Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Đối thoại sử học “ Di sản Cố đô Huế với vấn đề Bảo tồn và Phát triển”
14:43 | 16/11/2018

Sáng ngày 16/11, Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên Huế phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức Diễn đàn Đối thoại sử học “ Di sản Cố đô Huế với vấn đề Bảo tồn và Phát triển”. 

Đối thoại sử học “ Di sản Cố đô Huế với vấn đề Bảo tồn và Phát triển”
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung phát biểu tại diễn đàn

Tham dự có ông Nguyễn Khoa Điềm - Nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, ông Nguyễn Dung – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, PGS.TS Đặng Văn Bài – Phó chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.

 


Huế là một đô thị cổ được hình thành hơn 700 năm, là Cố đô của Việt Nam. Hiện nay, Huế được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, là thành phố di sản văn hóa thế giới, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam…Với bề dày về văn hóa, lịch sử, Huế đã xác lập cho mình một bản sắc riêng. Chính bản sắc Huế cùng với những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần đã tạo ra sức hấp dẫn, thu hút và thuyết phục sâu rộng đối với trong nước và quốc tế.

Hội thảo đã thảo luận 5 chuyên đề do các chuyên gia, nhà quản lý trình bày gồm: “Đặc trưng di sản văn hóa Huế”; “Công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cố đô Huế”; “Vai trò của chính quyền các cấp và cơ quan quản lý trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cố đô Huế”; “Hợp tác quốc tế trong bảo tồn quần thể kiến trúc Huế”; “Di sản văn hóa cố đô Huế với phát triển du lịch”.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đã thảo luận nhiều vấn đề về công cuộc bảo tồn và phát triển các giá trị di sản của Cố đô Huế như: Việc nghiên cứu, bảo tồn, đầu tư cho Huế phải đồng bộ, toàn diện, quy mô và hợp tác trên phạm vi quốc tế; cần có kế hoạch nghiên cứu, sưu tầm, nhân bản các di sản mang tính tiêu biểu trong cả nước liên quan hoặc có nguồn gốc từ Huế để phục dựng đầy đủ diện mạo văn hóa Huế; Chú trọng công tác nghiên cứu trùng tu khu di tích Phan Bội Châu để bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử gắn liền với nhiệm vụ đối ngoại văn hóa và phát triển du lịch độc đáo của Huế hiện nay; Có chiến lược đầu tư phát triển điểm đến du lịch di sản cụ thể, rõ ràng để làm mới và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch di sản Huế nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách khi đến Huế; Tập trung quy hoạch chung thành phố Huế giai đoạn 2030 – 2050, quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương và quy hoạch không gian di sản trên địa bàn thành phố Huế và vùng lân cận; Khôi phục các nghề và làng nghề truyền thống, đẩy mạnh du lịch cộng đồng…; Cần tìm sự hài hòa cho khu phố trẻ sống chung bên cạnh di sản; Cần phải  gắn trách nhiệm của các cấp có thẩm quyền với người dân Huế và khách du lịch để phát triển bền vững. Gìn giữ và bảo tồn nét đẹp truyền thống, giá trị truyền thống của con người Huế, của văn hóa Huế từ đó biến nó thành nghệ thuật, thành bảo tàng sống một cách sinh động mà du khách khi đến Huế đều không thể bỏ qua.

Phương Anh

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng