùng nước mưa là một trong những đồ vật mà ta ngày ngày đi ngang qua, chúng nằm trong một góc tối và ta bỏ quên không nhìn ra chúng nữa. Và chính chúng lại là những đối tượng có thể thành thơ“

Nghệ sĩ Ý Nhi diễn ngâm bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ

Thơ ca trong cảm nhận của J. Wagner khởi từ cái nhìn sâu vào mỗi hiện vật, dù là vật nhỏ bé đến đâu, như cái đinh, như con muỗi, mận gai, hoa gai bạc…chúng đều là đối tượng cảm hứng thơ của ông.  “Thơ của J. Wagner vì thế có tính trực quan, đặc thù, thông minh một cách khiêm tốn. Hoa cỏ, động vật, và số phận đổ nát của con người đều được nhà thơ đón nhận bằng cái nhìn thân thiết…” như nhận định của ban giám khảo.

Nhà thơ Mai Văn Hoan ngâm thơ tại buổi giao lưu

J. Wagner là nhà thơ của cái nhìn trực quan, đem đến cho người đọc nhiều thú vị bất ngờ, rằng hình như chúng ta đã có thể có lần đã nhìn, đã cảm, đã biết như thế, đã tưởng chỉ là những thứ tầm thường, đơn giản của cuộc sống chung quanh, bất ngờ chúng thành thơ… Cho nên chúng được làm thơ bằng ngôn ngữ giản đơn của đời thường, không văn hoa bay bổng, mộc mạc đến khổ độc nhưng đồng thời mời gọi sự chia xẻ của con người đời thường trong cuộc sống hàng ngày.

Ông Wilfried Eckstein - Giám đốc Viện Goethe Hà Nội phát biểu tại buổi giao lưu 

Có thể nói trong tính đặc thù, riêng tư của ngôn ngữ đời thường, thơ của Wagner lại lan tỏa đại đồng, một thứ lan tỏa im lặng như rễ cỏ dại “Giersch” đến nỗi thành thơ, nên thơ và nặng nợ truyền kiếp vì thơ (cỏ dại Giersch).

Một số ý kiến trao đổi đến từ các nhà nghiên cứu, dịch giả ở Huế

Ý kiến trao đổi từ dịch giả Trần Ngọc Cư

Ý kiến trao đổi từ nhà nghiên cứu Phạm Anh Nga

Ý kiến trao đổi từ nhà nghiên cứu Bửu Nam

Hữu Ân

Các bài mới
Các bài đã đăng