Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Họp báo Dự án làm sạch Cổng Ngọ Môn, Đại nội Huế
15:05 | 15/03/2019

Sáng 15/3, tại hội trường khách sạn Indochine (TP Huế), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Công ty TNHH Một thành viên Karcher chuyên về công nghệ làm sạch tổ chức họp báo giới thiệu Dự án làm sạch Cổng Ngọ Môn, Đại nội Huế.

Họp báo Dự án làm sạch Cổng Ngọ Môn, Đại nội Huế

Dự án làm sạch Cổng Ngọ Môn, Đại nội Huế nằm trong chương trình Tài trợ văn hóa của tập đoàn Karcher từ năm 1980 và đến nay đã có hơn 100 dự án làm sạch được Karcher thực hiện trên toàn thế giới. Chương trình nhằm hỗ trợ miễn phí việc làm sạch cho các công trình có tính biểu tượng văn hóa, di tích lịch sử trên cả 5 châu lục, trong đó tiêu biểu là dự án làm sạch tượng Chúa Cứu Thế tại Rio De Janeiro, Brazil; Núi Rushmore – Khu tưởng niệm quốc gia, Mỹ; Hàng cột trên Quảng trường St Peter-Thành phố Vatican; cầu Nihonbashi, Nhật Bản;…

Theo đó, phương án này sử dụng công nghệ hơi nước nóng bằng cách sử dụng đầu phun đặc biệt để tạo ra áp lực hơi nước lên bề mặt đá vôi; lúc này, hệ thống gia nhiệt có thể tạo ra hơi nước với nhiệt độ tối đa khoảng 100°C, (nhiệt độ bình 155°C) để loại bỏ hoàn toàn các loại chất bẩn/ô nhiễm sinh học cũng như tiêu diệt chất bẩn ở dưới bề mặt, cư trú sâu hơn bên trong các lỗ đá nhờ vào nhiệt độ cao của nước nóng. Điều này đồng thời sẽ giúp thời gian phát triển trở lại của các tầng sinh học gây hại trở nên chậm hơn.

Ông Trần Trọng Hải - Tổng Giám Đốc Karcher Việt Nam chia sẻ, Cổng Ngọ Môn, Đại nội Huế là một di tích lịch sử gắn liền với đất cố đô Huế. Tuy nhiên, qua gần 200 năm tồn tại, di tích hiện đang bị tổn hại do các chất bẩn, ô nhiễm cũng như sự phát triển sinh học khác như rêu mốc, cây con xâm lấn, làm mất đi giá trị thẩm mỹ vốn có. Việc thực hiện các phương pháp phục hồi là hết sức cần thiết trong thời điểm này để có thể bảo tồn Ngọ Môn, một hình ảnh tiêu biểu thuộc Quần thể di tích cố đô Huế - Di sản văn hóa thế giới.

Thử nghiệm sử dụng máy phun hơi nước làm sạch Ngọ Môn ( Ảnh: Di sản Huế)


Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên Huế (Nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) cho biết: "Dự án làm sạch Cổng Ngọ Môn dự kiến sẽ kéo dài khoảng 15 ngày, việc làm sạch hoàn toàn không tác động màu sắc, chất liệu, mà chỉ là vệ sinh toàn bộ rêu mốc, vi sinh vật gây hại trên bề mặt công trình trả lại màu sắc nguyên thủy của nó chứ không phải làm mới lại công trình. Được biết, việc xử lý rêu mốc trên tường gạch đá Ngọ Môn sẽ tồn tại được từ 3 đến 5 năm. Sau Ngọ Môn, Trung tâm sẽ nghiên cứu và  tiếp tục phối hợp với Karcher làm sạch để bảo vệ tính bền vững cho nhiều công trình thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế được xây dựng bằng những vật liệu như gạch, đá, hay đường nền lót gạch Bát Tràng để hạn chế trơn trượt vào mùa mưa…"

Dự án làm sạch Cổng Ngọ Môn, Đại nội Huế không những góp phần tôn tạo cảnh quan và không gian di sản hoàn chỉnh trong Quần thể Di tích Cố đô Huế, tạo ra một điểm nhấn mới thu hút khách tham quan, mà còn thể hiện cam kết của Karcher trong việc hỗ trợ bảo tồn các di sản văn hóa lâu đời tại Việt Nam.

Phương Anh

 

 

 

 


 

Các bài mới
Các bài đã đăng